Thời buổi coronavirus Vũ hán này, vợ chồng con cái mỗi người ôm một cái máy
để học hành và làm việc online. Mỗi ngày tôi nhận không biết bao nhiêu emails,
messages, phone calls từ sở làm của xếp lớn, xếp nhỏ, xếp bé…. Nào là cập nhật
thông tin về virus, tài liệu huấn luyện để làm việc online, tường trình công
việc, vân vân và vân vân. Chưa hết, trường học của hai con cũng gởi emails và
tin nhắn không ngừng. Hết học khu, rồi đến trường học, rồi tất cả các thầy cô.
Bắt đầu từ sáng sớm là tin nhắn cho những lớp học trong ngày. Tối đến là những
thông báo cho ngày mai. Đọc và trả lời emails mờ mắt. Nhưng hai ông con nhỏ của
tôi thì mừng hết lớn vì được ôm máy mỗi ngày mà không sợ bị la rầy.
Học được một tuần, các thầy cô đổi chiến thuật. Cho bài làm online ít lại và
học sinh phải làm những bài tập cho cơ thể. Ví dụ như cậu con lớn của tôi đang
học lớp 7 được yêu cầu viết xuống “3 exercises you’re going to complete this
week.” Phụ huynh phải chứng nhận là học sinh có làm bài này. Dĩ nhiên là tôi
rất vui mừng nhắc nhở những bài tập như vậy. Cậu nhỏ của tôi học lớp 4 thì có
nhiều bài làm off-line hơn. Phải tập thể dục mỗi ngày. Đi ra ngoài vẽ một cái
cây với những chú thích như trong sách khoa học đã đọc. Tập làm một món ăn đơn
giản như là đổ rau câu (jello) để ăn tráng miệng.
Đầu tuần này cậu nhỏ nhận được một assignment mới. “Em hãy hái từ 5-7 hoa.
(Nhớ là phải xin phép trước khi hái.) Đem hoa về ép trong vở. Rồi ngày hôm sau
chụp hình để nộp. Chúng ta sẽ trình bày tác phẩm của mình trong buổi gặp trên
Zoom.”. Chàng của tôi đọc xong tin nhắn thì bảo liền cậu nhỏ. “Nhờ mẹ giúp cái
này cho. Mẹ đã từng làm cái này rồi.”. Cậu nhỏ tung tăng theo tôi ra vườn. Cậu
ríu rít, “ Hoa này được không mẹ? Mình phải chọn màu nào? Cái hoa này có nhỏ
quá không?”
Rồi cậu nhỏ cũng tìm được những cành hoa như ý. Tôi giúp con ép những cánh
hoa vào vở. Ngày hôm sau cậu nhỏ háo hức chờ xem những cánh hoa đã ép. Nó tròn
mắt nhìn những cánh hoa trên vở. “Ồ! Thật là tuyệt vời mẹ ơi! Con không nghĩ là
nó còn nguyên vẹn thế này.” Nó nín thở chụp hình, rồi gởi cho cô giáo. Nó vui
mừng khoe tôi lời nhận xét của cô giáo. “Những bông hoa em gởi thật đẹp. Cô rất
vui khi thấy nhiều loại hoa như thế. Bây giờ, em hãy ép mạnh để đập dập những
hoa này trên giấy trắng. Rồi lấy những hoa đó ra. Chụp hình những gì em thấy và
nộp lên nhé.”. Thế là cậu nhỏ làm theo. Lấy chày đá, đập dập những cánh hoa. Nó
vừa đập vừa nói. “Con nghĩ là cành hoa forget-me-not sẽ nát bét vì cánh hoa bé
tí tẹo và mỏng quá.”. Tôi cũng đồng ý với nó. Lạ thay! Khi mở giấy ra, cành hoa
forget-me-not để lại dấu in đẹp nhất. Những bông hoa rực rỡ kia chỉ để lại một
cục màu hoen ố. Cậu nhỏ của tôi kêu lên. “Thật là ngạc nhiên! Cành hoa nhỏ nhất
nhưng mà đẹp nhất! Lạ quá phải không mẹ? Hèn gì mà nó có tên forget-me-not”.
Một lần nữa tôi lại đồng ý với những nhận xét của nó.
Sau khi nộp bài, cô giáo của con bảo rằng đó là cách người ta in hoa ngày
xưa, khi mà những phẩm màu hoá chất chưa có. Tôi bảo con, “ Mẹ học được một
điều mới từ bài học của con. Mẹ không biết người ta đã in hoa như vậy. Mẹ chỉ
biết ép hoa thôi. Những cánh hoa này để khô, nó còn giữ màu được rất lâu đấy.”
Tôi sực nhớ những cánh hoa khô mà cô bạn thân tặng lúc kết thúc năm học lớp
12. Tôi lục tìm trong cuốn lưu bút ngày xưa. Cành hoa liễu yếu bạn tôi tặng rớt
đâu mất, chỉ còn lại cánh bướm phượng cũng đã rớt mất hai cái râu. Hai cậu con
tôi hỏi, “Làm sao mà mẹ làm được cánh bướm phượng này?”. Tôi tìm trên internet
hình hoa phượng và chỉ cho con cách làm. “Đây là hoa phượng. Hoa thường nở vào
lúc năm học kết thúc. Thời của mẹ nghèo lắm. Chẳng có gì để giải trí đâu. Cuốn
sổ nhỏ này cũng mẹ cũng không có tiền để mua. Cô giáo của mẹ cho đấy. Học trò
bứt cánh phượng ra. Tách đài hoa làm hai lớp, rồi nhét đuôi cánh phượng và hai
cái nhuỵ để làm râu. Sau đó dán hai lớp đài hoa lại và ép vào trong vở.” Cậu
con lớn của tôi hỏi, “Mẹ làm bướm phượng này khi nào? Đã bao nhiêu năm rồi?”.
Tôi trả lời con mà không tin nổi câu trả lời của mình. “Ba mươi lăm năm rồi
đấy. Không thể tưởng tượng nổi. Mới đó mà đã ba mươi lăm năm, từ ngày mẹ rời
quê hương. Cánh bướm phượng này không còn màu đỏ thắm như ngày xưa, không ngay
ngắn như lúc mới ép. Nhưng nó vẫn có dáng một cánh bướm. Có phải vậy không?”
Các con tôi ngật đầu đồng ý.
Tôi thầm nghĩ, “Bây giờ tất cả đều gởi lên mạng internet. Không biết ba mươi
lăm nữa, khi các con tôi có gia đình riêng của nó, không biết tụi nó có tìm
thấy những kỷ vậy của tuổi thơ để kể cho con cái của tụi nó như tôi làm bây giờ
không?” Hy vọng tụi nó đọc được bài này và thấy những hình ảnh trên. Những kỷ
niệm thời thơ bé của tụi nó! Forget-me-not!
Thuỷ Như
Tháng 4/2020