Virus Corona làm sinh hoạt xã hội đảo lộn. Đời sống như một cỗ máy đang
chạy, tự dưng tắt cụp. Ai cũng bị ảnh hưởng. Từ đứa trẻ không tới được
Kindergarten, cho tới người hưu trí rãnh rỗi, thong thả đi đây đi đó, bây giờ
bó chân. Tôi, tháng Tư năm nay không lên Rừng Đen.
Mọi năm vào dịp nghỉ Phục Sinh, tôi thường lên đây một tuần, ở nông trại của Hans, người bạn quen khi đến Tây Đức hồi 1982. Tôi gọi là người bạn mới, mặc dù tính ra quen biết cũng đã 38 năm rồi.
Nhìn về phía mé nước thấy Hans đang ở truồng tồng ngồng, mắt ngơ ngác nhìn
đám đàn bà. Hans không biết phải làm gì, nếu không có tôi chạy vụt tới, quẳng
chiếc khăn tắm và làm dấu biểu hắn quàng quanh người.
Tình hình tạm yên. Các bà, đúng ra ba cô với một chị cỡ 30 có đem theo hai
đứa con nhỏ, vẫn túm tùm với nhau. Hai đứa nhỏ khóc ré lên vì nghe mẹ và các
người quanh mẹ nó la hoảng.
Một va chạm đầu tiên về văn hoá giữa người Đức và người mới tới Đức 5 ngày:
văn hoá cởi truồng.
Trời cuối tháng 7 vẫn còn hâm hấp nóng, nhất là những ngày nắng gắt như hôm
nay. Bởi thế Hans có ý tốt, mướn một chiếc xe Bus nhỏ, chở vài người ra hồ gần
trại Friedland tắm. Bên nữ vài người với hai đứa nhỏ. Bên nam có tôi và Hans.
Náo loạn bùng lên khi chúng tôi đi xuống bãi cát sát mép nước, và Hans lột hết
áo quần chuẩn bị phóng mình xuống giòng nước mát.
Hans hiểu cớ sự và nhờ tôi xin lỗi. Mấy cô vẫn còn khép nép, không dám nhìn
hắn. Buổi picnic sinh hoạt hơi ngượng ngập, không phải hoàn toàn do ngôn ngữ.
Khi chở mọi người về trại, Hans chào chia tay, và tôi còn đùa hắn:
– Tối nay có nhiều người mất ngủ vì Hans.
Tôi quen Hans ngay ngày thứ hai khi đến trại Friedland, nhờ đón xe quá giang
lên thành phố lớn kế cận: Göttingen. Khoảng đường từ trại lên thành phố khoảng
gần 20 km, có thể dùng xe Bus hay đi quá giang, chị thông dịch trãi bản đồ lên
bàn giải thích.
Rồi quan trọng hơn, chị chỉ cách sử dụng điện thoại ở trạm dọc đường, và
cách liên lạc về trại, lỡ như bị lạc. Mang trách nhiệm của một người mới nhận
25 thuyền nhân về trại, chị lo lắng dặn lui dặn tới, làm hai người tôi rũ cùng
đi nãn chí, họ rút lui.
Với lại ngay buổi mới tới, ai cũng biết đi quá nhà ga một chút có một siêu
thị. Thôi đủ rồi, muốn bia có bia, muốn gượu có gượu, chỉ thiếu gắn thiếu
gùa…thì ta tạm lấy thịt hộp, dưa chuột ngâm chua thế vào, đi đâu cho mệt.
Tôi nói âm r thành g vì chơi quanh toàn mấy ông ở miền Tây, dân Rạch giá,
Tân Châu, chỉ có tôi mình ên, dân nước Huế. Ghiết thành quen miệng. Không ai
biết nôn nao của một Toán tử, nghĩa là người theo đạo Toán, phải nhìn qua một chút
Đại học Göttingen, nơi mà nhà Toán học Gauss, học và dạy. Gauss với cách giải
thần đồng bài toán tổng số 1+2+3+….+100 lỡn vỡn trong đầu từ những năm Trung
học. Làm sao không nôn nao cho được khi đã đến rất gần Gauss.
Hans là người đầu tiên dừng xe khi thấy tôi đứng bên đường vẫy tay. Hắn hỏi
tôi muốn đi đâu bằng tiếng Anh, rồi tiếng Pháp. Tôi chọn tiếng Pháp, và không
ngờ quá hợp với một chàng Đức gốc Freiburg, một xứ ven rừng Đen, sát bên nước
Pháp. Hắn bằng tuổi tôi. Hai đứa bắt trúng đài, qua ngôn ngữ, bắt đầu nói
chuyện và sau khi ngồi trên xe một lát, đã xem như biết nhau từ thuở nào.
Hắn hứa sẽ đưa tôi đi coi Đại học Göttingen, nhưng hôm nay thì chưa, vì buổi
trưa hắn bận. Hans đề nghị, cùng đi đón con với Hans, sau đó về nhà ăn trưa,
chơi với hai đứa nhỏ, và chiều Hans sẽ đưa tôi về trại.
Một ngày trôi qua với Hans và hai đứa nhỏ thật thú vị. Hai đứa bằng tuổi con
gái và con trai tôi.
Lênh đênh trên sóng nước từ hôm được Cap Anamur vớt, tháng 4, rồi tàu về tới
hải cảng Hamburg, tháng 7, tôi ít thấy nhớ con vì công việc trên tàu luôn tay.
Buổi sáng trong bệnh xá. Nghe khai bệnh, thông dịch cho Bác sĩ. Nghe Bác sĩ nói
cách điều trị, liều lượng thuốc, ngày tái khám, thông dịch cho bệnh nhân. Đủ
thứ bệnh: ho, đau đầu, đau bụng, say sóng, bại xuội, phát băng vệ sinh,… cho
tới phụ đở đẻ hai lần.
Phụ, chỉ đơn giản là đứng quanh bên bàn sinh, chuyển ý của Bác sĩ và hai Y
tá tới sãn phụ. Quanh quẩn những mệnh lệnh: nín thở, lấy sức, rặn… Vậy mà có
một lần, một cô ở Miệt Thứ, con so, chuyển bụng từ 5 giờ chiều, và ì ạch suốt
đêm đến 6 giờ sáng mai, đứa nhỏ mới chịu ra.
Phương tiện ở trên tàu cho việc đở đẻ hầu như không có. May, mọi sự đều tốt
đẹp. Mẹ xuội lơ và con la hét, nhưng mẹ tròn, con vuông. Chỉ có tôi bị cô Miệt
Thứ, vì đau quá, bấu cổ lúc tôi đứng trên đầu bàn sinh cùng với Bác sĩ. Báo
hại, tôi mang một cái cổ lằn ngang, lằn dọc, và dấu móng tay bấm lủng tùm lum,
suốt một tuần.
Buổi trưa nhận thực phẩm dưới hầm tàu với cô y tá Susane cho toán nhà bếp.
Ăn trưa thong thả được chút xíu lại tập trung bà con học tiếng Đức. Sáng kiến
của Bác sĩ Georg dạy tiếng Đức qua tiếng Pháp, tên gọi các đồ dùng trong nhà,
và các câu chào hỏi thông thường.
Dĩ nhiên không ngày nào giống ngày nào. Lúc biển động mạnh, thiên hạ say
sóng nằm bẹp, tôi không hiểu sao tỉnh bơ, lại lo đi phát túi nilon để bà con
khỏi nôn ào ra sàn tàu, dơ dáy.
Túi bụi công việc nên không nhớ con. Bây giờ nhàn rỗi, ôi chao nhớ chúng nó
như điên. Nhớ con bé đi mua bia hơi cho cha, kiếm phần gói đậu phụng da cá.
Dáng nó ngoe nguẩy cái bịch nhựa đựng bia. Miệng mồm xí xọn giọng Nam, với ai
cũng kiếm chuyện giao thiệp, khiến từ đầu đến cuối hẻm Tân Đức, đường Trương
minh Giảng, Sài Gòn, nhiều người biết nó. Nhớ thằng cu bập bẹ kêu ba đâu khi đi
quanh tìm. Ôi chao! Bỏ con mà đi, khi một đứa chưa đầy 5 tuổi, một đứa 15 tháng
tuổi, cho một mình vợ gánh vác. Không đau khổ nào bằng. Bởi vậy khi gặp 2 đứa
con Hans, tôi thân thiết liền vì đó là hình dáng con bé và thằng cu con mình.
Và con nít cũng rất bén nhạy. Nó nhận biết ngay ai thương, ai chìu nó, và chúng
đeo lấy tôi ngay. Tôi bày ra nướng bắp hái ở vườn nhà Hans, với mỡ hành phết
lên. Chiên một chảo cơm Dương châu cho cả nhà. Hai đứa nhỏ ăn khoái khẩu.
Một thú vị khác là tủ sách nhà Hans. Sách dựng đầy trên kệ một phía tường
phòng khách, cao từ nền cho tới trần nhà. Nhìn qua một lượt toàn các tác phẩm
hiện đại, từ Paternak đến Saroyan, từ Hesse đến Proust, mà bên nhà đã được đọc
qua các bản dịch cả rồi. Tôi lật qua vài cuốn, lại khám phá thú vị phần lớn là
song ngữ Đức-Pháp. Chúng tôi cảm thấy có một mẫu số chung. Lớn nhỏ cỡ nào chưa
biết, nhưng nói chuyện, khôi hài với nhau rất tương đắc.
Hans và vợ bỏ nhau cả năm rồi. Sau khi ly dị, mẹ hai đứa nhỏ để con cho
Hans. Hans đang dạy một trường Cao đẳng Nông nghiệp ở Witzenhausen, gần
Friedland, và sát biên giới Đông-Tây Đức. Chúng tôi có những buổi ra biên giới.
Hans chụp cho tôi những tấm hình rất đẹp, trước các bảng “Dừng lại. Binh sĩ sẽ
nổ súng nếu vi phạm.”
Đời sống coi bộ đã yên ổn. Hai đứa nhỏ đã quen với chuyện thiếu mẹ. Một ngày
của Hans xoay quanh với hai con từ sáng đến tối, rất ngăn nắp gọn gàng. Buổi
tối hai đứa nhỏ vào giường còn đựơc Hans đọc một trang sách chuyện cổ tích, ru
giấc ngủ. Xong Hans còn ủ bột để nướng bánh mỳ vào sáng mai.
Những đêm có tôi ghé ngủ lại, Hans lo cho hai đứa nhỏ xong, ngồi uống với
tôi mỗi đứa một chai bia, nói lan man chuyện đời. Tôi, về những ngày còn đi
dạy. Và Hans, về đời sống thời thơ ấu với gia đình trong một nông trại vùng
Rừng Đen. Tôi quen lần với giọng rề rề, nhẹ nhàng của Hans. Quen lần với những
buổi chiều Hans ghé trại đón, rồi sáng mai chở con đi nhà trẻ, và mang tôi về
trại.
Trại có một đợt 50 người từ đảo Palawan, Phi luật tân, đến đây đã nữa năm,
đang học tiếng Đức, và sẽ đi định cư sau đó. Chúng tôi nghĩ nhóm mình cũng vậy,
và bắt đầu thích nghi với nhịp sống hằng ngày. Tôi chuyên cần học tiếng Đức,
với tủ sách khá đầy đủ ở nhà Hans. Hai đứa nhỏ và Hans là những thầy, cô giáo
rất tốt cho tôi, nên tôi tiến khá nhanh.
Được khoảng hơn tuần lể, nhóm chúng tôi được tin sẽ được đưa về trại
Nazareth ở Norddeich trên biển Bắc của Tây Đức, cách Friedland khoảng 400km.
Tôi báo tin cho Hans đừng vô đón buổi chiều, vì tôi phải lo thu xếp, dù hành
lý chẳng có bao nhiêu, để sáng mai đi sớm. Thế mà sáng sớm đã thấy Hans cùng
hai đứa nhỏ đứng trong sân trại. Hans mang cho tôi một xách sách học tiếng Đức,
vài hũ mứt dâu tự làm, vài trái bắp trong vườn nhà. Hai đứa nhỏ vẽ vài bức
tranh tặng Onkel Thông. Chúng tôi quyến luyến xa rời nhau khi phải lên xe Bus.
Không ngờ đó là lần chia tay khá dài. Đến 22 năm sau chúng tôi mới tìm ra
lại nhau. Khoảng đâu đó năm 2003 tôi nhận được quà tặng của bạn trai đứa con:
một cái CD của Bưu điện Đức, niên giám điện thoại của toàn nước Đức. Máy tính
và kỹ thuật digital mới bắt đầu thông dụng. Nhờ CD này tôi tìm ra được 11 người
có họ và tên giống Hans trải dài từ Flensburg tới Garmisch Partenkirchen (như
người Việt hay nói từ Ải Nam quan tới mũi Cà Mâu).
Tôi bắt đầu điện thoại, và may mắn tới người thứ ba, gặp đúng là Hans. Hắn
về lại Rừng Đen, mua một nông trại trên núi cao, lấy vợ khác và đã có thêm hai
đứa con nhỏ. Nguyên do của chuyện liên lạc gián đoạn là nông trại bị cháy rụi
một năm sau đó. Hans mất sạch, may gia đình an toàn và bắt đầu xây dựng lại
trên nền cũ.
Gặp lúc Âu châu khuyến khích chăn nuôi, trồng trọt Bio, nên Hans nhận được
tài trợ và đến hiện tại, thời điểm tôi liên lạc được, nông trại đã vững. Thời
gian Hans mới lên Rừng Đen tôi lại về Paris. Sau một hai lần điện thoại không
được, thư bị trả lui…rồi Hans cháy nhà mất hết giấy tờ, chúng tôi mất tình bạn
bè từ đó.
Hans mừng rỡ, gởi bản đồ, đường đi, quảng cáo nông trại Bio..và kêu tôi thu
xếp gặp nhau sớm nhất có thể được. Dịp Phục sinh 2004 tôi và vợ lên Rừng Đen
lần đầu.
Từ Frankfurt lên đến nông trại Hans hơn 300 km. Sau khoảng 230 km đường xa
lộ, chúng tôi lên đỉnh cao của rừng đen. Dịp lễ Phục Sinh, trên núi vẫn đang
còn lạnh, tuyết vẫn còn ở các gò cao ven đường. Xe cứ lên dốc, lên mãi …cho đến
nông trại của Hans nằm trên một ngọn núi thấp, sau lưng là dãy núi cao hùng vĩ
với tuyết trắng xoá.
Chúng tôi thích thú gặp lại nhau. Hans đen sạm, rắn chắc và như một người
Amisch với bộ râu quai nón dày, đậm. Vợ mới của Hans còn trẻ, người cao lớn,
vui vẻ, và chuyện trò với vợ tôi coi bộ tâm đầu ý hợp. Hai bà cùng nhau lúi húi
làm Käse và bà xã tôi còn cộng tác với vợ Hans, đưa Käse ra xe, chuẩn bị cho
chợ ngày mai. Một tuần vợ Hans lái xe đi bán ở bốn chợ phiên quanh vùng: Käse,
thịt heo hun khói, dồi xúc xích…nói chung là các sản phẩm của nông trại.
Hans còn nhận sinh viên Nông nghiệp ở các Đại học quanh vùng tới thực tập.
Hôm chúng tôi tới có 4 sinh viên. Buổi chiều chúng tôi tụ tập nhau trong nhà
khách ca hát, trò chuyện…vì Hans dành riêng một căn nhà để sinh hoạt, ăn uống nằm
giữa nông trại. Bao chung quanh là các ngôi nhà để ở, để cho du khách thuê,
cách biệt với khu vắt sữa bò, trại nuôi heo, trại gà, vịt, dê…và nhà làm Käse,
nhà hun khói thịt…Nông trại rất hiện đại với máy móc vắt sửa bò, làm Käse. Mọi
căn nhà, vật dụng đều mới sau trận hỏa hoạn. Ngăn nắp và sạch sẽ nhưng mùi phân
bò vẫn nồng nặc. Chúng tôi phải hai ngày sau mới quen mũi.
Nông trại Hans thành một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi vài hôm, mỗi khi chán
ngán công việc, phố phường. Nhưng chỉ hợp với riêng tôi thôi, còn vợ tôi bị dị
ứng với phân bò, nên sau một vài lần cùng đi, nàng để tôi tự do một mình lên
rừng Đen.
Ở đó tôi trải qua những sáng lang thang cởi con ngựa giống Kaltblut qua các
đồi núi. Những chiều dọn dẹp, vệ sinh chuồng heo, chuồng bò. Những đêm ca hát
với các sinh viên quanh lò sưởi đỏ rực ấm áp. Những lần trò chuyện với Hans về
cuộc đời, về những ngày ngắn ngủi gặp nhau ở Witzenhausen, nơi đã lâu không còn
là biên giới Đông – Tây Đức.