Lão bà nghỉ chợ bần thần
Đem tiền [Cụ Hồ] ra đếm mấy lần chửa xong
Xếp riêng rồi lại xếp chung
Miệng thời lẩm bẩm mà… (không rõ nhời)!
Vài bữa sau, sau ngày đổi tiền ở miền Nam, tờ Sài Gòn Giải
phóng (số ra hôm 27 tháng 9 năm 1975) đã gửi đến những người dân ở vùng đất này
đôi lời an ủi:
“Nhiệm vụ của đồng bạc Sài Gòn (là) giữ vai trò trung gian
cho Diệm xuất cảng sức lao động của đồng bào ta ở miền Nam cho Mỹ… Làm trung
gian để tiêu thụ xương máu nhân dân miền Nam, làm trung gian để tiêu thụ thân
xác của vô số thiếu nữ miền Nam, làm trung gian cho bọn tham nhũng, thối nát,
làm kẻ phục vụ đắc lực cho chiến tranh, làm sụp đổ mọi giá trị tinh thần, đạo đức
của tuổi trẻ miền Nam, làm lụn bại cả phẩm chất một số người lớn tuổi… Nó sống
30 năm dơ bẩn, tủi nhục như các tên chủ của nó, và nay nó đã chết cũng tủi nhục
như thế. Đó là một lẽ tất nhiên, và đó là lịch sử… Cái chết của nó đem lại phấn
khởi, hồ hởi cho nhân dân ta.”
Ba mươi tám năm sau, nhà báo Huy Đức lại có lời bàn thêm, và
bàn ra, nghe như một tiếng thở dài: “Không biết ‘tủi nhục’ đã mất đi bao nhiêu
… nhưng rất nhiều tiền bạc của người dân miền Nam đã trở thành giấy lộn.” (Bên
thắng cuộc, tập I. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
Tôi sinh ra đời tại miền Nam, cùng thời với “những tờ bạc
Sài Gòn” nhưng hoàn toàn không biết rằng nó đã “làm trung gian cho bọn tham
nhũng, thối nát, làm kẻ phục vụ đắc lực cho chiến tranh, làm sụp đổ mọi giá trị
tinh thần, đạo đức của tuổi trẻ” của nửa phần đất nước. Và vì vậy, tôi cũng
không thấy “phấn khởi” hay “hồ hởi” gì (ráo trọi) khi nhìn những đồng tiền quen
thuộc với cuộc đời mình đã bị bức tử – qua đêm!
Suốt thời thơ ấu, trừ vài ba ngày Tết, rất ít khi tôi được
giữ “nguyên vẹn” một “tờ bạc Sài Gòn” mệnh giá một đồng. Mẹ hay bố tôi lúc nào
cũng xé nhẹ nó ra làm đôi, và chỉ cho tôi một nửa. Nửa còn lại để dành cho ngày
mai.
Tôi làm gì được với nửa tờ giấy bạc một đồng, hay năm cắc, ở
Sài Gòn – vào năm 1960 – khi vừa mới biết cầm tiền?
Năm cắc đủ mua đá nhận. Đá được bào nhỏ nhận cứng trong một
cái ly nhựa, rồi thổ ra trông như hình cái oản – hai đầu xịt hai loại xi rô
xanh đỏ, lạnh ngắt, ngọt lịm và thơm ngát – đủ để tôi và đứa bạn chuyền nhau
mút lấy mút để mãi cho đến khi xi rô bạc hết cả mầu mới ngừng tay, lễ phép xin
thêm:
- Cho con thêm chút xi rô nữa được không?
- Được chớ sao không. Bữa nào tụi bay cũng vậy hết trơn mà
còn làm bộ hỏi nữa!
Năm cắc đủ cho một chén bò viên, dù chỉ được một viên thôi
nhưng khi nắp thùng nước lèo mở ra là không gian (của cả Sài Gòn) bỗng ngạt
ngào hương vị. Chút nước thánh đó – sau khi đã nhai thiệt chậm miếng thịt pha
gân vừa ròn, vừa ngậy – hoà nhẹ với chút xíu tương đỏ, tương đen, cùng ớt xa tế
ngọt ngọt cay cay có thể khiến cho đứa bé xuýt xoa mãi cho đến… lúc cuối đời.
Năm cắc cũng đủ làm cho chú Chệt vội vã thắng xe, mở ngay
bình móp, lấy miếng kem – xắn một phần vuông vắn, cắm phập vào que tre – rồi trịnh
trọng trao hàng với nụ cười tươi tắn. Cắn một miếng ngập răng, đậu xanh ngọt lạnh
thấm dần qua lưỡi, rồi tan từ từ… suốt cả thời thơ ấu.
Năm cắc là giá của nửa ổ bánh mì tai heo, nửa má xoài tượng
hay một xâu tầm ruột ướp nước đường vàng, một cuốn bò bía, một trái bắp vườn, một
ly đậu xanh đậu đỏ bánh lọt, một dĩa gỏi đu đủ bò khô, một khúc mía hấp, năm
cái bánh bò nước dừa xanh đỏ, mười viên “cái bi ròn ròn cái bi ngon ngon” nho
nhỏ/xinh xinh…
Một một đồng thì (Trời ơi!) đó là cả một trời, và một thời,
hạnh phúc muôn mầu!
Một đồng mua được hai quả bóng bay. Chiều Sài Gòn mà không
có bong bóng bay (cầm tay) để tung tăng e sẽ là một buổi chiều… tẻ nhạt. Những
chùm bóng đủ mầu sẽ rực rỡ hơn khi phố mới lên đèn, và sẽ rực rỡ mãi trong
trong ký ức của một kẻ tha hương dù tóc đã điểm sương.
Còn hai đồng là nguyên một tô cháo huyết có thêm đĩa dà trá
quẩy ròn rụm đi kèm. Hai đồng là một tô mì xắt xíu với cái bánh tôm vàng ươm
bên trên, và nửa cọng rau xà lách tươi xanh bên dưới. Tờ giấy bạc với mệnh giá
quá lớn lao và rất hiếm hoi này, không ít lúc, đã khiến cho tuổi thơ của tôi vô
cùng phân vân và bối rối!
Và trong cái lúc mà tôi còn đang suy tính, lưỡng lự, cân nhắc
giữa bốn cái kem đậu xanh năm cắc, bốn cuốn bò bía, bốn ly nước mía, hay một tô
hủ tíu xắt xíu thịt bằm béo ngậy (cùng) giá hai đồng thì ở bên kia chiến tuyến
người ta đã quyết định cho ra đời Mặt trận Giải phóng Miền Nam – vào ngày 20
tháng 12 năm 1960.
Hệ quả thấy được, vào mười lăm năm sau – vẫn theo báo Sài
Gòn Giải phóng, số thượng dẫn : “Miền Nam đã có một nền tiền tệ mới, khai sinh
từ sự độc lập toàn vẹn của xứ sở, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã nâng niu từng
tờ bạc của Ngân hàng Việt Nam với một niềm hãnh diện chưa từng thấy sau bao
nhiêu thế kỷ mất nước phải ép mình sống với đồng bạc của ngoại bang.”
Niềm hãnh diện được nâng niu từng tờ bạc mới (nếu có) cũng
nhỏ dần sau từng đợt đổi tiền. Rồi với thời gian nó từ từ biến thành… giấy lộn
– theo tường thuật của Tuổi
Trẻ Online, đọc được vào hôm 26 tháng 3 năm 2019: “Tiền mệnh giá 200 đồng,
500 đồng, đến chị hàng rong cũng... chê. Dù vẫn đang được lưu hành nhưng những
tờ tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng đang bị chê trong nhiều giao dịch thanh
toán hằng ngày như từng diễn ra với tiền xu trước đó nhiều năm.”
Tuy đồng tiền mỗi ngày một mất giá (thê thảm) nhưng dân Việt
vẫn sống rất ung dung và tự tại trong Độc Lập – Tự Đo – Hạnh Phúc:
Thiệt là quá đã, và … quá đáng, chỉ nghe không cũng đã thấy ấm
đầu!
Tưởng
Năng Tiến