13 August 2020

CHUYỆN HAI LOÀI HOA - Trần C. Trí

Sân trường nhà thờ Thánh Tâm vang lên những tiếng nói cười, la hét rộn rã của các em nhỏ vừa học xong các lớp Việt ngữ cuối tuần. Tôi loay hoay thu xếp sách vở và bước ra ngoài cùng với các em. Vừa ra đến cửa lớp thì tôi cũng thấy cô Thư Hương, hiệu trưởng của trung tâm Việt ngữ Thánh Tâm bước đến. Chúng tôi cười nhẹ và chào nhau bằng ánh mắt. Không ai bảo ai, cô Thư Hương và tôi cùng bước đi song song, mắt nhìn chừng các em học sinh đang vừa nô giỡn, vừa xem chừng cha mẹ mình đến chưa.

Đến một chiếc ghế đá trống bên cạnh nhà thờ, cô Thư Hương bảo:

- Thầy Chính ngồi xuống đây một chút. Bây giờ là lúc chúng ta có quyền nghỉ ngơi trong một thời gian,  phải không thầy?

Tôi mỉm cười ngồi xuống, mắt vẫn nhìn các em học sinh. Cô Thư Hương ngồi xuống bên tôi. Tiếng nói cười của các em nhỏ dần theo từng chiếc xe của cha mẹ đang chở các em rời bãi đậu xe, trở về với những sinh hoạt riêng của gia đình. Cuối cùng, khu nhà thờ trở lại êm ắng dưới ánh nắng vẫn còn gay gắt của buổi trưa.

Cô Thư Hương nói:

- Vậy là lại kết thúc một niên học rồi! Tuần sau chúng ta sẽ làm lễ mãn khoá và phát phần thưởng cho các em. Mới đó mà thầy Chính đã dạy ở đây được hai năm. Mau quá thầy hả? Cám ơn thầy đã giúp chúng tôi trong thời gian qua nhé!

Tôi nhún nhường đáp:

- Dạ, có gì đâu ạ. Tôi phải cám ơn cô đã cho tôi cơ hội được dạy ở đây mới phải chứ. Tôi rất vui được có dịp đóng góp vào công việc chung này, cô Hương à.

Cô Thư Hương hỏi:

- Thầy mới vào dạy ở đây thôi, nhưng hình như thầy qua Mỹ cũng khá lâu rồi phải không?

- Dạ, mới đó mà cũng được tám năm rồi đó cô. Chúng tôi phải lo đi học lại, kiếm việc làm, ổn định cuộc sống rồi mới có thể bắt đầu sinh hoạt cộng đồng như bây giờ.

Cô Thư Hương cười nhẹ:

- Ai thì cũng vậy thôi. Thế thì bây giờ gia đình thầy cũng vui vẻ rồi, rồi còn giúp việc chung như thế này là quý hoá lắm còn gì!

Vui vẻ? Tôi thầm nhủ. Cô Thư Hương nói đúng, nhưng chỉ một phần thôi. Tự dưng lời nói của cô và bầu không khí của một sân trường ngày cuối khoá đã gợi lại cho tôi, thật nhanh, những hình ảnh quá khứ khi tôi còn ở Việt nam. Tất cả loé sáng lên như một khúc phim với đầy đủ những chi tiết nhỏ nhặt chưa thể phai mờ.

***


Cuối năm 1981, lúc thiên hạ đang tất bật sắm Tết âm lịch lại là lúc cuộc sống của tôi đi vào khúc quanh buồn thảm nhất. Tin về chuyến tàu vượt biên của Hoàng lan đã bị mất tích đưa đến cho tôi như một bản án khắc nghiệt và lạnh lùng. Đêm đưa ông Táo về trời, Hoàng Lan đến chia tay tôi. Tôi phải gắng giữ thái độ thật bình thản để Hoàng Lan can đảm đi. Nàng cố giấu những giọt nước mắt, nói rằng vì gia đình mà phải rời xa tôi. Hoàng Lan nói:

- Anh có nghĩ là sẽ có một dịp nào đó anh cũng có cơ hội vượt biên để chúng mình còn gặp lại nhau không?

Tôi cười buồn:

- Dịp nào mà dịp? Gia đình anh lo ngày hai bữa chưa xong, còn dám nghĩ đến chuyện gì khác.

Nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Hoàng Lan, tôi an ủi nàng:

  - Em cứ yên tâm mà đi. Cầu xin ơn trên che chở cho em và gia đình vượt thoát bình an. Anh rất tin tưởng nơi số mệnh. Nếu hai đứa mình thật có duyên nợ với nhau thì anh nghĩ dù ở chân trời góc bể nào mình cũng sẽ tìm lại nhau mà.

Thế rồi Hoàng Lan ra đi. Còn tôi ở lại, trong bầu trời rộn ràng của mùa xuân sắp đến.  Cuộc sống hằng ngày đã khốn khổ, giờ tôi còn vương thêm một nỗi buồn mênh mang không cùng. Sầu nước, buồn nhà, thương thân, tôi chả thiết làm gì nữa.

Tôi chỉ còn biết một điều duy nhất là cầu nguyện cho Hoàng Lan và gia đình vượt qua những hiểm nguy của biển cả để đến bến bờ tự do. Ngày nào tôi cũng đạp xe ngang nhà người có dính líu đến tổ chức vượt biên để ngóng tin, nhưng lần nào cũng thất vọng nhận được cái lắc đầu kín đáo, nhè nhẹ của người đàn bà ngồi trên chiếc xích đu gần ngõ.

Một tháng, rồi hai tháng, rồi năm, sáu tháng, chuyến tàu của Hoàng Lan vẫn biệt vô âm tín. Nỗi buồn của tôi bây giờ đã bị thay thế bằng một nỗi lo sợ lẫn tuyệt vọng. Tôi lén tiếp xúc với người trong căn nhà đó và được họ cho biết rằng người ra đi có hứa là sẽ liên lạc ngay khi đến một trong những trại tị nạn ở Đông Nam Á. Thời gian đã quá lâu rồi mà không có tin tức đưa về, ắt là có sự chẳng lành. Tôi thẫn thờ quay về. Đi ngang đường biển lộng gió chiều, tôi dừng lại, chầm chậm dắt chiếc xe đạp xuống bãi cát. Tôi để chiếc xe nằm xuống bãi, ngồi bó gối nhìn mãi ra tít ngoài khơi. Biển xanh màu rờn rợn. Biển mở rộng ra đến mãi tận nơi nào. Biển cả đã làm gì Hoàng Lan của tôi?

Ngày Hoàng Lan ra đi, tôi đã mất nàng một lần. Bây giờ, nếu có gì xảy đến cho Hoàng Lan, tôi phải mất nàng lần thứ hai hay sao? Gió biển hắt vào mặt tôi, mang hương vị của trùng dương thơm mát. Tôi liếm môi, nghe vị mằn mặn. Đó là vị mặn của đại dương hay vị mặn của một giọt nước mắt nào vừa lăn xuống?

Rồi thời gian trôi qua. Nỗi buồn trong tôi hoá thân thành những hình thù khác nhau, ăn mòn, gậm nhấm con người tôi. Cuối cùng, nỗi buồn trở thành một phần câm nín, sâu kín trong hồn tôi. Tôi tiếp tục sống, tiếp tục những công việc tẻ nhạt thường ngày. Xin được vào thư viện thành phố, tôi trở thành quản thủ thư viện trong phòng đọc sách ngoại ngữ. Những cuốn sách trở thành những người bạn thân im lặng của tôi, vỗ về tôi, thì thầm với tôi trong không khí êm ả, lặng lờ của thư viện. Thoạt đầu những người đến đọc sách đối với tôi như những chiếc bóng mờ. Họ đến hỏi tôi về cuốn sách này, cuốn tạp chí nọ.  Rồi họ ngồi đọc lặng lẽ ở bàn hay mượn mang về nhà. Có lẽ đối với họ, tôi cũng chỉ là một cái bóng. Tôi trả lời những câu hỏi của họ, đầy đủ, nhẹ nhàng và lịch sự, và không thêm một chút gì vào những câu trả lời đó nữa. Thái độ chừng mực của tôi dường như dựng nên một bức tường vô hình giữa tôi và họ nên cũng chả ai muốn phá vỡ đi làm gì.

Nhưng cũng có vài chiếc bóng xuất hiện đều đặn hơn những chiếc bóng khác. Và có một chiếc bóng xuất hiện đều đặn nhất. Chiếc bóng này luôn luôn đến vào mỗi chiều thứ Sáu, không thật đúng vào một giờ giấc nào, nhưng thường là lúc chiều nhạt nắng. Chiếc bóng thích đọc những tạp chí tiếng Pháp và luôn luôn ngồi sát dãy lan can nhìn xuống tầng một. Chiếc bóng đó xuất hiện đều đặn đến nỗi từ từ nó đã biến thành con người bằng xương bằng thịt, làm cho tôi bắt đầu chú ý đến. Đó là một cô gái độ hai mươi, hai mươi mấy tuổi.  Nàng chỉ đọc tạp chí hay sách tiếng Pháp chứ không đọc thứ tiếng nào khác, mặc dù trong phòng đọc ngoại ngữ của tôi còn có đủ loại tạp chí, sách báo tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga tiếng Tây Ban Nha, v.v. Mỗi chiếc bóng đến thư viện đều có một cái tên, nhưng tôi không nhớ hết. Nhưng từ khi chiếc bóng độc đáo này đã hoá thành thật, tên nàng bắt đầu ghi vào trí nhớ của tôi. Khi nàng chìa thẻ thư viện cho tôi xem, tôi đọc thấy tên nàng: Hồng Liên.  Bỗng dưng tôi liên tưởng đến tên của Hoàng Lan.  

Tôi lặng lẽ đưa cho nàng cuốn tạp chí Paris Match số mới nhất. Nàng lại đến ngồi đọc ở chỗ thường lệ. Từ lúc ấy, tôi cứ lan man nghĩ đến hai cái tên. Thật là một trùng hợp ngộ nghĩnh. Hai cái tên có hai chữ đầu giống nhau, chữ đầu mang dấu huyền và chữ sau cũng không dấu, và đều là tên của hai loài hoa. Quả thực chính “chiếc bóng” không làm tôi chú ý bằng cái tên của nàng. Hồng Liên cũng trầm lặng như tôi, có vẻ như chìm đắm vào một thế giới nào khác hơn cái thư viện lặng lẽ này. Tôi cũng muốn tôn trọng sự riêng tư đó của nàng, cũng như nàng và các độc giả khác lâu nay vẫn luôn tôn trọng thế giới riêng của tôi. Vì vậy, ngoài việc nàng đã từ một chiếc bóng hoá ra thành người thật có tên tuổi hẳn hòi, không có gì khác lạ xảy ra trong phòng ngoại ngữ này cả.

Cho đến một hôm, một trong hai người đã phá vỡ bức tường vô hình đó. Hồng Liên cầm tờ Paris Match quen thuộc đến bàn tôi ngồi và hỏi:

             -  Xin lỗi anh, anh biết tiếng Nga phải không? Tôi đang đọc bài báo này, có một chữ phiên âm từ tiếng Nga mà không hiểu được. Nhờ anh giúp nhé.

Không hiểu sao, đó là lần đầu tiên từ khi vào làm ở thư viện, tôi đâm ra nhiều lời hơn thường lệ trong câu trả lời của mình. Tôi mỉm cười nói:

              -  Tôi phải biết tiếng Nga chứ cô, vì đó là điều kiện để được vào làm ở phòng đọc ngoại ngữ này mà.

Hình như Hồng Liên không để ý đến câu nói mà thể bị hiểu là khoe khoang của tôi. Nàng thản nhiên mở đến trang báo có bài đang đọc, đưa cho tôi xem. Tôi ghé nhìn vào rồi từ tốn trả lời:

             -  À, chữ glasnost này là một chữ Nga cũ mà ông Gorbachev dùng với ý nghĩa mới là “công khai, minh bạch” cô ạ.

Tôi định hỏi Hồng Liên là nàng học tiếng Pháp ở đâu, thì Hồng Liên đã nói cám ơn tôi và trở về chỗ cũ. Tôi có thể hỏi với theo nàng được, nhưng nghĩ sao lại thôi. Trong lòng tôi tự dưng vẫn còn cảm giác khó chịu vì không hiểu tại sao mình lại có thể phản bội cái chính sách làm thinh của mình từ bấy lâu nay mà nhiều lời, ba hoa như vậy. Đáng lẽ khi được hỏi, tôi chỉ cần xác định là đủ rồi. Tôi  buồn rầu sửa lại thế ngồi, tiếp tục chìm đắm vào thế giới riêng của mình, trong lúc những chiếc bóng tiếp tục đến, đi, qua lại trước mặt tôi, cũng lặng lẽ rời những cuốn sách, những bàn ghế và toà nhà thư viện im lìm để ra về trong nắng chiều đã nhạt nhoà.

Chiều thứ Sáu lại đến. Hình như tôi có chờ đợi một điều gì. Hình như tôi có chờ đợi một ai. Và hình như tôi không muốn xác nhận cảm giác đó. Nhưng tất cả đều vô nghĩa. Nắng chiều đã yếu ớt lắm rồi, mà Hồng Liên vẫn chưa tới. Rồi đến giờ thư viện đóng cửa, vậy là Hồng Liên không tới. Lần đầu tiên từ bao năm nay, kể từ lúc Hoàng Lan bỏ tôi đi, tôi mới bắt gặp lại cảm xúc mang mang, mơ hồ khó diễn tả như dạo ngày xưa còn yêu nàng. Tôi cố gắng không nhận diện cảm xúc đó, vì tôi thấy như có điều gì như “tội lỗi” đối với Hoàng Lan. Tội lỗi? Nhưng không phải  là Hoàng Lan đã … hay sao? Tôi cũng không dám nghĩ  ra lời về những gì đã có thể xảy ra cho nàng. Suốt đời tôi chạy trốn ngôn ngữ. Suốt đời tôi trốn chạy cảm xúc. Suốt đời tôi trốn chạy chính tôi.

Ba tuần liên tiếp, Hồng Liên không đến đọc tạp chí. Lạ kỳ là lúc nàng vắng mặt, hình ảnh của nàng lại đậm nét trong tôi hơn bao giờ hết. Bây giờ thì tôi chẳng xa lạ gì với cảm xúc này nữa. Tôi đã có cảm xúc này từ lúc bắt đầu yêu Hoàng Lan ngày xưa. Nhưng tôi cũng tự hỏi là cảm xúc rất riêng tư này của tôi sẽ đi đến đâu, vì Hồng Liên đã bao nhiêu ngày không đến, mà tôi thì còn mãi nơi cái thư viện cũng im ắng không khác gì ở một tu viện. Sang đến tuần thứ tư thì Hồng Liên trở lại.  Lần này nàng có vẻ vui hơn mọi bận. Và lần này tôi quyết định làm người bắt chuyện trước:

             - Sao mấy tuần nay không thấy cô đến? Tờ Paris Match vẫn chờ cô đó!

Hồng Liên vui vẻ trả lời:

             - À, Liên và gia đình vào Sài Gòn để được phỏng vấn chờ đi Mỹ anh ạ. Sẵn dịp cả nhà ở đó chơi, thăm bà con luôn.

Tôi có cảm giác hụt hẫng y như hôm hăm ba tháng chạp. Hoàng Lan đến từ giã tôi ra đi. Sao cái số tôi động đến ai là người đó ra đi hết vậy? Sao đất nước này cứ lần lượt nhìn bao nhiêu người ra đi hết vậy? Nhưng không sao, tôi đã quen với nỗi niềm này quá rồi. Tôi chỉ tiếc sao mình không giữ được sự xa cách như bấy lâu nay. Nhưng chính Hồng Liên đã phá vỡ trước mà!

Hình như Hồng Liên đã quá quen với sự im lìm cố hữu của tôi nên nàng không thể đoán được tôi đang có tâm trạng như thế nào. Nàng tiếp tục hồn nhiên nói: 

              - Vậy là Liên phải bắt đầu học tiếng Anh rồi.  Qua Mỹ chắc chẳng ai dùng đến tiếng Pháp, phải không anh?

Tôi ngập ngừng nói lời chúc mừng nàng, và thêm vào rằng với vốn liếng tiếng Pháp sẵn có, nàng sẽ học tiếng Anh rất nhanh. Rồi tôi trở về bàn làm việc, về với công việc quen thuộc hằng ngày của một thủ thư, về với cuộc sống âm thầm, trầm lặng của chính mình.

Một hôm, Hồng Liên đưa cho tôi mẩu giấy có ghi địa chỉ thân nhân của nàng bên Cali và nói: 

             - Khi qua đó, ổn định cuộc sống rồi Liên sẽ viết thư thăm anh. Nhưng anh cứ cầm lấy địa chỉ này, biết đâu!

Biết đâu thật.  Hồng Liên chưa kịp đi, thì tình cờ vài tuần sau đó tôi được gia đình một người bạn rủ đi vượt biên, mà đặc biệt là đi không tốn tiền!

Anh bạn tôi bảo:

              - Ba má tao coi mày cũng như con trong nhà vậy.  Hai ông bà thương và hiểu hoàn cảnh gia đình mày lắm. Nhà tao cho mày đi cũng có cái lợi là nhờ được cái tài sinh ngữ của mày.  Nếu gặp tàu Mỹ vớt thì mình trúng số, may tha hồ làm thông dịch viên cho tao và cả nhà.  Còn lỡ bị tàu Liên Xô vớt nhầm thì mày nói là tụi mình lạy nó, xin nó thả!

Chuyến đi của chúng tôi vô cùng êm thắm. Không có tàu nào vớt hết, Mỹ cũng như Nga. Ghe đi sáu ngày đêm, cuối cùng tấp vào bờ biển của thành phố Puerto Princesa, thuộc đảo Palawan của Philippines. Tôi như chim sổ lồng, như diều gặp gió. Cả ngày trong trại tị nạn, tôi tham gia vào thật nhiều công tác thiện nguyện của trại. Buổi sáng, tôi dạy tiếng Anh cho đồng bào ở trường các bà xơ. Buổi trưa tôi làm thông dịch viên ở văn phòng Counseling do một bà Mỹ phái Tin Lành phụ trách. Buổi chiều tôi lại lên văn phòng Cao ủy tỵ nạn để thông dịch cho các phái đoàn đến phỏng vấn đồng bào. Chưa hết, tôi cùng một số bạn bè mới quen làm một tờ tập san cho cả trại. Bao nhiêu năm kẹt lại với cộng sản, chưa bao giờ tôi được nói, được viết những gì muốn nói, muốn viết. Giờ đây tôi hăng say sáng tác, ngày đêm cọc cạch đánh máy, cùng các bạn trong ban biên tập cho ra đời tờ tập san đầu tiên của trại, mà thời đó vẫn còn dùng kỹ thuật roneo cổ điển! Trong lúc những người trong trại thấy thời gian chờ đợi định cư sao mà lâu lăng lắc, tôi lại quá đam mê với nhiều công việc nên chẳng buồn để ý đến thời gian. Tôi làm việc tận tuỵ và bình thản, đến nỗi bà trưởng phái đoàn Mỹ mà tôi làm thông dịch một hôm phải hỏi:

             - Chính này, sao tôi thấy người tị nạn nào ở đây cũng náo nức muốn đi định cư sớm, còn anh sao lại có vẻ thản nhiên đến độ dửng dưng vậy? Anh làm việc với tôi, lẽ ra anh cũng có quyền thắc mắc là hồ sơ của anh đã đi đến đâu rồi chứ!

Tôi cười trả lời bà:

              - Nếu bà không thấy được vẻ náo nức của tôi thì chắc là trời ban cho tôi có tài che giấu cảm xúc đó thôi. Vả lại, tôi cũng nghĩ rằng nôn nóng hay không thì cũng vậy, chẳng làm cho công việc đi mau hơn chút nào. 

Tám tháng sau, tôi được phái đoàn Mỹ nhận và được chuyển tiếp lên trại Bataan. Tại đây, tôi làm phụ giáo trong một lớp hướng dẫn văn hoá cho đồng bào để chuẩn bị qua Mỹ.  Những người cùng trại nói đùa với nhau là, đến Bataan là đã “thấy được nước Mỹ mờ mờ” rồi đó! Cuộc sống ở Bataan, quả thật, tiện nghi hơn so với trại tỵ nạn Palawan, có nề nếp hơn, gần gũi hơn với cuộc sống Mỹ mà chúng tôi được giới thiệu qua những bài học về văn hoá Hoa Kỳ.

Một hôm, đang đi lang thang trong trại để hóng mát sau giờ học, tôi ngỡ mình nhìn nhầm ai khác. Nhưng không, đó là Hồng Liên bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt tôi. Người ngạc nhiên hơn chính là Hồng Liên. Nàng kêu lên:

              - Anh Chính! Sao anh lại ở đây?  Liên không thấy anh làm ở thư viện nữa, cũng hơi nghi nghi là anh vượt biên, nhưng mà …

Tôi cũng vui không kém:

              - Tôi cũng không ngờ mình đi được nữa, Hồng Liên à! Mà lại đi trước Hồng Liên nữa chứ! 

Hồng Liên liến thoắng nói:

              - Nhà Liên đã có danh sách tuần sau đi rồi. Còn anh thì sao? Anh qua Mỹ ở đâu? Ai bảo lãnh anh?

Tôi bật cười:

              - Hồng Liên hỏi tới tấp còn hơn phái đoàn JVA phỏng vấn nữa. Đây, xin trả lời từng câu một: Tôi chưa có danh sách rời trại. Qua Mỹ tôi sẽ đến Cali. Tôi thuộc diện mồ côi được nhà thờ bảo trợ. Sao? Tôi trả lời như vậy có đậu phỏng vấn không hở cô?

Hồng Liên nói như reo:

              - Vậy là mình sẽ gặp nhau ở Cali nhé!

Tự lúc nào, sự ngăn cách im lặng như ngày nào ở thư viện không còn nữa. Có lẽ không khí tha hương đã làm cho chúng tôi thay đổi, trút bỏ lớp vỏ lạnh lùng ngày xưa khi còn ở quê nhà, ngột ngạt và buồn bã. Những ngày sau đó, tôi thường gặp Hồng Liên sau giờ học. Cả hai đến quán cà-phê trong trại, nhâm nhi món halo halo của người Phi, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Những đêm trời Bataan mát dịu sau một ngày nóng bức, chúng tôi cùng thả bộ trên những con đường đất đỏ trong trại, hay ngồi bệt xuống bãi cỏ, nhìn trời sao vằng vặc, nói chuyện hoài không hết. Tuần sau, gia đình Hồng Liên rời trại đi Mỹ.  Ra tiễn Hồng Liên ở bến xe buýt, lần đầu tiên tôi mới thấy cảnh chia tay mà không buồn bã. Hồng Liên rất vui mà tôi cũng vui, vì cùng biết là sẽ gặp nhau ở xứ Cali nắng ấm một ngày rất gần.

Sáu tháng ở trại chuyển tiếp trôi qua chóng vánh đối với tôi. Ngay hôm đưa Hồng Liên đi Manila, ra về tôi cũng vừa dò thấy tên mình trên danh sách ra đi. Cũng như Hồng Liên, mười ngày sau đó tôi đáp máy bay lên thủ đô Manila, và từ đó bay qua phi trường Narita của Nhật, rồi cuối cùng đến được bến bờ của tự do, giấc mộng lớn của tôi đã thành sự thật.  Chỉ sau vài ngày tạm ổn định chỗ ở do nhà thờ bảo trợ lo chu đáo, tôi đã tìm lại Hồng Liên ở cách tôi một thành phố. Rồi những gì xảy ra sau đó chỉ như một nối tiếp êm đềm, xuôi chảy giữa tôi và Hồng Liên, tựa như hai người chúng tôi đã quen nhau, thân nhau từ lâu lắm rồi. Hai chúng tôi cùng nương tựa nhau trong những ngày đầu tiên trên xứ người.  Cả hai cùng ghi tên học một trường đại học trong vùng, rồi chuyển tiếp lên hệ đại học bốn năm. Hồng Liên học môn văn chương Pháp, không ngờ là ở Mỹ người ta vẫn có ngành này. Còn tôi cũng vào đại học ngành thư viện với ước muốn tiếp tục công việc ngày xưa ở Việt Nam. Đối với Hồng Liên, mọi việc diễn ra như ước muốn cũng là một điều tự nhiên, vì từ bé đến lớn cuộc sống của nàng vẫn êm xuôi như thế. Tuy nhiên, với tôi, cuộc sống mới thật là một hồng ân, so với những ngày tôi và gia đình lận đận ở quê nhà. Gia đình Hồng Liên đã qua đây cả, nên Hồng Liên chỉ phải lo một điều là học hành cho giỏi. Còn tôi vừa đi học, vừa phải đi làm để có tiền gởi về giúp gia đình. Nhưng như vậy là quá sung sướng đối với tôi rồi.  Thế rồi sau những ngày cặm cụi sách đèn, cuối cùng hai đứa chúng tôi cũng tốt nghiệp đại học. Hồng Liên xong trước, học thêm chứng chỉ sư phạm rồi xin được một chỗ dạy tiếng Pháp toàn thời gian ở một trường trung học trong vùng. Tôi ra trường sau Hồng Liên một năm, lận đận hơn, chỉ xin được hai việc bán thời gian ở hai thư viện khác nhau. Nhưng tôi không còn mơ ước gì hơn thế nữa.

Rồi chúng tôi cưới nhau. Sau một thời gian dành dụm, chúng tôi mua được một căn nhà nho nhỏ, với một mảnh vườn xinh xắn sau nhà. Như vậy cũng hay, hạnh phúc nho nhỏ dễ nắm giữ hơn những niềm vui to tát. Rồi những đứa bé xinh xinh ra đời. Chúng tôi được hai cháu. Cháu đầu là gái, cháu sau là thằng cu tí. Các cụ bảo vậy là có nếp có tẻ rồi. Tôi thì có con nào cũng mừng như nhau. Trai mà chi, gái mà chi. Con nào có nghĩa có có nghì thì hơn.  Dẫu sao có một thằng bé trong nhà cũng rộn ràng hơn nhiều. Các cháu lớn như thổi, thấm thoát cháu lớn đã đến tuổi đi học. Chúng tôi muốn con học chừng một hai năm cho vững tiếng Anh một tí, sau đó sẽ cho cháu đi học Việt ngữ để khỏi lẫn lộn hai thứ tiếng.  

Lần đầu đưa con đến nhà thờ học Việt ngữ, tôi thầm cảm phục các thầy cô giáo dạy thiện nguyện cuối tuần cho những cháu bé như con tôi. Các thầy cô cũng bận như tôi mà sao lại có thể hy sinh thời giờ để dạy dỗ các cháu được như vậy? Từ chỗ cảm phục, tôi đi đến cảm giác hổ thẹn mỗi lần thả con vào trường, mặc cho các thầy cô dạy dỗ, rồi mình đi công việc của mình, hết giờ ghé qua đón con về. Nói theo kiểu Mỹ, để tình trạng như vậy mà chịu được thì không có “fair” tí nào! Tôi bàn với Hồng Liên là tôi sẽ xin đi dạy Việt ngữ, chứ không thể làm ngơ được. Hồng Liên bảo: 

              - Anh nghĩ rất đúng.  Anh cứ xin dạy đi.  Phần em thì cả tuần đã đứng trước lớp rồi, nói thật cuối tuần mà còn phải tiếp tục gõ đầu trẻ nữa, em ngại lắm! Nhưng em sẽ phụ anh soạn bài, chấm bài nếu cần.  Hay mỗi khi trường có sinh hoạt gì như văn nghệ, nấu nướng thì em sẽ xin phụ giúp.

Vậy là tôi đến nhà thờ xin dạy học. Vừa lúc nghỉ hè, có khoá tu nghiệp sư phạm do một nhóm các nhà giáo dục ở địa phương tổ chức, nhà thờ gởi tôi đi dự những lớp thiết thực về cách dạy Việt ngữ theo lối sống và tâm lý của trẻ em Việt ở nước ngoài. Khi khoá học đầu tiên ở nhà thờ bắt đầu, tôi đã bị cuốn hút ngay vào công việc. Lúc trước, tôi chỉ biết là mình mê hai đứa con của mình lắm, nhưng bây giờ tôi mới khám phá ra rằng tôi rất mê con nít. Nhìn các em học, ca hát, vui đùa, tôi thấy thương chi lạ. Và bây giờ tôi cũng mới khám phá thêm một điều nữa là quả thật làm thầy cô đôi khi cũng có chút thiên vị. Tuy bảo rằng thương các em đồng đều, tôi vẫn thấy mình có phần để ý một hai em nổi bật trong lớp. Thương các em đó hơn các em khác một chút thôi!

Qua niên học thứ nhì, tôi đã quen với hơn công việc, với học trò của mình. Năm nay các em học sinh mới của tôi dường như nói tiếng Việt yếu hơn các em năm ngoái. Vậy là tôi phải dạy cực hơn một chút. Năm nay học trò “pet” của tôi, nói theo kiểu Mỹ, là cháu Jessica. Cô bé này có mái tóc bum-bê, hai mắt tròn xoe và đen láy, má núng đồng tiền, da lại trắng mịn, trông giống con búp-bê Nhật Bản. Đặc biệt đôi mắt đen láy của Jessica có một màu đen huyền khá lạ mà mỗi lần nhìn vào tôi lại thấy có một cảm giác gần gũi khác thường. Jessica là học trò cưng của tôi,  không những vì xinh xắn mà học cũng giỏi nữa. Cô bé có cách nói âm “đờ” hơi đớt đớt, nghe thật dễ thương. Nói chung, nghe các em phát âm ngây ngô kiểu trẻ con là lúc nào tôi cũng cảm thấy thích thú chẳng riêng gì cô học trò cưng của tôi. Nói vậy chứ tôi không hề tỏ ra thiên vị Jessica chút nào trước mặt cả lớp. Tôi muốn các em thật hồn nhiên, đón nhận sự chăm sóc và tình thương đồng đều của thầy cô giáo.

Năm học thứ nhì rồi cũng trôi qua chóng vánh. Nhà thờ tổ chức một buổi phát phần thưởng cho các em. Có cả phần văn nghệ và ăn uống cuối năm. Hồng Liên giữ lời hứa, đến phụ giúp nấu nướng và phân chia các phần ăn, thức uống cho mọi người. Một số thầy cô tham gia giúp vui trong phần văn nghệ. Những bài ca quen thuộc ngày xưa làm tôi bồi hồi, gợi nhớ đến những ngày tháng thanh bình ở quê nhà năm cũ. Tôi đưa học trò giỏi của lớp tôi vào hàng ghế ngồi để chờ lãnh phần thưởng. Tất nhiên là Jessica có mặt trong số đó. Các em lần lượt bước lên sân khấu, nhận những phần thưởng bọc trong giấy bóng kính đủ màu, lí nhí nói lời cám ơn, rồi hớn hở đem quà xuống chỗ ngồi. Tôi vuốt tóc từng em để khen, nhưng chưa tới Jessica thì cô bé đã vụt ôm phần thưởng chạy vụt ra ngoài hội trường, chắc là đón bố mẹ đến trễ. Tôi đi theo cô bé, cũng muốn chào vị phụ huynh của cô học trò cưng mà lâu nay chưa có dịp gặp mặt. Nhưng kìa, người đàn bà chìa tay ra cho Jessica nắm, sao mà giống… Người đàn bà ngước lên nhìn tôi, cũng thoáng giật mình: 

              - Xin lỗi, thầy … thầy dạy cháu Jessica ạ?

Tôi nghe giọng nói mình lạc đi:

              - Thưa bà, bà có phải là … Hoàng Lan không? Nhưng mà…

Người đàn bà nghẹn ngào:

              - Thầy … anh Chính! Em là Hoàng Lan đây!

Jessica nắm chặt tay mẹ, ngoảnh lại nhìn thầy, rồi lại nhìn mẹ.  Tôi run run nói:

              - Tôi nghe nói chuyến đi của Hoàng Lan gặp nạn, không ngờ...

Hoàng Lan đã lấy lại được chút bình tĩnh.  Nàng vừa vân vê tà áo vừa kể lể:

              - Em thoát chết trong chuyến đi đó, anh ạ. Nhưng cả nhà em và hầu hết mọi người đã không thoát nổi. Cả chuyến tàu em đi chỉ còn có ba người con gái sống sót sau cơn bão mà thôi. Hai người kia cũng mất cả gia đình nên tụi em không còn ai để liên lạc, mà cũng chẳng có địa chỉ của trên tàu để báo về nhà nữa. Tụi em được cứu và đưa vào đảo Nouvelle-Calédonie, đau khổ và chán đời quá em chẳng còn thiết gì liên lạc với anh nữa. Không ngờ... cuối cùng anh cũng đã đi được, và lại là thầy của Jessica! Lâu nay nhà em đi đón cháu, hôm nay anh ấy bận nên em mới thay thế…

Tôi vuốt mái tóc của Jessica để dằn cơn xúc động:

              - Bao nhiêu năm rồi, anh cứ tưởng em đã chết. Đến bây giờ anh mới nói được chữ đó vì em đang đứng trước mặt anh đây. Trời đất ơi, bây giờ mình gặp lại nhau thì chắc mỗi đứa có cả ngàn câu hỏi cho nhau. Hoàng Lan biết không? Chắc là linh tính hay sao mà anh để ý và thương Jessica một cách đặc biệt. Cháu ngoan và giỏi lắm em à!

Hoàng Lan hỏi:

              - Anh cũng có gia đình rồi phải không? Chị ấy là ai vậy? Em có biết không?

Tôi ngượng ngùng chỉ vào trong:

              - Vợ anh đang phân phát thức ăn bên trong đó. Em không biết cô ấy đâu. Chút nữa anh sẽ giới thiệu em với cô ấy.

Tôi nhìn chằm chằm vào mặt Hoàng Lan để dò phản ứng:

              - Anh xin lỗi em. Mọi chuyện xảy ra đã lâu quá rồi, anh không còn hy vọng gì nữa.

Hoàng Lan cười buồn:

              - Chính em còn nghĩ là em đã chết, huống hồ là anh hay ai khác.

Nàng đỡ gói phần thưởng trên tay Jessica, bảo con:

              - Con chào thầy mình đi về, và cám ơn thầy đã dạy con học tiếng Việt!

Jessica nghe lời mẹ, chào và cám ơn tôi bằng giọng ngọng nghịu, dễ thương của nó.  Tôi lại vuốt đầu cô bé:

              - Thầy cũng cám ơn con chăm học và ngoan nhé. Sang năm thầy không dạy con nữa, nhưng nhất định là vẫn gặp Jessica hoài, phải không?

Hoàng Lan đỡ lời cho con:

              - Hôm nay em định đến chào thầy của cháu và xin thầy cho cháu nghỉ học luôn, hoá ra thầy giáo lại là anh.

Tôi hoảng hốt:

              - Nghỉ học luôn à? Tại sao? 

Hoàng Lan khẽ đáp:

              - Chồng em vừa xin được việc làm mới ở trên San Jose nên gia đình em sẽ dọn lên trên đó. Thôi chào anh nhé, hy vọng có dịp nào sẽ gặp lại anh.

Hoàng Lan dắt tay con ra bãi đậu xe. Tôi đứng nhìn theo. Hệt như buổi chiều hăm ba tháng chạp năm nào, tôi đã đứng nhìn theo Hoàng Lan khuất trong bóng chiều. Tôi mất Hoàng Lan đến lần thứ ba rồi.

Tôi quay trở lại hội trường. Tiếng nhạc xập xình, tiếng micro vang vang xướng tên các em học sinh giỏi, tiếng nói cười rôm rả của mọi người, tất cả quyện vào nhau như một thứ âm thanh quánh đặc quanh tôi. Hồng Liên ở đâu đi đến, hỏi dồn dập:

              - Cô hiệu trưởng đang tìm anh kìa! Anh đi ra ngoài làm gì vậy?

Thốt nhiên, tôi cầm lấy tay Hồng Liên, lặng người đi một thoáng, và chưa biết bắt đầu câu chuyện như thế nào.

Trần C. Trí