06 August 2020

LEO LƯNG CỌP - N. Nguyễn

Buổi sáng khi tôi đến quán cà phê thấy ông đã ngồi ở đó, ông là khách mới của cái quán cà phê bình dân này. Là khách mới nhưng ông tới đây thường xuyên ngày nào cũng tới, lẩn quẩn ở đó có khi đến chiều mới về. Ông hay đánh cờ tướng, ông chơi giỏi mấy người trong quán chơi không lại, đôi khi ông nhập bọn đám thanh niên chơi bài tiến lên hay đổ cá ngựa ăn tiền. Ông mới biết chơi, lần nào cũng thua, nhưng ông vui vẻ móc tiền chung, trong túi toàn giấy một trăm.

Một hôm ngồi gần bên, tôi mở lời làm quen:

– Anh đã nghỉ hưu?

Ông độ chừng ngoài sáu mươi, nhỏ tuổi hơn tôi nhưng vì lịch sự tôi gọi ông bằng anh. Ông cười mỉm nụ cười rất hiền.

– Lúc trước ở Việt Nam thì còn đi làm, giờ qua đây nghỉ luôn, mà tôi cũng chỉ mới qua đây hơn một năm thôi. Ở nhà một mình buồn quá tôi ra đây chơi. Buổi sáng đưa bà xã đi làm, chiều đón bà về. Vợ tôi tới nhà đứa cháu coi chừng con dùm nó, sẵn tiện nấu ăn cho vợ chồng nó luôn. Buổi trưa tôi ghé qua đó ăn trưa, làm biếng thì vô mấy tiệm cơm ở đây không thiếu thứ gì. Tôi ăn uống cũng dễ lắm, ăn đồ Mỹ cũng được, đụng gì ăn nấy chớ không kén chọn như người ta.

Ông hỏi tôi:

– Chắc anh qua đây đã lâu?

– Dà, tôi qua đây lâu rồi, mà từ trước tới giờ chỉ ở vùng này chớ không có đi lung tung như người ta, giờ nghỉ hưu nên ngày nào cũng ra đây ngồi chơi.

Một bữa quán vắng vẻ, không có ai chơi cờ tướng ông rủ tôi chơi cho vui. Tôi chơi cờ chưa sạch nước cản, thua mấy ván không thấy hứng thú rủ ông qua quán gần bên ăn trưa. Ông có dịp tâm tình. “Vợ tôi không thích sống bên này tối ngày cứ than buồn. Nhà chỉ có hai vợ chồng già, thằng cháu nội ở đây đi học lại ở nội trú, lâu lâu mới về nhà một lần. Bả đi làm cho khuây khỏa chứ thật ra chúng tôi không cần tiền, mấy đứa con tôi đều khá cho tiền tôi xài không hết. Chắc vài năm nữa vợ chồng tôi về bển ở, khi nào ổn định nhà cửa cho mấy đứa con ở đây xong xuôi đâu ra đó”.

– Con cái anh đều ở bên đây?

– Đứa con gái lớn tôi qua đây mới có mấy năm thôi, gia đình nó đang ở Texas, mà chỗ đó thành phố nhỏ buồn lắm, chờ vài năm nữa con nó học xong dọn về đây ở. Thằng cháu nội tôi đang học đại học ở đây, bởi vậy tôi về đây ở thủng thẳng tìm nhà mua chừng vài năm nữa ba má nó qua.

Ông móc cái phone khoe hình thằng cháu nội học rất giỏi của ông, hình chụp mấy năm trước hồi lúc nó còn ở Việt Nam. Hai ông cháu đứng ở vườn sau ngôi nhà trông có vẻ bề thế lắm (mà tôi đoán là biệt thự hạng sang), dưới gốc cây giống như cây sa kê. Tôi hỏi:

– Có phải cây này là cây sa kê?

– Vậy à? Tên cây gì nghe lạ quá vậy?

– Anh trồng mà anh không biết nó là cây sa kê?

– Căn nhà này của thằng con trai lớn mua cho tôi, đồ nội thất có sẵn, cây cảnh bông hoa sân trước vườn sau họ trồng sẵn cho mình, mỗi tháng có người đến chăm sóc, cắt cỏ tỉa cành dọn rác.

Lúc nhỏ nhà tôi ở gần trại gia binh, tôi thường hay vui đùa cùng mấy đứa bạn con lính. Gần nhà nó có một cây sa kê mọc hoang, má nó thỉnh thoảng hái trái luộc ăn. Nhưng thời đó ít ai trồng cây sa kê, ít thấy lắm. Thời bây giờ nhiều nhà giàu bên Việt Nam hay trồng cây sa kê trong sân vườn, chắc để làm cây cảnh vừa cho bóng mát chớ không phải để ăn trái.

Nhưng cây sa kê có thời từng là cây lương thực. Tôi nhớ đến cuốn phim “Les révoltes du Bounty” tôi coi khi còn nhỏ, do anh chàng tài tử nổi tiếng Marlon Brando đóng vai chánh, thủ vai người sĩ quan nổi loạn trên con tàu Bounty huyền thoại. Phim này dựa theo một chuyện có thật trong lịch sử hải quân hoàng gia Anh. Tôi hỏi:

– Anh có biết cây sa kê này có liên quan đến vụ nổi loạn trên tàu Bounty của hoàng gia Anh?

– Ồ, không, tôi không biết.

– Câu chuyện nổi loạn trên tàu Bounty xảy ra khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, thời vua Gia Long vừa lên ngôi. Ông Võ Phiến có một bài tuỳ bút nói về việc vua Gia Long cho vời quan quân tỉnh Gia Định mang cây sa kê này về trồng ở kinh thành Huế. Theo ông Võ Phiến, chắc là nhà vua có ít nhiều kỷ niệm với cây sa kê trong những ngày bôn ba nơi miền Nam nên ngài muốn đem về trồng nơi kinh đô. Nhưng trong suy nghĩ của tôi, vua Gia Long có liên hệ và quen biết nhiều người Pháp, nên chắc ngài cũng biết vụ án “Cuộc nổi loạn trên tàu Bounty” đang là sự kiện lớn ở Âu châu lúc đó. Ngoài ra cây sa kê cũng là một cây huyền thoại, loại cây mang lại no ấm cho người dân nên ngài cũng muốn mang cây đó về trồng ở kinh thành Huế.

Tôi say sưa nói, nhưng hình như ông không chú ý gì cho lắm.

Ông trầm ngâm như đang nghĩ ngợi điều gì rồi ông nói đang tìm nhà mua. “Tôi có sẵn tiền, trả tiền mặt cũng được nhưng ngặt mới qua lại không đi làm nên đứng tên chưa được. Để từ từ tính”.

Nhà ở vùng Cali này ai cũng than giá trên trời rớ không tới, mà ông nói mua trả cash cũng được. Tôi nghĩ chắc ở Việt Nam ông này cũng ngon lành lắm.

– Ở Việt Nam anh là đại gia?

Ông cười mỉm  nói không. “Tôi chỉ đi làm bình thường thôi, tiền của thằng con trai lớn của tôi cho”.

Một hôm ông rủ tôi đi San Francisco chơi vì ông muốn đi ra ngoài cái đảo hồi trước có nhà tù ở đó. Nhà tù nổi tiếng với một vụ vượt ngục mà sau này được dựng thành phim “Escape from Alcatraz” do tài tử Clint Eastwood đóng vai chánh.

Tôi ở đây đã lâu mà cũng chưa từng đến đảo Alcatraz coi một lần cho biết. Tôi nói sẵn dịp mình sẽ đi lên cầu Bay Bridge qua Oakland để ngắm cảnh vịnh Cựu Kim Sơn rất đẹp. Ông hẹn tôi hôm nào cuối tuần trời tốt sẽ đi, ông nói cuối tuần vợ tôi không đi làm cho bả đi theo chơi, chớ bả ít chịu đi đâu lắm.

Mấy ngày không thấy ông đến quán cà phê tôi nghĩ không biết ông bận chuyện gì hay là đã đi qua Texas thăm cháu, nhưng nếu ông có đi thì cũng nói cho tôi biết. Một buổi tối ông gọi điện thoại cho tôi nói sắp đi Việt Nam có chuyện gấp, ông nhờ tôi giữ giùm ông một món đồ. Ông đến nhà tôi đưa một cái túi xách nói trong này là tiền để mua nhà, ông nhờ tôi giữ giùm khi nào trở qua ông đến lấy. Tôi mở ra xem thấy hết hồn toàn giấy một trăm đô mới cáu.

– Đâu mà nhiều dữ vậy nè, bao nhiêu đây?

– Một triệu đô.

Tôi chưng hửng ngó ông không tin nổi đây là sự thật.

– Anh có cần uống cà phê tự nhiên lấy xài đừng ngại.

Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng hỏi nửa đùa nửa thật:

– Xài tiền này có cần phải đi rửa không vậy cha?

Ông cười cười nói tiền này mới tinh sạch bon xài khỏi rửa. Ông nói tôi phải đi gấp bây giờ, mai mốt trở qua gặp. Ông vội bước đi vỗ vai tôi nói trấn an “tiền sạch”.

Tôi bước vô nhà đem cái túi xách tiền dấu trong đống quần áo cũ trong phòng ngủ của tôi. Phòng tôi thì luôn bị chê sao mà bề bộn bừa bãi quá thế này, quần áo sách vở đồ đạc chất lung tung.

Mấy ngày đầu tôi để cái túi xách tiền yên chỗ đó, không nghĩ tới mà cũng không đụng tới. Được đâu chừng một tuần thì cái sự tò mò tọc mạch trong bụng bắt đầu hỏi thăm. Tôi mở cái túi xách tiền ra xem. Toàn giấy một trăm đô mới tinh xếp thành từng xấp mỗi xấp một ngàn, mười xấp cột thành một cục. Cha mẹ ơi hồi nào tới giờ tôi chưa từng thấy tiền cả cục cả bó nhiều như vầy, đừng nói chi được tận tay sờ mó mân mê một triệu đô la tiền tươi thóc thật. Tôi rút ra mấy tấm đưa lên ánh sáng săm soi kiểu như mấy người bán hàng coi đó là tiền giả hay tiền thật. (Bọn làm bạc giả giờ rất tài, tiền giả y chang tiền thật!).

Ngày hôm sau tôi ra quán cà phê không quên mang theo mấy tờ tiền đô (của người đàn ông mới vừa quen chỉ biết tên là ông Dũng, chỉ biết vậy không biết gì hơn). Tôi đứng cà rà bên chị chủ quán giả bộ hỏi han ba điều bốn chuyện. Tôi hỏi người ta đưa giấy một trăm làm sao chị biết tiền thật hay tiền giả. Chị nói biết chớ, nhìn thì biết. Tôi móc trong túi tờ giấy một trăm tiền thật (của tôi) đưa chị xem. Chị cầm lên rờ tờ giấy bạc nói tiền thật rờ vô là biết liền, rồi chị lấy cây viết thử tiền quẹt lên tờ giấy bạc.

– Tiền giả thì nó đổi màu.

Tôi giả bộ ngây thơ.

– Cây viết thử tiền này mua ở đâu vậy?

– Thiếu gì chỗ bán, bộ muốn mua hả? Đây có dư một cây nè.

Tôi mừng húm móc tiền ra trả nói cám ơn chị, “chia” lại cây viết này cho tôi đi.

Xài tiền “dơ” thì không sao, người bán không “care” tiền dơ hay sạch, đó là chuyện của mấy ông cảnh sát hay mấy ông quan toà. Nhưng xài tiền giả thì coi chừng, một vài tờ thì mình có thể nói là không biết, đồng tiền trôi nổi trên thị trường, người ta đưa cho tôi, tôi xài. Xứ Mỹ này chỗ nào cũng có gắn camera, ai mà xài tiền giả trước sau gì cũng bị nhận dạng. Cảnh sát mà tới nhà khám xét, thấy tôi có cả triệu đô tiền giả, vô khám ngồi đếm lịch là cái chắc.

Tôi nghĩ ông này người trông hiền lành không có vẻ gì là dân anh chị xài tiền giả. Chắc tiền này là tiền thật. Tôi lấy một tờ xài thử, đầu tiên tôi trả tại quán cà phê tôi thường lui tới hằng ngày. Tôi chờ đợi nghe ngóng, nếu là tiền giả thì khi phát hiện ông chủ sẽ dán lên để cho mọi người thấy.

Hai ba ngày trôi qua, êm ru bà rù. Tôi lấy một tờ bạc khác đi ăn ở một quán phở gần đó. Lúc trả tiền tôi có hơi luống cuống mặc dầu tin chắc chín mươi chín phần trăm đó là tiền thật. (đúng là có tật giật mình). Tôi chờ đợi nghe ngóng. Mấy ngày sau tôi trở lại ăn phở. Quán vẫn ồn ào kẻ vô người ra như thường lệ. Lúc trả tiền tôi liếc nhìn chỗ ông chủ dán những tờ bạc giả trước đây quán gặp phải. Chỉ là tờ hai mươi đồng từ đời nào xưa cũ.

Đầu óc tôi lúc nào cũng nhớ tới cái túi xách tiền này. Tại sao ông đem gởi tôi? Tôi thật không có câu trả lời. Ông này làm gì ở Việt Nam mà mang qua đây cả đống tiền mặt như thế này. Nhìn dáng vẻ điệu bộ cách ăn nói của ông, không có vẻ gì là một “đại gia”. Chính ông cũng xác nhận như thế. “Tiền này là của thằng con tôi cho”. Ông nói. Nhưng ông chưa bao giờ nói con ông làm gì, là cán bộ cao cấp hay là thương gia kỹ nghệ gia tầm cở. Ông không phải là người khoe khoang, mà ông cũng ít khi nói về con cái tụi nó kinh doanh ngành nghề gì, hay là làm tới chức vụ ông to bà lớn cở nào. Ông có vẻ khôn ngoan và kín đáo. (Mấy người này thì cũng thuộc dạng “chẳng phải vừa đâu”).

Gần một tháng trôi qua chẳng thấy ông gọi điện thoại, tôi gọi cho ông. Đường dây đã bị cắt. Tôi email cho ông, không trả lời. Sao kỳ lạ vậy?

Một tháng sau nữa chưa thấy ông trở qua Mỹ mà cũng chẳng thấy ông liên lạc với tôi. Tôi thử gọi phone và email cho ông một lần nữa xem sao. Chẳng thấy trả lời. Bụng dạ tôi bắt đầu đặt dấu hỏi, chuyện gì đã xảy ra cho ông đây.

Một tháng nữa trôi qua, người đàn ông trong bóng tối vẫn bặt vô âm tín. Tôi ngó tới cái túi xách tiền. Để nó nằm một chỗ đó hoài đâu có được. Một triệu đô la chớ có phải ít ỏi gì. Rủi có kẻ trộm vô lấy thì sao. Mà tôi cũng không thể đem vô nhà bank “deposit”. Tôi không dại. Xứ Mỹ này có luật lệ đàng hoàng. Một người bạn của tôi kể chuyện, hồi anh đi mua chiếc xe Lexus mới, trả 40 ngàn tiền cash, mấy tháng sau được sở thuế hỏi thăm. “Mầy thất nghiệp tiền đâu nhiều vậy” (sở thuế thì lúc nào cũng sợ người ta trốn thuế). Nó phải lục lọi hồ sơ nhà bank mấy năm qua, chứng minh đó là tiền của nó để dành. Giờ tôi xách một triệu đi deposit vô nhà bank. Trước sau gì ông toà cũng sẽ hỏi, “ông làm ơn chứng minh tiền này là tiền hợp pháp”. Tôi sẽ nói tiền này của người ta gởi tôi giữ giùm, người ta nói tiền đó là “tiền sạch”. Người ta nào ở đâu biểu ổng ra đây trình diện. Tôi sẽ nói “Ổng đi đâu mất tiêu mất biệt chẳng thấy tăm hơi”. Chắc ông toà sẽ bật cười, mà ông có tin lời tôi nói? Nếu mà ông bắt tôi phải “test” qua máy nói dối, tôi tin tôi sẽ “pass”. Vâng, tôi sẽ mạnh dạn tuyên thệ trước toà, “tôi khai đúng sự thật và chỉ có sự thật”.

Nhưng chắc gì ông toà sẽ tin lời tôi nói, tôi sẽ bị rắc rối tiền mất tật mang. Thôi đừng có dại. Có ngu thì cũng ngu vừa vừa để dành cho người khác ngu tiếp. Tôi cũng không thể đem tiền này chia ra gởi người này một ít người kia một ít cất giùm. Thế nào họ cũng hỏi tiền gì ở đâu. Và rồi tai vách mạch rừng, người này nói cho người kia biết, một đồn mười, mười đồn một trăm. Chẳng mấy chốc cả thành phố sẽ biết có người mang cả va li tiền cho tôi giữ giùm. Ăn cướp không hỏi thăm sức khoẻ thì cảnh sát cũng sờ gáy. Nhất định tôi sẽ không nói cho ai biết chuyện này, ngay cả người thân trong gia đình. Sống để bụng chết mang theo.

Tôi nhớ trước đây có lần đọc báo, chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi bên Việt Nam. Có một nhóm thợ hồ xây nhà, lúc đào móng xây nền, đào trúng hủ vàng đâu cở mười lượng. Cả bọn mừng húm chia nhau mỗi người được hai lượng, mua heo quay cúng ăn mừng. Thời đó vàng quý lắm, làm một tháng tiền công chưa mua được một chỉ vàng. Câu chuyện đổ bể, công an mời về bót tịch thu số vàng. Vàng này không phải của mấy anh, mấy anh không có quyền giữ. Mặc dầu đó là chuyện của thiên hạ, chuyện đâu tuốt bên Việt Nam, mà tôi cũng thấy tức, mấy anh thợ hồ đó chắc là tức chết được. Tới chết vẫn còn… tức.

Một chuyện khác xảy ra cũng mấy năm gần đây, cũng là chuyện dài bên Việt Nam nói hoài không hết. Có một chị làm nghề mua bán ve chai lông vịt, đời bây giờ ở bển gọi là mua bán đồng nát. Một hôm chị mua được một cặp loa cũ, về nhà mở ra chùi rửa thấy được mấy triệu Yen trong đó (đâu khoảng 50 ngàn đô la Mỹ). Một món tiền chị đi mua bán đồng nát cả đời chưa có được. Chị không biết mấy đồng tiền “xứ lạ” này là tiền xứ nào, có xài được không. Chị đi hỏi người ta. Cha mầy lú thì cũng có chú mầy khôn. Chị trúng số độc đắc. Câu chuyện chẳng bao lâu đến tai công an phường (công an nhà mình thì lúc nào cũng chăm sóc người dân đến từng miếng ăn giấc ngủ). “Tiền này là của người ta để quên. Phường tạm thời giữ lại, trong vòng một năm không có ai đến nhận, sẽ cho chị hưởng”. Không biết chị mua bán ve chai đồng nát đó có cúng kiến cầu trời khẩn Phật gì không, một năm sau chánh quyền cho chị được hưởng số tiền lượm được đó, sau khi đã trừ đi lệ phí hay thuế má gì đó. Hú hồn.

Đây là những kinh nghiệm xương máu. Tôi dặn lòng, đừng, đừng bao giờ nói cho ai biết chuyện mình khi khổng khi không có được một triệu đồng … tiền trời ơi đất hỡi.

Người đàn ông đó vẫn chưa xuất hiện, mà cũng không có ai tới gặp tôi hỏi han về số tiền đó. Tôi nghĩ chắc ông không có nói cho ai biết. Chỉ mình ông và tôi biết chuyện này. Tôi lại không biết gì về gia cảnh của ông, chỉ biết đại khái ông có người con gái đang ở bên Texas và thằng cháu nội đang học ở đại học Berkeley. Mà tôi thì không có số phone hay địa chỉ của họ. Rồi bây giờ tính sao với túi tiền này đây? Tạm thời tôi cứ giữ giùm ông chờ ngày ông qua. Nhưng tôi không thể để cái va li tiền ấy trong nhà. Không nên. Không khôn ngoan chút nào.

Vậy bây giờ đem nó đi “dấu” chỗ nào đây? Hôm trước đọc báo kể chuyện bên Việt Nam, có một vị quan đại thần được người ta biếu quà. Ba triệu đô la. Vì là quà đặc biệt nên ngài đem ra để nó ở ngoài ban công. Hôm ra toà, ngài “thành khẩn khai báo” như vậy. Không nghe nhà báo nói lý do tại sao ông lại để tiền ở ngoài ban công. Chắc mọi người cũng tự hiểu là tiền đó nó “bốc mùi” nên phải để ngoài ban công, mà rủi như công an có khám nhà thì cũng chẳng thấy.

Tôi nghĩ đến việc “tẩu tán” số tiền này, đem dấu chỗ này chỗ kia mỗi chỗ một chút. Rủi có bể chuyện, vớt vác được chút nào hay chút đó. Tôi đi mua vàng. Nhưng vác một đống tiền đi mua một lúc mấy chục lượng vàng tôi ngại lắm. Tôi không có cái dạng người như vậy, mà tôi cũng không thể cứ ngày nào cũng đến mua, mỗi ngày một ít. Đừng làm cho thiên hạ chú ý. Tôi nghĩ đến chị Tám, có thể nhờ chị tiếp sức.

Tôi quen vợ chồng chị Tám hơn hai mươi năm về trước lúc đi làm chung trong hãng điện tử. Chị giỏi lắm, đi làm hãng chớ về nhà nấu chè, nấu xôi gởi mấy chợ Việt Nam bán kiếm thêm tiền cho con đi học. Chị nhỏ hơn tôi vài tuổi, giờ cũng đã nghỉ hưu nhưng cũng còn chịu khó ở nhà làm bánh bột lọc gói lá chuối hay là cuốn chả giò bỏ mối. Chị nói có mối người ta đặt hoài ngày nào cũng làm không hở tay. Tôi gọi điện thoại cho chị, nhờ chị dẫn tôi ra tiệm vàng mua nữ trang (vì tôi không biết mua mấy thứ này). Chị nói okay, rất sẵn lòng nhưng anh chờ tôi cuốn chả giò xong cái nhe.

Tôi đến nhà chị vẫn còn đang cuốn chả giò bỏ mối. Chị nói làm từ sáng tới giờ được ba trăm cái, kiếm năm chục. Chị cười hề hề, chịu khó kiếm thêm chút đỉnh cũng đỡ chớ đâu có ai cho mình, phải không anh?

Tôi và chị dẫn nhau ra khu mua bán vàng của người Việt Nam. Tôi thủ trong mình đủ tiền mua được năm lượng. Tôi đặt điều nói xạo tiền này là của một ông “đại gia” bên Việt Nam nhờ tôi mua giùm. Tôi để chị một mình trong tiệm vàng bỏ ra ngoài ngồi uống nước mía. Chị này chịu khó đi dọ giá hết tiệm này tới tiệm kia. Tôi thì nóng lòng muốn mua mau cho xong lẹ rồi về. Mắc rẻ chênh nhau năm mười đồng một lượng nhằm nhò gì. Sau cùng chị tìm được chỗ bán rẻ hơn mười đồng. Chị thích chí nói thấy chưa anh, mình chịu khó dọ giá chút kiếm được năm chục, bằng cả buổi tôi ngồi cuốn chả giò. Tôi nói cám ơn chị nhiều không quên gởi tiền trà nước một trăm. Bước xuống xe chị cười tươi nói mai mốt có “đại gia” nào nhờ mua vàng kêu chị nhe.

Ngày hôm sau tôi tự đi mua vàng một mình, chẳng lẽ nhờ chị hoài chị sẽ đặt dấu hỏi. Đi rảo nhiều tiệm, mỗi tiệm một ít, chắc chẳng ai để ý. Tại mình nghèo thấy mấy chục lượng vàng… nó lớn, chớ nghe nói có người đi mua một lúc cả trăm lượng là chuyện thường.

Tuần sau tôi gọi điện thoại rủ chị Tám đi mua hột xoàn. Dĩ nhiên là tôi có đủ tiền mua hột lớn cở mấy carat cũng được. Nhưng thôi, đừng gây điều thắc mắc cho người ta.

Tôi lại đặt điều nói xạo. Cái ông nhà giàu bên Việt Nam muốn mua một chiếc nhẫn xoàn và một đôi bông hột xoàn cho con trai cưới vợ. Người ta là đại gia mắc rẻ không thành vấn đề miễn sao đồ tốt là được.

Cũng như lần trước, tôi ngồi chỗ gian hàng giải khát uống nước ngồi chờ, bỏ mặc chị một mình muốn làm gì thì làm. Chị lăng xăng chạy hết tiệm vàng này qua tiệm vàng kia kỳ kèo bớt một thêm hai. Sau cùng chị chạy đến tôi báo tin mừng. Hên quá anh ơi! Có một bà khách gởi bán một chiếc cà rá và đôi bông tai, bả túng tiền bán lổ cả ngàn. Hột này đẹp xuất sắc, nước chiếu thuộc loại hiếm có. Bụng dạ tôi đánh lô tô trông cho mau rồi, nói okay vậy chị cứ mua đi, người ta tin tưởng giao cho mình tuỳ ý.

Bận về tôi đãi chị vô quán ăn cơm tấm bì sườn. Miệng chị nói huyên thiên tiệm vàng này bán rẻ tiệm kia bán đồ xấu mà bà chủ ăn nói không có cảm tình. Tôi nói nhờ chị hôm nay mua được đồ tốt mà rẻ, gởi chị ba trăm mua quà cho mấy cháu.

Chị cười tươi hỏi chớ bộ ông đó ở Việt Nam là cán bộ kềnh hả anh. Tôi bật cười khùng khục.

Từ lúc để cái túi xách tiền trong phòng, tôi luôn khoá cửa phòng cẩn thận, mặc dầu phòng ngủ của tôi quanh năm suốt tháng chẳng ai bước vào. Tôi đã mua được ba mươi lượng vàng cùng ba viên kim cương, giờ phải tìm chỗ dấu. Không biết nhà ở vùng khác thì sao chớ nhà ở vùng Cali này vách tường làm bằng tấm sheetrock rất dễ đục khoét. Tôi nghĩ hay là mình dấu số vàng này cùng một mớ tiền trong vách. Tôi đi qua nhà ông hàng xóm làm nghề sửa chữa nhà cửa xin một ít vật liệu về xài, không quên xách theo mấy lon bia biếu anh uống cho vui. Anh cười hề hề chạy vô nhà xách cho tôi một miếng sheetrock cùng một thùng nhỏ compound (giống như xi măng để trét vách nhà), anh còn cho tôi mượn đồ nghề để làm cho dễ.

Tôi đợi lúc nhà vắng người nhẹ nhàng đục tường khoét vách. Tôi để ba chục lượng vàng và ba viên kim cương trong một hộp bánh trung thu cũ bằng thiếc. Hai trăm ngàn đô la thì bọc cẩn thận trong giấy ny lon và cũng để trong hộp thiếc phòng ngừa mối mọt hay ẩm mốc. Tôi để vô vách xong lấy sheetrock lấp lổ trống, dùng compound trét lại. Không đẹp như thợ chuyên nghiệp nhưng như vậy cũng tạm ổn. Chờ cho khô tôi dùng sơn, sơn lại chỗ vách vừa làm, cũng gần giống như cũ, như vậy là okay rồi, chắc chẳng ai để ý.

Tôi suy nghĩ không biết có nên viết ít chữ để lại sau này, rủi mà tôi có bề gì thì người thân cũng biết là tôi có dấu tiền và vàng trong vách nhà. Nhưng viết như thế nào đây? Viết bóng gió xa xăm sợ người nhà đọc không hiểu, mà viết bạch tuột sợ có người thấy thì mất cả chì lẫn chài. Suy nghĩ đến nhức cái đầu. Tôi nhớ hồi nhỏ có đọc một truyện kịch ngắn vui vui của nhà văn Khái Hưng. Vở kịch ngắn một màn có nhan đề: “Để của bí mật”. Có một anh chàng có của quý không biết cất ở đâu, anh nghĩ hay là giấu nó phía sau tấm hình anh treo trên vách. Anh làm một bài thơ, nói bóng gió xa xăm là anh để của phía sau tấm hình. Một thời gian sau anh mở tấm hình ra thăm chừng, của quý bốc hơi mất tiêu. Trong nhà không có ai, chỉ có anh và vợ. Còn ai trồng khoai đất này. Anh phục cô nàng đã “giải mã” được điều bí ẩn, anh khen cô tài thế. Cô vợ trẻ cười tủm tỉm, hôm trước em thấy anh dấu trong đó.

Đó là truyện vui của ông nhà văn, giờ tôi cũng “để của bí mật”, nhưng tôi không có tài làm một bài thơ với nhiều ẩn dụ, mà người cao kiến giải mã được, sẽ biết là tôi có dấu tiền trong vách. Tôi tính tới tính lui sau cùng quyết định: thôi. Đã nhiều lần tự nhủ lòng không nói cho ai biết chuyện này. Lỡ mà có mất vào tay người khác thì coi như “Của Thiên trả Địa, của Tào đổ Âm Ty”.

Tôi có người quen hàng xóm bên Việt Nam sắp sang Mỹ “đoàn tụ gia đình”, anh bán nhà đâu được mười mấy tỷ giờ muốn chuyển qua đây mua nhà. Tôi điện thoại cho con ông ta làm dịch vụ trao đổi. Tôi sẽ giao cho con ông một trăm ngàn đô la ở Mỹ, ông sẽ giao lại cho thằng cháu tôi tiền đó ở Việt Nam. Công việc trao đổi diễn ra tốt đẹp, ông không nói cho ai nghe mà tôi cũng không nói cho ai biết. Tôi căn dặn thằng cháu mua dùm tôi một hai miếng đất để dành đó, (và tuyệt đối đừng nói cho ai biết). Thằng cháu này là thằng cháu họ xa, nó lanh lợi giỏi giang và “đáng tin cậy”. Nó nói chú đừng lo, cháu sẽ không nói cho ai biết.

Vậy mà trong nhà tôi cũng biết việc tôi mua đất ở Việt Nam. Họ có vẻ giận tôi sao cở này tôi có thái độ “kỳ kỳ”, người trong nhà mà cũng giấu như mèo giấu cứt. Thiệt tình là “nỗi lòng này biết tỏ cùng ai”. Tôi tức mình gọi thằng cháu chửi nó một trận, nó phân bua xin chú đừng giận để cháu nói. “Bên vợ cháu thấy cháu mua đất tưởng cháu có tiền, hỏi mượn cháu một ít làm vốn. Cháu phải nói thiệt cho vợ cháu biết dặn nó không được nói với ai. Không hiểu sao mấy cái vụ này bay tuốt qua Mỹ, cháu xin lỗi chú cháu đâu muốn vậy. Mà chú mua đất có gì xấu mà phải giấu?”.

Như vậy là tôi đã “tẩu tán” tài sản đâu được chừng phân nửa, còn phân nửa kia để đó từ từ tính. Từ ngày ôm cái va li tiền đó vô mình, đầu óc tôi lúc nào cũng căng thẳng. Điên cái đầu. Đọc báo thấy có mấy quan tham bên Trung Quốc trong nhà chứa hàng tấn tiền mặt. Tiền mà khi kiểm kê phải đếm bằng máy và cân ký lô. Tôi không hiểu làm sao họ có thể sống trên đống tiền như vậy mà không bị “heart attack” hay là bị đứt gân máu. Chớ còn tôi lúc nào cũng hồi hộp như đang ngồi trên đống lửa.

Tôi đã leo lên lưng cọp, giờ làm sao bước xuống mà không mang thương tật. Nếu có thì cũng nhẹ nhàng, coi như mình “chịu đấm ăn xôi”.

Lúc mới qua Mỹ tình cờ một hôm tôi coi trên tivi cuốn phim rất hay nhan đề Getaway do tài tử Steve McQueen và cô đào Ali Mac Graw đóng, cô đào nổi tiếng này thì nhiều người Việt Nam (thế hệ tôi) biết qua phim tình cảm “Love Story”. Nhưng tôi thấy cô đóng phim này rất hay, người cô dong dỏng cao cùng đôi mắt to đen rất hợp vào vai băng đảng, cùng với Steve McQueen thì khỏi chê kết thành một cặp đôi hoàn hảo đi ăn cướp nhà băng.

Cuốn phim rất hay hấp dẫn từ đầu đến cuối, cặp đôi anh chị giang hồ này hết chống chọi với kẻ thù đến chống chọi với đồng bọn, rồi họ cũng vượt qua được bố ráp của cảnh sát để sau cùng hai người xách va li sang Mễ Tây Cơ… sống đời giàu có và… (lương thiện).

Có lẽ đó là lần đầu tôi coi một cuốn phim mà kẻ cướp nhà băng không bị cảnh sát bắn gục, lại ung dung xách tiền đi qua xứ khác hưởng đời. Sau đó tôi coi thêm một vài phim tương tự mà kẻ cướp nhà băng không hề bị cảnh sát hạ gục hay còng tay. Trong lòng tôi đặt ra một câu hỏi, đó chỉ là phim ảnh hay sự thật cuộc đời là như vậy?

Đôi lúc lòng tôi hoang mang mình làm như vậy có đúng không. Đôi lúc tôi bị cái lương tâm nó dày vò cắn rứt. Tiền bạc đã biến tôi thành một người bần tiện.

Nhưng tôi đâu có lường gạt giựt dọc. Tôi đâu có ôm tiền bỏ trốn, nếu mà người đàn ông đó xuất hiện, nếu mà con cháu ông ấy đến lấy lại số tiền ông gởi, tôi sẵn sàng trả lại (một cách vui vẻ).

Tôi nhớ đến một chuyện hồi trước, chuyện xảy ra đâu từ những năm của thế kỷ trước. Đêm đó có tin rục rịch đánh tư sản (lần thứ hai). Cô con gái con ông chủ tiệm vàng là bạn học của em gái tôi đến nhà gỏ cửa, nhờ em tôi cất giùm cái túi xách. Thằng em trai tôi tò mò mở ra xem. Mấy chục lượng vàng. Buổi sáng sớm cô nàng đến gỏ cửa lấy lại cái túi xách mà không hề cho em tôi một chút gì. Sau này tôi kể lại chuyện đó cho một người bạn nghe. Nó phán một câu tôi nhớ hoài: “con nhỏ đó không biết luật giang hồ”.

Người đàn ông “bí ẩn” gởi tôi cầm giùm va li tiền, khi nào lấy lại tôi xin ông theo đúng “luật giang hồ” cho tôi một ít tiền trà nước. Tôi không xin nhiều chừng năm chục ngàn là tôi vui. Còn như cái việc tôi dùng tiền của ông “mượn đầu heo nấu cháo”, tôi đem đầu tư nhà đất, nếu ông có thơm thảo thì cho tôi xin phần tiền lời, tiền vốn trả lại ông. Còn như đối đế thì mình chia hai, người có công người có của vui vẻ cả làng.

Nhưng nếu ông vẫn biệt tăm biệt tích?

Một phim khác rất hay cũng nói về thế giới băng đảng. Có một anh chàng tình cờ lượm được túi tiền của bọn buôn ma tuý. Anh biết loại tiền này là tiền gì, anh mang tiền bỏ trốn. Anh bị tụi băng đảng đuổi theo, mặc dù anh là người tài giỏi đầy bản lãnh, nhưng sau cùng anh cũng bị thanh toán. Không phải bởi cảnh sát mà bởi băng đảng. No Country for Old Men.

Phim hấp dẫn từ đầu đến cuối. Nhưng tôi không thích cái kết cuộc, anh là lương thiện (tạm nghĩ như vậy đi, anh chưa từng phạm pháp), anh vô tình lượm được tiền, không cố ý mà cũng không phải lỗi của anh. Anh rất bản lãnh, vậy mà cũng không thoát được. Hiểu thế nào đây No Country for Old Men. Tôi hiểu là “Ông già không có chốn dung thân”, hoặc là nói theo ngôn ngữ đường phố của dân Sài Gòn: “Ông già không có cửa”.

Nếu giả dụ người đàn ông kia không trở lại, mãi mãi không trở lại. Có thể nào tôi được hưởng số tiền một triệu đó?

No
No way
No Country for Old Men
Thật vậy sao?
Ông già không có cửa
Có lẽ nào!

N. Nguyễn