Nhà thờ Kiruna - Ảnh Hồ Đắc Túc |
Tôi đang ở
một nơi gần Bắc cực, nơi người ta đang dời một thị trấn nhỏ. Và không khỏi nhớ
đến cách người ta đối xử với các thành phố cũ trên quê hương.
Kiruna là thị trấn cực bắc của Thụy Điển, nằm trong Vòng Bắc
Cực. Mùa đông, mặt trời hiện lúc gần trưa đến hai giờ chiều là biến. Mùa hè, mặt
trời mọc giữa đêm. Tôi đến vào giữa mùa đông, đầu tháng 1 năm 2019. Lúc đó đã gần
bảy giờ tối. Bác tài xe buýt thả xuống đâu đó, ân cần chỉ hướng tìm nhà khách.
Tuyết kêu ken két dưới chân. Những hạt tuyết mịn thong thả rơi óng ả lấp lánh.
Ánh đèn đường vàng vàng dọi xuống, màu tuyết trắng hắt nhẹ lên. Đôi khi một chiếc
xe chậm rãi đi ngang. Cả không gian trắng sáng và trắng mờ ảo ảo. Âm 12 độ
C.Không gay gắt, buốt giá hay tê tái gì cả. Lạnh một cách bình thản.
Giáng sinh đã đi qua nhưng dọc đường còn cây Noel trước vài sân nhỏ. Những căn nhà ở đây thấp, ánh sáng từ bên trong lọt qua khe cửa một dải vàng in trên tuyết. Đêm đông.
Không có dấu hiệu nào cho thấy thị trấn này sẽ dời khỏi địa
điểm hiện nay để dịch chuyển ba cây số về hướng đông. Cả nhà cửa và nhà thờ.
Bên dưới khung cảnh bình yên này là mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới. Mỏ đang đào
sâu dần vào trung tâm, nếu không dời đi thì thị trấn sẽ đổ ập xuống vào cuối thế
kỷ này. Ngưng khai thác mỏ không phải là giải pháp. Mỗi ngày, thép trui luyện từ
quặng sắt khai thác đủ cung cấp để xây sáu cái Tháp Eiffel, đủ thép để sản xuất
bốn mươi ngàn chiếc xe hơi. Nguyên liệu ấy làm ra thép, từ cái kẹp giấy cho đến
nhà chọc trời. Trữ lượng nhiều nhất thế giới, chất lượng tốt nhất thế giới. Một
vấn nạn phải quyết định, không đơn giản chỉ lùa dân vào khu “tái định cư” hay
đi chỗ khác chơi, là xong.
Một thị trấn nhỏ, chưa tới hai chục ngàn người, có sân bay,
ga xe lửa, trạm xe buýt, những quán cà phê xinh xắn, vài tiệm tạp hóa, nhà
thương, trường học, và nhà thờ. Những người dân thong thả đẩy xe càng đi trên
tuyết trắng, chậm rãi với đôi chút ngẩn ngơ trong một thị trấn chỉ vừa qua trăm
tuổi. Chút ngẩn ngơ hiền lành ấy chính là đời sống, là hạnh phúc, sao lại vì tiền
mà đuổi người ta đi.
Và người Thụy Điển đã quyết định sẽ dời một số dân đi. Nhưng
người dân không đi một mình. Những ký ức và kỷ niệm của họ sẽ đi theo. Họ sẽ đi
xa căn nhà xưa ba cây số thôi, cùng với những tòa nhà và kỷ vật thành phố đã sống
cùng họ. Tiêu biểu nhất là Nhà thờ Kiruna bằng gỗ. Đó là kết hợp giữa kiến trúc
Gothic và mái nhọn như chiếc lều du mục của thổ dân bắc cực Sami, ngôi nhà thờ
xây trước năm 1950 đẹp nhất nước, trong mắt người Thụy Điển.
Tôi tản bộ đến Nhà thờ Kiruna vào một sáng sớm gần 11 giờ (vẫn
còn sớm), mặt trời mới chơm chớm tỏa một vòm sáng vàng rơm từ một đường chân trời
trắng xóa, rọi thẳng một đường đo đỏ vọt lên bầu trời tĩnh lặng từng cụm mây
tím nhạt. Tuyết ngập cả sân, dâng lên vách gỗ màu nâu đỏ ở hàng hiên. Hình như
ngôi nhà thờ được xây trên đồi, không chắc lắm địa hình vì tuyết nhô cao thành
khối đủ hình dạng. Xung quanh là rừng cây trơ trọi cành khô lẫn trong tuyết trắng.
Lần đầu tiên trong đời thấy một khung cảnh tráng lệ và trầm ngâm đến như vậy.
Ngôi nhà thờ quá lớn và nặng, không có con đường nào đủ rộng để dời cả nhà thờ
đi theo kiểu Thần Đèn của Việt Nam. Người Thụy Điển quyết định sẽ tháo từng phần
của ngôi nhà thờ để đưa đến chỗ mới, lắp đặt lại, gần tòa thị chính, nơi người
dân sẽ được đưa đến. Kế hoạch sẽ hoàn tất vào năm 2026.
Nhà thờ Kiruna xây năm 1912. Nhưng tuổi tác không phải là vấn
đề.
Người Thụy Điển rất giàu, thừa sức xây một thành phố khác tráng lệ hơn gấp mười lần cái thị trấn nhỏ nhoi này để mời dân tới ở. “Chúng tôi không muốn chỉ dời nhà cửa mà thôi, chúng tôi muốn đưa cả lịch sử và tâm tình đi theo,” bà Clara Nyström, chuyên viên bảo tồn của Hội đồng Thành phố nói về kế hoạch di dời. “Về mặt kỹ thuật, chúng tôi không phải tính toán là phải dời nhà cửa đi bằng cách nào, cái chính là làm sao dời cả tình yêu và ký ức. Không phải dời chỗ ở mà làm sao dời cả nơi chốn với ký ức mang theo.”
Nghe đến đây không khỏi nhớ đến Đà Lạt. Kỷ niệm một khu chợ,
con đường dốc những bậc thềm, sương mai sương chiều, tất cả sẽ bị dời đi. Khác
gì tiêm một thứ thuốc quên vào não. Ký ức bị bắt cóc.
Tôi đọc được một bài báo cũ để xen kẽ với các tờ rơi quảng
cáo trong Trung tâm Du lịch Kiruna. Bài báo xuất bản tháng 12 năm 2018. Một
nhân viên cao cấp thuộc công ty LKAB – là công ty đang khai thác mỏ, chủ nhân
đang làm ra tiền nhờ quặng mỏ, nói: “Con tôi lớn lên nơi đây, bây giờ chúng lớn
rồi đi nơi khác học. Khi chúng trở về thăm quê hương, chốn cũ đã không còn nữa,
Kiruna không còn là Kiruna trong ký ức chúng nữa. Nói làm sao đây? Cho nên xây
phố mới thì phố ấy phải còn lưu giữ kỷ niệm cũ mới được.”
Người Thụy Điển đã có cách bảo tồn “kỷ niệm cũ vẫn còn
nguyên vẹn đó” (thơ Nguyễn Đình Toàn). Họ tháo những tay nắm cửa của tòa thị
chính cũ đem qua lắp ráp vào tòa thị chính mới toanh vừa xây xong; và sử dụng lại
bất cứ những món gì có thể gọi kêu ký ức. Họ đưa nguyên tháp đồng hồ cũ đến đặt
bên cạnh thị sảnh mới. Tháp này không già gì, chỉ mới sáu mươi năm cuộc đời.
Nhưng tháp đồng hồ, cũng như các bùng binh hay ngôi chợ bên mình thường nằm
ngay trung tâm thành phố, là cả một trời ký ức. Mai đây, Nhà thờ Kiruna cũng sẽ
được dọn đến một nơi mới, còn nguyên. Để những giáo dân hay ngoại đạo đều có thể
sống lại bầu khí đã đi qua đời mình khi nhìn thấy nóc tháp nhọn riêng biệt, nhớ
một Giáng sinh nồng nàn ân sủng, hay một buổi lễ trầm ngâm người đến. Không ai
nỡ lòng nào vùi dập kỷ niệm. Những bước chân ban ngày vội vã hay thư thả, những
bước chân lầm lũi ban đêm hay gánh hàng rong kẽo kẹt khuya vắng ngang qua những
thành quách hay chỉ là một khu chợ cũ, đều là hồn thành phố. Chúng ta đang chứng
kiến những người đang sống trên quê hương nhưng hồn đã mất khi các vết tích
đang lụi tàn.
Hồ
Đắc Túc