Năm 1973, khi Quân còn đang học lớp 10, mẹ Quân nghe lời cổ xúy của bạn bè
đã bỏ vốn mua một miếng đất khá lớn ở bãi sau Vũng Tầu, mục đích là để trồng
mãng cầu, nhãn lồng để kiếm thêm lợi nhuận. Vì ông anh và bà chị cả bận lo học
hành thi cử, nên Quân nghiễm nhiên trở nên một ông quản lý tí hon. Mỗi cuối
tuần, Quân đều phải đi từ Sàigòn ra Vũng Tầu để phụ giúp, đốc thúc, trông coi
người làm trồng trọt và, trả lương cho họ.
Những ngày cuối tuần hay dịp lễ lớn, Vũng Tầu như khoác lên mình một bộ mặt
mới. Hàng quán tràn ngập người, từ bãi Trưóc, đến bãi Dâu, hay từ Ô quắn đến
bãi Sau, chỗ nào cùng tấp nập du khách. Ngoài những danh lam, thắng cảnh nổi
tiếng và, những công trình kiến trúc đậm nét Âu châu do người Pháp để lại. Vũng
Tầu còn có vẻ thơ mộng, hiền hòa của những bờ biển lãng mạn, trữ tình của Địa
Trung hải. Có ai ngờ rằng ở một xứ sở chiến tranh đang tàn phá ngày một khốc
liệt, đất nước vẫn còn những nơi chốn chưa từng mang dấu vết của đạn bom.
Sau những giờ làm việc mệt mỏi, Quân thường thả bộ xuống bãi Sau. Trên vai
là ba lô, trong có ít đồ nguội và nước ngọt, ngoài ra còn có cây kèn Melodica
thân thuộc. Cây kèn này, trong một chuyến du hành qua Black Forest, Đức quốc,
bố Quân đã mua về làm quà vì biết thằng bé mê âm nhạc, từ đó, Quân và nó không
bao giờ ly thân.
Ngồi một mình trên bãi, không một người thân quen. Quân tìm một hốc đá để
tránh nắng. Bãi biển về chiều thưa thớt người, xa xa vài chiếc thuyền con đang
tấp vô bờ. Nước như đang níu kéo, bờ cát cưỡng ghì, cuộc xô đẩy dấy lên những
đám bọt trắng xóa hòa theo ngọn hải triều dìu nhau tan dần về phía chân trời.
Thả hồn theo nhịp sóng biển, Quân chợt nhớ đến một bài hát quen thuộc:
Tiếng kèn du dương hòa theo từng đợt sóng vỗ về đều đặn đưa hồn Quân như
cánh buồm trôi dạt, lãng đãng, bềnh bồng trong ngọn gió chiều chơi vơi, cuốn
trôi đến những bến bờ xa tắp.
***
Quê cũ chìm khuất bên kia bờ đại dương. Quân đắm chìm theo từng đợt sóng
nhấp nhô, gió thổi rì rào một âm quen tựa như tiếng biển vỗ về ngày nào đã xa
xôi lắm ở quê nhà. Monterey Bay thơ mộng đó, tuy thanh bình đó nhưng sao nước
mặn cứ theo gió thấm trên đầu môi!
Cũng làn nước mặn mà chung thủy đó, cánh buồm căng gió nào đã đưa quân đến
bờ bến này?
Cái làm Quân nhớ thiết tha nhất lại chính là cái Quân thường lơ là bỏ quên,
vì bị xem thường nên nó mới gìn giữ được trọn vẹn hương sắc, rõ ràng như âm bản
của xấp hình ảnh khuất lấp nơi tiềm thức. Một nơi chốn nào đó bước chân đã qua,
mùi đất nồng của cơn mưa đầu mùa, hơi khói tỏa ra từ nồi cơm thơm mùi gạo mới,
những dấu chân trên cát nơi bãi vắng, một làn tóc bay trong gió chiều, một
gương mặt, một ánh mắt, tất cả tưởng chừng như đã quên lãng, nhưng một phút
giây nào đó bỗng ùa về khua rộn ràng ô trí nhớ.
Marcel Proust, trong À la recherche du temps perdu đã từng thổ lộ:
“Những gì bị tri tuệ coi là vô ích nên không thèm đoái hoài”; vậy mà chính cái
đó mới làm cho Quân gặp lại được chính mình, và cũng chỉ có những cái đó mới là
kho dự trữ cuối cùng của dĩ vãng.
Khổng Trung Linh