26 May 2020

NHỮNG CÁNH CỬA HÉ… - Bùi Bích Hà


Chị đúng là một giai nhân. Chị có nét thanh mảnh, vẻ sinh động của phương Tây ở khuôn mặt vuông, nhẹ nhõm, sống mũi thon, cao vừa phải, đặc biệt cánh môi cong lên ở hai khóe khiến chị nhìn lúc nào cũng như ngậm một nụ cười hàm tiếu. Tất cả sức sống tươi mát của chị gom vào ánh mắt long lanh, khuôn mắt không thể không làm nhớ Văn Cao với Bến Xuân: mắt em như dáng thuyền soi nước… Chị giữ thân hình săn gọn, phục sức với khiếu thẩm mỹ tinh tế.

Qua tuổi 70, chị nhìn trẻ hơn tuổi nhiều. Ở những bước đi nhanh nhẹn. Ở tiếng nói trong, làn da ăn phấn mịn màng. Ở mái tóc lơi từng sợi bồng bềnh. Ở sự tươi mát thách đố thời gian. Chị có một công việc làm nhàn hạ, di chuyển hàng tuần giữa hai thành phố biển có những bãi biển đẹp nhất Nam California.
Tôi biết chị qua bạn bè chung đã hơn hai thập niên. Mỗi khi gặp gỡ hay nhìn thấy chị đâu đó, cảm giác chị như một vệt nắng thấp thoáng trong đám đông. Nếu gần gũi hơn, sẽ nghe chị cười chào với giọng nói reo vui thường lệ.
Bạn bè kháo nhau chị có người tri kỷ. Mỗi cuối tuần họ gặp nhau một lần. Để đi uống cà phê. Đi ăn điểm tâm. Đi ăn trưa, ăn tối. Đi nghe nhạc, khiêu vũ hoặc xem phim. Họ đem cho nhau niềm vui, an bình, nhẹ nhàng, không đòi hỏi, không ràng buộc. Xen kẽ giữa khoảng thời gian này, cả hai vẫn có thời khóa biểu riêng ở cái thành phố họ hẹn hò. Phần chị, chị chọn sinh hoạt trong một tổ chức chăm sóc phần tâm linh cho các hội viên và nhân đó, chị cũng tự chăm sóc mình.
Hai mươi năm, khi nhìn lại, thấy như một áng mây qua. Ở nhiều người khi bắt đầu bước vào hoàng hôn đời mình, sự thay đổi ngoại hình là điều gần như không thể tránh. Tuy nhiên, mỗi khi thỉnh thoảng gặp lại chị trong thời khoảng nói trên, tôi thật sự không thấy thời gian để lại dấu vết ở bất cứ nơi nào trên dung nhan luôn tươi mát và phong cách thanh lịch, nhẹ nhàng của chị. Bạn bè chung lại kháo nhau chị được như thế là vì chị may mắn có cuộc sống dễ dàng, đầy đủ, không phải lo toan. Chị có nguời tinh thủy chung. Chị có tài chánh rộng rãi. Chị có sức khỏe để đi đó đi đây, vui chơi nhàn nhã.
Tôi cũng phần nào chia sẻ với bạn bè chung cách nhìn và nghĩ về chị. Riêng trong thâm tâm mình, cảm giác của tôi mỗi khi có dịp gặp gỡ, trao đổi vài ba câu chuyện với chị, dư âm để lại sau khi chia tay là vẻ đẹp hết sức trau chuốt mà kín đáo, giọng nói trong và ấm, đôi cánh môi cong của một bông hoa hé cánh và ánh mắt lấp lánh vui của chị. Nếu Hạnh Phúc cần có một chân dung, có thể nhìn thấy ở chị đôi nét phác họa.
Tất cả chỉ có vậy. Suốt 20 năm.
Một tối giữa tháng hai vừa qua, trong lúc nằm bệnh viện, tôi bất ngờ nhận được text của chị trên điện thoại. Nội dung ngoài thăm hỏi, chúc lành, chị gửi cho tôi một tấm ảnh với hai ngọn nến cháy trong hai cái cốc thủy tinh hồng ánh lửa và bó hoa với những bông mãn khai. Chị chúc tôi giấc ngủ bình an.
Đêm bệnh viện trong căn phòng trắng toát tôi nằm, rất buồn, rất yên lặng. Không một tiếng động khẽ ngoài chốc chốc, cái máy đo áp huyết gắn sẵn ở cánh tay tôi lùng bùng chạy. Tấm ảnh chị gửi như người bạn đến thăm bất ngờ, đánh thức thân xác mệt mỏi và thần trí lãng đãng của tôi. Tôi thầm cảm ơn chị nhưng không muốn hồi âm bằng một lời khách sáo.
Tấm ảnh đến trong ngày hôm sau là một bình hoa ròn rã màu xanh của lá và màu trắng phớt hồng tôi đoán là của hoa chanh hay hoa bưởi, khiến tôi bùi ngùi nhớ lại tôi ngày nào bé dại trong khu vườn tuổi thơ ở Huế, mẹ tôi thường hái hoa bưởi để ướp mía, làm tráng miệng cho cả nhà những chiều mùa Hè nóng nực.
Tuần tự mỗi ngày, những tấm ảnh đẹp đến với tôi, mang theo chúng cả thiên nhiên hừng hực sức sống và màu sắc. Này là rừng vào thu với lá đổi màu và dòng thác trắng xóa hiền hòa đổ nước qua ghềnh đá. Này là một mặt sông hay hồ êm ả với những cành hoa đào soi bóng nước lấp loáng nắng ban mai. Này là những đóa hồng nây nả “tung tăng dưới bầu trời xanh cao, mang sự vui vẻ, khỏe mạnh đến với chị” (câu viết kèm theo) Này là những bậc đi lên của con đường mòn chạy giữa hai bờ kỳ hoa dị thảo (Chị ơi, gắng lên!) Này là bữa tiệc lạ bày giữa rừng thông như trong câu chuyện thần thoại, trang hoàng với những cen-ter-pieces tuyệt đẹp. Này là đàn chim hạc trong mùa thiên di bay trong hoàng hôn, dưới ánh trăng non hay bay trong sớm mai hồng khi vầng trăng khuya còn lận đận ở chân trời mạ bạc?
Ôi, những tấm ảnh nhiều vô kể, mỗi tấm mang theo với nó một ngụ ý chọn lọc tinh tế như tâm hồn chị, bao dung hơn tôi có thể nghĩ. “Chị cứ nhận sự quan tâm của em! Chị không nhất thiết phải hồi âm nhé!”
Tôi dần nhận ra những tấm ảnh phong cảnh ngỡ như bất động ấy có sức hồi sinh rất mạnh. Của thiên nhiên vạm vỡ, luôn đổi mới, luôn rực rỡ, xanh tươi, từng phút giây không ngừng tái tạo trên mỗi phai tàn. Tôi thấy tôi đẫm mình trong những cảnh trí bát ngát, thần tiên ấy, thở đầy phổi và trong khắp châu thân những không gian tràn trề mạch sống, khinh khoái, thơm tho, rộng lớn nhiều lần hơn không gian căn phòng bệnh viện hay căn phòng tôi ra vào hàng ngày trong ngôi nhà nhỏ. Tôi cũng nhận ra tâm hồn chị, cuộc sống chị có những biên giới, những cảnh quan tôi chưa bao giờ hình dung một lần suốt hai thập niên được cho là quen biết chị. Bây giờ thì tôi lờ mờ hiểu ra nguồn gốc sự tươi trẻ, nét ung dung của chị vượt qua thời gian và tuổi tác. Nếu nguồn gốc ấy không phát sinh và được nuôi dưỡng trong trái tim, trong bản thân chị, không thể tìm được nó ở đâu khác.
Cảm tạ tấm lòng từ ái vô biên của em, đã cho chị cơ hội theo dấu chân em qua cuộc hành trình tuyệt đẹp ở cõi nhân gian cô quạnh này.
*
Chiều ngày 23 Tháng Hai vừa qua, một chương trình ca nhạc tưởng niệm nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng nhân lễ giỗ lần thứ 20 ngày ông mất, đã trang trọng diễn ra tại nhà hàng Moonlight, thành phố Westminster. Dịp này, thính giả hâm mộ tài năng của cố nhạc sĩ qua dòng nhạc đa dạng, sâu lắng, nhiều thể loại ông để lại, có cơ hội khám phá thêm một “góc khuất” trong tâm hồn ông chưa bao giờ có ai đã được thấy qua hay nghe qua dù chỉ thấp thoáng xung quanh ông.
“Mang ơn em trao tình một lần, là kỷ niệm dù không đầm ấm…” Nhân vật EM trong ca từ trên, là linh hồn của buổi diễn chiều nay, bà ĐTT, đã bất ngờ xuất hiện trên hàng ghế đầu. Nói “bất ngờ” là với khán thính giả ngồi chật hội trường thôi vì các thành viên trong Ban Tổ Chức thì biết rõ họ đã cùng bà làm việc với sự cẩn trọng như thế nào, trong bao nhiêu ngày tháng miệt mài để thực hiện dự án một cách hoàn hảo nhất trong từng chi tiết nhỏ. Một vài vị nhận xét bà ĐTT trông xuề xòa, giản dị, rất khác với bà trong vai trò là người tổ chức chiều nhạc tưởng niệm Trầm Tử Thiêng sau hai mươi năm họ không còn nhìn thấy nhau. Bà “rất khó” trong mỗi lựa chọn, mỗi sắp đặt, từ nhân sự đến chương trình. Những nhận xét ấy sẽ không sai đối với những ai từng mến mộ và biết nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng thuở sinh tiền. Tôi không có vinh hạnh được biết bà ĐTT nhưng tôi thật sự cảm kích thấy “nửa kia” của người đã về thiên cổ, âm thầm tưởng niệm cố nhân ở một điều thâm sâu nhất, trân quý nhất ở ông, mà nhờ đó, bà đã phân biệt ông với nhân gian còn lại. Là nghệ sĩ nhưng ông không phóng túng mà cầu toàn. Ông sống nghiêm túc từ bản chất, tự trọng và tôn trọng người khác. Ông yêu cuộc đời, gần như tôn thờ mỗi giây phút ông có. Buồn hay vui, khổ đau hay hạnh phúc, ông luôn tìm cách thăng hoa nó và làm đẹp con người. “Mang ơn em đau khổ thật đầy, dù nắng vàng bị nhốt trong mây.” Cả đớn đau, cả phụ phàng, với ông cũng huy hoàng, rực rỡ.
Tôi đến Mỹ giữa thập niên 80, có lẽ cùng thời điểm với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Chúng tôi ba người, Trầm Tử Thiêng, Trần Đình Quân và tôi, liêu xiêu gặp nhau ở Tòa Soạn Báo Người Việt, mỗi người có chuyên môn riêng. Anh TĐQ cũng là một nhạc sĩ thành danh trước 1975 và là bạn thân thiết với anh TTT. Chúng tôi chỉ có một thời gian ngắn làm việc bên cạnh nhau trước khi anh TĐQ đoàn tụ gia đình với chị và hai cháu, trước khi tôi chính thức có một công việc toàn thời gian tại một công ty sản xuất y cụ lớn của người Mỹ, có bảo hiểm sức khỏe cho cả ba mẹ con, là thứ ai đã ở Mỹ đều biết không thể không có nếu không muốn lệ thuộc trợ cấp y tế của chính phủ. Vì hoàn cảnh sinh sống thay đổi, chúng tôi như giòng sông rẽ nhánh, mỗi người trôi theo cảnh đời riêng. Chỉ ít lâu sau, anh TĐQ lâm bệnh. Anh TTT chắc đã trải qua nỗi buồn dù chưa tử biệt cũng là sinh ly. Phần tôi rất ít gặp anh TTT vì cả hai đều bận bịu với những thời khóa biểu khác biệt nên ai đâu yên đấy, biêt rằng tình bạn giữa chúng tôi không là rượu mà như ly nước lọc, trong trẻo, tinh khiết, không mùi vị cũng không biến chất, lúc nào cũng sẵn sàng cho nhau khi cần. Lần sau cùng tôi gặp anh TTT là do anh gọi và hẹn. Khi tôi đến, anh đã ngồi sẵn ở chiếc bàn ngay cửa vào, có lẽ để tôi dễ nhìn thấy anh, chiếc cặp da trước mặt. Thời gian qua đã lâu, tôi chỉ còn nhớ mang máng dường như đó là tiệm Acapulco của người Mễ ở Costa Mesa. Thấy anh lặng lẽ khác thường, tôi hơi ngạc nhiên, nghĩ là anh băn khoăn điều gì nên tôi tự nhủ hãy yên lặng chờ. Thế nhưng anh không nói gì, thậm chí cũng không nhìn tôi, dáng vẻ như anh đang đợi thêm một ai nữa. Như thế cho đến lúc anh bỗng đứng dậy, cầm chiếc cặp lên tay và sửa soạn bước ra, làm như anh quên mục đích gọi tôi đến gặp anh về việc gì? Tôi theo anh đến cửa, anh hỏi tôi như một lời chào, không cần câu đáp lại: “Chị vẫn làm ca chiều hả? Các cháu có ngoan không?” Vài tuần sau, ai đó báo tin cho tôi biết dường như anh bị bệnh nhưng anh tuyệt đối không muốn thăm hỏi. Tôi lờ mờ đoán ra lý do buổi gặp mặt lạ lùng hôm nọ, chợt nghĩ có thể đó là lần cuối. Những tác phẩm anh sáng tác trong thời gian này, lạ thay, lại ngùn ngụt sức sống, chan chứa tình người và bừng bừng hy vọng cho Một Ngày Việt Nam rạng rở tái sinh.
Anh tận tụy, chí tình với bằng hữu nhưng không khoan nhượng. Với chhính bản thân, anh đặt cho mình những tiêu chuẩn cao, đòi hỏi sự hoàn hảo. Anh là một người rất tử tế nhưng anh ần mật, giấu kỹ mình trong một cõi riêng. Những gì cần bộc lộ, anh dùng ngôn ngữ và thanh âm biến chúng thành ngọc ngà, châu báu, thành lễ vật thiêng liêng trao tặng nhân gian. Anh không lèm bèm thở than. Anh không bán rao tâm sự. Anh là người nghệ sĩ duy nhất mà tôi biết, thâm trầm như núi non, sâu kín như đại dương, không một ai một lần nào chạm đến cái biên giới riêng tư mà ai đã biết anh, cũng biết rằng không ai nên thử bước qua và mất anh mãi mãi.
Nhạc sĩ TTT đến trong cuộc đời như vầng mây ngũ sắc, vui chơi trên thượng tầng thanh khí rồi như sương khói tan vào hư vô. Có bao nhiêu trong số tân khách tham dự buổi tưởng niệm anh chiều hôm ấy đến để nghe lại tiếng lòng mình một thời đã qua, được anh viết thành giai điệu cho người người hát lên ru đời nhau và bao nhiêu đã hình dung ra anh với cuộc sống của người hành giả quạnh hiu, ôm giữ niềm tín thác riêng mình và rất đang hoàng đi qua “vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ,” gieo những hạt giống lành hiếm hoi trước khi trở thành “huyền thoại.”
Có lẽ chỉ một người trong chiều nay, tưởng nhớ anh trong tất cả những gì anh đã thật là, với chị, với cuộc đời, với mọi người, mãi mãi. Cảm ơn chị, chị ĐTT, sau hai mươi năm, đã thắp lên cho anh một đỉnh trầm hương.

Bùi Bích Hà