Trong thời gian đi tù “học tập cải tạo” ngoài Bắc, một ngày
nọ ở trại Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh, trong lúc tôi bị bệnh phải nằm nhà, có một thiếu
tá bộ đội Bắc Việt ghé thăm trại.
Ðến “lán” tôi ở, ông xưng là thiếu tá thuộc Bộ Nội Vụ và hỏi
tôi thuộc quân binh chủng nào, cấp bậc gì.
Sau khi nói cấp bậc và cho ông ta biết là tôi thuộc ngành
chiến tranh tâm lý đóng quân ở Saigon, viên thiếu tá la lên ra tuồng mừng rỡ
như gặp bạn cố tri, ông ta hấp tấp hỏi tôi:
- “Ở trong ngành tâm lý chiến, các anh biết anh Phạm Huấn và Phan Nhật Nam không?”
Tôi thực thà đáp rằng Thiếu Tá Phạm Huấn thì làm chung phòng
với tôi, còn nhà văn Phan Nhật Nam cũng là người quen biết.
Thế là hình như muốn tâm sự chuyện gì đấy với tôi, viên thiếu
tá ngồi xuống trên cái chõng tre cạnh chỗ tôi nằm. Ông ta kể lại là hồi mấy năm
trước khi miền Nam bị mất, có một phái đoàn quân sự bốn bên ra thăm Hà Nội,
trong đó có mấy ông sĩ quan nhà báo Phạm Huấn, Phan Nhật Nam và Dương Phục đã
được “bên ta” đón tiếp rất nồng hậu, còn đãi một bữa cơm trưa thịnh soạn, thế
mà khi về các anh ấy lại viết báo nói xấu miền Bắc (!)
Viên thiếu tá nhấn mạnh đến sự đãi đằng của một bữa cơm trưa
hai lần, và có ý trách móc mấy ông phóng viên miền Nam đã không biết điều, người
ta đã cho ăn một bữa cơm như thế mà không mang ơn, lại còn viết báo nói xấu chế
độ.
Có lẽ qua sự tuyên truyền quá đáng, họ cho rằng dân chúng miền
Nam bị bóc lột đói rách tả tơi, đói khát, thèm ăn, thèm uống, do đó mới có chuyện
sau tháng 4-1975, bà con ở ngoài Bắc vào thăm, đem cho chục chén ngang để ăn
cơm.
Nhưng tại sao trong khi đó họ lại cho rằng sĩ quan miền Nam
hiếp đáp dân chúng, nên nhà cao cửa rộng (một đứa cháu tự miền Bắc vào đã hỏi
tôi, cậu đại úy mà nhà có thế này thôi sao?), lại cho một bữa ăn đãi đằng là quan
trọng như thế?
Sau này tôi mới biết miếng ăn ở miền Bắc xhcn nó quý giá đến
ngần nào, khiến viên thiếu tá thuộc Bộ Nội Vụ kia phải nghĩ rằng cả mấy ông sĩ
quan miền Nam, phải “xôi chùa ngọng miệng”.
Mới đây, ở Mỹ gặp Phan Nhật Nam, nhắc lại câu chuyện cũ, tôi
muốn biết thực sự cái bữa ăn đó nó ghê gớm như thế nào, đến nỗi viên thiếu tá Bộ
Nội Vụ cứ nhắc đi nhắc lại và cho rằng đáng lý ra các ông sĩ quan kia phải hàm
ơn họ mới phải.
Phan Nhật Nam đã ở tù “cải tạo” 14 năm mà trí nhớ còn rất tốt,
anh còn nhớ rất rõ, đó là ngày Thứ Sáu 4 tháng 3 năm 1973, phái đoàn 4 phe từ
Saigon ra Hà Nội bằng máy bay C.130, đã được đưa về khách sạn
Metropole.
Cái gì chứ chuyện “trình diễn” thì Hà Nội là chuyên viên số
1. Khách sạn mới quét còn hăng hắc mùi vôi, và bữa cơm “chiêu đãi” được coi là
thịnh soạn vì có bia Trúc Bạch, cơm gạo tám thơm, giò chả…
Những người miền Nam đi công tác vào vùng địch khi nào cũng
cẩn thận mang theo sandwich, nước uống, do đó mà bữa cơm trưa hôm ấy, vì lịch sự
bia phải nhấp môi, chứ không ai đụng đến thức ăn.
Thế là phe chủ nhà, lâu lắm mới dược chút cơm trắng, tí bia,
tha hồ mà đóng vai tiếp khách, “tiếp thu” tận tình.
Ông Phan Nhật Nam lại đùa dai bằng cách lấy một nắm cơm gạo
tám nói là đem về Saigon cho biết gạo tám thơm như thế nào, thế là ông văn nô
Tô Hoài sau này hô hoán lên là quả miền Nam đang đói thật.
Sau khi ra tù, nhân dịp về Huế và gặp lại một đứa cháu hiện
làm cho một công ty gia công nhôm đồng hay lâm sản gì đó đã mô tả miếng ăn như
sau:
Mỗi khi có “chiêu đãi” phái đoàn này nọ, anh chàng giám đốc
luôn luôn nói nhỏ với nhà hàng gói thêm cho anh ta ba phần ăn đem về cho vợ con
và tính luôn vào hóa đơn thanh toán cho cơ quan.
Ðiều này, thực ta cũng thấy làm lạ là vì “giải phóng” đã được
hơn mười năm, đâu đến nỗi còn đói khát như những ngày đầu, hay là vì bản chất
tham ô, bần tiện thì lúc nào cũng vậy.
Ai mời đi ăn điểm tâm buổi sáng, thì phải sữa, soda, hột gà
là thứ đắt tiền nhất, ăn thì phải tô đặc biệt có hai hột gà, có khi ăn bún bò
cũng thêm hai hột gà cho ra dân chơi sành điệu.
Mấy mươi năm sau, mặc dù sau khi đã có chức, có quyền, đối với
quan quân trong chế độ ấy, miếng ăn vẫn còn là một thứ gì quý giá, được đánh
giá quá lớn, bây giờ, đi theo chữ “ăn” lại thêm chữ “nhậu”..
Chuyện kể, ở Biên Hòa có một Việt kiều về mở quán cà phê
kinh doanh, nhưng công an phường không thích uống cà phê mất ngủ mà chỉ thích
nhậu thịt rừng với bia ngoại.
Họ mời ông đi nhậu bữa đầu tiên, ông nghĩ đó là xã giao và
làm quen, ông nhận lời và lần đó dù công an mời ông, ông phải trả hơn một triệu
đồng tiền ăn uống.
Lần thứ hai, công an phường mời nhậu, ông Việt Kiều không né
tránh được đành dẫn xác đi, lần này con số người tham gia đông hơn, không phải
chỉ toàn thể công an phường treo bảng “đi họp” mà cả bạn bè, bà con của các bạn
dân nữa.
Ông chủ quán cà phê bấm gan vay nợ trả hơn hai triệu đồng
cho một bữa nhậu, két bia chất cao thành tháp.
Ðến lần thứ ba, thì ông Việt Kiều “tam thập lục kế, dĩ đào
vi thượng sách”, ông trốn trong cầu tiêu, và nhờ vợ ra báo ông đi Saigon mua hàng
vắng.
Công An vẫn có kế hoạch, chúng dẫn nhau ra quán cũ, ăn nhậu
ngất trời và bảo chủ quán ghi “hóa đơn” cho ông Việt Kiều nọ, đặc biệt là còn
hào hoa, rộng rãi “boa” cho ba em chiêu đãi, chuốc rượu trong quán nhậu, và số
tiền này cũng cộng luôn vào phiếu thanh toán.
Tôi nghĩ là sau vụ này, chắc vợ chồng ông Việt Kiều đã
đóng quán kinh doanh, “di tản chiến thuật” về Mỹ rồi.
Cũng như nhiều người có cơ sở làm ăn trong quận, một ông chủ
lò nhôm phải thay phiên tổ chức các bữa nhậu linh đình “đóng hụi chết” cho công
an quận, không phải ngoài quán xá, mà ngay trong cơ quan mỗi chiều Thứ Bảy để
tránh né “tai mắt của nhân dân”.
Nhân viên công an, phường xã là những con ma đói, luôn luôn
có mặt trong các buổi tang lễ, cưới hỏi, hội hè, đâu có miếng ăn thì ở đó có
chính quyền địa phương.
Chúng ta hãy nghe một đoạn văn của Lâm Chương viết về một hoạt
cảnh ở nông thôn, trong những tiệc rượu luôn luôn có bọn “quỷ thần chứng
giám”:
“Xã nghèo, có người dám chơi thế là chơi ngon. Bữa giỗ xem
ra rất linh đình. Khách được mời ăn giỗ cũng rất phấn khởi. Thời buổi khó khăn,
người ta thường trông vào miếng ăn. Có rượu thịt là có ruồi nhặng vo ve.
Nhà chật, Tám Nưa che cái chái ngoài sân, đặt thêm bàn. Cánh
đàn bà ngồi trong nhà, mồm mép tía lia. Cánh đàn ông ngồi ngoài sân, cười nói ồn
ào. Mọi người hỉ hả ăn uống.
Hai bàn ngoài cùng, dành đãi công an và nhân viên chính quyền
xã. Tám Nưa nói, đó là thủ tục không thể thiếu.
Chỗ quy tụ đông người phải có quỷ thần chứng giám mới yên.
Tôi nghĩ thời đốn mạt, người ta sống bằng mặt, không phải bằng tim. Kẻ có quyền
thì tập thói lưu manh, bóc lột. Người yếu thế thì học chước dối trá, luồn
lách…”
(trích trong “Những Đoản Văn Rời” của Lâm Chương)
Lại thêm một chuyện nữa về miếng ăn trong cuốn “Viết Về Huế”
của nhà văn Tuệ Chương:
“Ngay sau 30 tháng 4, ông anh cả của anh rể tôi từ ngoài Bắc
về. Anh rể tôi dọn cơm mời ông anh, có tôi dự. Tôi hỏi anh ta:
– Về đây, anh tính “công tác” gì?
– Tôi muốn làm Chủ Tịch Phường.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Anh là kỹ sư đóng tàu, sao lại muốn làm chủ tịch Phường?
Anh ta cười:
– Ngoài Bắc, mấy người Chủ tịch Phường là sướng nhất, hết
nhà này mời ăn giỗ, tới nhà kia”
(trích trong Viết Về Huế của Tuệ Chương)
Ðó là chuyện ăn nhậu trên bàn tiệc, có hải sản, thịt rừng,
bia ngoại, có chiêu đãi viên ngồi một bên chuốc rượu, đút thức ăn vào miệng, kể
cả lau mồm lau mép cho thực khách.
Ðây là nói theo nghĩa đen, còn về nghĩa bóng trong xã hội
này, tôi nghĩ không cần phải chùi mép cho người khác khỏi thấy, vì nhân dân thì
đã quá biết, còn cơ quan liên hệ hay cấp trên, cấp dưới, cấp ngang, cấp dọc, thằng,
con nào cũng ăn, thì cần chi phải giấu giếm, che đậy.
Do vậy truyền thống của XHCN là những hợp đồng, những khế ước
không bao giờ được thảo luận hay hoàn tất trong phòng sở, mà phải là nơi quán
rượu, nhà hàng, bia ôm hay karaokê.
Ðó là lối ăn có rượu để đưa cay thực hiện tại các nhà hàng,
còn như ăn xi măng, sắt, gạch đá, hắc ín, xăng nhớt kể cả máy móc, dây nhợ thì
không cần có rượu mà cơ quan nào cũng thi đua làm tốt.
Chính báo chí trong chế độ đã xác nhận mỗi công trình đều bị
cắt xới từ 30% đến 50% là chuyện thường tình, vì nhà thầu hay người cho thầu phải
chi qua nhiều chặng, nhiều cấp, hàng ngang, hàng dọc, y như chiếc xe khách phải
đứng lại quá nhiều trạm kiểm soát của công an vậy.
Do đó, chung cư thì thiếu xi măng, cầu cống thì thiếu
sắt, nhà trường thì thiếu gạch… đương nhiên là sẽ sụp đổ, có khi trước ngày
khánh thành, mà nạn nhân thường là quần chúng vô tội.
Ðó là những miếng ăn độc hại, và ăn đã trở thành một thói
quen, một lề thói, trở thành một nếp sống văn hóa trong xã hội Việt Nam hiện
nay.
Huy Phương