Tổ Chức Y Tế Thế Giới chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch
viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây
ra là đại dịch toàn cầu. Tổng Thống Trump cũng ban bố tình trạng khẩn cấp quốc
gia vì COVID-19. Phải chăng chúng ta đang ở trong tình trạng “thậm cấp, chí
nguy!”
“Thời Đại Dịch,” làm cho chúng tôi nhớ lại câu mắng “Đồ Mắc
Dịch” mà người Việt vẫn thường dùng. Câu mắng này thật ra, không phải để nguyền
rủa ai, chính thức từ xưa câu nói này không hề mang tính độc ác, trái lại là một
câu mắng yêu trong nhân gian. Có khi là mẹ mắng con, có khi là bạn bè nói với
nhau: “Đồ Mắc Dịch, làm người ta giật cả mình!” Nó cũng như câu mắng “Đồ Yêu! Đồ
Quỷ” vậy mà! “Nhất quỷ, nhì ma… thứ ba học trò!” cũng là một câu mắng yêu!
Đây không phải là chuyện đùa, chuyện mắc dịch đã làm cho
loài người sợ khiếp đảm!
Từ năm 1848 cho đến nay, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của
hàng trăm triệu người trên thế giới; đại dịch sởi, dịch tả, cúm Tây Ban Nha,
cúm Châu Á, HIV/AIDS… Và bây giờ đến cúm Vũ Hán đang tiến triển chưa có dấu hiệu
dừng lại!
Thời “mắc… dịch” này, dân Việt mới thấy mình bị kỳ thị hơn
lúc nào hết. Ra phố Tây thiên hạ tưởng mình là Tàu, chưa nghe ho hay xì mũi đã
ngoe nguẩy tránh xa ba bước. Thấy chuyện một anh Mỹ Châu Phi xịt thuốc sát
trùng vào một người Châu Á gặp trên xe bus, rồi chuyện hai cô học sinh gốc Việt
ở thành phố Westminster đang mặc áo dài trình diễn văn hóa Việt Nam và bị la
hét “Coronavirus,” mà ngán ngẩm chuyện đời. Chỉ hơi giống nhau ở chỗ da vàng,
mũi tẹt, mắt hí mà đã vậy, huống chi là “Tàu… rặt”!
Thời “mắc… dịch” này, ai mà vào chơi phố Tàu, đi massage
chân, massage tay trong tiệm massage Tàu, ngại đi ăn cơm Tàu. Biết ở đây có ai
mới… “về quê ăn Tết, vừa trở lại không?”
Chưa bao giờ hình ảnh của nước Trung Quốc bị bôi bác như hôm
nay. Ngày 11 Tháng Ba, Facebook và Instagram chính thức của trường Sint-Paulus
Campus College Waregem (Bỉ) đăng hình ảnh 19 học sinh mặc y phục người Hoa, (bỗng
dưng nón lá Việt Nam bị oan lây), đang giơ tấm biển ghi “Corona time” (Thời của
corona). Trong ảnh, có hai học sinh hóa trang thành gấu trúc. Một nữ sinh ở
hàng giữa thậm chí dùng tay kéo hai khóe mắt, cử chỉ được cho là chế giễu, xúc
phạm người gốc Châu Á mắt hí.
Tin mới nhất cho biết, trên thị trường, loại áo T-Shirt có
in dòng chữ “I AM NOT CHINA” đang được tung ra, và chắc chắn sẽ bán rất chạy!
Người Việt mình, mỗi người cũng nên mua một cái chăng?
Hiện tượng kỳ thị, xa lánh người Đông Á vì “virus corona” đã
xảy ra ở Anh, Đức, ở Pháp,… Một số người Pháp gốc Châu Á cũng nói họ bị kỳ thị
trên tàu xe, và một tờ báo Pháp đã bị phản đối vì tựa đề “Dịch bệnh da vàng,”
“Cảnh báo vàng,” ám chỉ màu da vàng của chúng ta.
Không những bị kỳ thị chủng tộc, mà bây giờ, những người cao
niên lại bị kỳ thị tuổi tác nữa. Theo USA Today, Hiệp Hội Du Thuyền hàng đầu thế
giới hôm 10 Tháng Ba, đã nộp đơn lên chính phủ Mỹ, đề nghị cấm bất kỳ người nào
trên 70 tuổi trừ khi họ trình giấy bác sĩ xác nhận họ đủ sức khỏe đi tàu.
Trong lúc con người hoạn nạn, đáng lẽ người ta xích lại gần
nhau hơn thì bây giờ lại phải đứng cách nhau ba thước (theo khuyến cáo của cơ
quan chống dịch.) Đại dịch Corona không chỉ gây ra cái chết thể xác, điều đáng
sợ hơn là đại dịch ấy còn gây ra những cái chết trong tâm hồn: đó là sự ích kỷ,
mất bình an, mất niềm tin vào nhau và phía Thiên Chúa Giáo nói thêm, mất niềm
tin vào Thiên Chúa!
Ông Nguyễn Trãi đã “gia huấn:” “thấy người hoạn nạn thì
thương,” nhưng từ ngày có đại dịch đến nay, con người kỳ thị, ghét bỏ, xa lánh,
kể cả ghê sợ nhau. Trong lịch sử, nước Trung Hoa đã gây ân oán với nhân loại
khá nhiều, nên đây là lúc Trung Quốc bị nguyền rủa không tiếc lời, nhất là vì
thái độ vô văn hóa, thiếu giáo dục của dân Trung Quốc, lớp người có tiền mà
không có học, như trường hợp bất mãn vì chờ xuống máy bay quá lâu, một khách
người Hoa đã ho vào mặt tiếp viên hàng không
Sau tai họa 9-11 của nước Mỹ, người ta xích lại gần nhau,
thương yêu nhau hơn, vì thấy cái chết quá gần và cuộc đời này vô thường, chẳng
có chi. Chưa yêu thì yêu vội đi, vì cuộc đời quá ngắn! Yêu rồi thì cưới nhau đi
cuộc sống chẳng còn bao nhiêu! Cưới rồi thì sinh con đi, ta chết rồi, đời này tẻ
lạnh có còn ai!
Nhưng sao với “Corona Vũ Hán,” người ta lại có quan niệm
khác hẳn. Những cuộc đi chơi xa bị đình chỉ, những cuộc gặp gỡ đông người bị hủy
bỏ, và trong hôn nhân, thế giới trở lại cái thời “ba khoan” của Việt Cộng ngày
trước “chưa yêu thì khoan yêu; lỡ yêu thì khoan cưới; lỡ cưới thì khoan đẻ.”
Khoan yêu là phải, yêu thời Corona thì phải tránh chuyện hôn
hít, cầm tay cầm chân, điều tra xem cô nàng đã đi đâu, gặp ai, thì hết tình hết
nghĩa. Khoan cưới, thì rõ ràng là hiện nay, nhiều đám cưới được hoãn lại, không
phải vì lý do bận bịu mà vì lý do sợ tiệc cưới mời không ai đi! (thì coi như lỗ!)
Khoan đẻ! Corona rất dễ xâm nhập vào cơ thể người già và con trẻ!
Có “ba khoan” thì có “ba sẵn sàng.” Một là sẵn sàng… bị đo
thân nhiệt, kiểm tra triệu chứng, nghi bị Corona! Hai là sẵn sàng khăn gói vào
chỗ cách ly 15 ngày. Ba là sẵn sàng… tới số, theo quan niệm an nhiên, tự tại là
“Trời kêu ai nấy dạ!” “Chạy Trời không khỏi số!”
Quan niệm được như vậy thì cứ vui mà sống, cũng không cần đi
vét gạo, mì gói, nước sát trùng và giấy vệ sinh làm gì. Có điều tôi vẫn thắc mắc
là vào thời đại dịch này, gom gạo, mì gói thì còn hiểu được, vì sao người ta lại
phải đi thu gom giấy vệ sinh. Tôi nghĩ ở Hoa Kỳ, dù có biến cố gì đi nữa, thì hệ
thống cung cấp điện, nước cho mọi nhà vẫn đầy đủ.
Xin nhớ lại, vào cái thời mới “giải phóng,” dân miền Bắc mới
vào Nam, ăn xong không cần giấy lau, không cần nước, chỉ cần dùng đôi đũa để dọc,
quẹt một cái, từ mép miệng này sang mép miệng bên kia là xong. Sống giản dị như
thế, may ra mới cần, kiệm, liêm, chính như lời dặn của “Bác” được!
Nói đến thời “mắc… dịch” lại nhớ đến “dịch… thơ” thời cách mạng!
Nhưng nói đến thơ “cách mạng” thì cũng đừng quên thơ thời “mắc… dịch.”
Đó là câu thơ tôi cho là hay nhất vào thời đại dịch này: “Dịch
heo, nối tiếp dịch gà/Bao giờ dịch Đảng, cho bà con vui!”
Đúng là một câu thơ… rủa hay nhất thế kỷ! Ở Việt Nam đã xẩy
ra dịch gia cầm rồi, Trung Quốc có dịch heo, chúng ta chỉ còn chờ trận dịch tiếp
theo!
Mở đầu bài, đã nói đến chuyện… dịch, kết luận bài này, chúng
tôi cũng không quên… dịch. Rõ ràng, là tác giả bài này chưa đi… lạc đề!
Huy Phương