20 June 2020

ĐÊM VĂN NGHỆ - Ngọc Cân

Đi học về, Tứ buông xe đạp tựa tường nhà, vừa bước vội ngang sân sau vừa hỏi u già:

– U ơi có cơm chưa?

U già đang ngồi nhặt rau muống ở nhà ngang, chưa ngưng tay thì Tứ đã vọt mất lên nhà trên:

– Sao hôm nay mày xấu máu đói thế, chó con. Mẹ mày về mới ăn tối chứ.

Tiếng Tứ vọng từ cửa sổ phòng ngủ:

– U cho con xới một bát ăn để còn đi ngay. Với lại u làm giúp con cốc chanh muối bỏ bịch nhé.

– Ừm… lại thế nữa… có bỏ bữa nào đâu mà vừa đói vừa khát thế.

Đang thay quần áo thì chị Tình bế cu Tí vào, Tứ quay người đi:

– Gì mà cười! Chị này kỳ!

– Bộn vầy rồi mà U kêu cứ chó con! À mà Tứ đã xin mẹ chưa? Đi đâu vậy?

Tứ quay người trở lại; chợt áy náy sao mình không hề có ý nghĩ kêu chị Tình giao cu Tí cho hai bà để cùng xin đi, chị ấy mấy khi ra ngoài. Mình vô tình thực.

– À là Văn nghệ toàn trường. Em đã xin mẹ từ tuần trước.

– Thích quá há!

Chị Tình tần ngần ngắm nghía. Tứ đã tươm tất, quay qua quay lại nhìn trong gương. Chị Tình chấm:

– Đẹp! Đẹp dữ a Tứ… mấy đứa con trai chết chắc!

Chị đi ra khuất cửa, trên vai chị Cu Tí kêu nài “cô…cô!”. Chị quay lại. Tứ nói “Hay chị xin mẹ…”. Muộn rồi!, nửa câu chị Tình đã lắc nhẹ đầu. Chị không ngắm nghía nữa, nhìn Tứ:

– Ban đêm Tứ cẩn thận nhe, tìm chỗ sáng mà coi. Có gì chạy về liền nhe. Nghe nói người ta mới rải truyền đơn.

Tứ giật mình như mới bị hù từ sau lưng:

– Sao! Cái gì truyền đơn? Ai ở đâu?

Tức khắc tự hiểu ngay cái bóng đen tàn ác mà dù ở trong phố yên lành vẫn luôn bị ám ảnh. Không chờ nghe chị Tình, chị cũng đã quay ra, chỉ còn thắc mắc sao mình hàng ngày đi đây đó không biết, chị ở nhà lại biết. Hỏi thêm chỉ khiến chị bị ngờ là lại nách con lê la hàng xóm. Không rủ chị đi chơi đã tệ.

Nhìn qua cửa sổ Tứ thấy chị đến ngồi chỗ rổ rau u già làm dở. Cu Tí lẩm đẩm bước quanh. U già lục kệ bếp tìm bịch nhựa.

Tứ xới bát cơm, mở chạn thức ăn gắp một con trong nồi cá nục kho; thấy đĩa xôi đỗ đen hồi sáng còn một nửa, bưng luôn ra bàn ăn. U già đã chọn được một bịch vừa ý. Tứ đến bên lấy một cái trong số bịch còn lại.

– U cho con lấy xôi đi luôn nhé, cơm nhiều mà.

– Cái con chó con này, sao hôm nay lắm chuyện thế.

– Thương u mà!

– Đi chơi với con trai à. Hỏng!

Tứ thụi lưng gù của u mấy cái liền. Tưởng là sẽ ăn vội ăn vàng để chạy nhưng Tứ thấy mình lại như thong thả. U già chiết từng chút nước chanh muối từ ca qua bịch, thắt chặt, đặt một bên, rồi xếp từ bịch từ bịch để cất. Chị Tình lựa từng cọng rau muống. Cu Tí bước từng bước, nó muốn mà không tới, chắc thấy cô Tứ diện nhìn không như mọi ngày. Tứ làm mặt lạ nghiêm nghiêm.

Ăn xong, Tứ thu dọn; rắc muối mè lên xôi, trút hết vào bịch; gói gọn nó với bịch chanh muối trong khăn tay. Quay lại đón đường Cu Tí, vừa cười vừa bế xóc thằng bé lên, hít hà hai má phính. Cu Tí cười toét, líu lo như yên tâm cô Tứ vẫn là cô Tứ. Cái miệng thằng nhỏ giống hệt miệng anh Tình. Tứ hôn thêm nữa, nói “Cô đi nhe, cô đi nhe Tí, thương…thương”. Để nó xuống Tứ bước ra lấy xe. Cu Tí miệng mếu, chân chạy theo, muốn té, đứng nhìn theo rồi hết mếu, lẩm đẩm trở lại với mẹ.

***

Mặt tiền trường là dảy nhà lầu, có hơn hai chục lớp. Giữa tầng trệt là khoảng trống, từ đó dẫn ra sau là một hành lang dài tráng xi-măng, không vách, có mái che cao, một nhà ngang có sáu lớp nằm cuối cùng. Bốn lớp mở cửa ra hành lang nới rộng ở chỗ này. Sân khấu được dựng ở đó xoay mặt ra mặt tiền. Học sinh sẽ đứng trong và chếch chếch hai bên hành lang nhìn vô. Có mấy dảy ghế băng cách trước sân khấu một khoảng.

Tứ đi chậm từ trước ra sau. Đã có nhiều đám con trai tập tụ dọc hành lang.

Tứ nhìn chưa thấy nữ sinh nào. Cũng phải thôi, trường có không tới năm chục là nữ trong gần hai nghìn. Nếu Trang không kêu tới sớm thì Tứ đi giờ này làm gì, 6 giờ mới khai mạc. Có tiếng kêu tên Tứ. Đâu đó còn có đứa kêu tên lại còn la “Tứ, tối nay em hát bài gì?”. Làm như không nghe Tứ cứ khoan thai tới hông sân khấu, tính đi vô phía sau vì biết Trang ở trong các lớp trống, tập dợt hay hóa trang gì đó. Ngay ngõ ra vào có bảng đề “KHÔNG phận sự miễn vào”. Đang nghĩ mấy ông này chỉ ưa làm cho lớn chuyện thì Tứ biết là đám con trai dàn dựng sân khấu từ trên đang nhìn xuống. Tứ đưa cao túi xách, nói:

– Mình muốn gặp Trang, mang xôi ăn tối.

Cả đám gần như đồng thanh “Trang không ở đây!”

Tứ dợm bước đại vô vừa nói:

– Thì ở trong mấy lớp chớ đâu.

– Không vô được, người ta đang thay đồ trỏng… lại cây ván đinh búa tùm lum nè, vấp té ai chịu hay là đưa xôi đây tụi này giao Trang sau.

Tiếng cười ủng hộ ý kiến làm Tứ biết phải làm gì và không làm gì, quay ra ngồi chỗ mấy băng ghế. Có tiếng từ trên sân khấu:

– Chỗ đó là chỗ của thầy cô, quan khách đó nhe.

Có tiếng tiếp theo:

– Người ta muốn làm Cô mà tụi bây!

Tứ cứ ngồi mặc ai nói gì thì nói. Xem ra thì đám này lớn, chắc toàn đệ nhị cấp; nhìn mặt thì quen quen cả đám nhưng không biết ai là ai. Đành chờ Lam hay Ninh. Không có lý do gì lang thang để họ chận đường khó dễ chòng ghẹo.

Học sinh tới càng lúc càng đông. Họ đứng phía sau, tụm năm tụm ba trò chuyện. Con trai quần kaki xanh biển áo sơ mi bốp-lin, nyl-phrăng hay vải trắng. Số ít con gái gom thành một đám ở cuối, đa số vẫn áo dài trắng như khi đi học, vài người đã về nhà thay áo đầm, sơ-mi quần tây.

Mấy người trang trí xong việc, thu xếp vật liệu rút vào đàng sau; sân khấu không có màn trước, trống trải nhưng tươm tất. Tứ vẫn ngồi một mình ở hàng ghế đầu.

Một lúc thấy mình không giống ai, Tứ tính tìm ra phía sau với đám con gái. Một nam sinh từ sau sân khấu bước ra, đi tới phía Tứ. Biết đó là Tiến bên nhất A, trưởng ban văn nghệ toàn trường, không quen nên Tứ chỉ gật đầu chào. Không chừng mình sẽ bị nhắc chỗ này dành cho thầy cô.

Tiến đến bên, ngồi xuống:

– Minh Tứ, nữ sinh giỏi nhất nhị C đây mà.

Tứ đáp:

– Ơ, anh nghe đồn thổi rồi… à tôi biết không được ngồi ở đây.

– Ngồi một lúc bây giờ thì đâu có sao. Tứ là bạn thân của Trang, Trang hát sao Tứ không tham gia một mục cho vui.

– Trang nói chương trình không có mục ‘hét’ mà.

Tiến đứng lên nhìn quanh sân khấu:

– Tứ thấy sân khấu thế nào?

Phải nói thế nào đây! Ông trưởng ban đứng đó, dáng nghệ sĩ; áo nyl-phrăng trắng muốt, quần tergal xám.

– Học sinh tự làm mà như vầy là lịch sự lắm rồi.

– Vải che phông sau và che dưới chân là tôi mượn band-de-rols cũ bên ty Thông tin, trên chùa; giặt tẩy phờ luôn.

– Mấy anh trang trí treo vải trắng ở giữa, hai bên xanh biển đậm, phải ‘quần xanh áo trắng’ không? chân sạp viền vải nâu cũng có ý?

– Có thể… có thể… có mắt nhìn, sẽ thấy.

Tứ hơi khựng vì cách trả lời, chỉ cần nói đúng hay không cho vui chuyện, sao lại lừng khừng ra vẻ.
Tiến nói:

– Biết vì sao có tấm bảng miễn vào không? Vì nhiều thầy vô ý kiến này nọ. Có ông còn muốn coi chương trình, lời bài hát, kịch bản.

– Tốt chớ sao?

– Chỉ thêm lúng túng. Đã đồng ý giao cho ban đại diện học sinh tổ chức thì để anh em tự lo. Cái sân khấu chỉ cho cơi một lớp ghế, hội trường dài không có độ dốc thì đứng phía sau làm sao coi. Tụi này chồng hai tầng ghế, ván ép Mỹ mượn được thiếu gì, lót lớp trên lớp dưới thì toàn ban có nhảy rầm rầm cũng không sao; đứng sau xa nhìn vẫn thấy.

Tứ có cảm tưởng Tiến đang nói trong một buổi họp hay đang đứng trước mặt mấy thầy cô. Chứng tỏ, lý lẽ. Nghe hơi cứng, ngang. Khó hình dung từ miệng một người áo quần sang, tóc bồng, chải chuốt điệu đàng. Nhất là nói với người mới tiếp xúc lần đầu, con gái nữa. Trang sinh hoạt trong ban văn nghệ từng nhận xét “anh ta hơi lạ, không biết tả thế nào”. Tứ và Ninh hỏi Trang “thấy sao nói vậy, lạ cái gì”. Trang chịu thua “không giống học trò như mình”. Lam nhỏ nhẹ “lạ cũng phải, học sinh Sài gòn chuyển trường ra; ở đây mình chỉ học và tắm biển, trong đó người ta còn ban, bum, biểu tình, bãi khoá”.

Không chừng cu cậu nhận xét đúng đây. Lam nhìn thì như búng ra sữa nhưng nhận xét nhiều khi ông cụ lắm. Đang lúc ngẩn người Tứ không nghe rõ Tiến hỏi gì sau đó.

– Anh Tiến vừa nói gì?

– À, Tứ ngồi đây chờ Trang? Chắc còn đang dợt, cứ vô phòng A4 sẽ gặp.

– Cám ơn anh, chỉ muốn đưa cho Trang xôi, chanh muối.

– Tôi ké được không … đùa thôi… chúng tôi đã có bánh mì dằn bụng. Tôi đi đây. Sẽ gặp lại Tứ.

***

Trời tối. Bóng đèn điện treo dọc giữa hành lang thưa nên cả khối khán giả học sinh nhìn không rõ người. Mỗi người một tiếng tạo thành thứ âm thanh rì rào có dung lượng lớn của một rừng tổ ong. Toàn trường chỉ có tối đen hay nhá nhem nên đèn trang trí sân khấu lúc này rực lên, tụ điểm của mọi góc nhìn.
Các thầy hiệu trưởng, giám học, giám thị, cô giáo thầy giáo và nhân viên văn phòng cùng thân nhân, khách bạn của họ ngồi kín mấy hàng ghế. Ánh sáng từ sân khấu đổ xuống chỉ đến đó. Ngay phía sau là đám nữ sinh; không biết là họ lên dành chỗ đứng ở đó hay khối đông nam sinh tự động nhường.

Tứ và Trang đứng ngoài rìa đám này để Trang tiện vô trong lên sân khấu khi đến tiết mục của mình.

Trang nói:

– Hay mình vòng ra sau kiếm bọn Ninh.

Tứ đáp:

– Tối quá không thấy đâu. Tụi con trai thấy mình đi dòm lom lom tụi nó cười cho.

– Sao phải dòm, mình cứ nhìn thẳng mà đi, Ninh Lam dù đứng ở đâu cũng thấy để ra gặp.

– Rồi sau đó? Mình lại lội ngược về đây? Để xem một hồi rồi tính. Đằng nào tới giải lao hay về mầy cũng gặp Ninh mà.

Mặt Trang xịu xuống một lúc.

– Tao cũng chỉ muốn biết Ninh có háo hức chờ coi tao hát không.

– Đừng bảo là hắn chưa nghe mầy hát lần nào!

– Hát sân khấu trước ngàn người nó khác chớ mày.

– Đương nhiên. Người nghe không cần lim dim, không có bổn phận vỗ tay.

– Mày quỷ! Mày biết “cùng thả hồn về một hướng” là gì không?

– Đừng nói tầm bậy; ‘cùng nhìn’ đã không biết thế nào, ‘cùng thả hồn’ có phải là cùng chết không?

Trang thoi Tứ một phát:

– Đúng là mầy chẵng biết gì ngoài sách vở.

– Ờ mà này Trang, bộ mới có rải truyền đơn hở?

– Ờ. Mầy cũng không biết! mầy không nghe?

– Không. Mà sao?

– Thì nghe nói họ chạy Honda quăng vô sân trường. Trường mình.

– Ghê vậy! Thật không!

– Ừ, mấy đứa học buổi sáng ở tầng dưới thấy mụ cai đi quét, hốt.

– Thật không!

– Sao không thật. Mày chẳng biết gì ráo!

Đã đến lúc cô nàng phải tách ra để vào trong.

***

Chương trình bắt đầu. Thầy hiệu trưởng nói mấy lời khích lệ. Quang, trưởng ban đại diện học sinh cùng bước ra với Tiến. Lần lượt cám ơn thầy hiệu trưởng đã cho phép tổ chức đêm văn nghệ, nói về sự đóng góp của các bạn toàn trường trong các tiết mục cũng như công việc chuẩn bị âm thanh, dàn dựng trang trí. Cuối cùng Tiến gởi lời cám ơn đến sự giúp đờ, cho mượn vật liệu, máy móc cũng như ủng hộ tiền bạc của các mạnh thường quân, các phụ huynh.

Mở màn là hợp ca học sinh hành khúc. Gần sáu bảy chục nam nữ từ đệ thất tới đệ nhất hát bè rất nhuyễn, họ không cầm bản nhạc. Trang có một trong hai micro hát những khúc solo. Những khúc chỉ chơi nhạc cụ, các diễn viên còn chia hai, bước xéo tới trước rầm rập rồi mới thối lui cất giọng hát tiếp. Cả một công trình tập dợt. Mọi người vổ tay rần rần. Ai cũng bất ngờ trước sự sắp xếp khác bình thường, đầy tự tin. Các thầy còn đứng dậy vỗ tay.

Trang trở ra với Tứ, mấy bạn đứng gần tặng thêm một tràng vỗ tay thầm. Trang cười toe toét, vỗ vai người này người kia. Trang nói với Tứ:

– Coi như được 50%. Gần giữa mới tới bài đơn ca.

– Mầy hát hay nhứt!

– Mèo khen miu!

Sau vài bài, Trang nói:

– Hay bây giờ mình ra sau, gặp hay không thì sau đó mình ra chỗ cây phượng đứng coi cũng được.

– Ừ, đi.

Tứ không ngờ phía sau đông như vậy. Người đặc kín suốt hành lang. Người tràn ra sân trống hai bên. Có vẻ như người ta rủ thêm bạn. Có cả những em mang áo dài trắng chắc từ trường nữ qua. Tuy hai người đi phía sân, nhưng người với người như thế này thì Ninh và Lam khó mà thấy. Tứ, Trang đảo vòng qua bên kia, không thấy. Trang nói:

– Chịu thua, đông quá!

Hai người bước xéo ra chỗ cây phượng. Gần đó cũng có người, rải rác. Trong bóng tối, giọng của Ninh:

– Đây nè hai người đẹp.

Tứ bước chậm lại. Trang và Ninh tíu tít “hay quá Trang!” “thiệt không?” “thiệt 100%” “thiệt hả” “hay thiệt phải không Tứ, nhất là cô gì đó solo tuyệt cú mèo”. Tứ thấy Ninh đứng một mình. Trang hỏi:

– Lam đâu?

– Tí nữa.

– Là sao, tới trễ? Cái này là phải phạt đây.

Ninh cười cười.

Nam sinh hát ‘lời buồn thánh’ vừa dứt, anh lui bước trong tiếng vổ tay kéo dài; ban nhạc cũng rút; tiếng người giới thiệu chương trình “và sau đây là tiết mục ngâm thơ, bài thơ tình nổi tiếng nhất thế giới của thi sĩ Pháp Apollinaire ‘Le Pont Mirabeau – Cầu Mirabeau’ do anh Lam, nhất B, diễn ngâm”.

Tứ gần như giật mình vì bất ngờ. Ninh và Trang cười khoái chí. Trang nói:

– Hắn dặn tuyệt đối giữ kín.

Ninh nói:

– Cũng một phần vì Lam không phải chủ động; Tiến gặp riêng Lam kêu đóng góp, từ chối không được, hát không được, nên ngâm.

Lam rót từ trí nhớ từng tiếng Pháp, nhẹ nhàng, trầm ấm, còn giọng mũi nữa chứ, dân trường tây qua có khác. Chừng ấy là đủ, không cần biết Apollinaire là ai, cầu Mirabeau là gì. Không hiểu hết lời hay ý thơ nhưng Tứ nghe đâu đó như có nhịp sóng vỗ dặt dìu vô bờ kè, chân cầu. Da diết. Âm cuối vừa dứt Lam nói “ở Việt Nam chúng ta có lời dịch của thi sĩ triết gia Phạm Công Thiện”.

Ninh nói:

– Nếu ai còn phân vân mù mờ, đã có sư phụ Phạm Công Thiện ‘bảo đảm’.

Lam thong thả ngâm lời Việt. Kỹ thuật ngâm và tiếng thơ Việt đưa ý thơ vô sâu hơn. Nếu không cùng mọi người vỗ tay tán thưởng thì Tứ đã khóc, da diết quá Lam ơi.

Ban nhạc trở lại sân khấu. Đang lúc chuẩn bị, một nam sinh lững thững ra sân khấu, ngơ ngác bước như đang lạc lối; hoàn toàn chưa có tiếng giới thiệu gì cả, chỉ ngần ấy ngớ ngẩn và bộ dạng tiếu lâm của hắn ta đã khiến mọi người cười rân. Một màn chưa diễn đã coi như thành công. Đầu tóc đỏ rối râu bắp mà hắn từng giải thích khắp trường là do thí nghiệm thuốc ép tóc tự chế, rồi sấy bằng bếp than hồng. Mọi người cứ nhìn là cười, áng chừng anh ta sẽ tự giới thiệu tiết mục hài hước hay ảo thuật, ai cũng biết anh ta quậy, tếu nhất trường.

Anh ta nhìn xuống dưới khắp lượt rồi cúi mớ râu bắp khô vô sát micro, yên lặng cả phút. Ủa sao vậy, cái gì đây? Tiếng người giới thiệu vang lên khô khan “Nguyễn văn Anh, nhất B, sẽ hát ‘những tâm hồn hoang lạnh’ của Y Vũ và Trúc Sơn”. Không ai biết đó là bài gì. Anh cất tiếng hát, cung cách hoàn toàn không phải anh chàng Anh thường ngày.

“Anh hai mươi vào quân ngũ
Em mười sáu đến vũ trường
Thôi thì vì chút tuổi xuân chóng tàn
Chúng ta mái đầu còn xanh
….
Anh hai mươi vào quân ngũ
Em mười sáu đến vũ trường
Lỡ làng…”

Hội trường đứng tim. Tiếng hát tâm sự không ai ngờ từ một nhất quỷ nhì ma vô tư lự. Lời bài hát thực tế đến phũ phàng. Không ai trốn được ý nghĩa. Họ nhìn nhau trong đêm mờ như nhìn vũ trường họ chưa hề thấy. Họ nhìn nhau hình dung người lính hành quân trong rừng núi, sống khổ chết dữ, khác lúc họ thấy trong thành phố. Tứ nắm tay Trang. Trang nắm tay Ninh. Nhìn Lam đã xuống đứng bên ngẩn ngơ, không biết còn trong bài thơ hay đang đắm trong bài hát.

Giọng hát ngân, vơi, lỡ làng… dứt. Cuộc tình buồn nương theo những hợp âm cuối của guitar, lịm dần để rải vài chấm than nghe không oán. Anh cười rú lên vừa chạy vừa nhảy vô trong, trở lại Anh của thường ngày.

Thầy cô, phụ huynh đồng loạt đứng lên quay người nhìn ra sau, cùng vỗ tay với hai ngàn mái đầu xanh. Trong nhà trong lớp cũng không thấy gần nhau như giây phút đó.

Tứ nghe trong đám nam sinh đứng gần ai đó nói “rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con”. Một người khác “làm ơn câm cái miệng cứt mày lại cho tao nhờ”.

Một màn kịch thơ ‘Tây Sơn Tráng Sĩ’, những bài song ca, đơn ca, nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn lôi cuốn mọi người. Trang được vỗ tay không ngớt khi hát xong lời bài ‘mùa thu chết’, khi nhạc chưa dứt.

***

Chương trình ngưng một lúc. Có một đám nữ sinh mặc áo bà ba nhiều màu khác nhau; một số nam sinh người thì áo bà ba nâu, người thì sơ mi màu tối xắn tay, cầm cuốc, khoác hay quấn một thứ khăn rằn rện lạ mắt, họ chuẩn bị gì đó sau sân khấu.

Từ hàng ghế đầu, thầy giám học và thầy giám thị vội bước vòng vô sau sân khấu. Có tiếng nói to, bên ngoài nghe được xôn xao không rõ chuyện gì.

Tiến và anh Quang bước ra sân khấu. Trưởng ban đại diện Quang nói lời cảm ơn một lần nữa, xin lỗi những sơ suất, anh nói thêm:

– Đúng ra là chương trình còn một màn vũ ‘dòng An Giang’ hoặc ‘con kênh xanh xanh’ của nông dân Nam bộ nhưng vì nó khá dài mà đêm đã khuya, lại nữa sân khấu thô sơ, sợ nhảy múa mạnh sẽ không an toàn nên chương trình văn nghệ xin chấm dứt ở đây. Chúng tôi trân trọng kính chào.

Tiến đứng chống nạnh từ đầu. Anh Quang nói xong, họ cúi đầu chào. Đèn trang trí tắt. Khán giả cảm thấy có gì đó đã xảy ra. Một biến chuyển ở hậu trường, một câu nói không rõ, một chữ gì đó lạ trong lời kết; dáng đứng của Tiến. Tứ nghĩ lại câu nói của Tiến hồi chặp tối “có mắt nhìn, sẽ thấy”, nhớ chuyện chị Tình. Bất giác rùng mình, Tứ quay nhìn Lam, nhìn Trang Ninh:

– Chắc mình nên về ngay bây giờ.

Ngọc Cân