Ngà lật sách, đọc được một đoạn rồi bỏ xuống, không hiểu
mình đang đọc cái gì. Không biết chữ vô nghĩa vô cảm hay đầu óc Ngà tê liệt.
Ngà tự hỏi điều gì đang xảy ra cho mình. Ngà bắt đầu đếm hơi thở - hít
vào 4 nhịp thở ra 7 nhịp, không biết ai chọn ra những con số ấy nhưng mới hít
vào chưa kịp đếm đến 4 thì bụng đã căng phồng như cóc, cố thêm e vỡ bụng.
Thở ra phì phò hít vào ì ạch. Ngà nằm lâu trên giường, đêm vẫn trắng.
Ra phòng khách tìm một quyển sách cũ chưa bao giờ xem tới mang
vào phòng. Nam Hoa Kinh, trang đầu tiên mang chữ ký của anh Lâm, 1987 đọc
lần thứ 3. Ngà tần ngần. 1987, anh chỉ độ 40 ngoài, đọc quyển sách ấy
lần thứ 3? Ngà nhớ những ngày tháng ấy, những ngày tháng xa lìa đứt đoạn
với một kiếp đời. Hóa ra không chỉ mình Ngà thức thâu đêm, không chỉ mình
Ngà đi tìm những gì xưa cũ, những bí mật của Sài Gòn đã mất.
Dọc theo sách là những ghi chú suy nghĩ của anh. Ngà bồi
hồi, bởi Ngà chưa bao giờ đến gần anh để biết một điều gì về con người ấy, bây
giờ đến thật gần thì anh đã mất.
Cũng như cô Thảo đã mất. Cô mất lúc nào Ngà chẳng hay,
chỉ biết tin nhờ cái tật tò mò gì cũng đọc. Ngà nhớ mình đã lật tới lật
lui tờ báo Người Việt như thể sẽ tìm thêm ra được chữ trên bài báo về ông giám
đốc nhân sự mới của tỉnh. Chính là anh ta, nét mặt ấy vóc dáng ấy, cái
tên ấy, và những chi tiết về cha mẹ - trên đời làm gì có quá nhiều trùng hợp đến
thế, và vậy là cô Thảo đã mất được 10 năm, nghĩa là năm cô chỉ khoảng 68 tuổi,
còn quá trẻ. Cô mất vì bịnh gì?
Ngà thấy buồn mênh mang, bởi cô Thảo là người bạn đầu tiên của
Ngà trên đất lạ. Cô mang cả một Sài Gòn theo với cô, trong tính cách con
người, trong cách cư xử với lũ trẻ như Ngà, và cả trong việc cô giễu cợt Ngà
dùng chữ Việt Cộng. Những khi cô Thảo ghẹo Ngà thấy hơi quê, nhưng Ngà tự
hiểu, nỗi buồn của Ngà tựa như tự ái của đứa con nhà nghèo phải mặc quần áo chắp
vá vạ vịt vì không có gì để mặc, và tủi phận khi bị chê cười. Còn cô, chọc
ghẹo Ngà vậy thôi chứ cô thường bảo Ngà trạc tuổi con trai lớn của cô.
Ngà hiểu, cô thương Ngà hai mươi tuổi bơ vơ trên xứ lạ không một tình thân,
không như gia đình cô đủ đôi bên nội ngoại đã đi thoát từ 1975. Nhưng cô
nào hiểu, tuổi 20 Ngà không hề muốn khóc trao nỗi lòng dù với mẹ cha huống gì kẻ
lạ, Ngà nào muốn ai thương hại mình khốn khó bơ vơ. Cô càng thương Ngà
càng muốn xa, và rồi Ngà đã bỏ cái hãng nhỏ ấy để lấy một việc làm khác có
lương cao hơn và nhiều quyền lợi.
Ôi, cô Thảo, Ngà cứ cảm nghĩ mình thiếu nợ cô mà không biết
nợ nần gì, và Ngà cũng đã muốn xa cô thật xa mà chả biết tại sao. Cũng
không phải là không biết, chỉ là biết mơ hồ. Nếu màu da xác nhận với người
địa phương cái gốc Á châu của Ngà thì những chữ trời ơi nơi cửa miệng xác nhận
với người đồng chủng rằng Ngà đến từ xứ cộng sản. Nhưng làm sao xóa được
cái hậu Sài gòn khi Ngà đã ở lại 4 năm, đã rước vào đầu những chữ vớ vẩn dẫu
thâm tâm không thể nào chấp nhận được họ. Ngà không có lỗi dẫu nói sai,
mà cô Thảo càng chẳng có lỗi khi nói đúng tiếng Sài Gòn. Ngà và cô như bộ
đồ trà đã bể vụn, 2 miếng sành vỡ không còn ghép lại được, bởi cô biết đến Ngà
qua phim ảnh báo chí truyền thông và Ngà biết cô bằng quá khứ cho dẫu cô với
Ngà là hai cảnh đời xa lạ.
Quá khứ của cô là trường Marie Curi đài các, là ngồi cát xê
quán kem Phi Điệp của gia đình, là anh thiếu úy phi công hào hoa, thông gia với
chỉ huy trưởng Tân Sơn Nhất. Sài Gòn của cô thật dày bóng mát. Còn
Ngà, cái trường Gia Long là kỷ niệm hiển hách và duy nhất của cuộc đời quá khứ.
Cái hiển hách ấy bao gồm 2 tấm áo dài tê tơ rông trắng mỗi năm và ngày ngày đạp
xe ra phố giúp má dọn hàng. Và Ngà cũng có hình bóng một người lính trong
lòng dẫu không biết mặt và không thể là người tình.
Tuổi mười lăm nhiều mắc cở vụng về, ăn chưa no lo chưa tới.
Ngà đạp xe mini yên sau chở thùng đựng đá chứa trăm thứ lẩm cẩm từ cửa hàng lụp
xụp về nhà. Tới ngã tư đèn đỏ thì thùng nghiêng lệch sửa soạn đổ mà cái
xe mini không cho phép Ngà dựng chân để sửa. Xe Suzuki đỏ bên cạnh là hai
người lính, anh ngồi sau lẹ làng nhảy xuống sốc thùng đồ trên xe Ngà lên ngay
ngắn cột lại chặt chẽ. Vừa kịp đèn xanh lên, anh thót trở lại yên sau và
chiếc xe lăn nhanh theo dòng lưu chuyển. Ngà không kịp nhìn mặt, anh
không chờ lời cám ơn. Tấm áo lính mờ bụi in xuống lòng đường Ngà đã qua,
in vào quá khứ của Ngà một cách êm đềm không cầu gợi chút niềm thân mật.
Sài Gòn của Ngà rồi còn gập ghềnh hơn những năm sau chiến
tranh.
Làm sao tránh được cái tranh giành chụp giựt cả trong những
việc thật nhỏ mọn bởi chậm là đói. Làm sao không dòm ngó người khác bởi
sơ ý thì sẽ mắc nhiều cái vạ không biết đâu mà gỡ. Có bao nhiêu lần Ngà
thấy ngượng cho mình vì không muốn nói lập trường tào lao thì phải đành moi xấu
nhau cái chuyện quần thấp guốc cao trong những buổi họp hành kiểm thảo.
Hoặc nói dối hoặc nói bậy, người ta không có quyền im, không có quyền Take The
Fifth!!! Ngà đã bỏ đi không luyến tiếc, đâu ngờ vết dao quá lớn quá
sâu. Ngà cứ ngỡ mình bỏ đi rồi thì Sài Gòn chỉ còn là mảnh đất chập chờn ẩn
hiện lúc nhớ thương, chứ nào biết nó ngày đêm theo với cuộc sống của Ngà trên đất
lạ.
Khác với cô Thảo yên tâm xây lập cuộc đời mới trên đất mới,
Ngà sống quanh cái miệng chén Sài Gòn. Tay nào đi làm kiếm sống, túi nào
dành chút tiền lẻ gửi về, và những đêm nào mộng mị miệt mài đi tìm Sài Gòn đã mất.
Ngà lại cầm cuốn sách của anh Lâm để lại đây lần bỏ qua
Texas. Sài Gòn của triết Đông triết Tây. Sài Gòn của Chiến Tranh và
Dân Tộc. Những năm 80 ấy Ngà cũng đọc bá vạn thứ như vầy, chả biết tại
sao mình muốn đọc, phải đọc. Anh Lâm đã đi qua Sài Gòn bằng một phần của
tuổi trẻ, Ngà chỉ mới bước khỏi thềm tuổi thơ. Phải chăng mất cội rễ người
ta phải tìm, và tìm đâu hơn là tìm ở những gì từ vạn thuở xa xưa đã nuôi lớn một
dân tộc cho dẫu nó chỉ còn lưu lại trên trang giấy. Nhưng Nam Hoa Kinh,
Ngà nghĩ, cũng chỉ là một cứu cánh cho anh Lâm thấy vết thương của mình chẳng
là gì cả sẽ không là gì cả, để lòng bớt đau hồn bớt mỏi, để thoát ra cái bế tắc
của cuộc đời hiện tại. Còn Ngà, ngày Ngà đi làm hết cả hơi, đêm về dỗ giấc
ngủ bằng cuốn kinh thánh dày như tự điển Nguyễn Văn Khôn cũng qua được từng đêm.
***
Ngà thức dậy đã 11 giờ sáng. Ngày bây giờ trọn vẹn của
mình, không phải chạy với kim đồng hồ thật sướng. Bao người hăm rằng sẽ
buồn chán, sẽ bị trầm cảm, thiệt vậy không? Ngà chỉ biết đời mình đã rẽ,
rẽ vào chặng cuối cùng, và cho dẫu vào hơi sớm cũng chẳng có gì để luyến tiếc
con đường bụi loạn vừa bỏ lại. Hưu rồi mới thấy ra, mình đã quá mệt mỏi từ
biết bao lâu nay và không hiểu mình đã loay hoay ra sao để cáng đáng những ngày
25 tiếng đã qua. Nhưng thật buồn cười, hưu việc rồi cũng hưu cả nhà thờ -
Ngà không còn nhớ lần cuối mình đến nhà thờ là lúc nào. Ngà thấy dường
như mình chẳng còn muốn gì và chẳng còn thấy có gì quan trọng. Mới ngày
nào còn thơ Ngà đã từng đếm tuổi – rằng đến cái năm mà mọi người lo tận thế
mình vẫn chưa được nửa trăm năm!
Ngà vào bàn bắt đầu thoa kem bôi phấn. Ngà vẽ mắt thật
tỉ mỉ sao cho mắt lớn rộng ra để bù đắp cái co cụp tuổi đời đè xuống. Vẽ
mắt rồi lại chậm thêm phấn đặc che cái “thượng thọ” nơi quầng dưới mắt. Rồi
lại phấn nâu để thuôn má phệ. Rồi lại mascara cho đen dài tấm mi
thưa… Ôi, nhan sắc. Ngà bật cười nhớ lần đầu Má giúp đánh phấn, Má
quét cho một lớp thật dày trắng xóa, mi mày chẳng còn thấy chi. Kịp đến
anh chàng phó nhòm chụp cho một loạt hình kiểu cũng cho người dặm lên mặt mình
không biết bao nhiêu là những má hồng với chì với son với mày với tóc.
Ngà biết ra mình cần thấy chính mình và tự trang điểm cho chắc ăn!
Mặc vào bộ quần áo trắng, giờ tha hồ mặc màu nhạt không sợ cọ
quẹt lấm lem, Ngà lên xe lần theo địa chỉ để đón Mai.
Mai đích thị tiểu thư, đời nhung lụa nhàn nhã, sống bên kia
cửa thiên đường mộng mơ nên dẫu học chung lớp mà có bao giờ Ngà bước lại gần để
kết bạn. Cả cái trường đại học theo đuổi Mai, từ trò đến thầy, từ bạn đến
thù dẫu Mai yểu điệu tơ đào thì làm gì có kẻ thù - chỉ là những kẻ khổ đau
không được kết bạn kết tình với một cánh sao kiêu sa. Ngà không biết sau
40 năm xa cách thì Mai ra sao và cuộc gặp gỡ này rồi có trở thành tai vạ.
Nghĩ, rồi lòng chợt bâng khuâng. Phân cách xã hội đã đeo đẳng hoài trong
tâm trí mà Ngà chả bao giờ nhận ra.
Ngà bước vào, Mai đang nói điện thoại với bà dì, chỉ nhẹ
nhàng đến ôm Ngà hôn lên má. Xong cuộc nói chuyện, Mai đến xoay người Ngà
ngắm nghía cười khanh khách, “Ngà vẫn như xưa!” Cái hồn nhiên vui vẻ cười
thành tiếng của Mai nói với Ngà rằng lớp vỏ e dè khép nép vì xã hội vì cách biệt
của buổi đổi đời đã được bóc gột sạch. Nơi trời đất mới, cánh mai nay được
nở bung bừng tươi sức sống. Mai mang theo mình cái ăn diện tỉ mỉ của những
cô gái Sài Gòn xưa, như trong hàng ngàn hàng trăm những tấm ảnh mà đâu đó người
ta đã lưu lại để bây giờ mang ra cho mình xem mà nhớ mà thương. Ôi Sài
Gòn của Ngà. Ôi tuổi thơ của Ngà. Ngà nào đã được biết gì, được đi
đến đâu được sống bao nhiêu trong cái thành phố hằng thương tưởng ấy. Ngà
như đóa hoa chưa kịp nở đã phải bị héo quặt bứt rời mà hồn chẳng cam nên cứ
hoài lưu luyến.
Hai đứa vào quán ăn đã hẹn trước với một vài bạn. Tiếng
cười gọi tiếng cười, chuyện quẩn quanh vẫn là những gì đã xảy ra cho từng đứa
khi mọi người đứng bên nhau mà lòng văng muôn ngả. Những mảnh vụn được dần
ghép lại để Ngà thấy ra lứa của Ngà đã thiếu mất một phần niên thiếu. Tâm
trí Ngà lại từ từ trôi giạt, tiếng cười nói như những mảnh vụn bánh mì rơi xuống
mặt bàn. Ngà nhìn Mai, nhìn chị Thi, nhìn Thiện, nhìn ngược lại
mình. Ngà buồn rầu nghĩ mình chỉ còn là con ma sống dai trên dương thế.
Con ma ấy ngày ngày qua phố Sài Gòn Nhỏ, đi len lỏi trên lề
hẹp đầy những quầy bán sách báo vàng nhang ảnh tượng quần áo thời trang từ Việt
nam gửi sang, những loại cây cảnh quê nhà phải ương trồng 5,7 năm mới ra hoa
trái, những rổ rau quả các cụ lấy từ vườn nhà đem bán mua vui, để thấy bồi hồi
tưởng mình đi trên khúc đường Lê Thánh Tôn ngày cũ với tủ kính mát, sạp hoa ni
lông, sạp áo thun, sạp nón, sạp giày, tiệm thuốc tây, tiệm huy chương An Thành,
tiệm quần áo trẻ con, tiệm vân vân. À, tiệm thuốc tây, tiệm thuốc tây có
cô chị cao lớn mặc áo dạ hội vai trần bó ngực dài phết đất, má phấn môi son đẹp
như tài tử ngoại quốc đi dạ vũ ở Maxim, có cô em nhỏ người xinh như búp bê cũng
không kém phần lộng lẫy một lúc lâu sau mới ra tưởng như em là cô bé lọ lem mãi
rồi mới lựa thóc đậu xong để được bộ quần áo kiêu sa mà đi phó hội. Ôi,
Sài Gòn của Ngà, cái Sài Gòn xưa với đủ mọi sắc màu tươi thắm lấm lem, cổ tích
với dân dã, ngọt ngào lẫn tủi cực, cái Sài Gòn mà người ta nhất quyết bôi xóa,
nó đã mọc lên ở đây, ở cái khe đất người bản xứ không chú ý, như những cây me
con con đã nhờ gió thổi hạt bay tứ phương rồi lén lút trồi lên ở bất cứ rãnh đất
trống nào, trong khi Sài Gòn ngày nay ở quê nhà lại như những con phố ngoại quốc
lòe loẹt cửa hàng thời trang với những tòa nhà chọc trời che hết thổi bay hết
các sắc mùi quê hương yêu dấu.
Đâu chỉ cô Thảo, anh Lâm, những người mà Ngà đã biết đã gặp
trong buổi đầu đời trên đất lạ nay mất đi. Chính Ngà cũng biệt tăm, như
những khe trống của đường ranh giới đoạn nổi trên tấm bản đồ của một thành phố
đã mất.
Lưu Na