“Từ xưa tới nay Tổ quốc bao giờ cũng do người áo rách giữ gìn và
bị những người giàu bán rẻ.” (Paul Claudel)
Tác giả câu danh ngôn thượng dẫn là một thi sỹ, kiêm kịch tác gia
(lừng lẫy) đã hơn chục lần được đề cử giải Nobel văn chương. Tiếc
là ông đã không có cơ hội biết đến những cự phú ở Việt Nam đã hy
sinh tài sản, để “giữ gìn” tổ quốc của họ ra sao, và bị cái thứ
“tổ cò” này “bán rẻ’ đến cỡ nào?
Trong khuôn khổ giới hạn của vài trang sổ tay, chúng tôi xin phép chỉ nêu danh vài ba nhân vật (tiêu biểu) để rộng đường dư luận:
Vợ chồng Bạch Thái Bưởi có tòa nhà hai tầng (gồm nhiều căn) ở góc đường Đinh
Tiên Hoàng – Trần Hưng Đạo (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng). Thời điểm tháng
10/1958, khi lên đường tham gia kháng chiến, ông Bạch Thái Hải (cháu nội của cụ
Bạch Thái Bưởi) đã gửi TP Hải Phòng giữ giúp tòa nhà. Khi gửi có giấy viết tay.
Sau kháng chiến, ông Bạch Thái Hải có đơn xin lại nhà từ năm 1992. Tháng
7/1993, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản chuyển đơn kiến nghị của ông Hải
cho TP Hải Phòng giải quyết.”
Hai mươi sáu năm sau, vào ngày ngày 7/8/2019, Bộ Xây Dựng mới có văn bản trả lời với nội dung vô
cùng ngắn gọn: “không có căn cứ giải quyết.” Điều “an ủi” cho Bạch Thái
Bưởi là ông qua đời trước khi cuộc Cuộc Các Mạng Vô Sản thành công
nên không phải chứng kiến chuyện tài sản của mình mình bị chiếm
dụng (trắng trợn) ra sao. Nhiều doanh nhân khác không được sự may mắn
thế. Có kẻ không chỉ mất nhà mà còn mất mạng luôn:
“Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành ‘cải tạo xã hội chủ nghĩa’
trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh
doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi ‘làm gương’, đưa xưởng dệt
của bà vào ‘công tư hợp doanh’. Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho học tập để
nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột, bây giờ Chính phủ nhân đạo cho
làm phó giám đốc trong các nhà máy, xí nghiệp của mình.
Không chỉ riêng bà Bô, các nhà tư sản từng nuôi Việt Minh như chủ hãng nước
mắm Cát Hải, chủ hãng dệt Cự Doanh cũng chấp nhận hợp doanh và làm phó… Cả gia
đình ông Trịnh Văn Bô, sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm 1954, Thiếu
tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của ông với thời
hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời, gia đình ông vẫn không đòi
lại được.
Câu chuyện của gia đình Trịnh Văn Bô cũng chưa cay đắng bằng gia đình bà
Nguyễn Thị Năm, nổi tiếng với tên gọi Cát Hanh Long, một nhà tư sản vào hàng
nhất nhì miền Bắc. Cũng như nhiều nhà tư sản khác, ba mẹ con bà Nguyễn Thị Năm
đã hăm hở ủng hộ phong trào Việt Minh từ tháng 5-1945. Bà đã từng vận động bạn
bè và tự mình mua tín phiếu Việt Minh, mua vải đỏ, vải vàng may cờ đỏ sao vàng,
ủng hộ tiền, gửi thuốc men, thóc gạo, dụng cụ ấn loát lên Chiến khu Việt Bắc…
Ở Thái nguyên, bà Năm tích cực tham gia công tác phụ nữ và được bầu làm Hội
trưởng Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên và là Uỷ viên Liên khu Hội Phụ nữ. Thế nhưng,
khi cải cách ruộng đất, bà Nguyễn Thị Năm bị quy là địa chủ và bị gán tội ‘Việt
gian – Quốc dân Đảng’ rồi trở thành một trong những địa chủ đầu tiên bị xử bắn.
(Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA:
2013).
Bà Cát Hanh Long qua đời năm 1953. Hai mươi hai năm sau, sau khi miền
Nam được hoàn toàn giải phóng, từ ngày 10 tháng 9 năm 1975,
Chính Quyền Cách Mạng bắt đầu “đánh” bọn tư bản ở vùng đất này
bằng nhiều đòn chí tử (Chiến Dịch X2, Đổi Tiền, Cải Tạo Công Thương
Nghiệp) làm tan gia bại sản của tất cả các phú gia. Chưa hết, để cho
nó chắc ăn, Nhà Nước còn ra thêm Chỉ
Thị Z30 “nhằm tịch thu nhà, tài sản của những gia đình có nhà hai tầng trở
lên tại Việt Nam.”
Thế là cả ba miền đất nước đều tang hoang ráo!
May mà thành trì cách mạng ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ… kịp thời.
Đảng “dũng cảm” và “quyết tâm” đổi mới, chuyển đổi sang mô hình Kinh
Tế Thị Trường (theo định hướng XHCN) khiến giới doanh nhân hồi sinh,
và nhanh chóng trờ thành nên … “khởi sắc.” Không ít kẻ nhanh chóng đã
trở thành tỷ phú đô la, với danh xưng mới – đại gia!
“Các ‘đại gia’ đó đã trở về Việt Nam từ thập niên 1990 khi đất nước bắt đầu
mở cửa để đổi mới. Họ đầu tư chủ yếu vào bất động sản và xây dựng quan hệ là
hai thứ tài sản có lợi nhất trong thời quá độ. Với túi tiền và kinh nghiệm tham
nhũng ở Liên Xô và Đông Âu cũ, họ là những người cơ hội (như ‘carpetbaggers’)
đặc trưng của thời kỳ tích tụ tư bản hoang dã.
Đó là vắn tắt bối cảnh thời kỳ quá độ của kinh tế thị trường và chủ nghĩa
thân hữu ở Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn tư nhân đầu tư vào bất động sản, tuy
một số đa dạng hóa đầu tư vào lĩnh vực khác như ngân hàng (VP, VIB, Liên Việt),
hàng không (Vietjet), thực phẩm (Masan), siêu thị (Vinmart), y tế (Vinmec),
giáo dục (Vinschool), và xe hơi (Vinfast).
Các tập đoàn này đã đóng góp đáng kể vào xây dựng hạ tầng, đặc biệt là bất
động sản (property development). Từ các triệu phú, nay một số đã nhanh chóng
trở thành tỷ phú đầu tiên của Việt Nam. Nhưng có một nghịch lý đáng buồn là
trong khi họ làm giàu nhanh thì đa số người dân nghèo đi, và đất nước vẫn tụt
hậu, với năng xuất lao động càng thấp.” (Nguyễn Quang Dy. “Chủ nghĩa thân hữu ăn sâu bám rễ và đầu tư nước ngoài chệch
hướng” – Bauxite Việt Nam).
Thảo nào mà xung quanh đám người giầu sổi này luôn có ít nhiều
điều tiếng:
Chả phải là vô cớ mà không ít người tin rằng “trong khối tài sản
của các tỷ phú Việt Nam đều có thấp thoáng máu và nước mắt của
dân nghèo.” Khác với những doanh gia thời trước, những đại gia thời
nay thay vì đóng góp thì coi “tổ quốc” (trong thời kỳ quá độ) chỉ
là một vũng nước đục – một cơ hội – béo cò.
Tại sao có sự dị biệt hoặc tương phản đáng buồn đến vậy?
“Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố
gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ
các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt
dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho
một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy
chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá. (Phạm Xuân Đài. Hà Nội Trong
Mắt Tôi. Thế Kỷ: Hoa Kỳ 1994).
Mà nào có riêng chi Hà Nội. Báo Nhân Dân cho hay: “Ngày 6-5, Tổng công ty Ðầu tư phát triển
đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, thời gian vừa qua, trên tuyến đường cao
tốc Nội Bài – Lào Cai do VEC làm chủ đầu tư, đã xảy ra hiện tượng mất trộm
bu-lông …”
Khi những đại gia ở giữa Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại sẵn sàng
mang cả tổ quốc đi bán rẻ thì đám bé thơ ở Lào Cai ngại gì mà không
gỡ mấy con bù loong mang đi đổi gạo? Hoá ra, với Tổ Quốc Xã Hội Chủ
Nghĩa thì chả ai còn muốn “giữ gìn” dù là kẻ hữu sản hay người vô
sản. Đến nông nỗi này thì họa hiểm họa Bắc thuộc sẽ chả còn xa,
nếu những kẻ nắm quyền lãnh đạo hiện nay không bị thay thế nay mai.
Tưởng Năng Tiến