16 June 2020

HOANG TƯỞNG NGÀY THIẾU NHI 1 – 6 - Phạm Nga

1.
Một sáng chúa nhật, một anh bạn hẹn tôi uống cà phê gần cổng Nhà Thiếu nhi thành phố mà không phải chỗ nào khác vì trúng bữa anh phải đưa con đến đây học vẽ. Lâu rồi, từ hồi chưa xây tòa nhà mới thật hoành tráng thì cái trung tâm sinh hoạt lớn nhất thành phố  này vẫn đã dành riêng cho trẻ em đến vui chơi, học tập các môn có tính năng khiếu như hội hoạ, âm nhạc, võ thuật.v.v… Có một dạo, dù còn phải kiếm sống khá chật vật, tôi cũng ráng đưa con gái mình đến học vẽ trong dịp hè. Con bé thích học đàn dương cầm hơn nhưng học phí môn này thì cao mà phần thực tập, ngồi vào đàn thì khá ít ỏi. Đành tránh qua một bên môn chơi quí tộc này thôi!
Nắng đã lên cao, tôi dắt xe ra về thì tình cờ gặp một phụ nữ đang chờ rước con ở cổng. Chị cười, gật đầu khi cháu bé khoanh tay chào mẹ. Chợt chị ngăn con mình lại, nói nhỏ:

“Nè, con có thấy ông đứng ở gốc cây kia hôn? Mẹ con mình cũng khó nhưng ông còn đang khó hơn mình nữa con à. Ông không có con cháu nuôi dưỡng ở nhà nên già yếu như ngoại con rồi mà còn phải ra đường… Con thấy ông tội nghiệp hôn? Vậy thì con tới giúp ông đi há?”.

Chị đưa con một tờ 5000 đồng, chỉ về phía một cụ già ăn xin đang đứng, gần như ẩn núp ở một gốc cây to trên vỉa hè. Đứa bé ngoan ngoan “dạ”, đĩnh đạc bước đến trước mặt cụ già, nói lí nhí gì đó rồi hai tay kính cẩn đưa ra tờ bạc…

Tôi chợt cảm thấy xốn xang. Chị phụ nữ, với chiếc “cánh én” rách yên, bộ đồng phục công nhân chị đang mặc cũng không lành lặn gì, vậy mà không hiểu sao chị đã tránh dùng từ “nghèo”, chỉ dùng từ “khó” khi dạy con mình? Hay “nghèo” nghe có vẻ quá ức chế, như rất nhiều người nhất định cho là mình nghèo là do số mạng trói buộc, còn “khó’ thì có thể chỉ là tạm thời, còn có hy vọng vượt qua, như người ta vẫn thường vẫn an ủi nhau với cách nói “khó khăn trước mắt…”?

Nhưng dù đang thuộc phía người nghèo, chị phụ nữ khả kính vẫn dạy cho con mình – dạy cả cho tôi nữa, đã thầm lén chứng kiến nãy giờ – một bài học về lòng nhân ái, thói quen làm việc thiện, một cách tuyệt vời!

Rõ ràng điều đáng quí không phải ở số tiền cho mà ở cách cho, như em bé đã học được từ mẹ mình. Thật tình tôi không chắc là tôi, xuất thân nhà giáo – có thể cả cái bà phấn son lòe loẹt vừa dừng chiếc xe hơi bảng số xanh mới tinh hảo để rước cậu con béo phị – biết cách dạy con mình về lòng thương người bằng một phương pháp giản dị nhưng đầy tính thuyết phục như vậy.

Nhìn theo hai mẹ con người-tốt đi xa, tôi lại có một thắc mắc khác từ hình ảnh cụ già ăn xin.Trên vỉa hè vắng người đang có một thanh niên bày bán các loại báo chí trên mặt đất. Tôi mua đại một tờ rồi hỏi: “Chắc cháu đã bán ở đây lâu rồi hả? Có thấy dân ăn xin được vô trong nhà thiếu nhi không?”. Cậu ta vừa dáo dác nhìn về phía cuối đường – chắc sợ công an đến hốt – vừa đáp: “Dạ đâu có được, bảo vệ đuổi hết. Chỉ có người tàn tật bán vé số thì may ra, nhưng bữa nào đông các em quá thì cũng khó được cho vô…”. Tôi mới nhớ ra rằng trong cả tiếng đồng hồ ngồi cà phê, chuyện vãn với anh bạn vừa rồi trong căn-tin, đã không thấy bóng dáng người ăn xin nào. Hèn chi, lúc nãy cụ già cứ đứng hoài ở gốc cây bên ngoài nhà thiếu nhi, tưởng là cụ trốn nắng.

2.
Tôi chạy xe về phía dinh Thống Nhất thì bệnh “khó tiêu” nặng nề trong tâm tưởng lại tái phát. Đó là mấy em bé, không rõ là người Campuchia hay người dân tộc thiểu số nào khác, đang xin ăn quanh quẩn ở một ngã tư cách nhà thiếu nhi chừng ba, bốn trăm mét. Dưới nắng bụi, đứa nào cũng đen nhẻm, hôi hám, áo quần rách nát. Một đứa nhỏ xíu được chị nó bế trên tay thì ở truồng, mũi dãi lòng thòng. Tất cả đều thảm thương, tơi tả. Chỉ có mấy cái gáo nhựa, tô nhựa màu xanh màu đỏ mà các em đang chìa ra xin ăn là mới tinh, sáng lòa, nổi bật một cách kỳ cục, không hiểu nổi.

Dân thiểu số kéo về thành phố Sài Gòn xin ăn là một hình ảnh đã quá quen thuộc trước mắt mọi người, nhưng lòng tôi cứ bâng khuâng. Vừa rồi, tại nhà thiếu nhi, các em bé đứa nào đứa nấy trông cũng sạch sẽ, khoẻ mạnh, thậm chí béo phì – đúng là mẫu khách quí được chào đón, chăm sóc, dạy dỗ ở một tòa biệt thự đồ sộ, khang trang, thoáng mát. Hơn thế, hẳn để bảo vệ khung cảnh sang trọng của mình, nơi đây cấm cửa dân ăn xin.

Tôi tự hỏi: “Có thể suy đoán là do sợ mất trật tự, mất vệ sinh, mất cắp đồ đạc… nên Nhà thiếu nhi cấm dân ăn xin. Nhưng nếu người ăn xin là thiếu nhi thì sao? Nhà thiếu nhi là dành cho thiếu nhi cơ mà, và trong nội qui Nhà thiếu nhi đâu có điều khoản đặc biệt nào qui định việc cấm cửa thiếu-nhi-ăn-xin?”.

Rồi tôi mơ hồ cầu xin ai đó, rằng: “Thưa ban giám đốc Nhà thiếu nhi, nếu quý vị trả lời là chưa nghiên cứu về thiếu-nhi-ăn-xin thì xin quý vị cũng nên linh động, uyển chuyển mà cho phép…”. Một giọng lạnh giá bác ngay thỉnh cầu của tôi: “Không thể! Chức năng chúng tôi là đón nhận, phục vụ thiếu niên – nhi đồng vào sinh hoạt, nghĩa là vui chơi, tập luyện, nâng cao năng khiếu. Còn về phần các em ăn xin, nếu có vào đây cũng đâu có sinh hoạt gì mà chỉ có… xin ăn, nên không thuộc chức năng của Nhà thiếu nhi mà thuộc ngành thương binh – xã hội. Chỉ có một trường hợp duy nhất có thể được xem xét là, nếu các em ăn xin vào đây không phải để xin ăn mà là để sinh hoạt, tức phải giống các thiếu nhi khác khi đến đây…”.

Cắt! Tôi lập tức tự bật qua OFF.

Nãy giờ, mọi hỏi-đáp, thỉnh cầu gì đó chỉ là do tôi hoang tưởng nhưng tôi đã muốn điên lên thật sự vì cách lý giải dài dòng rất “công chức” của ai đó, cứ “sinh hoạt” rồi lại “xin ăn” rối tung cả lên. Nhưng tôi “cắt” không phải vì đã tỉnh cơn điên, mà vì… Trời hỡi! Có người bình thường nào mà tưởng tượng ra nổi chuyện một ngày nào đó, các em bé ăn xin dơ dáy, hôi hám kia quăng mấy cái gáo nhựa xin ăn để hiên ngang bước vào Nhà thiếu nhi, rồi đường bệ lựa chọn môn sinh hoạt – học tập, điền vào phiếu đăng ký, đóng tiền học, như học đàn piano, học hội họa, học múa ba-lê…? Con cái nhà lao động nghèo và cả một số gia đình trung lưu còn không dám mơ đến những môn “quý tộc” cao sang này nữa là!

Nhận trọng trách quản lý Nhà thiếu nhi, ban giám đốc khả kính của chúng ta – nhất định cũng là người bình thường, thì nhất định họ có yêu mến trẻ em, ít ra là theo chừng mực của bất cứ con-người-có-trái-tim nào khác trên đời này. Vậy làm sao quí ban giám đốc lại có thể giả định một trường hợp là “các em ăn xin vào đây không phải để xin ăn mà là để sinh hoạt”, hoàn toàn có thể khiến các em ăn xin nghe mà vô cùng tủi nhục?

Ngay điều giả định đầu tiên trong thỉnh cầu mê muội của tôi, là “Ban giám đốc linh động cho phép trẻ em ăn xin vào… xin ăn trong Nhà thiếu nhi!” thì đã là hoang tưởng rồi vì chuyện này may ra chỉ có thể có trong loại truyện cổ tích thời hiện đại dành viết về những ông tiên, bà tiên tự nhiên mà xuất hiện trong giới quan chức quản lý. 

3.
Tôi đã có phần tỉnh táo trở lại nhưng hoang tưởng trong tôi vẫn lì lợm, không-biết-tiếp-thu, vì nó nhất định “sinh hoạt” theo phạm trù cảm xúc mềm mại của riêng mình, chứ không theo cùng những phạm trù lý luận duy lý, duy hệ thống cứng ngắt, lạnh lùng của những nhà công chức chuyên nghiệp.

Hoang tưởng vừa xúi tôi trình ra một thỉnh cầu vớt vát: “Vậy thì vào ngày Quốc tế Thiếu Nhi hằng năm, như sắp tới ngày 1 tháng 6 rồi kìa, thì sao? Vâng, thưa ban giám đốc, đúng rồi, đó là ngày lễ lớn, tầm cỡ quốc tế, thuộc nguyên con vào chức năng của quí vị chứ không phải của ai khác. Ngày mà toàn thể nhân loại, đứng đầu là Liên Hợp Quốc, đồng loạt dành tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời này cho thiếu nhi, nhất là trẻ em thuộc các nước nghèo, đang phát triển như Việt Nam ta. Vậy ban giám đốc có hạ cố, uyển chuyển cho phép các em xin ăn vào Nhà thiếu nhi sinh hoạt, chung vui cùng với mọi thiếu niên – nhi đồng khác hay không? Xin một lần duy nhất này thôi cũng được. Hay quí vị cứ cho phép các em vô để “sinh hoạt” thôi, “xin ăn” thì vẫn cấm tiệt cũng được…”.

Cắt! Lại phải cắt.

Hoang tưởng ơi, nếu không thể làm khó dễ người khác chút nào đó thì cũng không nên làm khổ chính mình. Có điều này là dễ dàng nhất đây. Hãy tưởng tượng về đoạn đường từ cái ngã tư có các em bé ăn xin đến cổng Nhà thiếu nhi thì riêng đối với các em bé đang sống bên lề xã hội ấy, đoạn đường này không phải chỉ dài có vài trăm mét, mà phải dài tới bằng đường… lên trời! 

4.
Vừa rồi, từ chuyện chị phụ nữ nghèo dạy con làm việc thiện cho đến chuyện các em bé xin ăn, sống nhờ vào lòng từ thiện của mọi người, chuyện nào cũng khiến cho tôi xúc động sâu xa nên tôi rơi vào hoang tưởng. Buồn nhất là khi tôi “dựa hơi” ngày Quốc Tế Thiếu Nhi 1 tháng 6 để cầu xin ai đó một cách vô vọng.

Đúng ra, không cần ai phải dạy đời cho ai, cũng như không cần phải chờ đến ngày 1 tháng 6 hằng năm, chúng ta mới suy gẫm về cách dạy con trẻ về lòng nhân ái. Bao lâu trong cuộc sống vẫn còn những người lớn, những đứa trẻ vô cảm trước tình cảnh nghèo khó, khổ sở của người khác thì đó vẫn là một món nợ lớn lao, thuộc trách nhiệm của toàn xã hội và mỗi gia đình. Riêng về chuyện những em bé ăn xin thì vấn đề người lang thang, bụi đời, xin ăn.v.v…, ở mọi lứa tuổi và sắc tộc, trước hết là trách nhiệm, phần hành của ngành thương binh – xã hội. Tiếc là hiệu quả công tác của ngành này còn quá hạn chế nên trên đường phố còn quá nhiều dân ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ.

Nhưng “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng…” (Tôi tự biết mình còn có một cái tật khó ưa, hay bị bạn bè cười mà tha thứ cho, đó là thỉnh thoảng tôi cứ lấy nhạc Trịnh Công Sơn mà minh họa cho nỗi niềm của mình). Xung quanh ta vẫn còn nhiều điều tuyệt diệu để có thể sống và hy vọng vào cuộc đời.

Vào những dịp lễ Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, Giáng sinh, Tết nguyên đán.v.v…, từ lâu đã có những nhà hảo tâm, những nhà hoạt động xã hội, những nhà tu hành, những chị tiểu thương ở các chợ, những thanh niên nam nữ tình nguyện trong nước hoặc đến từ những đất nước xa xôi, có cả những nhân viên – người Việt cùng người nước ngoài – của những công ty nước ngoài, liên doanh, tư nhân…, cả khách du lịch ba-lô nữa, họ chia nhau tìm đến những vĩa hè, những gầm cầu, những công viên trong thành phố. Tại những nơi tạm-trú-khỏi-đăng-ký này của dân lang thang, bụi đời, cơ nhỡ, những con người tốt bụng ấy đã tặng quà – chủ yếu là thức ăn và quần áo, giày dép – cho các trẻ em kém may mắn, không phân biệt dân thành phố, dân các tỉnh, người kinh, người Thượng gì cả. Giữa đêm tối – phải là đêm hôm khuya khoắc mới gặp đông đủ các em đi kiếm ăn trở về “nhà” – họ còn chơi trò chơi, kể chuyện, hò hát, hớt tóc, cắt móng tay, sứt ghẻ… cho các em. Và không chờ đến các dịp hè hay lễ tết, đã có những lớp học tình thương do những người tình nguyện mở ra, đôi khi ngay trên các vỉa hè thiếu ánh sáng, để dạy chữ, dạy nghề cho trẻ em bụi đời, cùng những hoạt động ngày càng mở rộng của những Nhà Mở , Làng Thiếu nhi SOS… do các tổ chức thiện nguyện nước ngoài thành lập và các cơ sở bảo trợ, nuôi dạy trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật, cơ nhỡ của các vị sư, các nữ tu, nhà giáo về hưu… Đơn giản là họ chỉ biết ngày đêm hoạt động với mục tiêu “Tất cả vì thiếu nhi” mà không cần ai đó ghi cho thành tích nhì nhằng này nọ, rằng là tổ chức công hay tư, cá nhân hay tập thể, hoạt động thường xuyên hay nhất thời, do tiền túi riêng, tiền quyên góp hay tiền tài trợ.v.v…

Tất cả những việc làm của những người-tốt nói trên đều có ý nghĩa cao đẹp, ít nhiều đều góp phần cải thiện tình hình nghèo đói trong cộng đồng xã hội. Đó là cách mà những con người tốt kia đã làm, đã đến với các trẻ em nghèo khổ, lang thang.

Ngược lại, cái cách mà các em bé ăn xin có thể đến, có thể được bước vào một nơi chốn có treo bảng là dành riêng phục vụ trẻ em, thiếu niên – nhi đồng, thì vẫn chỉ là trò vẽ vời trong hoang tưởng vớ vẩn của riêng tôi…

Phạm Nga