30 July 2020

CON TRÂU GIẤY - Vũ Anh Khanh

– Ơ kìa anh Ngạc, anh say đấy à?

Ngạc khe khẽ lắc đầu, mắt buồn hiu nhìn Loan qua khói thuốc. Chàng vén tay áo Loan xem đồng hồ, bưng ly rượu uống cạn cấn, cười sặc sụa:

– Gần giao thừa rồi.

Loan vẩn vơ nói:

– Mới mười giờ.

Một luồng gió rét lùa khe cửa, Loan rùng mình ngồi nhích lại gần chồng:

– Mình có lạnh lắm không?

– Không, chỉ lạnh ở lòng.

Loan nói nhỏ một mình:

– Lạnh ở lòng.

Trông ánh đèn vàng khô khốc chiếu bóng hai người vào vách tường vôi, Loan cảm thấy một nỗi xót xa, một niềm thương vời vợi cho kiếp những con tằm.

Đấy là kiếp của Ngạc văn sĩ và kiếp của nàng, danh ca. Hỡi ôi! Hai người đã đem dâng đời mình cho thiên hạ, nhưng ai biết đấy là đâu!

– Loan ơi! Nhà còn thẻ nhang nào không?

– Có, để làm gì anh?

– Để thắp cho sáng nhà.

Loan tưởng Ngạc say rượu nói đùa, nàng cười:

– Nhưng đã có đèn.

– Ánh đèn cơ khí làm sao ấm bằng khói nhang thắp vào những ngày tàn năm cuối này.

Loan im lặng. Gian phố nhỏ của vợ chồng nàng đêm nay sao mà hiu quạnh!

– Em lấy nhang ra đốt rồi tắt đèn đi.

Loan chiều chồng, Ngạc thường thường có những ý muốn kỳ quặc lắm, nàng yêu chồng, không dám trái ý Ngạc bao giờ. Trong khoảng tối om, mấy chấm lửa đầu nhang sáng lập loè.

Loan cầm tay Ngạc thủ thỉ:

– Mình ạ, em trông nó thế nào ấy, em sợ lắm!

– Em sợ gì?

Loan nhắm mắt nũng nịu:

– Em sợ…ma.

Nàng mỉm cười:

– Nhưng thôi chẳng nói nữa.

– Để anh cho em xem vật này.

Ngạc mở bóp, lục tìm một gói giấy nhỏ, chàng đưa gần ánh nhang hỏi Loan:

– Đố em biết món gì?

Loan nắn thấy nhẹ, nàng bảo:

– Một tờ giấy xăng.

– Không phải.

Nàng đưa ngón tay trỏ lên miệng, nghĩ ngợi:

– Một bài thơ xuân.

– Cũng không phải nốt.

– Thế thì chịu.

Ngạc kính cẩn tháo từ lớp giấy bóng. Thấy chồng nghiêm nghị quá, tự nhiên Loan hồi hộp chờ đợi, chăm chú nhìn. Tháo xong năm lần phong bao, Ngạc đưa Loan xem một miếng giấy trắng, nàng bật cười ròn:

– Sao em cười?

– Vì anh…

Nét mặt của Ngạc lúc ấy có vẻ dữ tợn, nhất là đôi mắt chàng, Loan sợ hãi nín lặng. Ngạc hối hận vì cử chỉ của mình hơi tàn nhẫn đối với vợ, chàng dịu dàng nói:

– Loan ạ, đấy chỉ là một con trâu giấy, nhưng đối với anh, nó là một kỷ niệm…

Chàng thở ra:

– Mà không bao giờ anh quên được!

Loan ngả đầu dựa vào vai Ngạc hỏi:

– Vì sao mình buồn?

– Anh muốn kể em nghe.

– Vâng, về con trâu giấy, chuyện nó thế nào?

Ngạc mân mê con trâu giấy, bắt đầu:

– Thuở xưa, mấy nghìn năm cũ, bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng sai Vương Tiễn xua quân lấn đánh các nước chư hầu, mong gồm thâu thiên hạ vào một giang san, đem sức mạnh để đè ép lòng người.

Thế quân Tần mạnh như nước vỡ bờ, đi đến đâu thắng đến đấy. Thấy bao nhiêu nước bạn đều lần lượt lọt vào tay nhà Tần, vua nước Yên ngày đêm lo sợ phận mình. Người mới gửi thư cầu cứu với cháu là Tôn Tẩn đại tiên xuống núi.

Loan mỉm cười ngắt lời:

– Anh lại kể chuyện Xuân Thu với em rồi.

Ngạc thản nhiên bảo:

– Còn một giờ nữa mới đến giao thừa, em ráng nghe cho hết chuyện.

– Vâng, anh cứ kể tiếp em nghe.

– Mạnh dùng sức, yếu dùng chước, quân Tần mạnh, quân Yên yếu, Tôn Tẩn phải đem mưu thần để làm cho Vương Tiển sợ hãi, kiêng dè. Tôn Tẩn đã dùng thật nhiều giấy, cắt hình mình, hình trâu của mình, hình binh sĩ, rồi làm phép biến hoà thành ra muôn nghìn đem đánh với giặc Tần.

Loan đang lim dim mắt, lắng tai nghe, bỗng giật mình. Xa xa vọng lại một tràng tiếng nổ giữa đêm khuya, nàng hỏi:

– Nhà ai đốt pháo giao thừa sớm quá thế?

– Không, thời loạn lạc, ai mà còn dám đốt pháo. Súng đấy, súng của quân tuần canh bắn dọc theo biên thuỳ.

Loan nói đùa:

– Em lại tưởng tiếng pháo khai thành của Tôn Tẩn đại tiên.

Ngạc mỉm cười.

– Rồi sao nữa mình?

– Đấy là chuyện đời xưa, ảnh kể theo truyện Tàu.

– Em cũng biết như thế, có gì lạ hơn?

– Về sau, những gánh hát bộ đem tích ấy ra diễn trên sân khấu nước nhà. Thuở nhỏ anh có tính hay ham xem hát, vì thế, năm thôi học, vừa rời ghế nhà trường anh nhảy ngay vào nhà hát. Anh xin làm “lâu la” cho một gánh hát không tồi lắm và lần lần leo lên đóng vai chánh. Từ đấy, ông bầu gánh thường giao cho những vai quan hệ như Tống Địch Thanh, Hạng Vũ, Tiết Nhân Quý.

Đêm ấy, anh còn nhớ, nhân ngày xuân, làng Khánh Thiện mời gánh hát cúng chùa ba ngày đầu năm, anh lãnh sắm vai Tôn Tẩn cản phá Bạch Xà trận của Hải Triều thánh nhơn. Tôn Tẩn tung ra một nắm trâu giấy lọt vào trận, xua đuổi lũ tiểu yêu…

Đêm ấy, anh xuất sắc lắm, được khan giả hoan nghinh. Ngọn roi chầu của ông Tiên chỉ cứ nện thùng thùng vào mặt trống cái, làm anh sướng run lên khi thâu quân ca khúc khải hoàn.

Màn hạ, anh kiểm điểm lại mớ trâu giấy đem cất, thì mấy mất một con. Không biết nó ham trận chạy lạc phương nào!

Nghe Ngạc kể bằng một giọng hài hước, Loan cười ròn:

– Rồi sao nữa, hẳn nó chạy xuống kẹt ván sân khấu chứ gì?

– Không, nó bay xuống hàng ghế khán giả và tình cờ nằm gọn trong lòng một thiếu nữ đẹp, nó làm cho cô ta bâng khuâng. Nỗi bâng khuâng ấy, về sau, khi vãn hát, cô ta mới tìm anh, đưa con trâu giấy mà bảo rằng:

– Người viết sử Tàu đã có ý quên bẵng đi một đoạn tình sử trong thời Xuân Thu.

Anh ngạc nhiên hỏi:

– Làm sao cô biết? Quên đoạn nào?

Cô ta trả lời:

– Theo em hiểu thì ngày ấy, bên kia đất Tần có một người cung phi vì mến tài Tôn Tẩn mà thầm yêu chàng. Tiếc rằng Tôn Tẩn là tiên đã quên hẳn chuyện trần giới nên người cung phi kia đành ôm hận mà chết.

Anh lạ lùng, cô ta cười bảo tiếp:

– Vì thế, đức Ngọc Hoàng thương tình cho phép đem duyên ngày xưa mà kết lại muôn nghìn năm sau giữa hai người: Tôn Tẩn và một người con gái quê mùa nhưng chẳng đến nỗi xấu.

Anh càng lạ lùng hơn, nàng vẫn thản nhiên nói:

– Song việc xe duyên ấy không do một sợi dây tơ hồng có sau trăm đường tơ, mà là bằng một con trâu giấy.

– Một con trâu giấy?

– Vâng, chỉ có một con trâu giấy này. Tôn Tẩn là anh và cô gái quê ấy là…

Ngưng một lát, nàng cười nhẹ:

– Là em.

Bấy giờ thì anh mới hiểu. Thì ra đó chỉ là một câu chuyện của nàng bịa đặt để trêu ghẹo anh…

Đêm hôm ấy là đêm mùng hai Tết, trời thẫm đen như mực, đằng xa trong xóm, thỉnh thoảng có đôi tràng pháo cơm nổ đì đạch. Gió xuân nhẹ nhàng thổi những chiếc khánh đất treo nêu kêu long cong. Trong quán nước vắng vẻ chỉ có anh và nàng cùng nhau kể chuyện tâm tình. Từ đấy, anh và nàng thân nhau.

Loan ngắt lời:

– Và yêu nhau?

– Vâng.

– Và lấy nhau?

– Không.

Nói xong thì Loan cười:

– Thế rồi sao?

– Thế rồi một mùa thu binh lửa tràn đến, dân làng lo tản cư, anh và nàng đồng lòng xin gia nhập vào quân đội, anh làm lính, nàng theo đội nữ cứu thương.

Ngày tháng trôi nhanh qua, anh và nàng thường reo vui ngoài bãi sa trường, cùng sống với những anh em khác một cuộc đời sương gió bão bùng.

Ngày tháng trôi nhanh qua, bầu trời cứ mãi một màu xám tang thương, khói cháy loạn ly cứ phủ mập mờ đất nước. Sau một lần ra trận, anh bị đạn và phải cưa chân.

Ngạc đưa tay bóp chân què của mình, chua chát:

– Anh thành một Tôn Tẩn thật thụ. Anh đành gác súng, trở về đây ôm hận, gượng sống để chờ ngày được đón xem non nước này quang đãng. Nhưng đã mấy năm nay rồi, khói lửa vẫn mịt mù…

Loan cảm thấy một chất nước nóng thấm vào da má mình, nàng ngẩng mặt và ngạc nhiên thấy trên mắt chồng lóng lánh hai giọt lệ.

Nắm nhang đã cháy đến thân tre, Loan đứng lên châm thêm nắm khác.

Hơi sương tàn mùa đông càng lạnh lùng.

Xa xa vọng lại một tràng tiếng nổ.

Loan chợt tưởng tới những người lính đứng canh trên nẻo sa trường vào đêm giao thừa này, thân đang lạnh dưới gió rét và lòng đang hiu quạnh nhớ một mùi nhang thơm, ngún bay quanh bàn thờ trong gian nhà ấm nào ở thành thị.

Còn bao nhiêu nấm mồ chiến sĩ vô danh thiếu khói đang lạnh giữa nghĩa địa hoang vu…

Loan thở dài nhìn Ngạc.

Ngạc càng im lặng hơn, chàng để trí nhớ mình quay êm sâu vào dĩ vãng. Từ độ thành kẻ phế nhân, chàng trở về và lạc vào trong thiên hạ. Thấy bao nhiêu cuộc sống bời rời giữa thành thị, bao nhiêu chuyện đau lòng xảy ra trên khắp phố phường, Ngạc nẩy ra ý muốn gửi vào trang giấy trắng một vài cảnh sống lẻ tẻ thiếu tinh thần.

Bây giờ Ngạc đã có vợ, vợ chàng là một danh ca, thường mỗi chiều nàng rút hơi lòng thổi vào tai máy truyền thanh những bài ca hùng và cảm.

Ngày tháng trôi qua, bao người ra đi, bao người trở về.

Những cuộc đời cứ sang về một con sông từ màu xanh ngọc thạch của lá ngàn cây, đã đổi sang màu máu thắm của muôn kẻ anh hùng bỏ mạng.

Trong quãng đời ly loạn, một mùa xuân nữa lại đến ghi thêm vào tấm lịch đấu tranh một tuổi nữa là ba.

Thấy chồng lim dim mắt như ngủ, Loan lén đứng dậy, Ngạc mở mắt hỏi:

– Em đi đâu?

– Em tưởng anh ngủ rồi.

– Ngủ làm sao được đêm nay? Thức để đón giao thừa em ạ. Thức để đón năm mới tới mà anh tin rằng đời sẽ vui hơn. Còn nửa giờ nữa, em ngồi lại, anh kể nối chuyện con trâu giấy.

Ngoan ngoãn, Loan ngồi xuống:

– Anh kể đi.

– Anh về thành, nàng vì phận sự phải ở lại. Hôm từ giã, nàng khóc mà bảo anh: “Em với anh đành xa cách nhưng lòng chúng ta sẽ mãi mãi gần nhau. Em xứ Tần, anh về Yên, trời Yên còn ly loạn, xin anh hãy noi gương Tôn Tẩn ngày xưa mà giữ lấy chí khí của mình.” Thế rồi, bẵng đi một dạo rất lâu, anh nhận được tin nàng chết. Nàng gởi về cho anh con trâu giấy này và một tờ thư…

Loan bỗng nao nao dạ. Nàng thương cho Ngạc, thương cho người con gái quê kia, thương cả cho mình.

Ngạc lấy thư đưa vợ bảo:

– Thư nàng đây, mình đốt đèn lên đọc đi.

Loan run tay mở tời giấy nhỏ bàu nhàu. Loan cũng có một thằng em đã ra đi từ thưở ấy đến giờ, nhưng không hiểu sao, nàng chưa nhận được tin tức nào! Hay nó cũng đã chết rồi? Tự nhiên nước mắt Loan trào ra, nàng cúi thấp đầu xuống cho khuất ánh đèn để Ngạc khỏi thấy.

Loan đọc nhẩm:

Anh Ngạc,

Xin anh bình tĩnh khi đọc thư này. Em không biết nói gì hơn, em cũng không ghen buồn, mặc dầu em biết anh vừa mới lấy vợ. Vợ anh là một người đàn bà Việt hiền thục, đảm đang, em mừng lắm!

Vậy, từ nay em vẫn là đứa em gái đáng thương của anh thôi. Thư này, em nhân danh là em gái anh mà viết gửi anh đọc đây.

Tuy muôn trùng xa cách, em vẫn hằng được biết những công việc anh làm. Em bằng lòng lắm! Anh đã tìm được một lẽ sống, cố xây một sự nghiệp để dành lại cho mai sau. Ở đấy anh viết, viết thật nhiều, ở đây em đọc, đọc thật say sưa! Em say mê những dỏng tư tưởng của anh cũng như em say mê những dòng máu chính tông của người chiến binh nòi giống Việt. Lạy trời cho em còn sống, cho anh còn sống, cho muôn ngàn người Việt anh dũng còn sống, để chúng ta được cùng nhau vui vẻ trên dải nước non này.

Nhưng mà anh Ngạc ới! Em sắp chết rồi, anh cười mừng giùm cho em đi. Em gái anh đã lo tròn phận sự thần dân, người con gái quê xưa sắp được trở về với lòng đất. Xương thịt em sẽ biến thành màu mỡ để làm nhựa sống cho ngàn cây, cho giống lúa, sau này, biết đâu anh chẳng ăn.

Đất Yên còn ly loạn, mà người cung phi Tần đã sớm về trời, chàng Tôn Tẩn hẳn không phải vì chút tình nhỏ mọn ấy mà tiêu ma chí khí.

Không, ngàn lần không, em tin thế, anh cũng nên tin như thế nhé!

Bên giường bịnh gần em, có một người chiến sĩ chết trước em, bên giường bịnh đằng xa có một chiến sĩ sắp chết sau em, em vội vàng viết thư này về thăm anh, thăm chị, thăm tất cả những bạn bè không quen và không lạ: đấy là những người bạn Việt Nam đồng sắc máu, màu da.

Con trâu giấy em giữ từ lâu, bây giờ xin gửi tặng lại anh. Âu đó cũng là một kỷ niệm do duyên trời đã định tự nghìn xưa giữa hai kẻ Yên, Tần.

Ngày mai trời lại sáng, non nước này sẽ quang đãng.

Anh Ngạc ơi! Em cầu mong lòng anh vẫn trong trắng đợi chờ.

Đọc xong, Loan thẫn thờ xếp thư lại. Ngạc đứng dậy nói vẩn vơ:

– Gần giao thừa rồi.

Loan lấy con trâu giấy, tờ thư rừng bỏ vào một cái hộp, đem đặt gần lư nhang cuộn khói, nhắm mắt lại khấn thầm.

Ngạc lật quyển vở mỏng, chấm bút vào mực, mỉm cười bảo vợ:

– Anh khai bút đầu năm, em nhé.

Loan nhìn theo tay Ngạc sắp dẫn ngòi bút chạy trên trang giấy trắng.

Một tiếng súng nổ ngoài phố, Loan giật mình nói theo hơi thở:

– Pháo giao thừa.

Ngạc cười nhẹ:

– Em muốn anh viết gì đây?

– Anh nên viết lại truyện vừa rồi.

Ngạc gật đầu:

– Để kỷ niệm?

Loan nói theo:

– Để kỷ niệm.

Ngạc chấm mực lần nữa, kính cẩn viết, Loan đọc theo:

– CON TRÂU GIẤY.

Chàng đưa viết sang cho vợ:

– Em đề lạc khoản.

Loan vui vẻ nhận, nàng viết một dòng chữ nhỏ:

Thành kính tặng hương hồn cô gái quê xưa.

Loan ngẩng đầu nhìn Ngạc, mắt lóng lánh, sung sướng mỉm cười…

Vũ Anh Khanh (1926-1956)