26 May 2020

THUA CUỘC - Đỗ Ngà


Có lẽ không ai lạ gì chuyện đi nơi đâu trên thế giới người ta mua hàng hiệu nhưng “made in China”. Thực ra những thứ hàng hiệu đóng mác “made in China” chỉ là những hàng hóa có khâu làm ra sản phẩm cuối cùng tại Trung Quốc mới “made in China”. Có những món hàng sản xuất ở Mỹ hay EU thì những linh kiện bên trong nó có nguồn gốc từ Trung Quốc là không ít. Điều đó nói lên rằng, Trung Quốc đã nổi lên như là một trung tâm lớn nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu là không thể chối cãi. Với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đứng đầu thế giới với 2.500 tỷ USD, thì điều đó đủ cho thấy vai trò độc tôn của Trung Cộng rồi.

Đại dịch COViD-19 làm cho những nước giàu giật mình nhận ra rằng, đặt nguồn đầu tư quá nhiều vào Trung Cộng là một rủi ro lớn vì họ đã bỏ tất cả các trứng vào chung một giỏ rồi. Giờ làm sao đây? Phải dời trứng đi thôi chứ nếu giỏ bị rách thì trứng cũng chả còn. Đấy mới chỉ là khủng hoảng do dịch bệnh chứ chưa nói đến khủng hoảng chính trị. Thực tế nền chính trị Trung Quốc là chính trị độc tài, nhìn thì thấy ổn định vì quyền lực đang kiểm soát dân chúng còn tốt. Như lịch sử nhân loại cho thấy, thì không một chế độ độc tài nào mà không đi đến ngày chết thảm. Nếu nói dịch COVID-19 chỉ làm các doanh nghiệp đóng cửa tạm thời, thì khi khủng hoảng chính trị có thể làm cho các doanh nghiệp bị đập phá, hoặc thậm chí mất trắng nếu đổi thể chế. Vậy có thể nói, COVID-19 như là tiếng chuông báo hiệu cho thế giới thức tỉnh là hãy dời đi xa kho thuốc súng.

Hiện nay Mỹ đang có kế hoạch đổ ra hơn 25 tỷ USD để hỗ trợ các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch trước mắt chi 2,5 tỷ USD để dời công ty Nhật đi, còn EU thì cũng đang có gói hỗ trợ kinh tế 1000 tỷ EURO sẵn sàng ứng biến khi các nước thành viên có yêu cầu công ty nước họ di dời ra khỏi Trung Quốc. Và điều này cho thấy, vị trí trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Cộng sẽ bị thay thế trong tương lai gần. Đây là khó khăn của Trung Cộng nhưng là cơ hội lớn cho các nước khác, mà đặc biệt là các nước Châu Á. Cơ hội ngàn năm có một.

Ngày 7 tháng 5 năm 2020, trên tờ Vietstock có bài viết “Ấn Độ muốn thu hút hơn 1.000 công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc” đã cho biết, chính phủ ấn độ đang vận động hành lang để hốt 1.000 công ty Mỹ muốn rời Trung Quốc. Với nền chính trị dân chủ thì có thể nói đó là một điểm cộng lớn cho Ấn Độ. Với dân số gần bằng Trung Quốc và mà dù có bị hạn chế bởi tôn giáo, nhưng nói cho cùng tôn giáo không ảnh hưởng gì đến rủi ro cho các nhà đầu tư mà nó chỉ hạn chế trình độ nguồn nhân lực mà thôi. Như vậy trong các nước đón lấy luồng đầu tư đang di cư, thì Ấn Độ là nước có lợi thế hơn cả. 

Hôm ngày 18 tháng 5, trên báo Zing có bài viết “Ông Trump can thiệp để 27 nhà máy rời Trung Quốc sang Indonesia”, trong bài cho biết sau cuộc trao đổi giữa tổng thống Donald Trump và tổng thống Indonesia Joko Widodo thì tổng thống Trump đã dẫn luồng cho 27 công ty Mỹ rót đầu tư vào Indonesia. Chắc chắn chính quyền CS Việt Nam ganh tỵ lắm nhưng bất lực, vì thế lực của Indonesia hơn Việt Nam rất nhiều. Họ hơn ở điểm nào? Thứ nhất là hơn về thể chế chính trị; thứ nhì họ hơn Việt Nam về năng lực của nhà lãnh đạo; thứ 3 là họ hơn Việt Nam ở trình độ phát triển; và thứ tư họ hơn Việt Nam ở dân số.

Chúng ta thử hỏi với trình độ Cờ-Lờ-Mờ-Vờ của ông Nguyễn Xuân Phúc thì liệu ông ta có đủ tầm để thuyết phục được tổng thống Trump không? Hay với trình độ Mác-Lê-Hồ vớ vẩn thì ông Trọng có đủ khả năng để thuyết phục được tổng thống Trump không? Điều mà chúng ta thấy rõ nhất là, trình độ các lãnh đạo CS là chỉ cầm giấy cắm mặt vào chữ mà đọc chứ không biết ứng đáp linh hoạt. Vậy với trình độ đó thì làm gì có khả năng ứng biến? Như vậy qua đây chúng ta mới thấy, độc tài đảng trị nó sinh ra những con người vô năng lãnh đạo, và từ đó đất nước vuột mất cơ hội kéo luồng đầu tư vào nước mình.

Với một tổng thống dân cử như Joko Widodo thì ông ta đã quá quen với sự ứng biến khi tranh cử rồi. Ngoài tài năng lãnh đạo, thì nếu không có năng lực ứng biến thì chẳng ai leo lên nổi ghế tổng thống dân cử cả. Và như ta thấy, việc Joko Widodo rót mật vào tai Trump để "cuỗm" lấy 27 công ty Mỹ thì đây chẳng phải tài năng của một lãnh đạo dân cử là gì? Cái này Việt Nam không bao giờ có.

Như đã nói bài “Tái cấu trúc kinh tế toàn cầu và cơ hội nào cho Việt Nam?” rồi. Nhiều nước sẽ hứng lấy nguồn đầu tư này, trong đó đứng đầu là Ấn Độ và sau đó là các nước như Pakistan, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và nhiều nước khác trong đó có Việt Nam. Nhưng điều đáng nói là trong tất cả các nước này, không nước nào có thể chế chính trị như Việt Nam. Mỹ đã rút khỏi Tàu Cộng vì lo ngại thể chế chính trị độc tài CS sẽ có lúc đổ ngã, Mỹ rút đi vì độ tử tế của các chính quyền CS Tàu không có, vậy thì tại sao Mỹ phải chọn bản sao của Trung Cộng để đầu tư? Đấy lại là cái thắng nữa của Indonesia với Việt Nam, cái thắng về thể chế chính trị. 

Thực chất trong 4 cái hơn của indonesia thì cái hơn thể chế chính trị là cái hơn lớn nhất. Thể chế chính trị tự do hơn nó sinh ra lãnh đạo giỏi hơn, thể chế chính trị tự do hơn nó sinh ra trình độ phát triển cao hơn. Việt Nam so với một số nước như Thái Lan hay Malaysia chỉ là dân số đông hơn, nhưng với dân số đông mà trình độ thấp thì lợi thế dân số không có gì rõ rệt lắm. Mấu chốt là thể chế chính trị.

Còn nhớ năm ngoái, tổng thống Trump đã phán một câu xanh rờn rằng “Việt Nam đang lạm dụng thương mại với Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc”. Nói “lạm dụng thương mại” là nhẹ, chứ thực chất từ lâu Mỹ đã biết chính quyền CS Việt Nam để cho Trung Cộng mượn đường xuất khẩu sang Mỹ kiếm ưu đãi thuế mà Mỹ dành cho Việt Nam. Thực ra ý của tổng thống Trump như vầy mới đúng “Tao thấy mầy nghèo tao ưu đãi phát cho cái sổ gạo. Nhưng không ngờ mầy ngu quá, mầy lại để cho thằng Tàu nhảy vào đội lốt mầy mà đớp phần. Tao chúa ghét thằng Tàu, nên giờ tao cắt luôn sổ gạo cho mầy sáng mắt!”. Và với tình hình để cho Trung cộng thâu tóm hàng loạt công ty vừa và nhỏ sau COVID-19, thì chắc chắn không đời nào Mỹ lại chọn Việt Nam mà bỏ những nước khác. 

Hiện nay ĐCS đang họp hành để tranh giành ghế. Trong cuộc họp hành bầu bán ăn chia này, thì chỉ có những thằng nào thủ đoạn nhất, phe cánh mạnh nhất, và đứa nào dã tâm nhất thì thắng. Mà như ta biết, những loại người như vậy hoàn toàn không đủ độ tử tế để có thể cho các nước văn minh tin tưởng Việt Nam. Và cũng vì chọn người không qua lá phiếu như thế, nên những con người lãnh đạo này cũng chẳng có năng lực gì trong vấn đề đưa đất nước tới gần hơn những nước văn minh tiến bộ. Để CS ngự trị, thì tất đất nước đã đang và sẽ mất nhiều thứ, kể cả giang sơn./.

Đỗ Ngà

Tham khảo:
https://www.statista.com/…/leading-export-countries-worldw…/
https://vietstock.vn/…/an-do-muon-thu-hut-hon-1000-cong-ty-…
https://www.rfa.org/…/trump-says-vn-worst-abuser-0626201911…