Biết nhau qua một thời gian khá dài, trong và ngoài nước, chắc
bạn đọc và bằng hữu của chúng tôi công nhận là tôi có thói quen dùng loại văn
chương tử tế, chưa bao giờ phải nổi giận, dùng loại văn chương chì chiết, dung
tục và thô bạo để diễn tả ý nghĩ của mình.
Nhưng hôm nay, xin tất cả bỏ qua, vì trong trường hợp này,
Phật trên tòa sen cũng phải nổi giận, Chúa cũng phải cau mày vì một câu nói hỗn
xược, ngang ngược của một viên tướng CSVN tên là Nguyễn Chí Vịnh. Câu nói đó lại
được thốt ra trong ngày 30 Tháng Tư năm nay là: “Bảo là không có kẻ thắng người
thua là không đúng. Thắng rồi nhưng tôi không có trả thù. Thắng rồi tôi khoan
dung. Thắng rồi tôi tạo điều kiện cho anh quay trở lại cuộc sống bình thường.
Đó là tấm lòng nhân ái của đảng và nhà nước mình.”
Câu nói này na ná phát biểu của tên tướng “đồ tể” Lê Đức Anh mấy chục năm về
trước: “Lòng nhân ái làm nên ngày 30 Tháng Tư, 1975!”
Cả triệu triệu người Việt Nam còn ở trong nước hay đã ra hải
ngoại, có mắt thấy tai nghe, đã biết những kinh nghiệm xương máu, thực tế phũ
phàng, đã trải qua những ngày dở chết dở sống từ khi quân Bắc Việt tiến chiếm
Sài Gòn, như là một đại họa cho dân tộc, như cơn đại hồng thủy nhấn chìm số phận
bi thảm của con người, đã cho chúng ta thấy cái đại ác mang mặt nạ “nhân ái,
khoan dung,” mà bọn xâm lược Hà Nội dành cho những người thua trận, được Nguyễn
Chí Vịnh và Lê Đức Anh ca tụng, chính là thứ nhân ái, khoan dung “chó đẻ,”
không hơn không kém.
Nguyễn Chí Vịnh là con trai của Nguyễn Chí Thanh, năm
1975 còn là học sinh trường cấp 3 Lý Thường Kiệt. Trước hết câu nói của
Nguyễn Chí Vịnh là hỗn xược, đã tạt gáo nước lạnh vào mặt những giới chức đi
trước, cao cấp, tiền bối của y, là không nhập nhằng gì cả, phải có kẻ thắng người
thua.
Trước đó, tướng của Vịnh, Trần Văn Trà đã từng phát biểu: “Đối với chúng ta
không có kẻ Thua người Thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta Thắng Mỹ.”
Võ Văn Kiệt cũng đã từng nói: “Một sự kiện liên quan đến chiến
tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn.
Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm
cho nó thêm rỉ máu…”
Từ đó đến nay, CSVN luôn luôn hô hào hòa hợp, hoà giải, kêu
gọi người Việt hải ngoại xóa bỏ hận thù, quên quá khứ, để cùng nhau bắt tay xây
đựng đất nước. Bộ Ngoại Giao CSVN đã lập ủy ban về người Việt
Nam ở nước ngoài, Hà Nội đã thường xuyên tổ chức Hội Nghị người Việt ở
nước ngoài, Sài Gòn tổ chức đoàn văn nghệ phục vụ kiều bào nhân
dịp Tết, vinh danh những người bỏ nước ra đi vì chế độ là … “khúc ruột ngàn dặm…,”
“máu thịt của tổ quốc,” tất cả đều vì đồng đô la, nghe là lợm giọng! Chúng ca tụng
“Những nghĩa cử cao đẹp, trân quý của kiều bào ta thể hiện tinh thần “tương
thân tương ái” – vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam!” Gần đây, ủy
ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã động viên và khen ngợi việc ủng
hộ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của đồng bào nước ngoài. Mặt
khác, còn tư duy hận thù, đắc thắng, Nguyễn Xuân Phúc lại kêu gọi “chống dịch
phải tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam.”
Trước hết câu nói ngụy biện để bệnh vực cho chế độ của tướng
Phát-Xít quân phiệt, Nguyễn Chí Vịnh là “không có trả thù!” Bắn giết, chôn sống,
dội nước sôi xuống đầu (*) ngay cả những người đầu hàng, san bằng nghĩa trang của
phe thua trận, giam cầm gần một triệu người đối đầu và khác chính kiến vào trại
tập trung! Điều này không phải là trả thù và được gọi là khoan dung sao?
Kỳ thị kẻ mới người cũ, phân biệt “gia đình có công với Cách
Mạng” với “tàn dư Mỹ Ngụy,” “có nợ máu,” hạn chế con em miền Nam không có cơ hội
học hành. Điều này không phải là trả thù và được gọi là khoan dung sao?
Nói đến Cộng Sản Việt Nam là nói đến cái ác. Biểu tượng của
lòng nhân ái, khoan dung chính là một cây búa hiện nay đang được trưng bày tại ở
bảo tàng quân đội Việt Nam, Hà Nội, được chú thích như sau: “BÚA. Đồng chí Nguyễn
Văn Thắng, huyện đội phó huyện Mỏ Cày (Bến Tre) đã dùng để bổ chết 10 tên ác ôn
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.”
Một cây búa lừng danh “nhân ái” khác là cây búa “khảo cổ” mà đàn em Lê Duẫn đã
dùng để đập đầu Giáo Sư Nghiêm Thẩm, giám đốc Bảo Tàng Viện Sài Gòn, chỉ vì vị
giáo sư anh hùng này không chịu hoàn thành đơn đặt hàng của bí thư Lê Duẩn, chứng
minh “dân Việt Nam là thủy tổ các dân tộc Đông-Nam Á-Châu!”
Ngay đối với những người dân thường không có “nợ máu,” Bắc
Việt với chính sách trả thù nhắm vào nhân dân miền Nam vì “chúng” quá tự do,
quá giàu sang, quá sung sướng bằng chính sách tịch thu nhà cửa, cướp cạn tài sản
của người giàu, hai lần ăn cướp công khai bằng thủ đoạn đổi tiền, đày ải dân
lành đi vùng kinh tế mới. CSVN dùng chính sách hộ khẩu, phân bố lương thực, dân
không kiếm ra công ăn việc làm, xô đẩy người miền Nam vào bước đường cùng, phải
rời nước ra đi, bỏ thây trên biển cả. Điều này Nguyễn Chí Vịnh chắc không đến nỗi
ngu đần mà không nhận ra, nhưng chẳng qua vì tham vọng mà bỏ lương tri, nói
cương để được lòng chế độ.
Bây giờ là lúc Nguyễn Chí Vịnh nói huỵch toẹt ra, là không
hòa hợp, hòa giải gì cả, là tao thắng là mày thua.
– “Thắng rồi, tôi tạo điều kiện cho anh quay trở lại cuộc sống
bình thường.”
Nguyễn Chí Vịnh nếu có đủ trí khôn của thời niên thiếu, hay
có đông đủ họ hàng, bạn bè nói lại cho nghe thì cũng biết rằng miền Nam thua trận
có hằng trăm ngàn chuyên viên đủ mọi ngành nghề cấp cao, nhiều cán sự lành nghề…
nhưng tất cả đều chỉ có một con đường đi cuốc đất, đạp xích lô, bán thuốc lá lẻ,
xăng lẻ, vá xe vệ đường hay bôn ba chốn chợ Trời… Nếu không, cũng tìm đường ra
đi, để công sở, trường học, nhà máy, công trường… lại cho bọn lợn lòi từ hang động
trở về. Chính sách “hồng hơn chuyên” cố chấp, đầu đặc đã là tiêu hao bao nhiêu
tài nguyên của đất nước, khi chúng quan niệm “chất xám” trí tuệ không giá trị bằng
một nắm phân nơi “vùng kinh tế mới!” Đó là “tạo điều kiện cho anh quay trở lại
cuộc sống bình thường” đó ư?
Đúng là “không có kẻ thắng người thua là không đúng,” nhưng
bất hạnh cho miền Nam thất trận, không may mắn thất trận vào tay một kẻ hào hiệp
để có được một Hiệp Ước Của Người Quân Tử – The Gentlemen’s
Agreement- mà mất nước vào tay thảo khấu, lục lâm, mới ra cớ sự “dãi thây
trăm họ,” oán hận ngút trời, như sau cuộc chiến tương tàn Việt Nam…
Hôm nay đến ngày 30 Tháng Tư lần thứ 45, người dân miền Nam
ai cũng mang một vết thương chưa lành. Bao nhiêu năm qua, chúng ta đã quá hiểu
nhau tính cách của nhau. Đây không phải là lúc dùng những luận điệu tuyên truyền
trẻ con và xảo trá ấy nữa! 45 năm trôi qua, thời buổi này mà kẻ côn đồ, dao búa
còn nói chuyện trịch thượng tha thứ hay cho rằng mình là kẻ khoan dung, nhân
ái, thì đây đúng là thứ khoan dung, nhân ái loại “bà Tú Để,” loại “chó đẻ” mà
chẳng ai muốn nghe.
Một lần nữa, xin bạn đọc tha thứ nếu chúng tôi đã làm bẩn mắt
quý vị, nhưng với loại người ấy, chúng ta không thể dùng một loại từ ngữ nào đúng
hơn! Hồn ông Bùi Bảo Trúc có linh thiêng xin về chứng giám!
Huy
Phương
(*) Xin đọc Những Người Thua Trận”(xb.1913) của Huy
Phương