Hồi tôi còn nhỏ, có lần ba tôi, sau khi xem được một quyển
sách hay của nhà văn Trung Hoa Lâm Ngữ Đường, đã hứng thú kể tôi nghe câu chuyện
về một thư viện rất nổi danh, thư viện Alexandria ở Ai Cập thời cổ đại. Tôi nhớ
đại khái như sau: “Lúc đó sách thực hiện bằng ghi chép thủ công. Muốn có nhiều
sách cho thư viện, nhân viên thư viện phải đi khắp nơi trong thành Nhã Điển
(tên gọi thủ đô Athen của Hy Lạp hồi trước 1975), đặt tiền cọc để mượn sách
mang về chép một hoặc nhiều bản. Ngoài ra, khi phát hiện được có bản chép tay
nào trên các tàu biển thả neo ngoaì cảng, họ “tạm thời tịch thu” các bản đó để
sao chép lại xong mới đem trả.
Chuyện một thư viện có cách nay gần 2.500 năm trước đã rất
linh hoạt trong chuyện tổ chức nguồn sách của mình khiến tôi rất thích thú. Ý
muốn có một tủ sách gia đình bắt đầu xâm chiếm tôi.
Hoàn cảnh sống nhà tôi hồi đó cũng giống như rất nhiều nhà
trong xóm lao động, chủ yếu người lớn đi làm cho tư nhân, lái taxi hay buôn bán
nhỏ ở chợ. Con cái nhà nào cũng đông, tự đi học và tự về, đứa nào mực tím cũng
dính tay dính áo. Nhưng ba tôi khác với mấy người cha trong xóm, là rất mê đọc
sách. Nhà tôi có ông anh là giáo viên, ba má tôi giao phó hẳn việc học mấy đứa
con nhỏ cho anh. Như mọi thầy giáo hồi xưa, anh cũng mê sách. Đam mê của các bậc
phụ – huynh này đã ảnh hưởng mấy anh em trong nhà.
Sách của ba tôi không nhiều, chứa trong khoảng ba thùng cạc
tông. Đa số ông mua từ hồi trai trẻ, chiếm nhiều là truyện Tàu như Tiết Nhơn
Quý chinh đông, Đông Chu Liệt quốc, Tam Quốc chí… Có mấy tập thơ của Nguyễn
Bính, Hàn Mặc Tử là những người cùng thế hệ với ông. Trong số đó, tôi thích nhất
bộ “Việt Nam Thi nhân Tiền chiến” của Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng. Dù
không nổi tiếng như quyển Thi Nhân Việt Nam của Hoàì Thanh – Hoàì Chân nhưng cuốn
này rất đầy đặn, phong phú và tất nhiên cập nhật hơn với nhiều bài thơ phát hiện
sau này.
Mấy cái thùng sách của ông để cạnh chỗ ngủ.Có lần một cơn
mưa dữ dội đưa nước vào nhà, ngấm vào mấy cái thùng khiến cả nhà phải bày ra
phơi cả tuần. Rất may sách không bị hư hại nhiều.
Sách của anh Hai tôi để trong một cái rương bằng thiếc. Đó
là dấu vết một thời dạy học ở một vùng biên giới Việt – Miên. Khi trở về Sài
Gòn, anh đem rương về và nó thành thế giới bí mật đầy quyến rũ với tôi. Có lúc
tôi lục lọi được chúng. Trong đó có những tập quay roneo bàì giảng cho sinh
viên Văn khoa Sài gòn trước 1975 nhưng tác giả là Đinh Gia Khánh và Nguyễn Đình
Thi của Hà Nội. Sau này tôi biết để có những bản sách hiếm có như vậy, các giáo
sư Văn khoa đã tìm cách đặt sách từ Hà Nội qua Paris và từ Paris mang về Sài
Gòn phổ biến cho Sinh viên. Trong rương có mấy quyển sách bàn về chuyện tình
yêu nam nữ của Công giáo, có cả phần giáo dục giới tính. Tò mò xem, tôi ngượng
quá nên bí mật đem… bỏ thùng rác. Khi biết được ông anh nổi giận nhưng không giải
thích khiến tôi tin chắc là mình… đúng. Tội nghiệp mấy quyển sách vô tội và hiền
khô so với sách giáo dục giới tính bây giờ.
Dù có mấy thùng sách, nhà vẫn không có một tủ sách đàng
hoàng. Lúc ấy, nhớ đến hồi được làm “quản thủ” tủ sách lớp Năm của trường tiểu
học Võ Tánh, tôi bắt đầu lập tủ sách gia đình. Trước hết, xin những quyển sách
nào ông anh không đọc nữa, tôi đưa vào tủ sách của tôi.
Thời kỳ này, quyển sách gây men hứng thú là quyển Con Nai
Tơ, tác giả Mỹ tôi không nhớ tên nhưng người dịch là Trương Bảo Sơn. Ông này
sau dịch những quyển nổi tiếng khác như Ông già và biển cả của Hemingway và Gió
đông Gió tây của Pearl Buck. Quyển thứ hai là Phiêu lưu trên lưng ngỗng của
Senma Largerlof, nhà văn Thuỵ Điển. Chi tiết tôi nhớ nhất trong truyện là sự tiếc
nuối mãnh liệt của cậu bé Nin. Một đêm, cậu bước vào một ngôi thành lớn bên bờ
biển. Có nhiều người buôn bán trong thành mời cậu mua sản vật ở đó nhưng cậu từ
chối vì tiền trong túi quá ít, chỉ có vài đồng xu. Sáng hôm sau, toàn bộ tòa
thành biến mất. Cậu được kể rằng một trăm năm tòa thành này mới hiện ra một lần
và trong lần đó, nếu ai mua bán với người trong thành dù chỉ một đồng xu bé
cũng giúp nó sống lại sau một lời nguyền tự ngàn xưa.
Thời điểm ấy là năm mới đến sự kiện 1975. Nhiều nhà bán đổ
tháo sách ra vỉa hè. Một bà trong xóm tôi không biết vì sao có được mấy bao tải
sách của nhà xuất bản Phượng Giang, nhóm Tự Lực Văn Đoàn với bìa trắng, chữ đen
và logo hình chim Phượng. Lập tức tôi xúm vào lựa và không nhớ tiền đâu mà mua
được khá nhiều quyển của Nhất Linh, Kháí Hưng, Thạch Lam, Trần Tiêu… Bà bán cho
người khách duy nhất trong xóm là tôi và đến khi tôi không mua nữa thì bà đem
đi bán … ve chai.
Bộ sách này với khoảng hơn hai chục cuốn làm tăng giá trị tủ
sách của tôi. Suốt thời gian đó, đang học lớp Tám, xem chừng tôi mê sách hơn mê
học. Suốt ngày tôi có mặt ở đường Trần Quang Khải là nơi có bán sách báo vỉa hè
để canh mua sách với tất cả tiền có trong tay.
Có lần tôi lập một kế hoạch “chôm” sách đáng xấu hổ. Số là
phường tôi ở có một căn nhà chủ bỏ đi nước ngoài năm 75. Nhà này biến thành trụ
sở thanh niên của phường. Trong nhà còn đủ bàn, ghế và một tủ sách nhỏ. Theo
anh chị đến đó, tôi thường mượn sách để đọc tại chỗ. Đến một ngày, tôi phát hiện
sách trên kệ thưa dần. Tôi hỏi và ông anh trả lời rằng chúng đã được số thanh
niên ở đây đem xé ra quấn thuốc hút và… đi vệ sinh.
Tôi phẫn uất và lo lắng. Nhìn lên kệ, tôi thấy quyển “Tục ngữ
phong dao” của Nguyễn Văn Ngọc. Quyển này tôi mê từ hồi chín mườì tuổi khi ông
anh mượn về từ thư viện. Sách dày, có nhiều bài ca dao tục ngữ hay. Tôi biết chắc
nó sẽ bị tanh bành theo mấy quyển kia.
Một thằng bạn trong xóm thường lên trụ sở này chơi đã bày
cách cho tôi. Số là nhà này là căn hộ chung cư ở lầu 1, phía sau dãy nhà là con
hẻm. Ngon ơ ! Buổi trưa, tôi và nó lên đó chơi. Lúc nào cũng có người ở đó nên
không thể bỏ vào bụng áo một quyển sách dày cộm được. Theo lệ thường, tôi mượn
mấy tờ báo thiếu nhi xem tại bàn. Đợi lúc một anh vừa rời căn phòng phía sau ra
đứng ngoài hành lang trò chuyện với bạn, tôi đến kệ chộp ngay quyển sách đưa
cho thằng bạn ngồi cạnh và biến nhanh xuống cầu thang, chạy ra con hẻm sau dãy
nhà. Bạn tôi lập tức xuống nhà bếp, mở cửa thông ra phía sau và ném sách xuống
đường. Sách nặng, rơi bộp xuống đất, bung ngay bìa. Tôi chụp nhanh và lỉnh về
nhà, tim đập thình thịch.
Tôi rủ thằng bạn đi uống nước đá nhận và nó nhanh chóng quên
chuyện đó. Còn tôi đem đóng lại sách, bọc ny lon và sung sướng lật nó đọc hằng
ngày. Trong một thời gian dài, thỉnh thoảng lương tâm tôi lại dậy lên chuyện lấy
cắp sách.
Khi nhà có độ ngàn quyển sách, ba tôi bắt đầu đóng kệ sách.
Đang thời khó khăn, kệ là những miếng ván đặt thẳng góc với tường, cố định bằng
những sợi dây kẽm dằng giữ. Cái buồng nhỏ nhà tôi bốn phía đều có kệ sách. Mỗi
tường hai kệ, vị chi là tám kệ. Ở giữa là cái giường rộng và lối đi. Kệ sách là
nơi bụi ưa thích, vài tháng quét một lần vẫn thấy có bụi. Ông anh tôi lên cơn
suyễn thường xuyên thời gian đó. Kệ sách, thứ mà cả nhà đều biết là quý trở
thành gánh nặng không muốn rời bỏ.
Một buổi chiều chủ nhật, cảm thấy mình có lỗi vì làm ảnh hưởng
không khí trong nhà, tôi bắt đầu ngồi phân loại sách. Có những quyển truyện đọc
đi không muốn đọc lại. Có những quyển vô bổ. Có những quyển có cũng được, không
có không sao. Rất nhiều quyển làm dậy lên những cảm xúc mới mẻ. Một quyển sách
hay mua được trong chiều chủ nhật. Quyển sách kỷ niệm đứa bạn thân không gặp lại
nữa. Số sách không dùng, tôi tặng một nhà sư trẻ mê đọc sách và khi anh ta chở
những bao sách ra về, tôi cảm thấy thanh thản vì đã không phụ những quyển sách
chắt chiu bao năm nay.
Viết về sách thì có thể … viết dăm bài nữa vẫn chưa chán. Vừa
rồi, tôi vui mừng tìm được quyển “Sống với sách” của Alan Powers. Cuốn sách nói
về sự gắn bó với đời sống con người mà phương Tây, nơi phát minh ra máy in đã
khiến sách dễ dàng phổ biến rộng và nhiều hơn, rẻ hơn trong xã hội, giúp con
người phát triển nhanh hơn. Với góc nhìn riêng, tôi nghĩ nếu không có sách, cuộc
sống này sẽ khó khăn biết bao nhiêu với rất nhiều người, trong đó có tôi. Với
sách, chúng ta không cảm thấy bơ vơ. Sách góp phần không nhỏ nuôi dưỡng, chở
che, xoa dịu tâm hồn và giúp ta lớn khôn. Dường như vấn đề nào trên đời này, kể
cả cái chết, luôn có một quyển sách đang chờ ta ở đâu đó để lý giải, an ủi, trò
chuyện và dẫn dắt ta đi.
Phạm Công Luận
Trích cuốn “Những lối về ấu thơ” viết chung với Đặng Nguyễn
Đông Vy