09 May 2020

NHỮNG TRẬN MƯA YÊN THẾ - Phan Ni Tấn


Hoàng Hoa Thám (1858-1913)

Khi lớn lên tôi mới biết dòng dõi chúng tôi là dân Sài Gòn kỳ cựu từ cái thời người Pháp gọi Sài Gòn là Bến Nghé.
Tôi cũng biết chúng tôi ở trên đường Đề Thám nhưng không biết con đường này cũng như chợ Cô Giang có từ bao giờ. Tôi chỉ biết Ba Má tôi sống bằng nghề buôn bán chạp phô trong một khu phố nép mình vào một góc chợ ở ngã tư đường Cô Giang và Đề Thám. Vì nhà ở giữa quận Nhất, gần trường trung học Bồ Đề nên sau khi xong bậc tiểu học tôi xin vào học trường này. Hằng ngày từ nhà tôi đi bộ băng qua chợ Cô Giang để đến trường.

Chợ Cô Giang không có nhà lồng, không có hàng quán, quầy sạp cố định là nơi mưu sinh của những người buôn thúng, bán bưng đắp đổi qua ngày trong đó có Ba Má tôi.
Thập niên 1960, chợ chiều 30 Tết người đông như kiến. Dọc hai bên lề đường bày la liệt dưới đất, trên bàn, trên kệ đủ các mặt hàng tạp hóa, hàng khô, hàng thịt, hàng rau, hàng bông, hàng vải, hàng trái cây, hàng bánh mứt, hàng bún… Chợ lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán, người qua kẻ lại đi sắm Tết tạo nên một quang cảnh vui mắt, náo nhiệt. Cận Tết năm nào tôi cũng ra chợ phụ giúp Ba Má tôi bán hàng.

Có lần đang loay hoay cùng Ba tôi cân nguyên giỏ càng-xé cá khô lẹp cho khách tôi chợt nghe bên cạnh sạp bán nhang đèn một người lính Dù hỏi nhà sư trẻ một câu hỏi làm tôi giựt mình: “Lúc chưa xuất gia, Thầy ở đường Đề Thám những hai mươi năm. Thế Thầy nghĩ gì về ông Thám?”
Từ lâu nhà tôi vẫn ở trên đường Đề Thám, tôi vẫn đi trên những con đường mang tên của những anh thư hào kiệt, dù tôi biết nhưng chẳng hề quan tâm cho đến khi nghe người lính nhắc đến tên “ông Thám” mới làm máy động lòng tôi.
Tôi biết “ông Thám” tức Hoàng Hoa Thám còn gọi là Đề Dương, Đề Thám hay Hùm Xám Yên Thế là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế (Bắc Giang) chống Pháp ròng rã suốt 30 năm trường kể từ năm 1883 tới 1913.
Nhìn tấm hình anh hùng Đề Thám, râu ria lùm xùm, đầu đội khăn xếp đen, áo lương, quần trắng xộc xệch, đi giày Gia Định vây quanh bởi các thủ hạ thân tín mộc mạc, cùng khổ, đi chân đất, tôi cố mường tượng ra cuộc sống của ông vào thời ấy, cái thời đã xa mù mịt hơn trăm năm, lẫn lộn ở đó hình ảnh của những trận đánh diễn ra giữa nghĩa quân Yên Thế và quân viễn chinh Pháp.
Lướt qua những trang sử liệu của Đề Thám tôi mạn phép tóm lược vài đặc điểm về ông như sau:
Hoàng Hoa Thám, sinh năm 1858 tại làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Sinh được mấy tháng thì cha mẹ ông là Trương Thận và Lương Thị Minh bị giết hại vì cả hai đều gia nhập cuộc khởi nghĩa nông dân nổi lên chống lại nhà Nguyễn.
Hoàng Hoa Thám tên thật là Trương Văn Nghĩa, sau đổi thành Trương Văn Thám. Ở độ tuổi thanh niên, Thám ít nói, trầm mặc nhưng trong con người vạm vỡ, khỏe mạnh đó chứa một tấm lòng yêu nước mãnh liệt.
Năm 1870 Hoàng Hoa Thám tham gia cuộc khởi nghĩa của Đại Trận, được gọi là Đề Dương.
Khi Pháp đánh Bắc kỳ lần thứ nhất (1873) Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa binh của Trần Quang Soạn, lãnh tụ Bắc Ninh. Lúc Pháp đánh Bắc kỳ lần thứ hai (1884), ông đứng dưới cờ khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh, tức Cai Kinh, ông được Kinh nhận làm con nuôi, đổi tên thành Hoàng Hoa Thám.
Năm 1888, Cai Kinh mất, Thám trở lại Yên Thế theo Lương Văn Nắm, tức Đề Nắm, trở thành một vị tướng tài. Tháng 4 năm 1892, Đề Nắm bị thủ hạ Đề Sặt sát hại, Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế, tiếp tục hoạt động, lập căn cứ tại núi rừng Yên Thế, dùng chiến thuật du kích gây cho quân Pháp nhiều tổn thất nặng nề, đồng thời trừng trị những kẻ phản bội.
Từ đó, giữa những tổ chức kháng chiến và phong trào Cần Vương cũng như những bậc sĩ phu yêu nước, không ai không phấn khích khi nghe nói đến tên Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám, biệt danh “Hùm Thiêng Yên Thế”, người anh hùng đã chống đội quân Pháp đông gấp hai mươi lần. Nhà nước bảo hộ Pháp sau hai lần dẫn đến việc thương thuyết với Đề Thám đều kinh sợ khi nghe đến tên Hùm xám Yên Thế.
Trong gần 30 năm lãnh đạo, ông đã tổ chức đánh nhiều trận ở Luộc Hạ, Cao Thượng, Hồ Chuối, Đồng Hom gây nhiều tổn thất cho quân Pháp. Đặc biệt, trong trận đánh đường xe lửa từ Lạng Sơn đi Bắc Lệ, được Bang Kinh, Diêu Khê, Đề Huynh và đồng đảng giúp sức, Đề Thám bắt được Chesnay, chủ nông trường và chủ báo L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc kỳ), cả hai là người Pháp.
Tuy nhiên, với tinh thần thượng võ và lòng vị tha của Đề Thám, sau những trận đánh – không riêng gì hai người Pháp kia – các quan chức Pháp khác bị bắt đều được ông tha bổng đã tỏ ra nể phục, trong khi chính những người này luôn luôn tìm cách giết ông.
Đại tá Galliéni, một viên sĩ quan Pháp có nhiều kinh nghiệm ở Sénégal, Mali, và Soudan bên Phi Châu được Pháp gởi qua Bắc kỳ dẹp “quân phiến loạn”, đã đánh giá Đề Thám là một người cương trực, có nghĩa khí, một địch thủ đáng gờm biết tính toán trước mọi sự, nhìn xa trông rộng, biết hành binh, giỏi lập thế trận.
Cuối cùng vào năm 1909, Thống sứ Bắc kỳ đã huy động lực lượng hùng hậu tổng tấn công vào Yên Thế. Nghĩa quân bị tồn thất nặng, trong đó có con trai của Đề Thám là Cả Trọng bị tử thương, bà Ba Cẩn và cô con gái Hoàng Thị Thế bị bắt, lực lượng nghĩa quân suy yếu dần, tới đầu năm 1910 thì tan rã. Đề Thám và hai thủ hạ tâm phúc phải sống ẩn dật trong núi rừng Yên Thế, chấm dứt cuộc khởi nghĩa Yên Thế vào năm 1913.
Hoàng Hoa Thám có năm bà vợ. Bà vợ cả tên Thị Tảo sinh ra Cả Trọng, mất trong một trận đánh cuối cùng tại Yên Thế. Ba Cẩn (Đặng Thị Nho) bà vợ thứ ba sinh Hoàng Thị Thế (1901) và con trai Hoàng Hoa Phồn (1908). Đề Thám còn có hai người con nuôi, Cả Rinh và Cả Huỳnh từng cùng ông vào sinh ra tử.
Khi bà Ba Cẩn bị bắt đày sang đảo Guyanne (Nam Mỹ) và qua đời năm 1910, con gái bà là Hoàng Thị Thế, lúc đó mới 9 tuổi, về sau bị đưa sang Pháp trở thành con nuôi của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, sau đó Tổng thống Cộng hòa Pháp Paul Doumer nhận làm cha đỡ đầu của bà.
Năm 1960, Hoàng Thị Thế trở về Hà Nội, đến năm 1963 bà viết hồi ký Kỷ Niệm Thời Thơ Ấu bằng tiếng Pháp, ghi lại những thời kỳ sinh tử cùng cha mẹ, anh em và các nghĩa quân Yên Thế từng sống và chiến đấu trên đất Phồn Xương. Nhà thơ Hoàng Cầm, trong những năm bị “treo bút”, lấy bút hiệu Lê Kỳ Anh đã dịch cuốn hồi ký này ra tiếng Việt được Ty Văn Hóa Hà Bắc xuất bản năm 1975. Về sau, cuốn hồi ký “Kỷ Niệm Thời Thơ Ấu” cũng được công ty CP sách Omega và NXB Khoa Học Xã Hội ấn hành năm 2017.
Bà Hoàng Thị Thế sinh ngày 31/3/1901 tại Phồn Xương, Yên Thế (Bắc Giang). Mất ngày 9/2/1988, chôn tại Phồn Xương, nơi bà cất tiếng chào đời.
Riêng cái chết của Đề Thám đến nay vẫn còn là một nghi vấn. Có nhiều giả thiết khác nhau:
  1. Ba tên Tàu thuộc đảng Lương Tam Kỳ “trá hàng”, tìm cách chuốc rượu giết chết Đề Thám và hai bộ hạ xong cắt đầu đem nộp cho quân Pháp. Pháp bêu đầu Đề Thám và hai thuộc hạ ở Nhã Nam để thị uy quần chúng.
  2. Nhưng có người cho rằng Đề Thám là người rất cảnh giác, không dễ bị ám sát, đã tẩu thoát, về sau chết ở Hố Lẩy, là nơi được cho là có lăng mộ của ông.
  3. Cũng có người nói Đề Thám sống những ngày cuối đời tại nhà Thống Luận, mất ở xóm Tân Lập, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang là nơi có một nhà thờ ông.
 
Thưa Quí bạn đọc,

Sau biến cố tháng tư 1975, gia đình tôi vượt biên qua Thái Lan rồi định cư tại Canada đến nay. Mùa hè năm 2015, giữa kinh đô ánh sáng của Pháp, tôi đã đứng trước tượng đài bằng đồng Tướng Galliéni, dựng ở góc quảng trường Vauban. Trên bệ đá cao, Galliéni được nâng lên bởi bốn người đàn ông, tượng trưng cho bốn thời kỳ ông đã từng phục vụ cho bốn nước: Soudan (Phi Châu), Madagascar (Africa & India), Paris (Pháp) và Tonkin (Bắc kỳ). Tượng này do nhà điêu khắc Jean Boucher dựng năm 1926. Như ta đã biết, ở thế kỷ trước đại tá Galliéni từng là kẻ đối địch với Đề Thám, coi Đề Thám như một thiên tài quân sự.
So với tượng đồng tướng Galliéni dựng ở Paris thì tượng đồng Hoàng Hoa Thám dựng ở Yên Thế với nét khắc giản dị hơn, đơn sơ hơn, không cần phải khoa trương thanh thế, Đề Thám vẫn sừng sững với thần khí uy nghi, bề thế.
Nhìn chung, lòng yêu nước của những anh hùng dân tộc trải theo chiều dài lịch sử nước Việt lớn biết dường nào. Điều này chứng tỏ ở đâu, thời nào, đất nước cũng có những con người kiệt hiệt sẵn sàng đối mặt với những mưu đồ xâm lấn. Riêng dưới thời Pháp thuộc, đã có những Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Phan Đình Phùng, Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Đề Thám, Kỳ Đồng, Đinh Công Tráng… vì sơn hà xã tắc, coi cái chết nhẹ tợ lông hồng.

Phan Ni Tấn