"Khi giới trẻ HK ngồi tọa kháng phản đối Trung Quốc
thì giới trẻ VN cũng ngồi cả đêm ngoài trời để đợi mua điện thoại iPhone, giày
Nike & Adidas v.v..." - F.B Từ Đức
Minh.
Vài tiếng đồng hồ sau, sau khi Joshua Wong (Hoàng Chi
Phong 黃之鋒)
ra tù, - vào hôm 17 tháng 6 năm 2019 - cô giáo Thảo
Dân đã gửi đến cộng đồng mạng một stt ngắn: “Con Nhà Người
Ta.” Xin được ghi lại đôi ba đoạn chính:
"Hoàng Chí Phong ra tù với một chồng sách trên tay,
gương mặt tự tin ngời sáng. Tôi tin, những tù nhân lương tâm trẻ tuổi của chúng
ta, nếu không bị tước đoạt quyền được đọc sách báo trong tù, thì khi được trả tự
do, họ cũng như vậy…
Hoàng Chi Phong ra tù. Hàng loạt hãng thông tấn quây
quanh anh phỏng vấn. Những câu trả lời của anh đầy trí tuệ, nhiệt huyết và dũng
cảm. Tôi tin, nếu những tù nhân lương tâm trẻ tuổi của chúng ta được phép tự do
tiếp xúc báo chí, họ cũng thể hiện khí chất không kém.
Nhưng. Họ không được thể hiện những gì mà Hoàng Chi
Phong thể hiện. Vì sao, ai cũng biết câu trả lời… Tôi hỏi, Các anh chị đã làm
gì để tuổi trẻ đất nước này thay đổi? Có dám chia sẻ, bàn luận với chính anh
em, con cháu mình về những gì đã và đang xảy ra trước mắt hay chỉ muốn con người
ta đổ máu còn con mình hưởng bình an?"
...
Nhưng hãy nhớ cho, tụi nhỏ bị nhồi sọ cho tới tê liệt khả
năng phản kháng, từ mẫu giáo đã phải hưởng một nền giáo dục đóng khuôn tư duy,
bắt học tập gương ông này ông nọ, hoàn toàn không được tự do phát triển như
“con người ta”. Bởi vậy, ca ngợi tuổi trẻ Hong Kong thì tốt rồi, nhưng học được
như “bố mẹ người ta” đi đã rồi hãy buông lời thất vọng."
Cô giáo Thảo Dân khiến tôi thốt nhớ đến đôi ba nhà
giáo mà mình có quen, hoặc biết:
Nguyễn Chí Thiện (1939-2012). Sau khi nhà thơ qua đời,
nhà phê bình văn học Thụy
Khuê đã ghi lại vài dòng về tiểu sử của ông:
Năm 1960, ở tuổi 21, vì trót giảng cho học trò đúng sự thật
về một đoạn lịch sử thế chiến thứ hai, Nguyễn Chí Thiện phạm tội “phản tuyên
truyền”, bị kết án hai năm, nhưng phải tù 3 năm rưỡi, cho đến 1964. Năm 1966, bị
tình nghi làm thơ chống chế độ, lại bị bắt, bị tù 11 năm, 1977 được thả. Năm
1979 đến toà đại sứ Anh gửi hay “ném” tập thơ Hoa địa ngục, bị bắt tức khắc. Bị
tù 12 năm, đến 1991. Trước sau tổng cộng 27 năm.
Về “sự cố” này (“trót giảng cho học trò đúng sự thật”)
có hôm tôi cũng được nghe Nguyễn Chí Thiện nói thêm - đôi câu - khi ông
vui miệng: “Mình đi dậy thế cho người bạn vài buổi, chứ có phải
là thầy giáo đâu. Tiện dịp thì cũng giải thích cho học sinh biết
rằng Nhật đầu hàng trong cuộc Thế Chiến vừa qua là vì hai quả bom
nguyên tử của Mỹ thả xuống Nagasaki và Hiroshima, chứ không phải vì
thua trận với Nga. Vậy mà hồi 61 bị đi tù vì tội phản tuyên truyền.”
Đúng sáu mươi năm sau thì đến lượt nhà giáo Nguyễn
Năng Tĩnh vào tù. Bản tin của BBC (“Thầy Giáo Dạy
Trò Bài Hát ‘Trả Lại Cho Dân’ Bị Khởi Tố”) đọc được hôm 31 tháng 5, có
đoạn như sau:
"Sau tin ông Tĩnh bị bắt, mạng xã hội lan truyền
video ông Tĩnh dạy học sinh hát bài “Trả lại cho dân”, một trong những bài hát
nổi tiếng của nhạc sỹ bất đồng chính kiến Việt Khang hiện đang tị nạn tại Mỹ.
Được hỏi về bài hát này, bà Nguyễn Thị Tình (phu nhân ông
Nguyễn Năng Tĩnh, phụ chú của tnt) nói “bài hát đấy rất hay, không có gì xấu
xa”, rằng bà cũng ‘rất thích’ và hai con bà đều thuộc lòng những lời bài hát.
“Trả lại đây cho nhân dân tôi
Quyền tự do, quyền con người
Quyền được nhìn, được nghe, được nói
Quyền được chọn chân lý tự do
Quyền xóa bỏ độc tài độc tôn...”
Chồng tôi là một người hoạt động tự do, là giảng viên nhạc,
thường ngày vẫn đi dạy. Bản tính anh là một người rất nhiệt tình với cộng đồng,
xã hội. Tất cả những ai cần giúp thì anh đều giúp hết mình trong khả năng của
anh. Tôi khẳng định chồng tôi không làm gì sai. Tôi luôn ủng hộ lý tưởng của
anh. Ví dụ vụ Formosa, anh tham gia phản đối điều xấu đó thì tôi thấy là hợp
lý..."
Nguyễn Chí Thiện bắt đầu cuộc đời tù tội (tổng
cộng đến hai mươi bảy năm) chỉ vì “trót giảng cho học trò đúng sự thật về
một đoạn lịch sử.” Nguyễn
Năng Tĩnh lãnh án 11 năm tù chỉ vì dạy cho học sinh một bài há́t,
có đề cập đến quyền căn bản của con người: “quyền được nhìn, được
nghe, được nói...” Bà Nguyễn Thị Tình
vì “luôn ủng hộ lý tưởng của chồng” nên bị xách nhiễu thường xuyên, “bán
hàng online để kiếm tiền nuôi con mà người ta không mua vì nói tôi phản động.”
Tôi hoàn toàn không biết gì về gia cảnh những học
sinh trong ban lãnh đạo của Thế Hệ Dù Vàng ở Hồng Kông. Tuy thế -
với ít nhiều chủ quan - tôi vẫn tin rằng cô thầy (cũng như cha mẹ)
của các em chưa ai phải vào tù, cũng chưa có ai bị bắt giữ điều tra,
hay bị xách nhiễu vì “giảng cho đúng một sự kiện lịch sử,”
hay chỉ vì dậy cho học sinh một bài hát về quyền con người.
Sự dị biệt căn bản này khiến cho VN không thể có
những thanh niên như Joshua Wong: Hoàng Chi Phong 黃之鋒, Nathan Law: La Quan
Thông 羅冠聰),
Raphael Wong: Hoàng Tạo Minh 黃浩銘, Châu Vĩnh Khang: Alex Chow 周永康... Một đất nước
chỉ “được phép” vun trồng chanh thôi thì dễ gì mà tìm được những
quả cam.
27.05.2020
Tưởng Năng Tiến