Một buổi sáng đầu Tháng Tư, giữa đại dịch cúm Vũ Hán, bạn
tôi điện thư chia sẻ một bài thơ chị mới nhận được từ con trai, nguyên văn như
sau:
“Someone posted this poem on Facebook.
We fell asleep in one world, and woke up in another.
Suddenly Disney is out of magic,
Paris is no longer romantic,
The Chinese wall is no longer a fortress, and
Mecca is empty.
Hugs & kisses suddenly become weapons, and
not visiting parents & friends becomes an act of love.
Suddenly you realise that power, beauty & money
are worthless, and can’t get you the oxygen you’re
fighting for.
The world continues its life and it is beautiful.
It only puts humans in cages.
I think it’s sending us a message:
You are not necessary. The air, earth, water and
sky without you are fine. When you come back,
remember that you are my guests. Not my
masters.”
Bài thơ rất hay, không có tên tác giả. Có thể là con trai chị,
với chút rụt rè trong bài thơ đầu tiên do cảm xúc bất ngờ. Có thể là chủ nhân
tài khoản Facebook đã đăng bài thơ. Có thể là một ai đó vô tình hay cố ý không
ký tên vì chẳng ai sở hữu gì trong cái thế giới đang bị dịch hoành hành này.
Bao nhiêu thành phố đóng cửa lúc nửa đêm để tránh dịch lây
lan?
Bao nhiêu thành phố rộn rịp, náo nhiệt khi mọi người đi ngủ
rối thức dậy không một bóng người, bóng xe, không một tiếng động? Đâu rồi cảnh
giới thần tiên của địa đàng Disney? Paris đã hết nên thơ và New York không còn
sừng sững thách thức nữa. Vạn Lý Trường Thành thôi là pháo đài đồn lũy và thánh
địa Mecca hoàn toàn hoang vắng.
Ôm nhau, hôn nhau bỗng trở thành nguy hiểm. Con cái không
thăm viếng cha mẹ, bạn bè không thăm viếng nhau là bày tỏ tình yêu.
Trong thoáng giây, người ta ngộ ra quyền lực, nhan sắc và của
cải đều vô nghĩa, không thể đánh đổi dưỡng khí cho buồng ngực thoi thóp kêu
đòi.
Thế giới vẫn tiếp tục sinh tồn và đời vẫn đẹp, chỉ là con
người bị giam giữ trong những cái lồng.
Tôi nghĩ có một thông điệp cho chúng ta: “Loài người không cần
thiết. Bầu trời, quả đất, sông biển vẫn an nhiên không cần con người có mặt. Nếu
có khi nào tái sinh, hãy nhớ con người là khách, không là chủ nhân của vũ trụ
này.”
Có vẻ như thiên nhiên không cần con người thật vì rừng có
nhiều loại gỗ quý, đại thụ sống hàng nghìn năm; có những giống lan hiếm, đẹp và
thơm tự mình, không cần tay người chăm bẵm; có đủ loài muông thú từ to lớn,
hung dữ đến bé xíu hiền hậu, cả triệu triệu sinh vật muôn loài, muôn vẻ, là cư
dân trên trái đất tuy phải tranh sống theo định luật mạnh được yếu thua song
không làm hại bầu trời và địa cầu như loài người.
Tuy nhiên, có lẽ Thượng Đế không thể không khai sinh con người
để hoàn thành ý nghĩa những công trình tạo tác của ngài vì không có con người
thì thiên nhiên không được thưởng thức và lấy cái gì mà ngợi khen vẻ đẹp, sự
hùng vĩ, sức sống màu nhiệm tuyệt vời làm nên quả đất lung linh màu sắc này?
Quả đáng tội, từ con người thuở ban sơ, đất rộng, người
thưa, sống chui rúc trong hang động có sẵn, ăn bốc, ngủ đất, lấy lá cây che
thân, trí khôn chỉ dùng để tự vệ và kiếm lương thực hằng ngày bằng cách giết và
ăn thịt những sinh vật yếu hơn nó, trí khôn ấy phát triển với thời gian, với những
thử thách Thượng Đế cài đặt đó đây trên hành trình sinh tồn của nó nên được mài
dũa ngày một sắc bén và tinh tế hơn.
Có lẽ Thượng Đế đã tiên đoán đường bay của mũi tên một khi đặt
trên dây cung nên ngài không quên thiết lập một giới hạn cho loài người: Khi
sinh ra cũng là khi bắt đầu già nua và… chết. Để chống lại sự khắc nghiệt và bất
công này, những đứa con tài ba và ngỗ nghịch của Thượng Đế bảo nhau: “Hãy sống,
làm việc và cống hiến như không bao giờ chết.” Đối với thành phần nhân loại ưu
tú này, chết là vắng mặt nhưng không có gì hoàn toàn mất vì họ để lại nhiều di
sản quý giá cho người sau tiếp tục.
Trong dịch COVID-19, Việt
Nam chỉ còn là bức tranh tĩnh vật tuyệt đẹp trong ống kính của duy nhất một nhiếp
ảnh gia cô đơn. (Hình minh họa: Manan Vatsyayana/AFP via Getty Images)
Năm tháng qua, mùa trong trời đất cũng theo nhau qua, nhiều
thế hệ nhân loại đã đến mặt đất này rồi đi nhưng mọi thành tựu hữu ích cho con
người ở lại. Hoa cỏ trong thiên nhiên thường có dược tính chữa được các bệnh vặt
nhưng cũng có loài độc dược. Quả trên cành không phải quả nào cũng đầy đủ nắng
gió để thơm ngon như nhau. Từ một gốc sản sinh nhưng con người không hoàn toàn
là phiên bản rập khuôn nhau.
Thừa hưởng thông minh Thượng Đế ban cho ở mức độ hơn kém, có
người “biết cách ăn cắp tài sản trí tuệ của Thượng Đế” (Trần Doãn Nho) nhưng
nghĩ là mình hơn Thượng Đế, làm ra những sản phẩm khiếm khuyết mà không sửa chữa
được vì không thực sự có quyền năng của Thượng Đế. Đó là tạo sinh con cừu Dolly
bằng thử nghiệm sinh học trong phòng nghiên cứu của Viện Roslin được chính phủ
Anh Quốc tài trợ. Dolly ra đời, giống hệt mẹ về cả hình dáng lẫn tính tình, được
xem là bước thành công đột phá của nhóm nghiên cứu trong công nghệ nhân bản tạo
ra mầm sống từ một tế bào động vật trưởng thành.
Quá trình lâu dài này phải trả một giá không rẻ: chất xám và
thời gian của các khoa học gia, sự hy sinh vô nghĩa của những con thú vô tội.
Trong 277 quả trứng từ một con cừu cái kết hợp với tế bào vú của cừu mẹ chỉ có
29 phôi được tạo thành và chỉ có ba cừu con được sinh ra mà Dolly duy nhất sống
sót. Chưa hết, vì lý do bảo mật, Dolly đã phải sống cả cuộc đời ngắn ngủi bảy
năm của nó trong phòng thí nghiệm, được xếp đặt cho thụ tinh với cừu đực và trải
qua ba lần sinh nở với tổng cộng sáu đứa con, lần đầu sinh một (1998), lần hai
sinh đôi (1999), lần ba sinh ba (2000).
Mùa Thu năm 2001, lúc 5 tuổi, Dolly bị chứng viêm khớp, đi lại
khó khăn, được chữa trị khỏi. Ngày 14 Tháng Hai, 2003, Dolly bị bệnh phổi nặng
và được tiêm thuốc cho ngủ giấc ngàn thu. Vẫn chưa xong, hy sinh cuối cùng của
nó là phải giúp các nhà nghiên cứu có câu trả lời về lý do nó chết non. Người
ta tìm ra telomere (đoạn cuối DNA) của Dolly rất ngắn, thường thấy nơi hiện tượng
lão hóa của động vật và loài người. Công luận dậy sóng một thời về mục đích vô
luân của công trình tạo sinh vô tính, đẻ ra những sinh vật quặt quẹo như Dolly.
Để làm gì? Tranh quyền Thượng Đế ư? Nối dài đời người hơn một kiếp trần gian ư?
Cũng như mọi biến cố xảy ra, qua lúc hiểm nguy ồn ào, huyên
náo hay lặng lẽ đến tê dại như thời dịch COVID-19, tất cả sẽ nhanh chóng chìm
vào quên lãng ngoại trừ các nhân vật “phi thường” vẫn nuôi tham vọng phi thường
nhiều lần hơn khả năng họ có. Hết phòng thí nghiệm Roslin, Anh Quốc, đến phòng
thí nghiệm Vũ Hán với giấc mơ thống lĩnh thế giới rất ngông cuồng của nhiều thế
hệ cầm quyền một nước Tàu Cộng Sản với dân số một tỷ ba trăm triệu dân, không đủ
lương thực để ăn, không đủ đất để sinh sôi nảy nở, chống nạn nhân mãn chỉ có một
cách bóp mũi các bào thai gái. Họ tự hào với lịch sử thôn tính các chư hầu, với
Vạn Lý Trường Thành tô son điểm phấn lại, với văn hóa Khổng Mạnh một thời mẫu mực,
với danh lam thắng tích mỹ lệ lưu dấu người xưa cùng bao nhiêu truyền thuyết cổ
dễ làm mê đắm lòng người.
Từ nhiều năm qua, khối dân chúng thấp cổ bé miệng khắp nơi
trên hoàn vũ không ai biết Tàu Cộng đã âm thầm làm những gì ở phòng thí nghiệm
Vũ Hán được nước Pháp giúp hình thành với tiêu chuẩn an ninh được xem là tột bực,
với trợ giúp tài chánh của nước Mỹ năm 2015 khi có tổng thống Dân Chủ ngồi ở Bạch
Ốc, tới $3 triệu 700 ngàn, với cả sự đầu tư không biết là ở con số nào của một
tỷ phú Hoa Kỳ làm chủ một quỹ từ thiện lớn nhất hành tinh loài người.
Chỉ biết khi một ngày cuối năm 2019, con siêu vi Corona từ
nơi này xổng cũi xông ra phá nát gần hết cuộc sống yên vui và phồn thịnh của thế
giới nhưng đủ thông minh để miễn trừ thủ phủ chính trị và tài chánh cùng thành
phần chóp bu của Tàu Cộng được coi là ông chủ đã sản sinh ra và nuôi dưỡng nó.
Cho tới trưa ngày Thứ Tư, 22 Tháng Tư, 2020, thế giới có
2,621,499 trường hợp lây nhiễm và 182,991 người qua đời vì COVID-19.
Chết là thiên thu vĩnh biệt nhưng sống con người cũng cách
chia, nhìn nhau nghi hoặc và tiếc nhau từng nụ hôn:
“Hôn em anh rất khát khao
sợ con Vũ Hán dạt dào quanh môi
anh ơi em xét nghiệm rồi
anh chưa, em mới là người phải kiêng”
(Ai Kiêng? thơ Nguyễn Hàn Chung)
Bà mẹ nhớ xót xa một vòng ôm gần gụi:
“Đi ngang vườn nhà con gái
Hái được một nhánh hoa trà
Mẹ, con nhìn nhau qua cửa
Hoa gần mà con thật xa.”
(Hoa Trà, thơ Trần Mộng Tú)
Con gái lại càng sợ lây siêu vi làm khổ mẹ:
“Con hái trong vườn nhà con
Một chùm kim hương màu đỏ
Mở cửa nhà mẹ lén vào
Đặt hoa, chạy ra theo gió.”
(Hoa Kim Hương, thơ Trần Mộng Tú)
Người chị buồn tủi bên mộ phần em gái:
“Hoa thủy tiên vàng bụi nhỏ
Ngập ngừng nở trong nghĩa trang
Người phu cô đơn dựng cuốc
Hai người thôi, một đám tang.”
(Hoa Thủy Tiên, thơ Trần Mộng Tú)
Nhìn những con đường Sài Gòn nối tiếp nhau bình thường xôn
xao, ồn ã, nhếch nhác, lôi thôi nhưng đầy sức sống, hỏi thầm mấy triệu sinh
linh của một thành phố sáng đêm rộn ràng như nồi nước sôi trên bếp đâu hết rồi?
Sài Gòn trong dịch COVID-19 chỉ còn là bức tranh tĩnh vật tuyệt đẹp trong ống
kính của duy nhất một nhiếp ảnh gia cô đơn chưa bao giờ thấy Sài Gòn như thế.
Nhìn những con đường Quận Cam thân quen bình thường lũ lượt
xe cộ ngược xuôi bây giờ vắng lặng, các nhà hàng thanh lịch lao xao người vào
ra giờ đây cửa đóng im lìm. Hàng cây hai bên đường nhớ vai người bộ hành cũng
buồn không rụng lá nên không có xe quét mà sạch như lụa mới ai phơi dưới nắng
trưa.
Có lẽ Thượng Đế cũng buồn khi chỉ tạo ra thiên nhiên có cái
đẹp hoàn hảo của một bức danh họa bất động nên Thượng Đế tạo thêm con người với
nhiều lầm lỗi nhưng nó có ngũ quan và một trái tim đầy xúc cảm, là cây đàn muôn
điệu cống hiến cho đời những thanh âm buồn vui. Phần thưởng của nó là thời gian
đi qua mặt đất như một người khách trọ (trong nhạc của Trịnh Công Sơn) hay như
lời nhắn nhủ trong bài thơ con trai bạn tôi gửi cho mẹ một buổi sáng Tháng Tư
buồn ở quê người.
Gặp gỡ hay từ giã, gần gũi hay chia lìa, qua đại dịch
COVID-19, người khách trọ hãy biết trước biệt ly nằm sẵn trong thân phận mình.
Để bớt đau thương.
Bùi Bích Hà