Đường phố chìm trong màn đêm lạnh lẽo. Tiếng gió hú trên ngọn các cây long não nghe như tiếng khóc của một người đàn bà. Những cành cây chìa xuống ngang đầu lung lay như những cánh tay dài ngoằn và lông lá, chập chờn như muốn bấu vào một người đang đi về hướng nhà thờ. Chiếc cầu ngắn vắt ngang qua dòng sông nhỏ nặng nề không muốn chảy, không nối được lời bình an của Chúa qua đôi bờ.
Đêm tối đen đặc.
“Mình phải qua được cầu, người đàn ông nghĩ, phải can đảm lên”. Nhưng ông chợt nghe âm vang trầm buồn của tiếng nói từ một gốc cây long não bên đường:
“Mày sẽ không vượt nổi chiếc cầu này để qua bên kia đâu, hỡi con chiên lạc lõng cuối cùng của Chúa”.
Ông thấy lạnh buốt trong đầu và máu trong tim đông cứng lại.
“Ông là ai? Ông vừa nói gì?”
Không ai cả. Chẳng ai trả lời ông. Đây là ảo giác trong cơn mộng du dai dẳng hay là cõi địa ngục của một trần gian không có thực?
Tiếng nói lại buồn buồn vọng tới:
“Sẽ không bao giờ, mày biết không, sẽ không bao giờ mày vượt qua khỏi chiếc cầu này, ôi tội nghiệp mày, đứa con lạc lỏng của đức tin”.
Người đàn ông nhìn quanh, nhưng bóng tối đậm và lạnh khiến ông không nhìn thấy gì. Ông biết chỉ bước vài mươi bước nữa là đến cầu nhưng sao ông thấy mình đi mãi mà con đường cứ dài ra như thể ảo giác trên sa mạc. Kề bên đầu cầu, về mé trái là một lô cốt bê tông hình như có từ thời Pháp còn chiếm đóng trước 1954, dọc theo sông, cũng về mé trái, đối diện với bờ bên kia, là nơi ở của bà từ Cung. Vương triều nhà Nguyễn chỉ còn là cái bóng của quá khứ. Im lặng. Lãng quên. Bội ân bội nghĩa. Chẳng còn ai nhớ. Và nhớ hay quên cũng thế thôi. Chẳng để làm gì. Lịch sử liên tục đổ xuống đất đá gạch vụn của hận thù, che chắn quá khứ, cản lối tương lai, chỉ còn cái hiện tại què quặt đui mù.
“Mày nghĩ gì? Này thằng người lạc lối kia! Mày tưởng mày đang trên đường đến đồi Golgota? Để làm gì? Jésus cũng không làm được gì. Hiện tại này! Hiện tại này đây!”
Ông bất lực, ngồi xuống bên vệ đường ẩm ướt. Bên kia sông, ngôi nhà thờ như một khối mù sương đen thẫm.
“Người là ai?”
“Ta là bóng tối. Bóng tối của quá khứ. Quá khứ của những điều tồi tệ hung bạo. Ta là bóng tối. Bóng tối của máu. Máu của ảo tưởng về tự do và nô lệ. Ta là bóng tối. Bóng tối của tình yêu và thù hận. Tình yêu bị đánh cắp và thù hận được vinh danh”.
Thôi rồi, người đàn ông nghĩ và nhớ, chỗ này đây, ngay chỗ lô cốt cạnh đầu cầu Hải bị bắn vỡ sọ mắt trợn trừng nhìn cây thánh giá trên đỉnh nhà thờ, cả tiểu đội không còn ai. Ông không hiểu nhờ đâu mình còn sống, lành lặn, không trầy trụa, nằm trên vũng máu cạnh những xác người.
Tại sao ông lại lần mò về đây trong bóng tối lạnh lẽo này?
“Mày đi tìm tiếng nói của bóng tối. Bóng tối của quá khứ. Quá khứ của những ngụy anh hùng, ngụy vĩ nhân. Quá khứ của sự man rợ cuồng tín và ngụy tín”.
Tiếng nói yêu ma vọng từ cõi âm ty nào cứ vo vo trong đầu ông, hay là có ai đó, ở quanh đây, hay là ông, một ông khác ở trong ông. Ông đưa tay dụi mắt, căng con ngươi ra nhìn vào bóng tối. Chẳng thấy gì. Ông nhặt một cục đá, ném về phía trước, chỉ nghe một tiếng “cạch” khô khốc vọng lại.
“Tôi không đi tìm bóng tối của quá khứ, tôi đi tìm tôi trong quá khứ, nhưng quá khứ dày đặc bóng tối”.
“Và trong bóng tối dày đặc của quá khứ đó, có mày, có Nguyệt và cái sọ vỡ của Hải”.
Nguyệt là nỗi ám ảnh đau thương của tình yêu và Hải là nổi ám ảnh kinh hoàng của thù hận.
“Tôi phải đi, tôi phải vượt qua cây cầu này”.
Dòng sông đục ngầu ở dưới và bầu trời xám xịt trên kia. Trần gian, địa ngục, thiên đàng có gì khác nhau không? Trời ơi làm sao vượt qua khỏi bóng tối của quá khứ!
***
Có những khoảng cách không thể đo bằng năm tháng, không thể tính bằng khái niệm thời gian mà nó được cảm nhận bằng nỗi hoài nhớ ray rức khôn nguôi. Hôm qua! Có thể không là hôm qua. Có thể không là những năm tháng đã qua. Có thể không là trăm năm đã qua. Nó là cái gì ở trong hồn ta chập chờn tan hợp như bóng mây. Nó là cái gì ở trong máu ta chảy buốt qua từng mạch li ti xuôi ngược không cùng. Nó là cuộc đuổi bắt vô vọng và triền miên. Nhưng cái kết cuộc là ở đâu khi ông ngồi ở đây, bên vệ đường, dưới gốc những cây long não, đêm tối âm u và lạnh lẽo.
Và phía trước là chiếc cầu nhỏ, bắc qua một dòng sông nhỏ đục ngầu, chỉ cần vài mươi bước là qua khỏi chiếc cầu đi về hướng nhà thờ. Thế mà ông đi mãi với với con đường hình như dài ra vô tận, vo vo tiếng nói của bóng tối, bóng tối của quá khứ đặc quánh như vũng máu khô đọng lại trong lô cốt với cái sọ của Hải vỡ ra mà đôi mắt vẫn trừng trừng nhìn về cây thánh giá trên tháp nhà thờ. Và trong lớp bóng tối đó có đôi mắt của Nguyệt nhìn ông. Đôi mắt sầu não về một tình yêu bi thương trong những mạch đời bất trắc và oan nghiệt. Cuộc kiếm tìm như một rượt đuổi về phía hư vô.
Saigon cuối những năm 60.
Núi đồi Bảo Lộc.
Sân ga quạnh vắng bên kia bờ hồ và phi trường Liên Khương mù
sương.
Ngày trở lại Cần Thơ và nỗi tuyệt vọng chán chường.
Phải không hỡi Nguyệt!
Phải không hỡi Hải!
Phải không hỡi bóng tối của quá khứ!
“Lại mày nữa rồi, kẻ chối bỏ thiên đường, kẻ khinh mạn trước địa ngục, kẻ cô độc cõi trần gian. Lại mày, phải không? Tìm gì ở quá khứ? Ở trong bóng tối của quá khứ”. Sống là một cuộc kiếm tìm thiên thu.
“Đừng ruồng bỏ tôi, đừng ruồng bỏ tôi”.
Ông lại nói với cái bóng tối của đêm đen.
Không đứng dậy nổi. Ông bò lê như con thú bị thương về hướng cầu. Đêm đầy hăm dọa rình chờ. Ánh sáng một trái hỏa châu leo lắt trên bầu trời đen như một vì sao hấp hối. Có tiếng nổ lạc loài đâu phía đồi Thiên An, ông không phân biệt được tiếng súng hay tiếng nổ gì, vì âm vang của nó lạnh lùng và nổi buốt giá chảy trong đầu ông. Chỉ một tiếng nổ và cái sọ của Hải vỡ ra. Sau đó là những lưỡi lê sáng lạnh ghim thật ngọt vào từng trái tim. Máu từng vòi bắn vòng cung qua người ông. Cả tiểu đội không còn ai. Ông nằm trên vũng máu và nghĩ mình đã chết. Đôi mắt Hải trợn trừng. Ông nhớ tới Nguyệt và một nỗi êm đềm chua xót dìm ông vào cơn hôn mê sợ hãi và lặng căm. Rồi ông thấy mình ngồi trên ghế đá ở bến Ninh Kiều, còn Nguyệt thì đang xé vụn một mẫu giấy thả xuống dòng sông. Tình yêu đôi khi chỉ là khoảng khắc ngưng chảy của một dòng sông, nhưng rồi tích tắc, dòng nước lại trôi xuôi cuốn theo bao nhiêu khát vọng dồn ứ suốt tuổi thanh xuân.
“Mày lại nhớ đến cái quá khứ của một khoảnh khắc, hỡi con người yếu đuối bé nhỏ tội nghiệp. Hay là không có gì cho mày hôm nay và ngày mai?”
Ánh sáng hỏa châu hấp hối tóe lên rồi vụt tắt. Trong cái chớp mắt lóe lên đó, ông thấy một vật thể đen ngòm cũng bò lê dè dặt về hướng cầu. Ý thức mòn mõi của một người lính trong ông gượng dây. Ông lặng im dừng lại, nín thở, căng mắt nhìn vào bóng tối, lắng nghe. Đằng kia trườn đi không một tiếng động. Chỉ có tiếng gió hú trên đầu các cây long não và tiếng dế chìm khuất dưới sương lạnh.
“Không có gì cho tôi hôm nay và ngày mai chăng? Tôi chỉ còn khoảnh khắc của quá khứ nhỏ nhoi và đầy bóng tối sao?”
Ông nhớ Hải hãy còn quá trẻ, hình như chưa có ý niệm gì về chiến tranh, không một chút ý nghĩ về một kẻ thù, chưa bao giờ nhận cụ thể mình phải bắn vào ai, vào một sinh vật nào. Anh cầm súng như một món đồ chơi và khi ngồi gát bên lô cốt. Hải cũng nghĩ mình đang tham dự một trò chơi của thời niên thiếu. Và kẻ nào đó bắn vỡ sọ anh có bao giờ đớn đau vì mình đã hủy diệt mạng sống một con người vô tội?
Ông cũng nhớ về Nguyệt, nàng quá trẻ như một mảnh trăng non dõi theo đời ông chênh vênh lẻ loi bên trời. Ông đến và đi không hẹn không hò và nàng thì lặng lẽ cam đành. Ngày xa nhau dài vô tận. Đường xa nhau đầy ứ tai ương. Viên đạn sau cùng ông dành cho mình vẫn còn nguyên. Không có ngày về. Chắc chắn không có ngày về. Nhưng không thể vì thế mà có thể kê súng vào đầu bất cứ lúc nào, bởi vì, ông không thể rũ bỏ cái quá khứ đáng rũ bỏ, không thể lãng quên cái quá khứ đáng lãng quên. Ông phải tận mắt nhìn thấy lại rõ ràng kẻ bắn vỡ sọ Hải. Để làm gì. Cũng chẳng để làm gì. Ông không phải là kẻ trả thù xương máu. Chỉ nhìn cho rõ, thế thôi, để không còn ảo tưởng về cái quá khứ được thần thánh hóa. Ông muốn tìm trong bóng tối quá khứ đó, có ông, như một nhân chứng cho lương tri con người.
“Này con người bé nhỏ tội nghiệp kia, mày không qua nổi chiếc cầu, phải không? Chúa ở bên kia. Không có một cánh tay nào của Chúa giơ ra để dẫn mày qua khỏi chiếc cầu”.
Cái bóng đen đằng kia vẫn đang di động thận trọng, rất nhẹ, như chẳng hề di chuyển chút nào.
Ánh hỏa châu lại lóe lên trên bầu trời đêm. Bóng đen như một khối đá bất động.
Ông cũng nằm lặng yên, áp người sát mặt đường. Nghe ngóng. Hồi hộp. Chờ đợi. Ông nghĩ, nó đấy, nó là một vệt bẩn trong bóng đêm của quá khứ. Nó bỏ về đây làm gì trong cái đêm vắng lạnh của thành phố rêu phong hàng thế kỷ hứng chịu bao vùi dập của lịch sử. Nó về đây để tìm lại quá khứ đổ nát mà nó đã có lần ra tay đập phá, hay nó về đây để tìm lại cảm giác lạnh buốt từ chiếc lưỡi lê trong tay nó đâm suốt trái tim của đồng loại và ngây ngất nhìn vòng máu đỏ bắn vòng cung qua những thây người. Nó về đây để xác định lần nữa nó đã nhúng tay vào tấn bi kịch của lịch sử để khẳng định bạo lực sẽ thống trị được con người.
Hỡi ơi, những tên ngụy anh hùng, ngụy vĩ nhân, đui mù trong ngụy tín. Nó mò về đây để tiếp tục tạo ra một thứ bóng tối của quá khứ.
“Mày đang nghĩ gì hỡi con người bé nhỏ tội nghiệp kia. Đừng mang lòng thù hận. Có thể chiếc cầu là điểm nối đôi bờ, nhưng có thể lời bình an của Chúa không thể nối được đôi bờ, nhưng không vì thế mà chúng ta hủy diệt nhau. Hãy để cho chiếc cầu là chiếc cầu, một ngày kia tình yêu sẽ đi qua trên cầu này, một ngày kia thù hận sẽ trôi dưới cầu này”.
Ông phải làm gì bây giờ. Từng milimet một ông vẫn trườn tới, và đằng kia, chắc cái bóng đen đó cũng đang trườn tới. Nó có thấy ông không, ông không biết, nhưng chắc chắn ông có thấy nó. Ý thức mỏi mệt của một người lính mách bảo ông thế. Ông và nó là hai cái bóng tối quá khứ, nhưng ông biết ông không phải là nó, nó không phải là ông.
Viên đạn sau cùng vẫn còn nằm nguyên trong ổ đạn và khối thép lạnh băng của khẩu Colt 12 vẫn ép sát vào ngực ông như lời nhắc nhở lạnh lùng về một cái chết tất yếu sau cùng của định mệnh. Nhưng, ông nghĩ, chưa phải bây giờ, càng không biết bao giờ, đôi khi giờ phút đó sẽ đến trong mầu nhiệm đớn đau của số phận.
Ông không chờ đợi, cũng không sợ hãi.
Và hình như Nguyệt cũng không chờ đợi ngày về của ông. Có thể nàng cũng còn ở đâu đó trong cõi phiền muộn của mình. Nhưng nàng không chờ đợi. Có những chiếc cầu đã gãy và không bao giờ nối lại đôi bờ, những chiếc cầu đã gãy vì bom đạn hay vì một chia cắt trong một thứ gọi là ý thức hệ mê muội và che đậy. Không bao giờ nối lại. Không thể. Giọt máu chia cắt đã thấm sâu vào những cái đầu cuồng ngông đặc sệt thứ bùn nhão của học thuyết trong quá khứ tạo ra một thứ bóng tối u uất nặng nề.
Ông không tự đặt cho mình một sứ mạng gì. Ông len lỏi vào cái quá khứ tối đen đó, để nhìn cho rõ kẻ đối diện là ai và ông là ai như một khát vọng chứng giải nỗi đau thương phi lý phủ chụp lên thân phận con người.
“Này người anh em, giọng nói có vẻ nhẹ nhàng hơn, người anh em đã thấy ra rồi đấy, nhưng không phải chỉ thấy ra rồi chấp nhận hay phẩn nộ. Thấy ra là để mở một con đường mới, là để đôi bờ nối lại nhau, là để tình yêu đi qua trên cầu, và hận thù trôi phía dưới như bèo bọt rác rến. Nhưng người anh em có qua được chiếc cầu không? Ta tin rằng mày, giọng nói lại thay đổi nặng nề, mày sẽ không vượt nổi cây cầu, hỡi đứa con lạc loài của đức tin”.
Bóng đen hình như di chuyển nhanh hơn, vẫn thận trọng và im lặng. Hắn là ai? Mục đích hắn là gì khi hắn trở về đây trong đêm tối dày đặc này? Mục tiêu của hắn là đâu? Chiếc cầu? Nhà thờ? Hay biệt thự LT? Hay hắn trở về để tìm kiếm cái đã bị đánh cắp, bị lừa dối? Hắn trở về để nhận ra cái ảo tưởng về sự giải phóng con người bằng bom đạn? Hắn trở về để biết rằng bạo lực không là quyền năng giải quyết được những mâu thuẩn? Hắn trở về để nhận rõ lại bàn tay vấy máu của mình chỉ là chứng tích của một sự điên rồ ngây ngô của tuổi trẻ? Hắn trở về để vượt qua cây cầu trước nhà thờ, quỳ dưới bậc đá bên tượng Chúa để sám hối ăn năn, để xin được tha tội, cầu xin cánh cửa thiên đường mở ra cho hắn bước vào?
Có phải hắn trở về trong cái đêm đầy hăm dọa và hiểm nguy này vì những điều như ông nghĩ không? Hay hắn vẫn còn trong cơn mông muội chưa thoát ra được những vây khốn của học thuyết?
Cái bóng đen vụt đột ngột lao về phía cầu. Nhanh như chớp, bằng một sức mạnh bản năng, từ một mô đá đầu cầu, ông phóng người lên, hai cái bóng đen ngả nhào trên mặt cầu, hắn cố vùng vẫy để thoát ra hai vòng tay cứng như hai gọng kềm đang ôm siết lấy hắn. Hắn vụt rút tay ra được. Ánh thép phản chiếu ánh sáng leo lắt của những vì sao đêm loáng qua mắt ông, cảm giác đau buốt như một dòng điện cực mạnh xuyên suốt qua người. Hắn vùng đạp ông thật mạnh, tay nắm chặt cán dao, theo đà lao tới của hắn, lưỡi dao được rút phựt ra; Hắn lảo đảo đứng lên định chạy ra giữa cầu, nhưng ông đã lại vùng dậy quật ngả hắn xuống. Một vật gì đó trong người hắn văng ra. Cảm giác bén nhạy của một người lính từng trải, ông biết vật đó là gì. Ông buông hắn ra, chụp lấy khối thuốc nổ, dùng hết sức lực còn lại, chạy bay ra giữa cầu, vận dụng tối đa kỷ năng của một người ném tạ, ông dùng tay phải ném tung khối thuốc nổ về phía hạ lưu dòng sông, càng xa càng tốt. Cùng lúc đó, với sự hung dữ của một con thú, với dao găm trên tay, hắn lao vào người ông. Nhưng tác động phản hồi của lực ném khối thuốc nổ đã khiến ông ngã bật về phía sau, hắn lao tới mất đà, nhào lộn một vòng và vụt rơi xuống. Cùng lúc đó, một tiếng nổ long trời bùng lên, hình như nước bắn lên rất cao, rơi trên mặt cầu, thấm ướt người ông. Chiếc cầu hình như cũng rùng mình vì tiếng nổ và ông có cảm giác đu đưa nhẹ như nằm trên võng.
Ông đứng lên, với cánh tay trái còn chảy máu và cánh tay phải đau buốt vì té xuống nền cầu, ông nhìn xuống dòng nước đen ngòm bóng đêm, hình như dòng nước vẫn im lìm chảy nặng nề. như thể trước đó chưa có gì xáo động nỗi thầm lặng muôn đời của nó.
Ông bước trên cầu, hướng về phía nhà thờ.
Chuông lễ Misa gióng giả vang lên.
Lê Nam Phương