Trong đám dân chúng miền Bắc ồ ạt đổ về Miền Nam để gặp lại
họ hàng sau 20 năm xa cách sau khi những chiếc tăng mang cờ Mặt Trận Giải Phóng
tiến vào dinh Độc Lập tiếp nhận cuộc đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, có cả
những văn nghệ sĩ nổi tiếng của Hà Nội từ những năm 30-40. Họ vào Sài Gòn để
thăm những văn nghệ sĩ gốc bắc đã từng là bạn thân của họ trước khi đất nước bị
chia đôi vào năm 1954.
Không thể biết được đám người này có phải chỉ vì tình nghĩa
thân thuộc mà kéo nhau vào Nam tìm thăm họ hàng, bạn bè hay còn có một mục đích
chính trị nào khác, nhưng về phía những người Sài Gòn thật sự họ rất mong gặp lại
bố mẹ, anh chị em đã bị thất lạc từ 20 năm qua vì hoàn cảnh chính trị khốc liệt
của đất nước. Thậm chí, có nhiều người đã từ chối di tản ra ngoại quốc, ở lại
chỉ cốt để gặp lại người thân thuộc nhân dịp đất nước thống nhất.
Dẫu những người từ Bắc vào Nam có mục đích thầm kín nào hay
không, tôi vẫn tin sự vui mừng của họ khi gặp lại người thân trong Nam là rất
chân thật, dù là thường dân hay cán bộ.
Riêng tôi tuy không có ai là họ hàng từ Bắc tìm thăm vào thời
kỳ đầu buồn thảm mất nước nhưng nhờ là hoạ sĩ có chút tiếng tăm nên cũng được sự
thăm hỏi của một số văn nghệ sĩ từng nổi tiếng của Hà Nội những năm 30-40 xưa
như nhà thơ Trần Dần, nhà thơ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân,
nhà thơ Xuân Diệu,.. và nhiều hoạ sĩ như các anh Bùi Xuân Phái, Trọng Kiệm, Lưu
Công Nhân,..
Những lần gặp gỡ ấy có khi tại nhà tôi, có khi tại nhà anh
Thái Tuấn, tại xưởng vẽ của Đinh Cường hoặc trên sân vườn nhà Trịnh Công Sơn.
Tất cả các anh ấy đều lớn tuổi hơn tôi rất nhiều, lại không
hề có sự quen biết trước nào để họ đến thăm hoặc gặp gỡ hàn huyên như từng thân
thiết. Thường là do sự giới thiệu bởi các bạn văn nghệ sĩ Sài Gòn, chẳng hạn,
vào một buổi sáng, có một bạn trẻ đưa nhà thơ nổi tiếng với bài “tôi đi không
thấy phố thấy nhà / chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” đến thăm tôi tại nhà. Lúc đầu
tôi khá bỡ ngỡ, chưa nhận ra anh là ai, Trần Từ Duy giới thiệu : “Đây là anh Trần
Dần, em đưa ảnh đến thăm anh”.
Tôi mừng quá vì được gặp một nhà thơ lớn trong nhóm “Nhân
Văn Giai Phẩm”. Anh ngồi với tôi trong hơn một giờ, rất ít nói và tôi cũng chỉ
hỏi thăm anh một cách chừng mực và lễ độ. Tôi thấy anh ngồi như tượng, ngôi tượng
già trăm năm và tự hỏi cuộc đời nào đã tạc người sống thành tượng câm? Tôi cảm
thấy cần phải ghi lại vẻ mặt mang một dấu hằn lịch sử u uất này mà may mắn lắm
tôi mới được gặp, và tôi đã vẽ ngay một ký hoạ Trần Dần để tặng anh. Sau đó,
trong lần đầu ra Hà Nội năm 1987, gặp lại, anh cho biết bức vẽ đã bị mất cùng
cái túi xách khi anh xuống ga Hàng Cỏ- Hà Nội sau chuyến du hành phương Nam.
Trong một trường hợp khác, tôi được gặp các anh hoạ sĩ Bùi
Xuân Phái, nhà thơ Quang Dũng tại nhà hoạ sĩ Thái Tuấn, họ là bạn cũ với nhau
thời Hà Nội chưa là thủ đô của nước xã hội chủ nghĩa. Một lần nữa tôi thấy tận
mắt một tình bạn văn nghệ thật đẹp và không biên giới chính trị giữa những con
người từng ở hai phía rất tương phản về ý thức hệ chính trị.
Nhà văn Nguyễn Tuân, trong một quán ăn nằm gần chợ Tân Định,
khi Trịnh Công Sơn giới thiệu tôi vừa từ trại tù cải tạo về sau gần ba năm, anh
đã gắp một cái đùi gà rô ti đặt vào chén tôi và nói vui: “Đây là đền bù cho
Cung đấy”.
Riêng với các hoạ sĩ hàng đầu của Hà Nội như Bùi Xuân Phái,
Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân,.. đã vô cùng ngạc nhiên trước tranh sơn dầu của
chúng tôi, những hoạ sĩ trẻ Sài Gòn. Họ ngắm, sờ mặt tranh, cầm lên những ống
màu dầu, trố mắt thích thú và luôn đặt ra những câu hỏi về cách sử dụng cũng
như nguồn gốc vật liệu mà chúng tôi dùng để sáng tác. Khi thì tại nhà tôi, khi
tại xưởng vẽ Đinh Cường, những câu chuyện nghề vẽ giữa các anh và chúng tôi
luôn hào hứng và chân tình. Các anh không giấu gì tình trạng thiếu thốn dụng cụ
hội hoạ và không biết gì về sự phát triển hội hoạ hiện đại của thế giới. Đặc biệt
là tranh sơn dầu, miền Bắc từ khi là xhcn không có tranh sơn dầu vì vật liệu để
làm loại tranh này khá đắt tiền nên nhà nước không nhập khẩu. Chất liệu chính của
hội họa miền Bắc là bột màu pha trộn với nước cơm chứ không có keo a dao để pha
trộn như ở các nước tự do và ngay cả giấy vẽ chuyên dùng cũng không có đủ, nhiều
anh chị phải vẽ bột màu trên giấy báo in. Ngay cả sách báo về mỹ thuật, các anh
ấy cũng không hề có hoặc được thấy qua. Tất cả mọi thông tin về hội hoạ tự do đều
bị bưng bít. Một câu chuyện do nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân kể lại với
tôi là anh sau khi tốt ngiệp môn lịch sử mỹ thuật tại Tiệp Khắc, trên đường hồi
hương bằng tàu hoả phải đi qua Trung Quốc. Trước khi vượt qua biên giới Hoa Việt,
một cán bộ đi theo đã xét hành lý của anh và tịch thu cuốn sách về lịch sử mỹ
thuật thế giới. Nghe những câu chuyện thật như thế từ người hoạ sĩ tài hoa ấy,
chúng tôi đã không cầm lòng được. Nhóm họa sĩ miền Nam chúng tôi tặng cho các họa
sĩ miền Bắc những ống màu, canvas và ít sách mỹ thuật để các anh mang về Hà Nội
làm kỷ niệm.
Giữa những xô bồ thay đổi và mất mát vì thời thế, những lần
gặp gỡ đầy thân tình như thế đã làm giảm đi phần nào cái không khí nặng nề bao
trùm lên cuộc sống tinh thần của cá nhân tôi và có lẽ cũng cho cả các văn nghệ
sĩ khác của Sài Gòn lúc bấy giờ. Nó khác hẳn những gì sắc lạnh và đáng sợ cho
những văn nghệ sĩ Sài Gòn chúng tôi, khi gặp lại một số người trước kia một thời
từng là bạn bè thân quen, nay đối xử chúng tôi như kẻ thù khi họ từ bưng biền
trở về tiếp quản các ngành nghề nghệ thuật của VNCH. Thái độ lạnh lùng đến hằn
học ấy của họ khiến tôi rất ngạc nhiên, và tạm giải thích là họ đang mang một số
mặc cảm, vừa tự tôn vừa tự ti. Phải chăng đây là tâm lý chung của những kẻ tân
tòng?
Bolsa, Apr 27-2020
Trịnh
Cung