André Gide nói ‘’C’est avec des beaux sentiments qu’on fait de mauvaise littérature‘’ (Với những tình cảm tốt, người ta làm văn chương dở). Tiểu Tử là một nhà văn đã chứng minh ngược lại, có thể viết hay với những tình cảm tốt. Trong tác phẩm của ông, hầu như chỉ có những tình cảm tốt, chỉ có tình người. Một nhân vật nói về một nhân vật khác trong truyện ngắn ‘’Made in Vietnam’’: người chi mà tình nghiã quá héng?. Độc giả nghĩ tới câu đó mỗi lần lại gần những nhân vật của Tiểu Tử. Người chi mà tình nghiã quá héng. Độc giả chai đá tới đâu, đọc Tiểu Tử cũng không cầm được nước mắt. Người ta khóc, nhưng sau đó thấy ấm lòng, vì thấy trong một xã hội đảo lộn, vẫn còn đầy tình người, vẫn còn đầy thương yêu, vẫn còn nghiã đồng bào vẫn còn những người tử tế. Và thấy đời còn đáng sống. Một nhà văn Pháp nói văn chương, trước hết là xúc động... Trong truyện ngắn của Tiểu Tử, sự xúc động hầu như thường trực.
Miệt VườnTiểu Tử là một nhà văn miền Nam điển hình, con đường nối dài của những Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam. Văn của ông là lối kể chuyện của người miền Nam, bình dị nhưng duyên dáng, duyên dáng bởi vì bình dị, tự nhiên. Tiểu Tử không ‘’làm văn‘’. Ông kể chuyện; không có chữ thật kêu, không có những câu chải chuốt. Với cách viết, với ngôn ngữ chỉ có những tác giả miền Nam mới viết được. Không hề có cường điệu, không hề có làm dáng. Người đọc đôi khi có cảm tưởng tác giả không mấy ưu tư về kỹ thuật viết lách, ông viết với tấm lòng.
Ngay cả tên những nhân vật cũng đặc miền Nam, không có Lan, Cúc, Hồ Điệp, Giáng Hương như trong tiểu thuyết miền Bắc, không có Nga My, Diễm My, Công Tằng Tôn Nữ như Huế, chỉ có những con Huê, con Nhàn, con Lúa, thằng Rớt, thầy Năm Chén, thằng Lượm, bà Năm Chiên, bà Năm Cháo lòng. Các địa danh cũng đặc Nam kỳ, không có Cổ Ngư, Vỹ Dạ, Thăng Long, chỉ có những Nhơn Hoà, Cồn Cỏ, Bò Keo, Bình Quới, những tên, những địa chỉ rất ‘’miệt vườn‘’, chỉ đọc cũng đã thấy dễ thương, lạ tai, ngồ ngộ. Âm thanh như một câu vọng cổ.
Tiểu Tử, 88 tuổi, kỹ sư dầu khí, tác giả nhiều tập truyện ngắn (Những Mảnh Vụn, Bài ca Vọng Cổ, Chuyện Thuở Giao Thời) học ở Marseilles, hiện sống ở ngoại ô Paris, nhưng văn của ông không lai Tây một chút nào. Rất Việt nam, đúng ra rất Nam Việt, với lối viết như người ta kể chuyện bên ly la de, bên tô hủ tíu, với những chữ nghen, chữ héng, chữ nghe...’’Cần gì cứ nói nghe cô Hai, đừng ngại. Mình với nhau mà...’’. Dưới ngòi bút của một tác giả người Bắc, người Trung, gọi người đàn bà là con Huê, con Nhàn có vẻ hỗn, ở Tiểu Tử, nó chỉ có sự thân ái.
Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Tiểu Tử đã chứng tỏ ngôn ngữ địa
phương, cách diễn tả địa phương làm giầu cho văn hoá dân tộc. Cố gắng bắt chước
lối diễn tả Hà Nội là một lầm lỗi, nó chỉ làm cái vốn văn hoá của ta nghèo
đi.
(Sự thực Hà Nội ngày nay không còn gì là nơi văn vật, cái gì
cũng ‘’đéo‘’. Còn báo Nhân Dân không? Đéo còn, chỉ còn Người Hà Lội).
Những giọt nước mắt
Văn chương là hư cấu, nhưng đọc Tiểu tử, người ta thấy cái chân thực, có cảm tưởng
không có chi tiết nào là kết quả của tưởng tượng. Tất cả đều la những chuyện
tác giả đã sống, hay đã nghe kể lại. Vả lại, ở Việt Nam, thực tế vượt xa tưởng
tượng. Cái đau đớn, cái thảm kịch mỗi người Việt Nam đã, đang sống, không có
người viết văn nào, giầu óc tưởng tượng tới đâu, có thể bịa ra. Trong ‘’Thầy
Năm Chén‘’, ông thầy thuốc, suốt đời làm việc nghiã, bị cách mạnh hành hạ, chuẩn
bị cho con vượt biên. Khi giã từ con, ông đưa cho con, thằng Kiệt, ‘’một cái
gói mầu đỏ đã phai màu, cột làm nhiều gút, nói: cho con cái ni (ông là người gốc
Huế). Con giữ trong người để hộ thân. ’’Kiệt đến Canada an toàn, một ngày dở
cái gói của cha cho ngày vượt biển. Trong đó có ba cái răng vàng. Thầy Năm
Chén, nghèo đói quá, đã cạy ba cái răng vàng cho con làm của hộ thân đi tìm đường
sống ở xứ người. Độc giả hiểu tại sao từ ngày con đi, ông Năm Chén chỉ ăn cháo.
‘’Chiếc khăn mùi xoa‘’ có thể coi là điển hình cho truyện ngắn Tiểu Tử, trong
đó có sự xúc động cao độ, đẫm nước mắt, với những nhân vật nhân hậu, giầu tình
nghiã, những chi tiết éo le như một cuốn phim tình lãng mạn, nhưng đơn giản,
chân thực.
Một người Việt tị nạn ở Pháp về thăm nhà, gặp những người bạn học cũ, trong đó
có nhân vật chính, ‘’con Huê‘’, sự thực là một người đàn bà đã đứng tuổi. Ông
ta kể lại: ‘’Con Huê tiễn tao ra cổng, đứng ngập ngừng một lát rồi bỗng nói một
mạch, là lạ, như tụi mình trả bài thuộc lòng thuở nhỏ: Anh qua bên Tây, gặp anh
Cương nói em gởi lời thăm ảnh. Nó nói rồi bỏ chạy vội vào trong, tao thấy nó
đưa tay quệt nước mắt mấy lần. Tao đứng chết trân, nhớ lại lời con Nhàn, em con
Huê nói với tao: Anh biết không, chị Huê thương anh Cương từ hồi còn nhỏ lận.
Người con gái ở quê mình nó thật thà, trung hậu đến mức độ mà khi trót thương
ai thì thương cho đến chết. Họ coi đó là tự nhiên, phải có nước lớn nước
ròng‘’.
Tiểu Tử viết chuyện tình âm thầm của người đàn bà từ ngày còn đi học, tới ngày
nay đã bạc đầu, với người bạn trai ngày xưa tên là Cương, nhưng sóng gíó 75 đã
khiến người đàn ông bỏ nước đi lánh nạn. Người con gái của ông Cương, đang sống
ở Bruxelles, đọc truyện, cho tác giả hay bố mẹ đều đã qua đời. Trước khi chết,
Cương dặn con gái: ‘’Con ráng tìm cách về Nhơn Hoà, Cầu Cỏ, trao cái này cho cô
Hai Huê, nói ba không quên ai hết‘’. ‘’Cái này ‘’ là một bao thư, trong đó có
chiếc khăn mùi xoa cô Huê đã tặng Cương thời trẻ. Người con gái thấy thương bố,
thương cô Hai Huê không cùng. Cô gái đi Việt Nam, một xứ xa lạ, tìm về Nhơn
Hoà, Cầu cỏ, tìm người bà tên Huê để trao lại kỷ vật của người đã qua đời. Cô
Hai Huê xỉu đi khi nghe tin người bạn xưa đã chết. Hai người đàn bà, một già, một
trẻ ôm nhau khóc. Nếu bạn là người tưởng mình có tâm hồn sỏi đá vì đã sống, đã
chứng kiến đủ mọi thảm kịch của đời sống, nhất là đời sống của một người Việt
Nam, bạn sẽ ngạc nhiên thấy mình đang lau nước mắt.
Không Điên Cũng Khùng
Thế giới truyện ngắn của Tiểu Tử xoay quanh hai đề tài chính: những kỷ niệm về
một Miền Nam hiền hoà, chất phác, nhân hậu ngày xưa, với những trò vui đưà nghịch
ngợm của đám bạn bè trẻ, những mối tình mộc mạc của những người dân quê và, sau
đó, những đảo lộn sau 75, khi tai họa trên trời giáng xuống. ‘’Tất cả đều bị
xáo trộn, bị nghịch lý đến nỗi tao sống trong đó mà lắm khi phải tự hỏi: làm
sao có thể như vậy được‘’. Một xã hội vô tư, kể cả vùng quê, trở thành địa ngục.
Chỉ còn hận thù, phản trắc, gian sảo, cướp đoạt, dối trá.
Những nhân vật của Tiểu Tử không còn cười đuà, vui chơi, dễ dãi nưã. Đó là những
nhân vật đầy ưu phiền như ông Tư, như bà Hai, như thầy Năm Chén, như anh Bẩy,
như bà Năm cháo lòng. Một xã hội đổ nát, rách bươm... ‘’Những người ‘’cách mạng’’
xông vào nhà, ngang nhiên hùng hổ, như một bọn cướp. Họ ‘’bươi‘’ từ dưới lên
trên, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ sau ra trước… giống như gà bươi đống
rác. Gặp gì kiểm tra nấy. Vậy rồi…hốt hết. ‘’
Sau 75, người ta truyền nhau một câu ca dao mới: "Thằng khôn thì đã vượt
biên. Những thằng ở lại không điên cũng khùng". Các nhân vật của Tiểu Tử,
vốn là những người miền Nam hiền lành, dễ tin, yêu đời, nhiều người đã hết lòng
với ‘’kháng chiến‘’, sau ‘’cách mạng’’, đều bị đàn áp, gia sản bị cướp đoạt trắng
trợn trong những chiến dịch ‘’đánh tư sản mại bản‘’ trở thành không điên cũng
khùng
Ông Tư (trong IM LẶNG) là người có gia sản ở Saìgòn, đã bí mật đóng góp tài
chánh cho ‘’Giải Phóng’’. Khi Cộng Sản chiếm miền Nam, không những không được
trả ơn, mà bị hành hạ, gia sản bị cướp sạch. ‘’Bỗng nhiên ông Tư nhận thức rằng
tất cả những gì thuộc về ông bây giờ chỉ còn lại người vợ cuả ông đang chờ đợi
ông ở nhà‘’... Nhưng bà vợ tiếc cuả, uất hận vì bị cách mạng lưà gạt, suốt ngày
đay nghiến trách móc chồng. Rốt cuộc hai vợ chồng tìm được cách chạy sang Pháp,
nơi con trai ông đã được bố mẹ gởi đi du học, đã thành đạt, có nhà cưả sang trọng.
Ông con hỏi bố ở chơi bao nhiêu ngày. Ông Tư nói ở lại luôn. Ông con nói, giọng
đặc ‘’Việt kiều yêu nước’’: ‘’Ủa, sao lại ở luôn. Bây giờ nước nhà độc lập rồi,
không còn thằng nào ngồi trên cổ mình hết; vậy mà ba má bỏ qua đây luôn. Thiệt
là vô lý‘’. Ông Tư trở thành một người câm, không nói gì với ai nưã. Cho đến một
hôm lầm lũi lội chết dưới biển.
Bà Hai (trong Thằng Đi Mất Biệt), con cái chết, gia tình tan nát, suốt ngày ngồi
chờ đưá con trai còn lại bị đưa đi cải tạo. ‘’Khi trời nắng ráo, bà đi tuốt ra
ngoài vàm rạch, lên ngồi trên môi đất có thể nhìn thẳng qua bên kia sông. Như vậy,
"khi nào thằng nhỏ nó về, mình thấy nó từ đằng xa, nó có đi đò, trong đám
đông, mình cũng nhìn ra đươc nó liền hà‘’.
Thầy Năm Chén (trong truyện cùng tên) phòng mạch bị chiếm, con trai phải bỏ đi
kiếm ăn. ‘’Chia tay nhau mà hai cha con không dám ôm nhau. Sợ người ta để ý. Thầy
không đưa con ra cổng nghiã trang. Sợ người ta để ý. Thầy không dám để rơi một
giọt nước mắt. Sợ người ta để ý. Thầy chỉ thở dài. Thời buổi bây giờ chỉ thở
dài là không ai để ý. Bởi vì ai cũng thở dài hết".
Ông già bới rác (truyện cùng tên) là một ông già có công với ‘’cách mạng’’, bi
cách mạng cướp hết không còn manh giáp, trở thành khùng, suốt ngày lang thang
ngoài đường bới rác, ‘’tao bới rác để kiếm mấy thằng Việt Cộng tao đã nuôi
trong nhà‘’
Trong Những Mảnh Vụn, người yêu ‘’đi chui bán chánh thức‘’, nghiã là đi vượt biển
do cán bộ tổ chức, biệt tăm, chắc mất xác vì tầu quá cũ bị chìm, anh Bâỷ suốt
ngày, như một người mất hồn, đi qua lại tất cả những nơi ngày xưa hai người vẫn
hẹn hò. ‘’Bẩy không biết mình đang đi lượm những mảnh vụn của cuộc tình. Nếu
không có cái ‘’ngày cách mạng thành công‘’ đã thật sự thành công trong nhiệm vụ
đập nát tất cả những gì của miền Nam, kể cả những gì nhỏ bé nhứt, tầm thường nhứt
như tình yêu của chàng trai và cô gái đó‘’.
Bà Năm cháo lòng ‘’vẫn bán cháo lòng, lâu lâu vẫn chửi thằng con mà giống như
bà chửi cả nước‘’
Đọc Tiểu Tử, người ta không thể không xúc động... Nhưng văn Tiểu Tử cũng đầy
nét khôi hài, những nhận xét ngộ nghĩnh. Phòng mạch của Thầy Năm Chén ‘’bịnh
nhơn cũng vắng. Làm như người ta sợ quá rồi… quên bịnh. Trái lại, bên phía chuà
thì lại đông người lui tới và ngày nào cũng có người. Làm như người ta chỉ còn
biết… dựa vào Phật‘’. Qua vài nét chấm phá, ông ghi lại những cảnh trái tai gai
mắt, những cảnh lố bịch của những người thắng trận. Những cảnh không biết nên
cười hay nên khóc diễn ra trước mắt, mỗi ngày, chỉ cần ghi lại, không thêm thắt,
bình luận. André Gide: Plus un humouriste est intelligent, moins il a besoin de
déformer la réalité pour le rendre significative (Một nhà khôi hài càng thông
minh, càng không cần bóp méo sự thực để làm cho nó có ý nghiã). Tiểu Tử không cần
bóp méo sự thực, chỉ việc cúi xuống lượm, ghi lại những cái lố lăng, đảo lộn
luân thường diễn ra mỗi ngày, trước mắt.
Muốn hiểu lịch sử, hay xã hội trong một giai đoạn lịch sử, không gì hơn là đọc
các nhà văn. Hơn là những sử gia, những nhà biên khảo, nhà văn, trong vài chữ,
vài nét, cho thấy mặt thực của xã hội. Văn chương đi vào trái tim, trong khi
biên khảo chỉ đi vào trí óc. Không có xúc động, rất khó có cảm thông, không có
cảm thông, không sống với người trong cuôc, làm sao hiểu được? Một câu danh
ngôn: ‘’một người chết là một bi kịch, một triệu người chết chỉ là một con số
thống kê‘’. Tiểu Tử không làm thống kê, ông ghi lại bi kịch của một nhân vật, của
tôi, của anh, của mỗi người. Mỗi câu chuyện cuả ông là một bi hài kịch (farces
tragiques) của một thời đảo điên.
Truyện ngắn Tiểu Tử, với lối hành văn bình dị, linh động là một cuốn tự điển sống
của ngôn ngữ miền Nam thời chưa loạn. Đó là kho tàng quý, trong khi ở hải ngoại,
chữ Việt càng ngày càng lai Tây, lai Mỹ; trong nước càng ngày càng lai Tầu, với
những chữ, những lối nói ngớ ngẩn, đôi khi kỳ quái, khiến tiếng Việt không còn
là tiếng Việt, báo hiệu một ngày người Việt không còn là người Việt. Truyện ngắn
Tiểu Tử là những giọt nước mắt, những tiếng thở dài, nụ cười trong những ngày
bình an và ngay cả trong cơn đớn đau cùng cực. Ông là một nhân chứng quý báu của
một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt./-
Từ Thức
Từ Thức tên thật là Trần công Sung, cựu phóng viên khóa 1
VNTTX-AN.