11 July 2020

BUỒN CHIỀU THỊ TRẤN - Trần Huy Sao


Tưởng nhớ anh Trần Phan Hàm

Sau thời gian khá dài lâu bấu-rào-kẽm-gai trở về, tôi và anh mất liên lạc. Thời may, chị Thương có ghé về thăm, nhân tiện anh có gởi cho tôi hai tấm hình và mấy lời thăm hỏi.

Tấm hình một chụp khoảng thời gian anh đi vùng kinh tế mới, đứng trước ngôi nhà tranh vách đất. Mảnh ruộng trước sân nhà vừa nhú mạ non. Mấy cây bơ, chùm ruột, xoài, mít Tố Nữ trồng quanh sân chỉ vừa mới bám rễ. Anh mơ ước mai này tụi nó lớn khôn cho anh trái ngọt lại còn chia cho cả gia đình bóng mát. Chiều chiều ra ngồi dưới gốc nhâm nhi xị rượu, rít mấy hơi thuốc lào, nhìn ngắm cơ ngơi của mình mà say! Không phải cái say của rượu, của thuốc lào!. Cái say của khát vọng khởi lên từ cuộc sống trên vùng đất kinh tế mới còn hoang sơ chưa đậm dấu chân người. Cái say này mới thiệt là hung bạo. Nó làm cho anh râu tóc dã nhân, hình hài khô cá mắm. Sức trai bỏ xuống ruộng nương cho mầm xanh vươn lên lớn mạnh. Bắt anh tráo trở hình hài lọc lừa sức lực để già trước tuổi. Khi trái gió trở trời thường hay rêm nhức và khó tìm giấc ngủ. Vợ con anh cũng nhập vòng xoay đến mắt mờ da xanh tái. Đời sống nghiêng chéo những lo toan tính toán.

Tấm hình hai, anh chụp lại hình dong của năm thứ ba khi vào vùng kinh tế mới. Trải những tháng, năm vần cuộc tả tơi, cuộc sống như mầm mạ non nhú xanh trở mình thành cây lúa mang nặng những hạt thì con gái.

Khi tôi lên thăm anh vụ lúa đã vào năm thứ năm. Vụ bắp và đậu nhỏ thua hai tuổi. Hai tấm ảnh xưa đã được giữ làm kỷ niệm đánh dấu một chặng đường đời.

Bây giờ nhìn anh với người trong ảnh thấy xa, đã đành, mà thấy lạ quá nhìn không ra. Cảnh nhà cũng khác. Đám ruộng trước nhà không còn. Thay vào đó là một khoảng sân đất rộng dành để phơi đậu ,bắp và lúa theo từng mùa.

Hàng cây ăn trái đã xanh, cao, có bóng mát và có trái.

Chiều chiều anh đâu có ngồi dưới bóng cây như ngày nào mơ ước.

Anh ngồi trong gian nhà giữa, có bộ bàn ghế được đóng bằng loại gỗ quý, bóng lưỡng. Có tủ trà đồ sộ, chạm long lân quy phụng.

Tầng trên làm bàn thờ. Tầng giữa là tủ kính chưng bày đủ thứ. Từ bộ bình, tách trà men sứ trắng đến những con thú nhồi bông đủ màu sắc, quá độ thời gian, đã chớm ngả màu.

Anh vẫn cứ thường ngồi đó, mỗi chiều nhâm nhi xị đế hút miếng thuốc lào nhả khói trầm tư mà nhìn lại những năm tháng cơ cực để có được ngày hôm nay.

Từ mảnh đất cằn khô và đôi bàn tay chưa một lần chai sạn để rồi có được cơ ngơi bề thế hôm nay.

Mảnh vườn cây trái sum xuê. Bốn sào ruộng cấy gặt đều đặn theo mùa. Một mẫu đất rẫy nương chia thời điểm để trồng đậu, trồng bắp. Hai con bò cày chăm chỉ sớm hôm. Đàn gà tranh ăn không đếm xuể. Cái cặp-táp nặng giấy tờ mỗi lần lên họp hành trên Ủy ban nông nghiệp Thị trấn bàn kế hoạch thi đua cho hợp tác xã.

Miếng rau dưa xưa đã có chen thêm nồi thịt, cá. Thịt thì nhà tự cung tự cầu. Cá thì có từ nguồn sông Krông Nô. Anh chỉ thiếu có tình anh em lâu ngày không tìm thấy được.

Cứ khoảng vài ba năm, tôi lại lên thăm anh dẫu đường rất xa, phải đi qua nhiều chặng. Bởi vì anh ở vùng cao, vùng xa.

Tôi thường cứ văn chương lộng gió gọi nơi chốn anh an cư lập nghiệp là Thị trấn vùng cao.

Muốn tới thăm anh tôi phải về vùng Biển nắng rồi từ đó ngược lên vùng cao ngất núi đồi bụi mù đất đỏ. Lại còn thêm một đoạn đường gập ghềnh nhiêu khê để tới với anh.

Nắm được bàn tay anh không phải là dễ dàng nhưng vì tình thương nhớ mà phải bôn ba. Thường thì khi nắm được bàn tay nhau, tôi mệt nhừ mệt đuối vì đường xa quá là xa. Anh ở chi xa quá, anh Hàm. Nếu không thương anh chắc là, thôi, bỏ cuộc.

Có điều an ủi là khi đến thăm anh là phải về vùng biển nắng Nhatrang , có dịp gặp O Vân Dượng Phú. Nhà Tôi lại có dịp gặp người anh cả, anh Năm Liêu.

Vượt lên vùng cao bụi mù đất đỏ Banmêthuột có dịp gặp anh chị Phước, gặp lại bạn bè một thời trung học.

Rồi từ đó khởi đi là gặp anh chị và các cháu.

Cơm ngày ba bữa theo cung cách nhà nông. Rượu uống từ chiều tới tối theo cung cách hảo hớn Võ Tòng Lương Sơn Bạc.

Có nghe cải lương, có nghe tân nhạc, nhạc sống hẳn hòi vì thị trấn chưa hề có điện. Trong nhà thắp đèn dầu leo lét. Ra đường thắp đuốc bập bùng. Mấy tay nhậu thay nhau tự biên tự diễn. Cải lương thì Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Đời Cô Lựu, Tình Anh Bán Chiếu…. Tân nhạc thì không có nhạc mang hơi hướm cao sang ướt át xa lạ cảnh đời lam lũ, chỉ nhạc lính, nhạc tình cảm nông thôn thôi. Đại khái như là… tôi ở miền xa trời quen đất lạ nhiều đông lắm hạ nối tiếp đi qua thiếu bóng đàn bà…mười năm lính khổ…viết bởi…hay là …em ơi nếu mộng không thành thì sao…non cao đất rộng biết đâu mà tìm…

Duy Khánh, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền cũng kéo vô bàn nhậu. Tùng Lâm cũng vô luôn, cho tới khuya…

Những đêm tưng bừng anh mời bạn bè tới chia vui cốt chỉ giới thiệu chú em vừa lên thăm ( bên cạnh đó) cũng có ý nhắc chừng với cư dân là anh lên tới chốn này không phải là kẻ lạc chợ trôi sông, cô thân ly xứ mà còn có gia phả, gốc gác họ hàng, có người thân lui tới.

Thường thì anh em vẫn thầm lặng ngồi bên nhau hay nói đúng hơn là ngồi bên ly rượu với nhau. Tôi thích ngồi ở góc sân nhỏ sau nhà gần chái bếp khói um thân mật, có cái giếng nước chân quê, có mấy đám rau húng rau răm rau ngò gai rau tía tô rau kinh giới với giàn mồng tơi xanh mướt. Có đám gà lau nhau chạy qua chạy lại giành ăn. Lâu lâu có con chim sà xuống cây chùm ruột rồi bay đậu cây xoài hót tiếng du dương hương-đồng-gió-nội. Thấy chị đang rộn ràng chiên xào đồ nhậu cho anh và chú mà nghe lòng đằm thắm tình thân. Chị luôn luôn có sẵn, khi chú lên thăm, là một nồi bắp luộc vì biết chú rất thích. Nếu lên trái mùa bắp thì, thay vào đó, có nồi đậu phọng luộc.

Chị còn chưa biết là tôi còn khoái món khoai lang nhưng không phải luộc, mà lùi.

Khoai lang lùi.

Vùng đất Krông Ana nơi anh ở, tôi không thấy rộ mùa khoai lang. Chỉ có mùa lúa. Mùa bắp. Mùa đậu xanh. Mùa khoai mì.

Khoai lang thì không thấy có mùa thu hoạch nhưng thay vào đó là… mùa nhậu.

Trúng lúa thì nhậu. Trúng đậu thì cũng nhậu. Trúng bắp thì cũng nhậu tới luôn. Bởi có gì đâu!. Đời sống vùng cao chỉ có bấy nhiêu thôi!. Không điện thì không đài, không văn minh phương tiện truyền hình vi đê ô ka rô kê. Chỉ có vô vô ( trăm phần trăm ) cho qua hoàng hôn, qua đêm tối hoang sơ cô tịch.

Cái thú vui khỏa lấp cho những khoảng thời giờ rảnh rỗi là ngồi bên nhau, giữ nhau, níu nhau, cần thiết có nhau là chia nhau ly rượu, chung miếng mồi đặc sản và ghé hơi thuốc đẫy đà.

Chị thì chỉ ngồi bên anh và chú để góp chuyện đời ôn-cố-tri-tân.

Cũng có nhiều buổi họp họp đông vui hàng xóm quanh Thôn. Tôi rất ngỡ ngàng, thấy mấy chị ngồi bên góp chuyện mà có thêm ly rượu chia phần!. Trăm phần trăm cũng chia tới luôn!.

Thỉnh thoảng anh dẫn tôi lên chợ thị trấn để tìm món đặc sản. Anh nói ở đây có món nai đồng quê tuyệt chiêu nhưng anh em mình không thể. Còn có thêm món cá sông Nô và món tiết canh, cháo lòng heo Thượng.

Cá sông Nô thì ngon ngọt theo mùa. Heo Thượng thì phải vào tận buôn bản để mua ( hay đổi lúa, bắp, muối ) nguyên con và phải chính tay mình chế biến mới ngon, người Thượng họ không làm được. Ra quán thì cũng có nhưng heo người Thượng mà nuôi ở nhà người Kinh thì không còn giữ được hương vị đặc sản.

Cũng như bắp rẫy khi đã qua suối qua sông thì giảm đi rất nhiều vị ngọt ban đầu !

Ngọt bắp ban đầu với ngọt qua suối qua sông tôi thấy không có gì khác. Chỉ khác là bắp từ rẫy nương thì tươi nguyên roi rói, còn bắp qua sông qua suối thì…trong héo mà ngoài tươi !

Heo Thượng nuôi ở Buôn Làng thì thả rong suốt ngày, miếng ăn phải tự kiếm. Không có chuồng trại cũng không cả nề nếp khẩu phần đúng giờ đúng bữa. Cứ suốt ngày nhởn nhơ giữa thiên nhiên khoáng đạt, đói kiếm miếng nhai, khát tìm miếng uống như câu hỏi và câu trả lời khôi hài : “ Con cóc cụt đuôi. Ai nuôi mày lớn. Dạ, thưa Bà. Con lớn mình con!”.

Cũng như con cá khi đang dãy dụa trong lưới giăng vẫn ngọt thịt thơm hương hơn là con cá bơi lội trong thau bán giữa chợ.

Là tươi là sống cả nhưng cái tươi sống giữa thiên nhiên nó đã khác xa cái tươi sống của thị thành !.

Chai rượu chưng cất ở nhà đậm nồng hương vị hơn là mua ở quán.

Cũng là rượu nhưng miếng rượu chưng cất ở nhà tình nghĩa hơn là miếng rượu quán chia chung chia chạ, ai mua cũng được, mua lúc nào cũng có.

Rượu nhà cầu kỳ và nhiêu khê hơn. Chưng cất cầu kỳ nhiêu khê nên rất là chừng mực đâu phải lúc nào cũng có!. Lại không phải mua bán đong đếm lỗ lời!.

Rượu cho không uống không nhưng trả bằng tình bằng nghĩa.

Mỗi lần tôi lên thăm, được uống chai rượu nghĩa tình anh tự tay chưng cất để cứ mãi vương hương cho những ngày xa cách.

Thường trên đường từ chợ Thị trấn về, hai anh em thể nào cũng không quên ghé vào quán anh Thủy. Quán nhỏ bên đường nhưng chiều nào cũng đông khách vì có món nai đồng quê danh trấn giang hồ. Vào chỉ để cầu được uống ly rượu nếp than, không ngó ngàng chi món nhậu. Rượu này không bày bán vì cũng đã thuộc vào loại rượu cho không uống không nhưng trả bằng tình nghĩa.

Mỗi lần thấy ông anh kết nghĩa, ngả nghiêng, đi vào quán là anh vội vàng giao hết công việc bận rộn cho vợ con để tiếp đón. Nhà ở phía sau quán, cách một khoảnh sân đất phẳng lì dùng để phơi lúa, bắp. Phòng khách cũng có bộ bàn ghế được đóng bằng loại gỗ quý, bóng lưỡng. Có tủ trà đồ sộ, chạm long lân quy phụng. Tầng trên làm bàn thờ.Tầng giữa là tủ kính chưng bày đủ thứ. Một mốt thời trang chung ở Thị trấn dành cho những gia đình làm ăn đang hồi khấm khá. Không có những con thú nhồi bông mang vẻ dáng thành phố văn minh như nhà anh nhưng có chưng một bình rượu nếp than bề thế. Màu rượu đã ngả ra nâu vàng trong như hổ phách. Đáy bình đọng dày một lớp bột nếp mịn màng ngả màu hoàng yến. Hai chiếc ly nhỏ thủy tinh mỏng nhánh, trong suốt đặt cạnh hai bên bình rượu.

Ly rượu nghĩa tình tương kính mời nhau trong thầm lặng và chỉ mỗi người một ly để thưởng thức trong không khí hoàn toàn im ắng. Bình rượu lại được trân trọng để vào chỗ cũ cho thời gian dậy thêm hương vị đậm đà mang danh giá của loại rượu cất giấu lâu năm.

Rượu lâu năm dậy hương cũng giống như tình nghĩa thảo thơm lâu năm mà không có chi không có lý do nào để, một sớm một chiều, làm nên sứt mẻ.

Buổi nhậu hào hứng ồn ào sôi nổi khác với buổi nhậu lặng thầm.

Uống ly rượu lặng thầm lại càng khác xa với những ly rượu trăm-phần-trăm.

Cuộc đời vốn sôi nổi và, rất cần sôi nổi, để quên đi những chặng đường gian khổ trong những tháng, năm dài buộc phải tiếp nối dòng sống trong cuộc bể dâu. Nhưng sau phần sôi nổi, chuyện đời thường đi đến đâu làm sao biết được!

Cũng như sau một buổi nhậu ồn ào náo nhiệt. Rượu chắc chắn trăm phần trăm là có đầy và có vơi nhưng chung cuộc mới thấy được rượu đời thường vẫn có nhiều ngộ nhận riêng tư từ hỉ-nộ-ái-ố. Để dễ xa nhau và để tìm nhau.

Thường thì rất dễ xa nhau và nếu tìm nhau được thì cũng là tìm nhau mà không thấy nhau!

Có thể là anh đã từng cay đắng ngọt bùi nếm trải nên, bên cạnh những sôi nổi ồn ào, còn tìm những thầm lặng để vực mình đứng dậy đi tiếp phần đời còn lại. Để thấy mình còn có chỗ nương thân và thấy được mình còn có ý nghĩa khi bên cạnh mình còn có ly rượu lặng thầm. Không hề sôi nổi. Chỉ lặng thầm khi rót rượu. Lặng thầm khi mời nhau. Lặng thầm là không nói ra lời nhưng chính cái lặng thầm không nói, vốn là, đã nói nhiều trong cuộc sống.

Tôi nhiều năm cứ suy nghĩ và không hiểu nổi sự lặng thầm của các anh. Ở cái xứ giang hồ tứ xứ tranh bá đồ vương, giành giựt nhau tranh sống, sôi nổi ồn ào từ bàn nhậu ra tới cả cảnh đời thường. Các anh vẫn hòa nhập những ồn ào sôi nổi theo dòng nhưng vẫn giữ được cái lặng thầm đáng nể.

Uống ly rượu lặng thầm và chia tay lặng thầm. Một triết lý sống trên vùng đất hoang dã tình đời và hời hợt tình người đó chăng?.

Trong hoàn cảnh và điều kiện nghiệt ngả ở vùng đất chưa có trật tự ngăn nắp của nếp sống văn minh, tôi vẫn tìm lên thăm anh. Hai anh em có những ngày hiếm hoi bên nhau để chia xớt rất nhiều kỷ niệm.

Hồi xưa, là khi hồi nhỏ đó mà, anh em mình tranh nhau hái những trái thù lù vàng óng chín muồi mọc bên cạnh mộ Mạ. Anh luôn hái đều tay và nhiều hơn, tôi không chịu và khóc. Anh phải dỗ dành chia lại phần anh, tôi chưa chịu, lại càng phụng phịu dỗi hờn. Cuối cùng, phần anh hái được bao nhiêu, tôi dần dần ăn hết. Giờ nghỉ lại, thấy lòng rưng rưng. Biết là anh hồi đó thương em…

Bây giờ, qua con đường trơn trượt chằng chịt những dấu chân trâu chân bò sau cơn mưa chiều hôm qua để anh, một tay, nắm tay tôi sợ chú em không quen đường đi, mà ngả trượt. Một tay ôm khư khư chai rượu dành cho chú em vui với anh suốt một đêm này, hội ngộ.

Đường chiều nhá nhem nhìn không thấy rõ mặt đường. Nghe tiếng ễnh ương, tiếng dế gọi đêm trường và tiếng cười của anh khi thấy chú em nghiêng ngả trên mô đất bùn trơn ướt, hốt hoảng chụp níu vai anh.

Đêm giữa dòng Trăng và có khi đêm đen thăm thẳm, đêm lất phất mưa mùa, anh em vẫn ngồi bên nhau chia những giờ phút hội ngộ. Sợ mai này chia xa, khó có dịp nào ngồi lại bên nhau. Nõ thuốc chuyền cho nhau hơi ấm. Ly rượu chuyền cho nhau những tháng năm anh em mình gắn bó…

Tôi nhớ quá, những tháng ngày qua đi, còn giữ lại những hình ảnh khắn khít tình anh em.

Ngày tháng khi anh trấn nhậm ở vùng Pleiku, tôi lặn lội tìm thăm anh chị ở khu gia binh. Muốn mua miếng thịt để anh em ngồi lai rai cũng phải mất cả nửa buổi đường xa vất vả. Anh đã chia cái mỏi mệt đường xa đó để chỉ níu lấy một tối ngồi với nhau tâm sự vơi đầy…

Ngày tháng khi anh chị ở túp lều nhỏ dưới chân đồi Trọc xóm quê mình. Tôi vẫn thường ghé qua rau dưa đạm bạc những bữa cơm chiều. Hồi đó, cháu Thùy Anh còn rất nhỏ…

Ngày tháng khi anh chị dọn về thuê căn phòng nhỏ ở đường Cường Để, gần khách sạn Mai Anh Đào, tôi thường xuyên ghé lại chăm lo cho các cháu. Cháu Kinh Hùng, Tuấn Kiệt cứ đòi chú kể chuyện đời xưa…

Ngày tháng anh dời đổi về Nhatrang, tôi cũng lặn lội tìm về. Những bữa cơm gia đình có mùi biển mặn tôm cua cá mực. Có cả cậu Hào và, có đôi lần, gặp anh Thích cũng về thăm.

Ngày tháng anh về vùng kinh tế mới Krông-Ana, tôi cũng lặn lội nhiêu khê suốt chặng đường dài mịt mù đồi núi hoang sơ, để tìm gặp anh. Có dịp để đưa cả gia đình lên hưởng thú đồng quê. Cu Trí bé Quyên tha hồ ăn bắp nếp.

Sau vài năm, lại thêm Cu Đào, bé Út lên đòi bác nấu bắp, luộc gà để đã thèm cơn đói trong thời buổi gạo châu củi quế. Bắp nhà bác trồng bạt ngàn đồi núi. Gà bác nuôi chen lấn đầy sân. Bác còn lặn lội ra ngoài thị trấn tìm mua cá sông Nô. Cá chiên vàng rộm. Cá nướng se da. Các cháu tha hồ vả đói.

Tiếng là đi thăm nhưng thiệt tình là đi tìm nơi cứu đói.

Đó là những tháng năm lấy nông thôn bao vây thành thị. Bác giải vây cơn đói khát cho các cháu từ những miếng ăn mang hương đồng gió nội.

Không như thành thị, khó tìm. Ở đồng quê, mọi thứ đều có sẵn. Cá lấy từ dòng sông Krông Nô. Thịt lấy từ sân vườn. Bắp đậu lấy từ nương rẫy. Gạo từ ruộng nhà. Phần riêng cho Ba của các cháu : rượu tự chưng tự cất bằng lúa gạo làm ra. Nếu muốn thưởng thức loại rượu Cần, đặc sản của miền rừng núi Tây Nguyên, thì tìm tới các buôn làng Krông Ana. Một cặp gà đổi lấy bình rượu Cần, loại nhỏ. Nhỏ, nhưng mà uống vô thì, không chừng, say to.

Ngày tháng anh về ở nhà O Dượng Phú, chia ngọt vị rượu nồng cay Xóm Mới, phường Vĩnh Hải. Ăn miếng cá thơm lừng, miếng mực tươi ngọt lịm ghém với miếng rau thơm vườn nhà O Vân mà giữ hoài hương ngát biển mặn Đồng Đế, Ba Làng. Và tắm biển, ngắm biển…

Ngày tháng quê nhà còn lại bên anh quá nhiều kỷ niệm.

Lần cuối cùng gặp anh là…

Tháng-Mười-Hai ở vùng núi, lạnh khô và trời trong xanh. Buồn rưng trong cái tĩnh lặng của buổi đầu ngày.

Có con chim mang tiếng hót hay vừa xà xuống cây Chùm Ruột, rồi bay lên, đổi hướng về phía rẫy Bắp rũ rượi ngả nghiêng sau mùa thu hoạch. Tiếng hót như có nỗi đau lạc bầy, nghe hay mà buồn buồn.

Mà buồn thiệt!.

Thấy anh đang ngồi ngắt từng đọt rau Răm ở mảnh vườn nhỏ dưới giàn Mồng Tơi xanh um lá, để chuẩn bị cho dĩa gà xé phay đãi chú em ngày hội ngộ lần cuối, trước khi chú dời xa quê hương, cũng đủ để rưng lòng. Dáng anh gầy khô chắc là vì miếng đói miếng no hành khốn đốn hèn chi anh trông dáng phong trần!.

Dễ cũng đã gần năm năm, gặp lại, tôi thấy anh già hơn xưa nhưng tâm hồn thì như xưa, cũng mừng.

Anh em ngồi với nhau ở sau góc vườn nhà. Đây là ngôi nhà mới, không là ngôi nhà cũ ngày nào tôi lên thăm. Ngôi nhà cũ, nằm sâu trong vùng bắp rẫy, nhường lại cho vợ chồng cháu Tuấn Kiệt. Ngôi nhà mới nằm bên đường quốc lộ giờ chỉ có mình anh chị với cháu Kinh Hùng và Kim Phượng. Các khác cháu đã ra riêng. Thùy Anh có chồng con ngoài Thị xã. Thùy Dung theo chồng lên Thị trấn.

Lần lên thăm này đã có nhiều thay đổi. Vẻ dáng chân quê đã lần lựa phai nhòe. Điện đường đã có. Phương tiện giao thông cũng bớt nhiêu khê. Nhà đã có Tivi và đầu máy Samsung đời mới.

Anh với tôi ngồi uống rượu không ở gian phòng có tủ trà đồ sộ. Ngồi ở góc hiên sau gần giếng nước, gần vườn rau xanh um, gần chái bếp khói um và thoảng mùi dầu mỡ.

Anh cố tình ngồi đó để nhớ lại ngày nào khi các cháu còn nhỏ, còn quây quần hôm sớm bên nhau. Không khí ngày xưa sẽ còn, không mất, khi anh bỏ miếng xương xuống nền thì có bầy gà tranh nhau tìm tới. Khi anh cầm ly rượu đưa lên thì có mấy chú (thím) gà ngẩng cao đầu ngóng đợi.

Giờ thì khác hết rồi. Bầy trẻ trong nhà ngày nào đã đủ lông đủ cánh bay xa. Bầy gà cũng chỉ thưa thớt vài chú ( thím ) lượn lờ qua lại lượm cơm thừa. Cảnh nhà đìu hiu. Cảnh già buồn thiu.

Tôi nói em lên đây thăm anh chị và các cháu rồi em đi, khó ngày gặp lại. Anh cười, ngấn mắt rưng rưng nói, thôi chú đừng nhắc chi chuyện chia xa, uống với anh ly rượu này cho vui. Rồi anh kêu chị, để đó đi đừng làm chi nữa, tới ngồi bên anh và chú.

Anh chị và tôi ngồi bên nhau, ngày đó, dễ cũng đã hơn mấy-mươi-năm rồi!.

Đó là hình ảnh cuối khi tôi cùng anh ngồi bên nhau ở góc bếp sau nhà có giếng nước có vườn rau có tiếng chim kêu giữa tiết trời quê núi đồi lành lạnh. Anh bỏ vào chén tôi cái đùi gà và chăm chút lựa mấy vọng rau thơm, nhẹ nhàng rất nhẹ nhàng, bỏ cạnh. Rồi anh nâng ly mời chú, mừng chú. Ly rượu anh uống mừng mà y như là có pha có trộn nỗi buồn. Ly rượu run tay khi để xuống bàn, tôi biết là anh cố đè nén xúc động.

Chưa bao giờ tôi uống ly rượu mà thấy đắng cay như buổi chiều, ngày đó!.

Hình ảnh nữa, còn giữ lại, là khi anh nắm chặt tay tôi lúc tôi lên xe rời xa thị trấn Krông Ana, thị xã Banmêthuột, tỉnh Đăklăk. Một buổi chiều khó có buổi chiều nào, buồn hơn !

Tôi hẹn ra đi mười năm rồi trở lại. Quá mười năm, tôi chưa dịp trở về !

Tôi chưa kịp về thăm quê, thăm anh thì anh bỏ ra đi!.

Vậy là chia tay sao!.

Lần chia tay, ngày nào, có hẹn nhau là sẽ tìm lại nhau.

Nhưng lần chia tay này thì, buồn quá, anh!. Còn có bao giờ gặp lại nhau!. Còn có bao giờ nắm được tay nhau !

Mai nữa, em có về, chỉ ôm vòng mộ đất. Đâu còn có ấm nồng như những năm tháng anh em mình….

Cố dặn lòng cố nén mà sao đôi mắt cứ nhòa.

Viết những dòng chữ này ở một miền xa, rất xa, nhưng lòng tôi cứ tưởng gần, rất gần, bên anh.

Vậy là đã thật sự chia tay rồi đó, anh Hàm?…

Trần Huy Sao
viết dưới hiên trăng