LỜI MỞ ĐẦU
Sài Gòn
trong trái tim tôi là một dấu ấn không bao giờ quên. Hòa mình trong dòng
người vội vã từ muôn nẻo đường Sài Gòn, tôi lắng nghe sôi động của nhịp sống ở
Sài Gòn và nhận ra rằng Sài Gòn là Hòn
ngọc
Viễn
Đông cho dù vẫn còn nhiều bất cập và thiếu sót. Tôi bỗng nghe văng vẳng đâu
đây lời bài hát Sài Gòn Đẹp Lắm dưới đây của nhạc sĩ Y Vân
Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai,
Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay
Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này
Sài gòn đẹp lắm! Sài gòn ơi! Sài gòn ơi!
NHỮNG NÉT ĐẸP CỦA SÀI GÒN TRONG TÔI
Đến Sài Gòn, bạn có thể sẽ choáng ngợp bởi nhiều nét đẹp nhẹ
nhàng giúp bạn yêu và nhớ về Sài Gòn. Sau đây là một vài nét đẹp đặc biệt của
Sài Gòn luôn sống mãi trong tôi.
Những Con Đường Có Lá Me Bay
Sài Gòn có lẽ là thành phố có nhiều đường với hàng cây me
xanh nhất ở Việt Nam. Cây Me (Tamarindus indica) là một trong các loại
cây có mặt sớm nhất ở Sài Gòn vào thời kỳ Pháp thuộc. Cây Me có tán lá dày,
xanh mát quanh năm, vừa cho bóng mát, vừa có quả hai mùa. Cây me lá nhỏ, đến
mùa lá khô vàng khi có cơn gió thổi qua lá me sẽ rơi rụng rồi bay tản loạn. Lá
me vàng bay lấp lánh trong gió làm con đường như được thêu kim tuyến. Cây me có
tán lá dày hơn cây phượng, cây me không làm bật vỉa hè và có trái rụng làm dơ
đường phố như cây bàng.
Nhiều con đường tuyến phố ở trung tâm Sài Gòn đang hiện hữu
những hàng me nhiều năm tuổi. Trong mùa lá me bay, Sài Gòn là một thành phố rất
nên thơ. Trong những năm 1966 – 1970, khi tôi đi học ở trường Cao Đẳng Nông Lâm
Súc ở đường Cường Để, tôi thường đi qua những con đường có lá me bay như đường
Nguyễn Du, đường Gia Long (ngày nay là Lý Tự Trọng), đường Trần Quý Cáp (ngày
nay là Võ Văn Tần), đường Thống Nhất (ngày nay là Lê Duẩn), đường Tự Do (ngày
nay là Đồng Khởi), và đường Pasteur. Trong lần thăm trong tháng 5, 2019 này,
tôi và bà xã của tôi đã đi thăm phố Sài Gòn nhiều lần. Từ khách sạn trên đường
Lê Thúc Hoạch ở Quận Tân Phú chúng tôi tản bộ qua khu phố chợ Tân Hương và từ
đó lấy xe buýt số 30 để đi đến công viên 30 tháng 4 ở gần bên nhà thờ Đức Bà,
nơi gặp nhau của những con đường nhộn nhịp và tấp nập của thành phố Sài Gòn.
Công viên 30 tháng 4 cũng là nơi bắt đầu những con phố tĩnh
lặng, yên ả với hàng me dọc lối đi chẳng hạn như đường Lý Tự Trọng, đường Nguyễn
Du, đường Nguyễn Văn Bình. Nằm ở trung tâm quận 1, hàng cây trên con đường Đồng
Khởi đã xuất hiện trong những bức hình về Sài Gòn hàng chục năm về trước. Tọa lạc
ngay trung tâm Sài Gòn đầy hiện đại và có nhịp sống hối hả, nhưng những con đường
Lý Tự Trọng, Lê Duẩn, Đồng Khởi, Võ Văn Tần vẫn giữ được nét nhẹ nhàng, mộng mơ
vốn có của thuở xa xưa nhờ hình ảnh lá me bay. Đường Nguyễn Du là con đường rợp
lá me bay và những hàng me trên đường Nguyễn Du tàn xanh sậm quyến luyến, đẹp.
Hàng me trên đường sách Nguyễn Văn Bình kéo dài chừng 100m từ đường Hai Bà
Trưng đến Nhà
thờ
Đức
Bà. Đây là một địa điểm mới đầy thú vị ở Sài Gòn, thu hút nhiều người dân đến
tìm hiểu về các loại sách cũng như tham quan, dạo chơi vào dịp cuối tuần.
Ở tất cả các con đường trên, tôi có thể quan sát thấy lá me rụng trải một mảng màu vàng dọc bên lề đường. Nếu may mắn, tôi còn có thể quan sát được cảnh lá me bay rất đẹp mắt khi có một cơn gió mạnh thổi qua. Trời vừa tạnh mưa, đi trên những con đường có lá me bay này của Sài Gòn, tôi có một cảm giác trong trẻo, không gian mát lành khi nước lộp bộp rơi từ những tán lá me xuống tóc và lá me rải khắp mặt đường.
Cây me cho bóng mát, cây me còn đem đến những quang cảnh vô
cùng lãng mạn mỗi khi trời trở gió, lá me vàng bay là đà trong không trung. Cây
me xinh xắn với bao mùa bay lá đem đến cho thành phố Sài Gòn những phút giây
lãng mạn đi vào thơ ca. Hình ảnh con đường có lá me bay đã đi vào những bài
thơ, bài hát được các tác giả lấy cảm hứng từ những con đường đầy lá me ở Sài
Gòn. Trong bài hát Thành Phố Tình Yêu Và Nỗi Nhớ của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn có
những dòng sau:
Có từ bao giờ hàng me xanh ngát
Mà nay đứng đó cho em làm thơ
Trong năm 1952, nhà văn Bình Nguyên Lộc ca ngợi những hàng
me ở Sài Gòn và đã nói rằng “tôi thương Sài Gòn vì những hàng me”. Trong năm
1978, nhà thơ Diệp Minh Tuyền viết bài thơ Con Đường Có Lá Me Bay để thi vị hóa
Sài Gòn là thành phố của lá me bay. Đồng cảm với nhà thơ, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã
phổ bài thơ thành một bài hát với một giai điệu trữ tình như giãi bày cả chiều
sâu của hồn thơ như sau.
Con đường có lá me bay
Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về
Bước chân rạo rực trên hè
Êm êm đá lát lòng nghe bồi hồi
Văn Hóa Cà Phê
Cà phê đã và đang là nét văn hóa không thể thiếu của người
Sài Gòn. Nếu bạn có một thời gian sống ở Sài Gòn, đi xa chắc sẽ chẳng quên được
hương vị cà phê của người Sài Gòn. Buổi sáng ở Sài Gòn không ai có thể không nhắc
đến những li cà phê – những li cà phê tỏa những làn hơi ấm áp thoảng thoảng mùi
thơm kích động giữa sương khói của đất trời. Bạn sẽ không khó bắt gặp hình ảnh
một người đàn ông Sài Gòn trung niên ngồi bình thản trên chiếc ghế cóc tại quán
cà phê giản đơn mỗi buổi sớm trầm tư nhìn từng giọt cà phê phin nhỏ xuống chiếc
ly be bé, nhâm nhi một ly cà phê trong buổi sáng để nhìn về những góc nhỏ bình
yên mà thường ngày vẫn bị bỏ quên giữa dòng đời tấp nập, bon chen với những
dòng xe cộ tấp nập và khói bụi. Một nhà thơ có những dòng sau bên ly cà phê.
Tự nhiên Chủ Nhật thấy buồn
Cà phê từng giọt dỗi hờn rơi rơi
Cuộc đời như sóng đầy vơi
Cà phê giọt đắng lả lơi nỗi sầu.
Người Sài Gòn không chỉ uống cà phê vào buổi sáng. Họ uống
cà phê bất cứ khi nào trong ngày. Người Sài Gòn, bên cạnh lối sống hối hả thường
ngày, có câu nói – “cà phê đi không?”. Ngoài công dụng giúp tỉnh táo cho cả một
ngày làm việc vất vả, cà phê còn là một món ăn tinh thần, là nơi chốn gặp gỡ
cho bạn bè, đối tác, và cả hẹn hò lý tưởng nữa. Đãi khách, bàn công việc, gặp gỡ
bạn bè, muốn yên tĩnh chiêm nghiệm bản thân – cuộc đời, muốn thư giãn đều được
người Sài Gòn thực hiện ở quán cà phê. Sau 1975 Sài Gòn có rất nhiều quán cà
phê được bày bán ở vỉa hè. Ngày nay, ở Sài Gòn từ nơi đông đúc hay những góc phố
nhỏ đâu đâu cũng có quán cà phê vỉa hè hiện diện, từ góc hẻm nhỏ đến những đại
lộ. Cà phê vỉa hè, còn được gọi là cà phê bệt hay cà phê cóc, là điểm đến của hầu
hết người Sài Gòn. Nếu các bạn từng thưởng thức cà phê ở Sài Gòn thì chắc chắn
sẽ không còn xa lạ với cái tên ” Cà phê bệt ” tại Nhà Thờ Đức Bà.
Cà phê bệt Sài Gòn không phân biệt giai tầng, giới tính, tuổi
tác. Người ta có thể nhìn thấy một anh công chức, một ông trí thức với trang phục
chỉnh chu ngồi cạnh một bác tài xe ôm, một anh công nhân quèn với trang phục lượm
thượm mà không có dấu hiệu của sự khinh khi hay mặc cảm tự ti. Người uống cà
phê có thể ngồi hàng giờ đồng hồ, nhâm nhi ly cà phê đen hoặc đá với bạn bè kể
cả những người không quen biết cũng chỉ để tán ngẫu dăm ba câu chuyện.
Đến giữa năm 1996, cà phê Trung Nguyên bắt đầu xuất hiện và
nhanh chóng mở chuỗi quán. Từ năm 2007 cho đến nay có những thương hiệu cà phê
quốc tế như Gloria Jeans Coffees, Coffee Bean, Starbucks đã bước chân vào Sài
Gòn. Ở quán cà phê thương hiệu bạn sẽ có một không gian an toàn và chuyên nghiệp
hơn cho những cuộc gặp gỡ xã giao, bàn công việc. Trong khi một cốc cà phê vỉa
hè (hay cà phê bệt hay cà phê cóc) có giá trung bình từ 10-20 nghìn đồng Việt
Nam thì một cốc cà phê của thương hiệu nước ngoài như Starbucks có giá 70 nghìn
đồng Việt Nam và một cốc cà phê của thương hiệu Việt Nam như Trung Nguyên
Legend có giá 36-53 nghìn đồng Việt Nam.
Thành Phố Sông Nước
Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Cảnh đã viết hai câu dưới đây trong bài
hát Sài Gòn Trong Nỗi Nhớ.
Sài Gòn mùa này nước mắt hoen mi
Đứng nhìn sông dài gửi dòng thương nhớ
Dòng sông Sài Gòn uốn khúc trong lòng thành phố và một hệ thống
kênh rạch gắn liền với dòng sông đã làm nên một Sài Gòn cùng với một nền văn
hoá sông nước. Bên cạnh sông Sài Gòn, còn có rất nhiều kênh rạch lớn có thể kể
tên như: Rạch Bến Nghé, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rạch Lò Gốm, kênh Tẻ, kênh
Đôi, kênh Tàu Hủ. Kênh rạch từng được coi là “mặt tiền” của Sài Gòn xưa. Những
dòng sông, kênh rạch Sài Gòn đã từng là tuyến đường thủy quan trọng từ biển
Đông và các tỉnh miền Tây Nam Bộ vào thành phố. Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một
trong những con kênh dài nhất Sài Gòn, chảy qua các quận: Tân Bình, quận 3, Phú
Nhuận, Bình Thạnh.
“Ai đang đi trên cầu Bông,
Rớt xuống sông ướt cái quần nylon,
Vô đây em ! chờ quần khô
Anh sẽ đưa em về”
Mấy câu trên là câu hát (nhái) về cái Cầu Bông bắc qua Kênh
Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở vùng Đa Kao trong thập niên 1960.
Khi đêm về sông Sài Gòn tạo cho thành phố này một nét đẹp
như viên ngọc lấp lánh có sức hút và quyến rũ đối với mọi người. Nói tới sông
nước, không thể không nhắc đến bến. Nhiều cái bến đã thành tên đất như Bến
Nghé, Bến Thành. Nhiều bến vẫn tồn tại cả trăm năm như Bến Bạch Đằng, Bến Nhà Rồng,
Bến Chương Dương, Bến Bình Đông. Khu vuc bến Chương Dương và rạch Bến Nghé bên
đại lộ Võ Văn Kiệt ở quận 1 vẫn còn lưu những dấu ký ức xưa bằng những ngôi nhà
cổ bên đường quay ra mặt nước. Bến Bình Đông nằm bên đại lộ Võ Văn Kiệt ở quận
8 thường đón những tàu thuyền từ miền Tây lên Sài Gòn buôn bán. Cái tên Bến
Chương Dương đã trở thành một phần lịch sử Sài Gòn.
Mảnh Đất Lạ Kỳ
Sài Gòn lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở
trong lòng nó. Sài Gòn vẫn mang đến riêng cho mỗi người những cảm nhận riêng,
những niềm hạnh phúc bình dị nhưng lớn lao giữa muôn màu cuộc sống. Sài Gòn
không thơ mộng, lãng mạn như những vùng đất khác nhưng nó lại được đem đến cho
ta nhiều suy nghĩ. Là một thành phố trẻ năng động và nhộn nhịp, Sài Gòn có một
thứ không khí khác, không giống bất cứ nơi đâu, mà một khi đã quen hít thở với
nó, bạn sẽ không bao giờ quên được. Sài Gòn có những đại lộ thênh thang người
xe tấp nập thì cũng có những con hẻm quanh co bình yên giăng mắc vào lòng người
bao kỷ niệm thân thương gắn bó. Ở Sài Gòn đằng sau cái vẻ ồn ào vội vã, là tình
cảm chân chất và thực tế.
Người ta thường ngợi ca Sài Gòn bao dung, hồn hậu, sẵn sàng
đón nhận những khác biệt. Hầu hết mọi người ở mọi vùng miền tổ quốc đều mong muốn
được đến Sài Gòn để sinh sống và làm việc. Ở đây họ sẽ tìm thấy rất nhiều cơ hội
sự thăng tiến cho bản thân. Nhiều người đã coi nơi này làm quê hương. Có thể
nói Sài Gòn là vùng đất dễ kiếm sống nhất trong cả nước Việt Nam. Sài Gòn là
thành phố nhập cư với đủ giọng Bắc, Trung, Nam, đủ văn hóa ba miền cùng hội tụ
tạo nên sự phong phú đa dạng cho Sài Gòn. Có bác lái xe gần nhà nói đặc giọng Bắc,
nhà cô bán tạp hóa giọng miền Trung, và cả chị gái miền Tây. Sài Gòn dung nạp đủ
mọi hạng người, từ anh trí thức hàn lâm đến chị bán trôn nuôi miệng, từ giới
nghệ sĩ có tài và bất tài đến mấy bà buôn thúng bán bưng. Một nhà thơ có viết
những dòng sau.
Nhưng vòng tay Sài Gòn luôn mở rộng
Chào đón mọi miền đến lập nghiệp an cư
Người Sài Gòn lòng nhân ái có dư
Ở Sài Gòn sáng ai cũng đi làm, tối mù mịt mới về. Do đó, người
Sài Gòn có ít thời gian để gặp nhau để mà biết hàng xóm của mình làm gì, gốc ở
đâu, nhà bên đó ra sao. Tuy nhiên, người Sài Gòn luôn rộng mở tấm lòng và giúp
người khác theo cách này hay cách khác mà thôi. Giúp đỡ, cưu mang, và chia sẻ
là hành động hàng ngày không chỉ với hàng xóm, người làm chung sở mà cả những
người khách mới tới thăm Sài Gòn nhưng không may gặp khó khăn.
Những Cơn Mưa
Sài Gòn có hai mùa mưa nắng – nhẹ nhàng buổi sáng, gắt gỏng
về trưa, mít ướt trong chiều, và dịu dàng khi trời tối. Có những buổi sáng trời
Sài Gòn trong vắt, nắng chói chang, nhưng bất chợt lại mưa ngay. Trong những
chiều mưa nhàn nhạt, Sài Gòn trở nên chậm rãi hơn, bớt ồn ã hơn. Và trong những
cơn mưa đêm da diết, Sài Gòn trở nên tĩnh lặng.
Mưa đã trở thành một phần cuộc sống thuộc về Sài Gòn. Trời
đang hanh hao cái nắng cuối mùa bỗng ào ào một cơn mưa bất chợt – mưa ào ào, ầm
ầm, xối xả. Mưa hối hả như chính nhịp sống tại nơi này, đến nhanh, đi nhanh.
Trong bài thơ Mưa Sài Gòn của nhà thơ Nguyễn Kim Long có hai dòng sau.
Sài Gòn chợt nắng chợt mưa..
Vừa chang chang rọi, đã lùa hạt giăng!
Đang chạy xe ngoài đường, bỗng dưng chẳng lời báo trước, cơn
mưa đổ ào xuống. Tưới mát cho Sài Gòn độ khoảng nửa giờ mưa tạnh. Đường lại ráo
như mưa chưa từng đến. Tuy nhiên, cơn mưa ngắn ngủi ấy cũng đủ làm dịu lại cái
gay gắt của những ngày nắng nóng và bầu không khí được trong lành, man mát. Mưa
Sài Gòn đến nhanh, đi nhanh. Song le, đôi khi mưa Sài Gòn đến và không chịu đi
ngay và cơn mưa làm người ta hoảng sợ vì đường phố trở thành những con sông và
những chiếc xe trở thành những chiếc thuyền. Việc cùng nhau trải qua cơn mưa
như cùng chịu ướt, cùng trú mưa dưới một mái hiên bên đường bao giờ cũng làm
người ta thấy gắn bó nhau hơn một chút.
Bước đi trong mưa, bạn chợt chợt nhận ra Sài Gòn thật khác bởi
vì mưa ở đây bao giờ cũng ấm áp một tình thương với những hình ảnh đầy xúc động
như hình ảnh một thằng bé sẵn sàng vứt chiếc cặp sách chạy lon ton giúp một phụ
nữ gom đống báo ngổn ngang vào thùng, hay hình ảnh anh sinh viên vẫn cười trong
khi hì hục băng qua đường giúp bà lão đẩy chiếc xe rong băng băng qua con đường
lênh láng nước, hay hình ảnh cô lao công chia đôi ổ bánh mì cho một thằng bé mồ
côi trong đêm mưa. Lo lắng khi mưa tới và vỡ òa niềm vui khi mưa tạnh. Chưa ngấm
mưa Sài Gòn thì ta có cảm giác như chưa biết mùi Sài Gòn.
KẾT THÚC
Một ngày mới lại bắt đầu và tôi biết thành phố Sài Gòn lại
sôi lên trong nhịp mưu sinh hối hả, trong tắc đường, trong khói bụi. Tôi mượn lời
bài hát Sài Gòn của nhạc sĩ Y Vân để kết thúc bài viết này:
Một tình yêu mến ghi lời hát câu ca
Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa
Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai
Sài gòn đẹp lắm Sài gòn ơi! Sài gòn ơi!
Nguyễn
Văn Ngưu