18 June 2020

TÔI VẼ VỜI TÔI - Phan Ni Tấn

Hồi nhỏ, hồi còn đi học, ông anh tui đã sớm bộc lộ tài năng về vẽ và đờn. Hồi đó cả hai bộ môn nghệ thuật này chẳng có thầy bà nào dạy cho anh mình, ngoài ông trời. Cái cách ổng say sưa ngồi đờn cũng thấy điệu nghệ rồi. Ông anh tui móc guitar nhạc cổ điển hay thầy chạy. Bài Rescuerdos de la Alhambra của Francisco Tárrega đòi hỏi kỹ thuật trémolo khó dàn trời vậy mà mấy ngón tay dài sọc của ổng cứ réo rắc nhuyễn nhừ. Bài Prelude No.4 của Villa Lobos hay Capricho Arabe của F. Tarrega đòi hỏi kỹ thuật chạy ngón khó tổ bà ổng cũng chơi tới bến.

Còn vẽ hả? Mô Phật. Nói thiệt nghen. Hercules (Steve Reeves), John Wayne hay Gary Cooper, Alain Delon, hoặc từ Marilyn Monroe, Silvie Vartan, nghía qua Brigitte Bardot, Gina Lolobrigida gì gì đó mà thấy ông anh tôi trổ tài vẽ chân dung của họ thì có ở tuốt bên Tây hay bên Mỹ mấy người ca sĩ, tài tử nổi tiếng này cũng phải nôn nả bay qua Việt Nam mua về treo tường cho bằng đặng (xem hình vẽ đính kèm).

Thấy anh mình tài quá ể, tui cũng hăm hở bắt chước theo. Tưởng ngon ơ, ai dè đờn cũng dỡ mà vẽ cũng í ẹ. Nghĩa là cái giống gì bết bát nhất thì… có tui. Hihi.  Hồi đó đầu óc tui đâu có linh hoạt như anh mình; việc gì mà tui mó tay vô là trờ quờ, trợt quợt.

Này nghen: Ống thụt cò-ke nè, ná bắn chim nè, xe tăng làm bằng ống chỉ bên hông kẹp cây que cà rem và dây thun để lên dây thiều nè, làm con diều giấy khung tre bự tổ xì nái nè…, đều do một tay anh tui rị mọ mần ra; thậm chí chế cây đờn piano theo kiểu tiểu công nghệ ổng cũng mần tuốt. Phục anh mình quá mạng đa.

Tui còn nhớ cuối tuần hai anh em xách ná đi bắn chim, lần khác xách cần câu đi câu cá, chiều về tui tung tăng, không xách một xâu chim sẻ thì xách một xâu cá lóc. Chiến lợi phẩm thu được từ một tay chiến tướng, còn tui chẳng được cái tích sự gì nên ra công xách chim, xách cá là đúng điệu quá rồi.

Tui mắc cười nhất là con chim se sẻ nó đẻ cột đình mỗi lần thấy tui giương ná chực bắn là nó xà xuống hun tui một cái choát rồi cười chim chíp lả lướt bay đi. Con cá lóc cũng hổng vừa gì, thấy tui thả câu nó lạng tới rỉa no bụng rồi nguẩy đít bơi đi bỏ lại tiếng cười sủi bọt, tui nghe mà phát ghét.

Có điều, nghĩ cho cùng ông trời cũng thiệt điệu nghệ đó đa. Thấy thằng cu Hòa (là tui) mần gì cũng trớt quơ trớt quớt ông trời tội nghiệp bèn… xúi tui qua nghề chữ nghĩa chơi. Nói “chữ nghĩa” cho oai chớ thiệt ra ổng xúi tôi đọc truyện bằng tranh cho vui thay vì… sát sanh hại vật. Ngặt một nỗi con nít mần gì có tiền mua báo ba xu có đăng truyện hoạt họa Thằng Ngôn Thằng Luận, Kho Tàng Đảo Mai Sơn, Thằng Còm Thất Thỉu, Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa…

Rứa là tuần nào báo ra tui cũng mon men gạ gẫm mấy thằng bạn hàng xóm có tiền mua báo xin đọc ké. Tui ham đọc từ thuở đó rồi từ từ chuyển qua truyện Thạch Sanh Lý Thông, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, sau đó tụng truyện Tàu như Thiết Đường, Tiết Nhơn Quí Chinh Đông Chinh Tây, Tiết Đinh San Cầu Phàn Lê Huê, chưa kể truyện trinh thám Bàn Tay Máu, Z 28, kiếm hiệp Thiếu Lâm Trường Hận, Lã Mai Nương, Lửa Cháy Thành Phiên Ngung…

Nhiều năm sau, lớn lên tôi chạy theo… thời thượng, làm quen với Tự Lực Văn Đoàn, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tân Văn…, chưa kể sách dịch, biên khảo, phê bình tiểu thuyết sau này. Mà hồi xưa, thập niên 50 – 60 có ai để ý, ngay chính những người đạp xích lô, anh xe kéo ở Sài Gòn trong khi chờ khách đều thản nhiên mua tờ nhật báo ngồi dựa ngửa trên xe hay bên lề đường mà đọc tin tức, thời sự ngon lành không. Cảm thấy những người bình dân này đồng sở thích với mình bỗng dưng tui thương họ quá chừng chừng. Chính những độc giả bình dân này đã không ít góp phần tạo nên lịch sử văn học nước nhà. Ta đều công nhận truyền thống văn học miền Nam, nói riêng, luôn luôn hướng vào quảng đại quần chúng, đã giúp cho các tác giả có thêm sinh khí, cảm hứng, mạnh bước dấn thân trên con đường sáng tạo.

***

Vậy đó, dòng đời cứ vậy êm ả trôi đi cho tới khi hai anh em tôi lớn lên cùng đám bạn lần lượt đi vào đời.

Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh nên hầu hết ai cũng xếp bút nghiên trở thành anh lính chiến xa nhà. Tất cả những kỷ niệm về tuổi thơ, về những sở thích đều gác lại. Cây đàn gác lại. Những bức họa gác lại. Cả yêu thương mơ mộng của tuổi đôi mươi cũng gác lại. Thay vào đó, cây súng là người bạn của mình, là người tình thủy chung cho đến chết.

Trong những lần dưỡng quân ngoài tiền đồn, nằm nghe những bài hát về lính thật thấm thía. Tình Anh Lính Chiến, Chiều Hành Quân, Lính Xa Nhà, Lính Trận Miền Xa…

 Tôi lính trận xa nhà, từng đêm từng đêm phút vui nguyện theo gió muốn biết ai yêu hẹn hò. Lòng người hay đắn đo đời đã ban cho, bạn đường là tay súng, mến yêu tôi thủy chung. Đi đánh trận miền xa có ai còn yêu lính…

Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, súng đạn lại không có mắt, tha hồ bắn hạ những người lính ở hai bờ chiến tuyến. Ông anh tài hoa của tôi và những thằng bạn ngày xưa vì nước lần lượt hy sinh. Người trên rừng, kẻ ven núi, thằng bên bờ sông, đứa dưới biển. Ngày tháng buồn bã đó, những người lính trẻ vắn số trở về trong những chiếc hòm kẽm phủ cờ. Lúc đó tiếng khóc của người thân, trời ơi, sao mà vật vã, nghẹn ngào, sao mà đau lòng khủng khiếp. Ngay dưới lòng đất quê cũng ngằn ngặt tiếng khóc:

Quê khóc giùm anh hùng mạc vận
Mùa mưa gục ngã ngoài chiến trường
Mảnh hồn tan tác bay về núi
Sống lẫn vào trong nỗi tiếc thương

Trong chiến tranh, nước mắt sống đều trở thành những giọt nước mắt đen. Màu đen của nước mắt biến mặt người xạm lại, hồn người xạm lại, ngày tháng xạm lại, đất nước cũng xạm lại. Mười người chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình. Một đây là một tôi hiện sống sót trong thời bình nhưng lại không được yên ổn trong lòng vì phải lìa xa quê cha đất tổ.

Năm tháng lại lạnh lùng trôi đi. Từ thằng cu Hòa ngày xưa mũi dãi lòng thòng, áo quần xộc xệch, lóc cóc leng keng đi chưn đất ở bên nhà nay xa quê đã trở thành một… anh già mắt mờ, lẩn thẩn, ngắn hơi. Nhớ lại những gì ngày xưa ông anh mình vẽ vời, tôi có nhờ mấy đứa em ở bên nhà gởi qua cho tôi những bức ổng vẽ để hồi tưởng lại, cất giữ để làm kỷ niệm và để phục tài vẽ của anh mình sát đất.

Bây giờ ở tuổi về chiều, tôi lại ngứa tay xách cây đờn ra đờn tửng tửng tưng, rút cây viết chì ra quệt quạc cái bổn lai diện mục mình, dù chẳng ra hồn cũng để cho vui với quãng đời còn lại nơi đất khách quê người. Vì không có đồ nghề vẽ cho ra nghề nên tôi lấy đại cây viết chì xì cút lụi hụi dợt lại vài “đường gươm”: tôi tự vẽ mình.

Vẽ rồi thì thôi đi, lại bày đặt tí toáy mẩn thà mẩn thẩn mần thơ. Chẵng lẽ mình vẽ mình lại đề tặng ai, bèn tặng mình. Hihi. Thơ rằng:

Ngồi rù ngứa mắt vẽ trời
Ngứa tay sột soạt vẽ đời gió bay
Vẽ mùi hương đọt lá lay
Thoảng vi vu gió thổi cây sen hồng

Vẽ chơi tiếng bước phiêu bồng
Theo em kiếp trước lòng vòng kiếp sau
Thương sầm sập tiếng mưa mau
Ướt em cởi áo qua cầu gió bay

Vẽ đêm dài ra thành ngày
Mới hay con mắt em đầy kiếp tôi
Kiếp xưa tôi ở xa xôi
Đợi câu hát cũ mòn môi em về

Vẽ thật mỏng tấm hồn quê
Cùng tôi ngồi nhớ lê thê nỗi nhà
Vẽ tôi vốn dĩ thật thà
Từ trong bụng mẹ bước ra ngoài đời

Người buồn thì vẽ buổi người
Sầu đời vẽ đất than trời triền miên
Sẵn tay hứng giọt mưa nghiêng
Nặn ra từng hột ưu phiền nuốt chơi

Mượn kính chiếu yêu của trời
Tôi soi tôi thiệt đã đời mới hay
Hay rằng trong tiếng ê a
Tuổi thơ tôi đã trôi xa cội nguồn

Nay tôi lụm cụm ôm buồn
Tóc râu bệt bạc in tuồng tích xưa
Làm sao biết để mà thưa
Tôi vẽ tôi thuở tôi chưa ra đời

Ừ thì vẽ để mà chơi
Chọc quê trời đất hụt hơi thì ngồi
Ngứa tay tưởng vẽ vui thôi
Ai dè tôi lại vẽ tôi ra mình.

Phan Ni Tấn