21 May 2020

TÌNH YÊU VÀ THƠ TÌNH - Trần Mộng Tú


Tình yêu và thơ, hai thứ này luôn đi đôi với nhau. Khi yêu người ta làm thơ, dù chưa bao giờ là thi sĩ. Không tự làm thơ được thì có khi chép thơ của ai đó hay nhờ ai đó làm thơ hộ để gửi tới người mình yêu. Vì ai cũng tin là phải dùng ngôn ngữ thơ mới diễn tả được tình yêu.

Vào thời xa xưa ngay cả những người không biết chữ, họ cũng tỏ tình bằng vần điệu lấy ra ở những bài Ca Dao hay những bài hát truyền khẩu trong dân gian.

Nói, mỗi người yêu nhau bỗng trở thành thi sĩ thì chắc cũng không sai.

Thi sĩ và thơ nhiều như thế, vậy “Thế nào là một bài Thơ Tình hay?”

Bài Thơ đó có cần đúng niêm luật, có cần ngôn ngữ thật trữ tình không? Thậm chí có cần những chữ thật cầu kỳ không?

Tôi nhớ có một lần tôi được người bạn miền Bắc, đọc cho tôi nghe một bài Thơ (đúng ra là bài hát hát dặm xứ Nghệ), có tựa là Tỏ Tình. Tôi nghe mà mê mẩn cả người, tôi thấy nó hay hơn tất cả bài thơ tình nào của những tác giả Việt Nam tôi được đọc trước đây. Hay tới nỗi tôi yêu ngay cả người đọc vì tưởng anh ta đang tỏ tình với mình (Cũng may chỉ mê mẩn lúc đó thôi, rồi cũng tỉnh lại được). Bài hát dặm này không có lời nào văn hoa như:

Ta đặt em lên ngai thờ Nữ Sắc
Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da
Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết (Đinh Hùng)

Hoặc cầu kỳ mơ hồ như:

Ơn em thơ dại từ trời
Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi (Du Tử Lê)

Phần đông Thơ Tình hay óng chuốt cầu kỳ, vì ai cũng nghĩ chữ càng hay, càng cầu kỳ thì Tình càng đẹp.

Bài hát dặm tỏ tình của người Nghệ theo tôi là một bài Thơ Tỏ Tình tuyệt vời, vì mỗi chữ vẽ ra một hình ảnh mộc mạc chân thật với trái tim ấm áp.

Người đàn ông này muốn tỏ tình anh không đi loanh quanh, anh dùng thơ hát lên, nói ngay cho cô gái hiểu là cô lớn tuổi rồi, không lấy chồng (lấy anh ta) thì sẽ khổ, thậm khổ, mà khổ cho cả hai người (anh lẫn cô)

Khoai to vồn thì tốt cộ,
Đậu ba lá thì vừa un
Gà mất mẹ thì lâu khun
Gái chậm chồng thì thậm khổ,
Trai chậm vợ cũng thậm khổ

Cô gái chưa biết trả lời sao thì anh đã nôn nả kể lể

Mà O ơi, O đừng lo !
Trời sinh giếng thì sinh mo,
Trời sinh voi thì sinh cỏ,
Trời sinh sông thì sinh đò !
Trời sinh O thì sinh tui.

Anh toàn nói vơ vào cho mình, anh cho cô biết là Trời sinh cô để cho anh và sinh anh để cho cô, như đò với sông như voi với cỏ như giếng với mo.

Anh còn nói rõ cho cô biết : cả cô và anh đều không thể sống một mình,

O một mình cũng khôn đặng,
Tui một mình cũng khôn đặng.

Nhưng cô đừng có lo chắc tại ông Tơ, mụ Tơ còn bận rộn chi đó nên chưa kết hợp cho mình thôi, người khác bé bằng hạt đỗ mà còn có đôi, anh to lớn thế này (anh cố ý khoe sức vóc của mình có thể che chở được cô) chắc thế nào cũng tới lượt.

O ơi O, đừng lo,
Con người ta bằng hạt đỗ,
Mà đã có lứa có đôi,
Tui to như thiên lôi,
Mà ông tơ còn bận,
Mụ tơ cũng còn rộn.

Thật ra đây chỉ là chuyện tình của một anh chàng chưa có vợ và ngay cả chưa có người yêu. Anh cất tiếng hát để tìm người tri kỷ như mây trên trời cuộn lại, như gió ngoài biển dồn vô bờ, người con gái anh chưa gặp nhưng anh cứ cất tiếng hát “Tỏ Tình” mong cho anh và cô thế nào cũng gặp nhau và cuộn lại.

O chẳng biết tui mô,
Tui cũng chẳng biết O mô!
Gió ngoài biển hắn dồn vô,
Mây trên trời hắn cuộn lại
Tui với O cũng cuộn lại !

Cuộn lại tức là nên vợ nên chồng, nhưng anh còn cả thẹn, anh chưa tìm được câu hát nào thật kêu, thật hay nhưng cuối cùng câu hay nhất vẫn là một câu đơn sơ và trữ tình nhất:

Rồi mần răng nữa O hè.

Rồi cưới nhau chứ còn mần răng, mà hỏi. Tôi chắc là họ sẽ lấy nhau, cái người con gái chưa xuất hiện kia đang ở trong một ngôi làng nào đó rất gần với anh và chắc chắn cả hai cùng là người xứ Nghệ .

Mùa xuân này tôi ước gì mình được trẻ lại cái thời xa xưa ấy để về xứ Nghệ được lang thang trên bãi tìm cho được cơn gió biển đang dồn thổi và mở tung ra đám mây xa xưa đã cuộn lại bao năm.

Gió ngoài biển hắn dồn vô,
Mây trên trời hắn cuộn lại.

Và biết đâu tôi may mắn được một người đàn ông xứ Nghệ hát cho tôi nghe bài hát dặm Tỏ Tình này.

Trần Mộng Tú
Xuân Canh Tý -2020