Người Việt Nam bình thường biết đến nước Mỹ khá chậm, đó là
vào lúc 9 giờ sáng ngày 8 Tháng Ba 1965, thời khắc mà Lữ đoàn 9 Thủy Quân Lục
Chiến (TQLC) Hoa Kỳ đổ bộ vào bãi biễn Đà Nẵng.
Suốt hai mươi năm tổng công kích vào miền Nam, “đánh là đánh
cho Liên Xô, Trung Quốc” bộ máy tuyên truyền xảo quyệt của Bắc Việt luôn luôn nổ
lực lên án là Mỹ xâm lược, là tên “sen đầm quốc tế, làm cho nhân dân miền Nam
điêu đứng, bị áp bức, cơm không có ăn, áo không có mặc, đĩ điếm tràn lan, nhà
tù mọc lên như nấm.”
Vào thời điểm ấy, tôi là một người lính miền Nam, qua chiến
tranh, đã đủ trí khôn để biết nước Mỹ đã xâm lăng ai, vơ vét được những gì cho
kho tàng của Mỹ. Liệu không có nước Mỹ, trong khi với Liên Xô và Trung Cộng
hùng hổ, chi viện tối đa để đạt đến mục đích thôn tính miền Nam, liệu quân dân
miền Nam giữ nước được bao lâu?
Cuối cùng trước khi rút lui, nước Mỹ đã để lại trên chiến
trường Việt Nam 58 nghìn đứa con yêu, tốn phí $173 tỷ, và hậu quả là một nước Mỹ
phân hóa, nhân tâm ly tán, chia rẽ trầm trọng.
Theo truyền thống của một quốc gia cao cả, nước Mỹ không những
chỉ có mặt trên chiến trường Việt Nam, mà trước đó ở Triều Tiên khi phải đương
đầu với Trung Cộng, nước Mỹ đã hy sinh 54,260 người để chận đứng sự bành trướng
của chủ nghĩa Cộng Sản trên bán đảo Triều Tiên.
Và và trước đó là thế chiến thứ II chống Phát Xít, nếu không
có người Mỹ chiến thắng trên mặt trận Châu Âu, thì không phải chỉ có Đông Âu mà
toàn bộ Châu Âu đều đã bất hạnh trở thành những quốc gia cộng sản.
Ngày nay Quân đội Hoa Kỳ đã tốn phí tiền tài và nhân lực, có
binh sĩ đồn trú tại hơn 820 căn cứ và cơ sở ở ít nhất 135 quốc gia để giữ an
ninh chung cho thế giới.
Sau cuộc chiến Việt Nam, những người thua trận đã phải chịu
một sự trả thù tàn khốc, và lần này nếu không có sự cưu mang của nước Mỹ, hằng
trăm nghìn cựu tù nhân “cải tạo” Việt Nam và gia đình đã không có cơ hội làm lại
cuộc đời trên đất Mỹ.
Đến Mỹ rồi mới thấy nước Mỹ không hoàn toàn là một thiên
đàng mà nước Mỹ cũng có những giai đoạn khó khăn trong quá khứ như nghèo đói,
vô gia cư, tội ác, chế độ nô lệ, nội chiến, thất nghiệp và dịch bệnh, mà ảnh hưởng
lâu dài về sau.
Từng nhìn nước Mỹ qua nhãn quan màu hồng, giờ đây chúng ta mới
thấy xót xa, thương cảm cho một nước Mỹ trong cơn lốc chính trị chia rẽ, phân
hóa, thù nghịch khôn cùng. Không khác gì dưới chế độ cộng sản, người ta yêu đảng
hơn yêu lẽ phải và tổ quốc.
Chúng ta khó tưởng tượng ra cái cảnh khi lãnh tụ của quốc
gia đang ở bàn hội nghị quốc tế trong một cuộc thương thảo sống còn, thì ngay ở
nhà, địch thủ bên lập pháp đem ông ra đấu tố không thương tiếc để truyền thông
khắp thế giới loan tin. Còn gì là uy tín và thể diện của vị tổng thống một cường
quốc?
Chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ được
ví như cuộc trưng cầu ý dân về uy tín Tổng thống Donald Trump, một đoàn 7,000
người di cư Trung Mỹ đang rầm rộ tiến về biên giới Mỹ. Đây không phải là những
cuộc di cư đơn lẻ mà là một chiến dịch xâm nhập qui mô có tổ chức, được những
thế lực bất minh tiếp tế, dàn dựng, chỉ đạo, bảo trợ từ thực phẩm, thuốc men,
nơi trú ngụ với mục đích gây khó khăn cho giới hành pháp Hoa Kỳ.
Người ta thường nhận định, ở Hoa kỳ, Dân Chủ hay Cộng Hòa, tối
hậu vẫn là quyền lợi của nước Mỹ trên hết, nhưng dưới nhiệm kỳ của Donald
Trump, nhận định này hoàn toàn sai. Đảng Dân Chủ đã không một ngày ngơi nghỉ,
trăm phương, nghìn kế tìm cách triệt hạ vị tổng thống đương nhiệm, gây khó khăn
cho việc điều hành đất nước, và mục đích xa hơn là giành lại chiếc ghế tổng thống
về cho đảng Dân Chủ vào Tháng Mười Một, 2020.
Rồi trận dịch từ Trung Cộng đã đem lại cho nước Mỹ một nỗi
tai ương bất hạnh, mặc dầu Vũ Hán cách Washington DC nửa vòng trái đất, nước Mỹ
hiện nay lại dẫn đầu nạn nhân bệnh dịch, đã có 1,988,544 người mắc bệnh và đã
có 112,096 người thiệt mạng.
Sự thiệt hại lớn lao dẫn đầu thế giới này là một nỗi đau lớn
chung của quốc gia, nhưng Nancy Pelosi đã dùng chuyện này để cười cợt, mỉa mai
khẩu hiệu “American First!” của Donald Trump. Vô đạo như vậy thì còn ai hơn?
Thuốc chủng chưa có, thuộc trị bệnh chưa tìm ra, cường quốc
Hoa Kỳ trong trường hợp này cũng đành phải bó tay, và nước Mỹ như đang ngồi
trên đống lửa.
Trong tình trạng dầu sôi, lửa bỏng như vậy, cuối Tháng Năm,
lại xảy ra vụ Da Trắng giết Da Đen, câu chuyện đã xẩy ra nhiều lần trên đất Mỹ,
vì cái tội tổ tông buôn nô lệ. Bốn cảnh sát da trắng ở Minneapolis, Minnesota,
hôm 25 Tháng Năm đã bắt ông da đen George Floyd bị nghi xài một tờ $20 giả, sau
đó viên cảnh sát Chauvin đã đè đầu gối vào cổ ông này đang nằm trên mặt đường đến
chết.
Dân da đen xuống đường biểu tình, gây bạo loạn, cướp bóc đốt
phá, hôi của… tại các thành phố của 20 tiểu bang. Việc bạo loạn này đều nằm
trong âm mưu khích động, khủng bố của một số tổ chức và mưu đồ chính trị của cả
phe Da Đen lẫn Da Trắng. Ngoài các tổ chức thân Trung Cộng, ủng hộ Dân Chủ đánh
phá, kích động, còn có tổ chức Antifa…. Tất cả tìm cách lợi dụng câu chuyện
của nạn nhân da đen Floyd chết bởi người cảnh sát da trắng Drek Chauvin, để
kích động làn sóng bạo động trên nước Mỹ.
Thị Trưởng Muriel Bowser hoan nghênh người biểu tình tập
trung trên con đường gần Tòa Bạch Ốc và con đường này đã được đổi tên thành
“Black Lives Matter.”
Đám tang George Floyd đã được cử hành trọng thể.
Minneapolis treo cờ rũ. Thị Trưởng Minneapolis Jacob Frey đã
bật khóc và quỳ gối bên quan tài của George Floyd trong tang lễ và Cảnh Sát trưởng
cũng quỳ gối bên đường khi đám tang đi qua.
Nhiều dân biểu, nghị sĩ Dân chủ, các nhà hoạt động xã hội và
vận động viên thể thao, tài tử điện ảnh… đều tìm cách hiện diện rõ nét trước ống
kính truyền hình trong đám tang.
George Floyd đã được vinh danh hơn cả một anh hùng!
Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ đang rơi vào hoàn cảnh “tứ
bề thọ địch,” gỡ cho nước Mỹ ra được tình trạng rối như tơ vò hiện quả là chuyện
khó khăn, nan giải. Trong tình trạng này, không có tài sức, người viết chỉ có tấm
lòng cảm xúc, xót thương nước Mỹ hơn bao giờ hết.
Xin ơn Trên phù hộ cho nước Mỹ qua cơn sóng gió, khó khăn.
God Bless America!
Huy
Phương