Vợ chồng ông Tom Cook và vợ chồng ông Joe Feeney lãnh tiền trúng số
Phil Seymour là một Trung Sĩ thuộc Đại Đội C, Tiểu Đoàn 1, Sư Đoàn Thủy Quân
Lục Chiến 1 của Hoa Kỳ, đóng ở Đà Nẵng. Anh qua Việt Nam vào tháng 12 năm 1966.
Đơn vị của anh đóng quân tại một hòn đảo nhỏ gần Hội An. Họ thường vào chơi nơi
phố thị này. Khi đi chơi, anh luôn mang theo chú chó cưng được gài sau ba lô.
Tên chú chó này là Boot, được anh giải cứu trong một cuộc hành quân trong rừng.
Khi đó Boot còn chưa dứt sữa mẹ. Mỗi khi từ thuyền vào đất liền, các anh lính
GI này thường được một đám con nít đứng đón để xin kẹo, bánh, đồ hộp và cả
thuốc lá. Thường thì các anh lính trẻ này phân phát đầy đủ cho đám trẻ. Trong
đám trẻ có một đứa tên Cam (có thể là Cầm hay Cẩm) luôn mặc bộ đồ ngủ màu xanh,
đi chân đất. Cam không nhao nhao như đám con nít chung quanh mà luôn luôn đứng
ở phía sau, cam phận. Lúc đầu Phil và bạn bè tưởng Cam nhút nhát, nhưng không
phải. Em không xin mà luôn mang theo dừa, chuối, chanh để trao đổi. Đám lính Mỹ
rất thích đứa bé…sòng phẳng này. Lúc đó Cam chỉ khoảng 9 tuổi. Có lần em mang
một trái chuối tặng cho Phil. Phil rất cảm động. Khi anh được đi Thái Lan nghỉ
phép, anh hỏi Cam muốn gì anh sẽ mua cho. Cam chẳng biết Thái Lan là cái xứ mô
tê nào, tiếng Anh lại ba xí ba tú, cậu bé chỉ vào chiếc đồng hồ Phil đeo trên
tay. Phil gật đầu.
Qua Thái Lan, Phil mải vui với các cô gái dễ dãi, với rượu nồng thịt béo,
quên mất tiêu lời hứa mua chiếc đồng hồ cho Cam. Trở lại Hội An, Cam chạy ùa ra
đón Phil với hy vọng có chiếc đồng hồ. Phil đành xin lỗi và hứa sẽ mua cho Cam
sau. Nhưng đời lính chẳng biết mai này sẽ ra sao. Đơn vị của Phil phải rời Hội
An ra vùng phi quên sự ngay sau đó. Đầu năm 1968, Phil được trở về Mỹ. Về nhà,
anh vẫn khó chịu vì không thực hiện được lời hứa với cậu bé nghèo nơi đất khổ.
Lời hứa vẫn canh cánh bên lòng trong khi anh nghĩ chắc tới chết cũng không thực
hiện được.
Anh tại ngũ thêm 27 năm. Chịu khó học lấy được bằng Master về luật, Phil trở
thành luật sư của bộ Quốc Phòng. Năm 1995, ông nghỉ hưu.
Ông thường cùng một nhóm bạn đi du lịch khắp nơi. Năm 2007, nhóm du lịch này
dự tính tham gia một tour tới vùng Đông Nam Á, có ghé Hội An. Vợ ông,
bà Lynne, thúc giục ông phải tham dự chuyến này để trở lại Hội An, tìm gặp Cam,
thực hiện lời hứa từ bốn chục năm trước. Phil đồng ý tuy trong thâm tâm ông
nghĩ chuyện tìm lại Cam như chuyện mò kim đáy biển. Tuy vậy, ông vẫn mua sẵn
môt chiếc đồng hồ.
Tới Đà Nẵng, hướng dẫn viên của đoàn du lịch là một người Hà Nội nhưng quen
biết nhiều người ở Hội An. Anh chàng này hứa sẽ liên lạc tìm Cam giùm ông. May
là ông Phil còn giữ và mang theo trong người được mấy tấm hình chụp với Cam
ngày xưa. Anh hướng dẫn viên cầm tấm hình đi hỏi thăm. Anh gần như trúng số khi
gặp được một người em của Cam. Chỉ cần một cú điện thoại, Cam chạy vội tới
khách sạn. Lúc này Cam không còn là một đứa trẻ 9 tuổi mà là một bác thợ mộc 49
tuổi. Anh hướng dẫn viên hỏi Cam có biết ông Mỹ này không. Cam nhận ra Phil
liền. “Ổng thường cõng con chó nhỏ trên lưng”. Anh hướng dẫn viên hỏi thêm anh
có còn nhớ lời hứa năm xưa không, Cam trả lời liền: “Có, lúc đó tui mới 9 tuổi,
nói tiếng Mỹ bập bẹ, nên nghĩ rằng ổng không hiểu nên không mua đồng hồ cho tui
thôi”. Ông Phil nói với Cam là không có sự hiểu lầm nào cả mà chỉ có sự thất
hứa. Ông đeo chiếc đồng hồ cho Cam rồi hai người ôm nhau. Cam cảm động đến rơi
nước mắt. Hôm sau, Cam mời vợ chồng ông Phil và anh hướng dẫn viên tới nhà dùng
cơm. Bữa ăn do vợ của Cam là Nở và con gái 28 tuổi tên Vy của Cam nấu nướng. Vy
mới lập gia đình. Được hỏi về ước muốn của Vy, cô chỉ ước được học Đại học như
bốn người em trai. Là phận gái nên Vy không được học hành như các em. Vợ chồng
Phil không ngần ngại chu cấp cho Vy vào Sài Gòn học Đại học. Cô đã đậu bằng Cử
nhân vào năm 2012.
Quá vui mừng, vợ chồng Phil đã qua Sài Gòn dự lễ tốt nghiệp của Vy. Họ cũng
mua vé máy bay cho vợ chồng Cam vào Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên vợ chồng Cam
được đi máy bay! Anh không quên mang theo một số đồ ăn quê mùa Hội An để mở
tiệc mừng tại nhà trọ của Vy. Vợ chồng Phil mừng Vy một cái microwave.
Hiện Vy vẫn làm việc tại Sài Gòn và thường điện thoại liên lạc với vợ chồng
Phil.
Nói về li kỳ thì chuyện giữ lời hứa của anh GI Phil ăn đứt chuyện chia đôi
tấm vé số của ông Cook. Nhưng chuyện giữ lời hứa thì không có thể so sánh hơn
kém. Chuyện nào cũng quý cả.
Họ là những quân tử thứ thiệt, thuộc loại hiếm trên trái đất này. Lời hứa
của họ như đinh đóng cột. Từ ngàn xưa người ta đã xưng tụng bằng những câu đã
biến thành những bài học mà muốn thành người tử tế phải noi theo. Nhất
nặc thiên kim, lời hứa giá ngàn vàng. Nhất ngôn cửu đỉnh,lời nói có
sức nặng tựa chín chiếc đỉnh. Quân tử nhất ngôn, người quân tử chỉ nói
một lời. Dân gian cũng có những câu như: Một lời nói dối, sám hối bảy ngày.
Hoặc: Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành.
Hứa trong thương trường trở thành chữ tín. Buôn bán với nhau người ta rất
trọng chữ tín. Đã nói là phải giữ lời. Không lươn lẹo, không gian dối.
Tôi có chút kinh nghiệm về chữ tín này. Với một ông Tàu. Tàu Đài Loan.
Khoảng chục năm trước, tôi được một anh bạn văn giới thiệu in sách ở Đài Loan.
Vừa rẻ vừa đẹp. Anh cho tôi số điện thoại của nhà in bên đó. Tôi liên lạc và
đồng ý giá cả. Ông nói tôi gửi bản lay-out bìa và ruột sách qua. Tôi
hỏi chuyện đặt tiền cọc. Ông nói không cần, khi nào in xong lấy luôn một lúc.
Tôi chưa bao giờ gặp ông. Hai người không biết tính tình và tư cách của nhau.
Khi sách in xong, ông báo cho tôi biết. Tôi hỏi cách trả tiền. Ông gạt đi.
Chừng nào ông gửi sách đã. Rồi ông gửi sách, gửi qua internet cho tôi
đầy đủ giấy tờ để tôi có thể lãnh sách khi hàng tới Montreal. Sách gửi đường
thủy thường mất cả tháng. Nhận được giấy tờ, tôi lại hỏi chuyện trả tiền. Ông
bảo chừng nào tôi cầm được sách trên tay thì ông mới hoàn tất trách nhiệm, lúc
đó ông mới nhận tiền. Dĩ nhiên tôi thuộc loại…quân tử nên rất sòng phẳng. Sau
một vài lần in sách, tôi mới hỏi ông lỡ có người nhận sách rồi quên trả tiền
thì sao. Ông cười hề hề: không có đâu!
Ông này có lẽ là con cháu thương nhân Thái Lâm đời nhà Thanh bên Tàu. Tôi có
lần lân la hỏi họ của ông thì ông không phải họ Thái. Nhưng cần chi, họ gì cũng
được, miễn là biết giữ chữ tín. Ông Thái Lâm quê ở Tô Châu là người rất trọng
lời hứa và giữ chữ tín. Có một người bạn đem đến nhà gửi ông cả ngàn lượng vàng
mà không cần bất kỳ giấy tờ chứng nhận nào. Ít lâu sau, người bạn lâm bệnh và
qua đời. Ông Thái Lâm gọi người con của bạn tới nhận lại vàng. Anh con này
không dám nhận vì cha anh không nói chi chuyện này và cũng không đưa cho anh
bất cứ thứ giấy tờ chi.
Anh nói với ông Thái Lâm: “Làm sao có chuyện kỳ cục như thế này được. Cha
tôi gửi một số vàng lớn như vậy mà không có một chứng nhận nào sao? Vả lại, khi
sanh tiền, ông không nói chi với tôi chuyện này nên tôi không dám nhận”. Thái
Lâm nghe xong, vừa cười vừa nói: “Biên lai nằm trong tâm ta chứ không nằm trên
giấy. Đó là vì cha của con hiểu được ta nên mới không nói cho con về chuyện
này!”.
Chuyện nghe ra như chuyện quốc văn giáo khoa thư, chỉ nằm trong sách giảng
dậy ở nhà trường. Ngoài đời, người ta hứa và nuốt lời hứa như ăn chè đường. Quân
tử nhất ngôn là quân tử dại / Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn. Nhan
nhản quanh chúng ta đầy rẫy những quân tử khôn. Cứ hứa vung vít, sù mấy hồi! Y
như “Con ma nhà họ Hứa”!
“Con ma nhà họ Hứa” là tiếng người ta thường dùng ngày nay để chỉ những
người thất hứa. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, không biết từ đâu ra cụm từ
gợi hình này. “Con Ma Nhà Họ Hứa” là tên một cuốn phim của đạo diễn Lê Hoàng
Hoa, sản xuất vào những năm 1972-1973 tại Sài Gòn. Chuyện phim kinh dị này lấy
bối cảnh ngôi nhà của chú Hỏa, tên đầy đủ là Hứa Bổn Hỏa, một người Hoa sang
Việt Nam làm nghề buôn bán ve chai. Do tính cần cù ông đã trở thành một phú ông
nức tiếng giầu có. Như vậy họ Hứa này là họ từ Trung Hoa di cư sang Việt Nam.
Nhưng trớ trêu thay là ở Việt Nam cũng có họ Hứa. Và họ đã động lòng khi tên họ
của dòng họ này được dùng để chỉ một tính cách bất minh. Ông Hứa Thu Huyền đã
viết một bài thanh minh thanh nga cho dòng họ. Tôi xin trích một đoạn như sau: “Xin
các vị hãy nhớ rằng, họ Hứa là dòng họ xuất hiện sớm ở Việt Nam, có đóng góp
xứng đáng trong lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Tất cả con
cháu họ Hứa đều có truyền thống yêu nước bất khuất và từ gia đình có nền nếp
gia phong, hiếu nghĩa, cần cù lao động… Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ sự xúc
phạm nào đối với dòng họ của mình. Chúng tôi kịch liệt phản đối những tư duy
mang tính ám chỉ, kỳ thị, cho dù là vô tình hay hữu ý. Hiện nay, các thành viên
thuộc họ Hứa Việt Nam đã có mặt và sinh sống trên mọi miền của đất nước, suốt
từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi đến miền ngược và cả ở các nước trên thế giới. Với
sự kết nối, đoàn kết, tạo sức mạnh dòng tộc, hướng về cội nguồn, duy trì và
phát huy những truyền thống tốt đẹp, tinh hoa của dòng họ, phụng sự tổ tiên… họ
Hứa Việt Nam sẽ luôn tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống và chăm lo cho các
thế hệ con cháu mai sau. Những giá trị tinh thần truyền thống mà dòng họ Hứa
đang gây dựng chắc chắn sẽ được phát huy, góp phần tạo nền tảng tinh thần cho
đời sống xã hội”.
Chúng ta quen miệng, coi câu nói như giỡn chơi, nhưng chuyện giỡn đã làm mất
vui cả môt dòng họ. Bỏ được thói quen này đi là việc nên làm. Có làm được hay
không lại là chuyện khác. Tôi vẫn nghe, vẫn đọc được trên các phương tiện
truyền thông cụm từ này được các nhà truyền thông dùng như một sự “thông minh”
mang chút nghịch ngợm. Chuyện này rất không vừa lòng ông Hứa Thu Huyền và
các thành viên dòng họ Hứa. Nhưng muốn sửa đổi một thói quen cũng cần thời
gian.
Thất hứa là chuyện xảy ra lu bù trong cuộc sống của chúng ta. Thành phần
nghề nghiệp nào cũng có thể góp phần vào chuyện…ma mãnh này. Nhưng hầu như mọi
người đều đồng ý với nhau: các chính khách là tổ sư thất hứa. Trước các cuộc
bàu cử, chúng ta được các ứng cử viên cho ăn bánh vẽ tới no nê. Hứa đủ thứ
nhưng khi đã ngự được vào chiếc ghế quyền uy, mọi lời hứa đều như nước đổ đầu
vịt. Trơn tuồn tuột! Lá phiếu đã bỏ vào thùng phiếu, gạo đã trở thành cơm,
chúng ta chỉ biết trơ mắt ếch nhìn các chính khách múa may quay cuồng, quên đi
những lời hứa thời tranh cử.
Nhân dân thường là một đám đông ô hợp, bất lực. Nhưng tại Mễ Tây Cơ, nhân
dân là một sức mạnh. Chính khách nào thất hứa coi như lãnh đủ.
Tháng 10 năm 2019, ông Thị Trường thành phố Las Margaritas, tiểu bang
Chiapas, nằm ở miền Nam Mễ Tây Cơ, đã thất hứa sau khi đắc cử. Theo tường thuật
của báo El Heraldo de Mexico thì một nhóm người trang bị gậy và đá đã
bắt cóc ông Thị trưởng Jorge Luis Hernandez khi ông này đang ngồi làm việc tại
văn phòng. Họ trói ông, cột vào phía sau một xe tải và kéo lê trên đường. Tội
của ông là đã nuốt lời hứa, không thực hiện được những lời hứa hẹn khi tranh cử
trong đó có việc tái thiết một con đường và cung cấp điện nước cho người dân.
Cảnh sát đã giải cứu được ông ngay sau đó. Thương tích của ông không trầm trọng
lắm.
Trước đó, tháng 8 năm 2019, tại thành phố San Andrés Puerto Rico, cũng thuộc
tiểu bang Chiapas ở Mễ Tây Cơ, hai chính trị gia thất hứa cũng đã bị dân chúng
hài tội. Họ không cột vào xe tải kéo lê trên đường phố nhưng bắt ông Thị Trưởng
Javier Jimenez và một quan chúc khác tên Luis Ton phải mặc váy đàn bà đi diễu
hành trên đường phố. Mặc váy đàn bà là một hình thức bị sỉ nhục. Tờ báo địa
phương El Diario de Mexico cho biết hai ông này hứa khi tranh cử là sẽ
dùng số tiền 158 ngàn đô để cải thiện hệ thống cung cấp nước cho thành phố. Khi
đắc cử, họ đã xù lời hứa này. Hai ông “quân tử khôn” này đã phải thi hành hình
phạt diễu phố trong bốn ngày liền. Dân chúng đứng hai bên đường giơ biểu ngữ và
la ó khi họ đi ngang qua!
Chuyện chỉ mới xảy ra tại Mễ Tây Cơ, không biết dân chúng các nơi khác có
học hỏi được những chiêu thức này không. Nếu họ biết bắt chước nhau, các…con ma
nhà họ Hứa phải dè chừng. Vinh quang sẽ có khổ nhục đính kèm!