1.
Người đàn ông loay hoay mãi với chiếc xe đạp cà tàng của mình. Gọi là xe đạp cho có vẻ như thế. Thật ra đó chỉ là một mớ sắt hoen rỉ được nối kết lại với nhau. Một cái khung vá chằng vá đụp bằng những mũi hàn lỡm chỡm. Hai vành xe được chế tạo bởi những vòng cắt ra từ cover, một loại ống cống bằng kim loại từ thời quân Mỹ mang sang. Bọc ngoài lớp vành ấy là một lớp cao su được cắt ra từ những ruột xe phế thải. Những nan xe được hàn bằng những thanh sắt phi 10 chen lẫn với nhũng que gỗ. Không có bàn đạp. Không có xích. Không có tay lái. Để điều khiển chiếc xe, người đàn ông phải buộc vào một que gỗ nơi đáng lý phải là cái ghi đông. Ấy thế mà chiếc xe đã cùng ông lang thang trên khắp nẻo đường xuôi ngược. Len lỏi vào các làng mạc hẻo lánh, những vùng nông thôn heo hút. Ăn bờ ngủ bụi là chuyện thường. Có khi ông leo lên tận đỉnh núi, hay vào sâu trong rừng. Lạc mấy ngày, ăn đọt cây đoát, môn rừng, uống nước bùn, ngủ với sên vắt muỗi rừng.
Người đàn ông ấy là ai? Chẳng ai biết.
Nhưng ông biết ông là ai.
Ông đang làm cái việc mà hình như nhiều người cùng thời đang
làm để kiếm cái ăn, cho ông và cho người vợ đang ngày đêm trông ông về với món
tiền nho nhỏ sống qua ngày: Ông đi thu nhặt phế liệu về bán lại cho các vựa thu
mua. Vài ba tuần ông mới về nhà một lần. Bởi vì với chiếc xe như thế ông không
thể đi, về dễ dàng được.
Trong nhũng chuyến lang thang vì cơm áo, ông đã gặp được nhiều
người, nghe được nhiều chuyện. Những lúc ấy ông lại nghĩ về đời mình, nghĩ về
bao nhiêu người, bạn bè người thân. Kè còn, kẻ mất. Người nằm dưới mộ sâu, người
lênh đênh phiêu bạt ở xứ người. Kẻ bỏ xác trên rừng, người gởi thân nơi đại
dương thăm thẳm. Và cũng còn bao người như ông đang lang thang lếch thếch khắp
cùng trời cuối đất. Tất cả đã mất hết. Chỉ còn lại những thây người biết cử động,
đang đi tìm miếng ăn. Bởi vì phải sống. Phải sống.
Không ai có thể tự chọn lựa cho mình. Làm sao chọn cho mình
cái chết?
2.
Cho chiếc xe lăn xuống triền dốc. Ông chạy theo với một tốc
độ vượt sức chịu đựng. Con đường mòn nho nhỏ, hai bên hình như không có nhà. Trời
nắng gắt. Mồ hôi dường như không còn. Người ông khô kiệt. Không chịu nổi. Ông
thả tay để chiếc xe tự do lao xuống con đường với một vận tốc không có gì kiềm
lại. Ông ngã nhoài bên đường. Hai mắt nhắm lại. Ông thấy người nhẹ tênh. Giá mà
chết được lúc này.
Ông mở mắt. Bầu trời trên cao mây trắng trôi bập bềnh. Ông
cũng thấy mình trôi bập bềnh. Giờ này chắc vợ ông đang ngồi ngoài hiên mái chòi
lợp lá cọ. Nàng chải tóc và nói chuyện với con mèo lông vàng ngồi dưới chân
nàng mong tìm chút hơi ấm của con người vốn từ lâu không còn đủ thời giờ để âu
yếm vuốt ve nó. Cái chòi dựng tạm bợ bên bìa rừng hoang vắng quạnh hiu. Ông thấy
thương nàng vô hạn. Và ông mơ màng thấy nàng từ xa xa đi gần về phía ông. Ông
nhắm mắt để cho ảo giác chập chờn hi vọng đó chính là nàng. Nhưng hình như ông
nghe tiếng ai đó đang gọi:
- Ông gì đó ơi!
Tiếng gọi yếu ớt, giọng khàn khàn, buồn đục như tiếng gọi từ
trong sâu thẳm của rừng già. Ông đã từng nghe tiếng gọi này trong những giấc mơ
của mình.
- Ông ơi? Ông đang làm sao thế?
Ông mở mắt. Một bà già tóc đã bạc, lưng còng, tay chống một
cái gậy tre, người gầy và run run, duy chỉ có đôi mắt là còn linh hoạt. Bà tiến
gần về phía người đàn ông và cúi xuống như để kiểm tra xem người nằm đó còn sống
hay đã chết.
- Dạ chào bà, người đàn ông mỏi mệt nói, bà có thể cho tôi
xin miếng nước không ạ?
- Lạy trời! Ông còn sống. Lão cứ tưởng ông đã chết. Thôi hãy
ráng đứng dậy, cố đi với lão về nhà. Bà đưa tay chỉ về cuối chân đồi.
Người đàn ông đứng lên dùng tay phủi bùn đất bám dính vào áo
quần và mệt mỏi theo sau bà lão. Con đường mòn chỉ vừa một người đi đổ xuống
chân đồi. Hai bên cỏ dại mọc tràn lan, những dây cỏ gai nở bông màu tím nhẹ, những
cây cúc dại lác đác những nụ vàng, vài con bướm đủ màu sắc bay chập chờn từ hoa
này sang hoa khác. Đồi dốc đổ thoai thoải xa dần xuống tận bờ một con suối mùa
này hình như cũng cạn khô nên nom rõ những tảng đá hai bên, những gốc cây đã bị
đốn nhô lên như những hình nhân quái dị.
Bà lão bước đi nặng nề phía trước, lưng còng quá nên có cảm
giác mặt bà luôn luôn nhìn xuống đất. Có cái gì đó nơi bà lão này khiến người
đàn ông nhớ đến mẹ mình, và ông cảm thấy gần gũi như được chở che. Ông cảm thấy
một nguồn thương cảm vô hạn dâng lên trong lòng. Bất chợt ông gọi nhỏ "Mẹ".
Bà lão không nghe gì, cứ lầm lủi bước đi.
3.
Từ dưới triền đồi chiếc xe đạp của ông nằm chỏng chơ, hai
bánh xe với những cái nan xe bằng gỗ vẫn còn quay quay theo mỗi đợt gió thốc tới.
Đống sắt vụn đổ tung toé nằm rải rác giống những mãnh bom bên một cái hố con.
Người đàn ông nhìn chiếc xe buột miệng:
- Thấy mẹ. Không biết có gãy xe không.
Bà lão mơ hồ như nghe người đàn ông gọi:
- Ông nói sao? Ờ, nhà lão ở tận dưới kia gần con suối cạn ấy.
Cơ khổ! Làm sao mà ông nằm ở đây vậy?
Không đợi người đàn ông trả lời, bà lão kể lể;
- Năm ngoái cũng có một người ngang qua đây, cũng trạc tuổi
ông. Mà sao ông lại đến đây? À mà thôi, tôi tò mò chuyện các người làm gì. Hãy
vào uống nước nghỉ ngơi, rồi muốn đi thì đi. Mà có ở lại cũng không sao. Lão sống
cô độc, buồn lắm, muốn có người trò chuyện cho đỡ buồn.
Bà lão đưa tay kéo liếp cửa lợp bằng lá cọ, quay về phía người
đàn ông:
- Ông vào trong đi, tôi đi lấy ít nước nấu nắm lá vối. Đây
là loại nước giải khát duy nhất và cũng ngon lắm, hơn hẳn các loại danh trà mà
ông thường uống đấy.
Bà lão cười hóm hém sau câu nói đùa của mình và chống gậy đi
về phía bờ suối. Người đàn ông bước vào trong. Một chiếc chỏng tre ọp ẹp kê sát
vách lợp bằng lá rừng và được nẹp vào nhau bằng những cây sậy tròn cở ngón tay.
Phía cuối giường là cái bếp được kê bởi ba hòn đá. Vài cái soong đã móp méo
treo lủng lẳng trên vách. Hơi nóng hãy còn trong lớp tro ủ, thỉnh thoảng một cọng
khói lẻ loi hiu hắt bay lên. Ông bước ra sân nhặt một ít cành khô đem vào nhuốm
bếp. Bà lão vào mang theo một ấm nước với ít lá vối đã rửa sạch. Bà ngồi xuống
cạnh người đàn ông, không nhìn ông, bà nói bâng quơ:
- Đôi lúc lão cũng thấy buồn thật. Nhưng quen rồi.
Thưa cụ, thế con cái cụ đâu? Cụ sống một mình thế này lỡ đêm
hôm mưa gió...
Bà lão vẫn chăm chú nhìn vào bếp lửa đang cháy, thở dài não
nuột:
- Con với chả cái. À mà tôi cũng có một đứa con đấy chứ. Tôi
và ông lão nhà tôi hiếm muộn chỉ có một mặt con. Ôi mà thôi! Thà không có con
còn thấy đở khổ hơn, đở đau lòng hơn...
- Cháu xin lỗi đã gợi lại những chuyện không vui cho cụ.
Nhưng mà...
Người đàn ông bỏ lửng câu nói, nhìn bà lão, lòng ông thấy
xót xa, ông linh cảm trong người đàn bà này đang chứa chất một nỗi đau đớn kinh
khủng lắm.
Ấm nước sôi sục sục, bọt tràn ra khỏi miệng, một mùi thơm
ngai ngái xông lên khắp căn chòi, ông hít thật sâu, mùi thơm xông lên tận não.
Ông cảm thấy dễ chịu vô cùng. Bà lão lấy hai cái bát sành đã sứt miệng thong thả
rót nước ra, một lớp bọt trắng trắng vàng vàng sóng sánh trên miệng chén. Đẩy
chén nước về phía người đàn ông, bà lão mời:
- Ông uống đi, nóng thì thêm ít nước lạnh vào. Loại nước này
lợi gan, mật, ăn dễ tiêu, đả khát. Này mà ông có con không? Hãy dạy cho con ông
cái điều mà trước đây chúng ta không được phép dạy. Đó là lòng thương yêu, sự
quí trọng mạng sống của con người. Trước đây chúng chỉ được dạy lòng căm thù, một
viên đạn phải giết cho được hai mạng người. Và đau xót hơn nữa, chúng được dạy
phải giết chính những người thân yêu của mình để chứng tỏ lập trường kiên định
không khoan nhượng đối với những người được qui cho là giai cấp bóc lột, giai cấp
tiểu tư sản...
Hình như khi nói những điều này đôi mắt bà lão ánh lên một
tia giận dữ nhưng rồi bà nén lại, đôi mắt chùng xuống. Bà hớp một ngụm nước, lấy
tay cời thêm que củi cho lửa cháy bùng lên.
- Thưa cụ thế ông cụ?
- Ông nhà tôi mất cách đây hai mươi năm rồi. Chết vì buồn bã
quá. Vì đau lòng quá. Vì tủi hổ với giòng giống tổ tiên
Nhưng mà... Người đàn ông tò mò.
4.
- Từ cái đêm cách đây hai mươi năm ấy, ông biết không, từ
cái đêm oan nghiệt đó, ông nhà tôi như người mất linh hồn, sống vất vưởng như
cái bóng. Suốt ngày không nói. Đôi mắt sâu hun hút như một vực thẳm chứa nỗi buồn
của kiếp người. Từ cái đêm ấy.
Bà lão chợt im lặng. Ngoài kia mặt trời đang xuống thấp. Lác
đác có vài cánh chim bay về phía đồi xa. Một luồng gió lành lạnh thổi nhẹ qua
khung cửa mang theo mùi hương của chiều. Ông vấn một điếu thuốc rê và châm lửa.
- Ông lão nhà tôi trước kia cũng hút thuốc. Nhưng từ cái đêm
oan nghiệt đó... À, ông có biết uống rượu không? Trong cái chai dưới gầm giường
kia còn một ít đấy.
Người đàn ông lấy cái chai và rót rượu ra cái bát vừa uống
nước xong.
- Mời cụ.
- Không, tôi không biết uống rượu. Từ hôm giỗ ông nhà tôi vẫn
còn đấy. Ông không có con à? Phải dạy chúng đấy ông ạ. Lòng thương yêu. Quí trọng
mạng sống của con người. Đừng nuôi lòng thù hận, bất cứ ai.
Người đàn ông vẫn chưa hiểu tận tường câu chuyện mà bà lão
đang kể. Hình như bà thấy quá khó khăn nếu phải kể ra cái điều mà bà muốn quên
đi, cái điều mà từ đó tai họa đổ ập lên gia đình bà, lên đời ông cụ, lên đời
bà. Ông nhấp một tí rượu và chờ đợi.
- Ông biết không, nó là một thằng bé rất kháu khỉnh, đôi mắt
sáng, môi đỏ tươi, vầng trán thông minh. Nhưng ông biết sao không? Chúng tôi
hình như càng ngày càng mất cái quyền được dạy dỗ nó. Không có quyền.
Giọng bà trầm lại gần như bà đang nói với chính mình. Người
đàn ông thấy một giọt nước mắt đặc quánh nặng nề lăn từ hốc mắt sâu hoắm của bà
lão, dường như không đủ sức lăn xuống nữa, giọt lệ nằm lại nơi lưng chừng gò má
nhăn nheo.
- Năm mười lăm tuổi nó bỏ nhà đi không nói với chúng tôi lấy
nửa lời. Hoảng. Chúng tôi đi tìm nó trong vô vọng. Mất ăn mất ngủ. Bệnh viện
nào chúng tôi cũng đến, nhà giam nào chúng tôi cũng đến. Mấy thầy cô nơi trường
cháu học cũng không thể trả lời chúng tôi. Chúng tôi chia nhau đi tìm. Ông về tận
dưới quê nội, tôi ra tận quê ngoại. Không có. Chúng tôi tuyệt vọng ê chề.
Người đàn ông nôn nao:
- Nhưng cuối cùng có tìm ra anh ấy không? Thưa bà.
Bà lão rót thêm cho mình một chén nước nữa, bà thổi nhẹ lớp
váng và uống từ từ. Giọt nước mắt trên gò má nhăn nheo của bà cũng đã khô, chỉ
còn để lại một chấm màu xam xám. Bên ngoài trời đã bắt đầu tối. Bà lão đưa tay
dò tìm trong góc bếp lấy ra chiếc đèn dầu làm bằng một nửa cái chai nho nhỏ.
- Ông thắp giùm đèn đi, tôi luộc mấy củ lang. Tôi đãi ông bữa
tối bằng củ lang. Nhà chỉ còn có thế. Hôm nay tôi không xuống làng được, hết gạo
từ mấy bữa nay.
Người đàn ông đỡ cái soong từ tay bà lão và bắt lên bếp. Bài
trường ca buồn vô hạn của đêm mùa hạ nơi đồi nương bắt đầu rả rích. Bóng của
hai người rung rinh lay động trên vách lá rách nát. Hai mái của túp lều không đủ
kín để che ánh sáng yếu ớt của những vì sao xa, và những con đom đóm chớp sáng
khiến người đàn ông nhớ tới những đêm nằm rừng, ngửa mặt lên trời, nhớ đôi mắt
của nàng, đôi mắt chứa đựng cả bầu trời xanh thăm thẳm.
Mùi của khoai lang đang chín thơm lựng, ông nhớ đôi môi đỏ
thắm của nàng. Đôi môi ấy đã mím chặt lại khi lần đầu tiên đưa một mẩu khoai mì
lên miệng. Nhưng rồi gần chín năm trời, hai vợ chồng ông đã ăn khoai mì thay
cơm.
Bà lão cẩn thận vớt từng củ khoai để lên chiếc đĩa bằng sành
cũng đã sứt mẻ. Từ cái bọc bằng nilon bà lấy ra một ít muối.
Hai người ngồi ăn trong im lặng. Mỗi người đang thả dòng suy
nghĩ của mình theo một hướng. Bà lão hình như chưa thể nói ra điều đau lòng.
Người đàn ông lại nôn nao muốn biết tại sao người con bỏ đi, tại sao bà lão lại
vừa đau xót vừa có vẻ như uất giận. Cuối cung bà lão lên tiếng:
- Ừ này, ông ở đâu đi lạc về đây? Ông đang làm gì?
- Cháu ở cách đây cũng xa, người đàn ông trả lời ậm ừ. Nói chung
có nói cụ cũng không biết. Nhưng cụ yên tâm. Cháu là người đang cố sống lương
thiện. Bây giờ cháu đi đâu, bất cứ nơi nào cũng chỉ để kiếm cái ăn, kiếm cái ăn
bằng mồ hôi của mình.
- Mà thôi. Trước đây cũng có một người lạc tới chỗ này. Người
ấy cũng trạc tuổi ông. Cũng ít nói. Cũng cho mình đang cố sống lương thiện.
5.
Bà lão hình như quên mất câu chuyện mình kể dở dang, loay
hoay dọn chiếc chõng tre.
- Tối nay ông trải mấy cai bao kia gần bếp ngủ cho ấm. Đêm ở
đây lạnh lắm.
- Nhưng thưa cụ, người con của cụ sau có trở về không ạ?
Bà lão leo lên chõng tre, chưa muốn nằm, ngồi thu gối lại, mắt
lim dim xa vắng:
- Thật ra tôi không muốn nhớ tới chuyện này ông ạ. Lại càng
không muốn nhớ tới đứa con mà mình đã bứt ruột sinh ra. Nhưng biết làm sao,
thưa ông. Giọt máu của chúng tôi mà!
Người đàn ông đứng dậy kéo liếp cửa lại, trời bắt đầu trở lạnh.
Gió thổi qua những khe cửa rách làm những mãnh lá kè rung lên tạo nên một thứ
âm thanh rin rít. Xa xa về phía tận ngôi làng vọng đến tiếng chó sủa bâng quơ.
- Nếu còn sống năm nay nó cũng gần bằng tuổi ông, à, mà tôi
có biết tuổi ông là bao nhiêu đâu.
Bà lão thở dài. Một lần nữa giọt nước mắt khô đặc lại rỉ ra
nơi khoé mắt sâu hun hút của bà lão, rồi cũng như lần trước, nó không đủ sức
lăn xuống mà đọng lại cam đành, chịu đựng.
Nó bỏ đi thật ông à, bà lão lại xoay về chuyện cũ, không tin
tức, không để lại chút dấu vết gì, như thể nó chưa hề hiện diện trên đời này.
Còn chăng là nỗi đau trong lòng chúng tôi.
Bà lão hít một hơi dài như để lấy can đảm để tiếp câu chuyện:
- Hai năm sau từ ngày nó bỏ đi, một người trong làng đến nhà
tôi với vẻ mặt hớt hải và bí mật, kéo tôi ra một góc sân, kề sát miệng vào tai
tôi: "Đêm qua, nó về làng bà ạ." "Ai?". "Thì
thằng con bà chứ ai". Giọng người đó nhỏ lại hơn "Nó mang
súng có cả hai người lạ nữa cùng đi với nó" Lúc đó tôi nghe hai
tai mình ù ù, đôi mắt hoa và không còn đứng vững nữa. Sau khi người khách ra về,
tôi vào báo lại với nhà tôi. Ông im lặng. Tôi cũng im lặng. Nhưng trong lòng
không khỏi khấp khởi mừng. Ít ra nó cũng còn sống ông ạ.
Bà lão lại lau giọt nước mắt đã khô và cũng đọng lại một vệt
xam xám trên gò má nhăn nheo.
- Làm sao mà nó không ghé về nhà nhỉ? Ít ra cũng để thăm
chúng tôi một lát chứ. Bà lão như nói chuyện với chính mình.
- Có lẽ anh ấy bận công chuyên quá, người đàn ông an ủi. Ông
hiểu ra chuyện gì rồi. Anh con trai đó đi đâu, làm gì, với ai, và trở lại làm
gì, ông mơ hồ thấy được. Hình như trong thời kỳ ông sống trước đây, ông đã nghe
nhiều chuyện như thế. Dĩ nhiên mỗi chuyện có khác nhau, nhưng cơ bản là giống
nhau cái chung nhất
Hồi còn học trung học, trong lớp ông cũng có vài người tự
dưng biến mất, về sau thì nghe nói người này chết chỗ này, người kia đang xuất
hiện đâu đó, bí mật, hư hư thật thật. Học xong trung học, cố gắng ngồi ở giảng
đường đại học vài năm cuối cùng rồi cũng phải đi đánh nhau, tham dự vào cái trò
chơi chém giết chẳng để làm gì, chỉ tìm cách trốn chạy những vây bắt của số phận
con người trong cái thời buổi mà con người bị điều khiển bởi một hệ thống đủ
màu sắc của cái gọi là văn minh vật chất, trong cái thời buổi mà ngôn ngữ của
nhân gian cần phải được định nghĩa lại.
Im lặng một lát bà lão lại lên tiếng:
- Ông có mệt lắm thì đi ngủ trước đi, à, mà để lão kể tiếp
chuyện này cho ông nghe.
Bả lão thở ra một cái dài, nằm xuống, nghiêng người về phía
người đàn ông, đôi mắt nhắm lại như cố ngăn một giọt nước mắt cũng gần như khô
đặc chực len qua hai mí mắt.
- Hai tháng sau kể từ lần trở về thứ nhất, cũng người hàng
xóm ấy, vào buổi sáng sớm hớt hải chạy tới đập cửa nhà tôi, hổn hển "Khi
đêm hắn về cũng với hai người lần trước, tập hợp dăm ba người gì đó, bắt chú nó
trói lại quì xuống, nó đọc cái gì đó, xong hai người kia đè chú nó xuống và cắt
đầu, không một tiếng kêu, chỉ thấy một vòi máu đỏ tươi phun ra. Xong họ lẳng lặng
bỏ đi".
Người hàng xóm nói một thôi dài, tôi chưa kịp nhận ra việc
gì cả. Người hàng xóm vụt chạy đi. Tôi thẩn thờ bước vào nhà, không đủ sức gọi
ông nhà tôi dậy. Tôi ngồi không biết bao lâu, chìm trong cơn mê và hình như tôi
lịm đi cho đến khi tiếng kêu khóc vang lên chung quanh, tôi ngồi bật dậy. Tôi bắt
đầu tỉnh lại và hiểu ra mọi chuyện.
- Xác của chú nó được phủ một tấm vải trắng để nằm trên chiếc
giường tre kê trước sân. Tôi thẩn thờ bước ra ngồi xuống bên cái xác đã gần như
lạnh ngắt và cứng đờ.
Tôi hiểu ra mọi chuyện rồi. Nó bỏ đi đâu suốt mấy năm trời,
làm gì, theo ai, rồi tại sao chú nó bị chính nó giết. Chú nó làm hội đồng gì đó
ông à. Mà tại sao lại giết chú của mình cơ chứ. Đau xót quá ông ơi. Mà ai bảo
nó làm việc đó cơ chứ?
Bà lão nấc lên nhưng tiếng nấc đọng lại trong cổ họng, trong
đêm tối người đàn ông mơ hồ thấy một dòng máu lệ đang nghẹn ngào trào ra tận
con tim già cỗi của bà lão.
6.
Sáng hôm sau, thu gom xong mớ sắt thép phế liệu và chất lên
chiếc xe đạp đẩy của mình, người đàn ông sửa soạn lên đường, bà lão ra tận bờ
suối. Ban mai trời lành lạnh, sương còn đọng trên lớp cỏ khô. Nhưng giọt sương
không giống những giọt lệ khô của bà lão, chúng lóng lánh như những hạt thủy
tinh đủ màu sắc. Một vài con chim sẻ ríu ra ríu rít bay tới bay lui như muốn hỏi
tại sao con người lại có mặt tại đây và lấy cái gì để ăn khi chính chúng ngay hạt
cỏ cũng khó mà tìm.
- Ông sửa soạn đi đó à? Bà lão lên tiếng.
- Cháu sẽ vào uống nước với cụ rồi xin phép đi.
Khi đã vào trong nhà, ấm lá vối đã sôi sùng sục, ông rót ra
hai chén, không mời bà lão, ông bưng chén và từ từ nhắp từng ngụm nhỏ.
- Thưa cụ, ông nói, cháu không có gì nhiều, xin cụ nhận cho.
Ông lấy cái bọc nilon nhét cẩn thận trong túi áo, lấy ra mấy
đồng bạc đặt trước mặt bà lão.
- Cám ơn ông, tôi không nhận đâu, tôi không cần tiền, tôi chẳng
có việc gì phải tiêu tiền. Nếu cần gì tôi chỉ mang những thứ tôi có được xuống
làng đổi, không cần tiền. Ông cất đi.
Người đàn ông không dám nài nỉ. Sau khi uống hết bát nước lá
vối, ông từ giả bà lão và lên đường. Chiếc xe đạp không đạp được lại cùng ông
lang thang qua muôn dặm đường để tìm cái ăn. Chuyến này ông hi vọng có chút tiền
khá khá với đống sắt chất thải chiến tranh này. Vợ ông hẳn đang mong ông về lắm.
Chuyến này ông đi hơi lâu, không biết vợ ông ở nhà ra sao, có còn đủ gạo tiền
cho nàng không.
Người đàn ông trong một lúc quên mất bà lão và câu chuyện
đau lòng của bà. Ông đang nghĩ đến vợ mình và tưởng tượng cái giây phút hạnh
phúc ôm nàng trong tay. Đôi mắt xanh thăm thẳm hun hút một nỗi thèm khát cháy bỏng,
cặp môi của nàng lúc nào cũng mọng lên như chờ đợi nguồn ái ân cuồng nhiệt. Thế
nào cũng phải có với nàng một đứa con, anh nghĩ thầm và mỉm cười một mình.
Không! Phải hai đứa con mới được. Một trai, một gái. Rồi ông lại tưởng tượng ra
khuôn mặt của hai đứa con. Thằng cu sẽ giống ông. Bé gái sẽ giống nàng. Bấy giờ
ông sẽ không đi làm cái việc này nữa. Sẽ dành dụm tiền mua vài công đất, làm một
cái nhà lá, nuôi vài ba con heo, dăm bảy con gà. Hàng ngày ông sẽ làm vườn,
nàng chăm các con và lo việc vặt trong nhà. Gia đình ông sẽ sống một cuộc sống
bình dị, đầm ấm và hạnh phúc. Ông sẽ trở lại vùng này để đón bà lão về chăm
sóc. Ông sẽ gọi bà là mẹ. Các con ông sẽ có bà nội.
Mãi nghĩ mông lung, ông ra đến đường cái lúc nào không hay.
Lòng đang phấn chấn ông đẩy xe chạy bon bon, quên cả mệt nhọc.
7.
Với đống chất thải chiến tranh đó ông kiếm được cũng khá. Gởi
chiếc xe-đạp-không-đạp-được tại nơi thu mua phế liệu, ông vừa đi vừa chạy mong
sao khoảng bốn năm giờ sáng hôm sau là ông về đến nhà. Có lúc khát quá ông ghé
vào bất kỳ một nhà dân nào đó xin gáo nước lạnh rồi bối hả đi tiếp. ông đang
vui với cái tương lai tưởng tượng của mình, lòng ông tràn ngập về một cái-hạnh-phúc-chưa-có-thật.
Bóng tối đổ xuống bao giờ ông cũng không hay. Ông vẫn lầm
lũi trong bóng tối. Say cái hơi men của một hạnh- phúc-chưa-có-thật trong bóng
tối. Bóng tối của đất trời. Bóng tối của thế gian. Bóng tối đã chụp xuống đời
ông, đời bao nhiêu người khác trong từng giờ, từng ngày, từng tháng năm. Và bây
giờ thì ông đang chạy trong bóng tối mà lòng thì mơ về một thứ ánh sáng của hạnh
phúc.
Ông mệt lã ngồi xuống bên bờ một cái mương trước lối vào cái
chòi của minh. Hình như có một tia sáng yếu ớt rựng lên ở phía xa bầu trời, lác
đác vài tiếng gà eo óc gáy nặng nề đâu đó không đủ sức xua đuổi khí lạnh u uất
đang trùm lên mọi vật.
Ông gắng đứng dậy đi về phía chòi của mình cũng vừa lúc liếp
cửa chòi hé mở. Một người đàn ông hơi khom lưng xuống để bước ra, chợt nhìn thấy
có người đến, ông ta quay ngay vào. Ông bỡ ngỡ đứng lại. Và chỉ một thoáng sau,
vợ ông bước ra đi vội về phía ông. Khuôn mặt nàng lạnh lùng dù đôi mắt hãy còn
ngái ngủ. Nàng không nhìn ông, đưa tay chỉ về hướng mà ông vừa từ đó đi tới:
- Có lẽ ông nên đi khỏi đây thì hơn, nàng nói, tôi đã tự lo
cho tôi được rồi, và ông, ông cũng hãy biết tự lo cho ông đi. Mong rằng ông
không bao giờ trở lại đây nữa.
Tia sáng yếu ớt không đủ sức xuyên qua lớp mây mù đang ùn
lên khắp nơi. Trời chưa kịp sáng hình như đã tối lại. Người đàn ông nghe tim
mình nhói đau, dòng máu lạnh tanh đọng từng cục len đi lạo xạo trong người ông.
Không một lời, ông quay lại lối cũ, con đường ông vừa mới đi qua trong đêm tối,
giờ trở lại, ngày vẫn chưa lên.
(Ghi chú của tác giả: Hình như người đàn ông sau đó
có tìm lại căn chòi của bà lão nhưng không gặp, bà đã bỏ đi đâu hay đã chết,
không ai biết. Người đàn ông thì nghe đâu sau đó mấy năm đã định cư ở nước
ngoài. Và cho đến bây giờ chưa bao giờ tác giả gặp lại hay biết tin tức gì.)
Lê Nam Phương