10 giờ sáng chủ nhật, nắng còn dịu. Từ đường phố, Lam rẽ trái rải từng bước,
chốc chốc đứng lại ngắm hai bên. Xe đạp, xe gắn máy, xích lô, người đi bộ khá
tấp nập, không kém ngoài đường chính. Nhiều người đọng mắt nhìn Lam. Anh đã
quen, hồi mới về nước người ta nhìn chòng chọc mới ghê.
Từ khách sạn Lam có thể theo đường trong, đường tắt để tới đây nhưng anh đã đi toàn đường lớn bao ngoài. Đường trong là từ phía ngược chiều Lam đang đi. Là đường hồi xưa học trò ở xóm này đi học về.
Còn cách nhà Tứ một đoạn Lam đứng lại bên gốc dừa, châm thuốc. Cũng khoảng
này hôm qua anh quyết định chạy thẳng. Lúc đó anh chợt nghĩ đậu xe cái xịch
trước nhà Tứ là trịch thượng. Việt kiều là sự kiện. Việt kiều tự lái xe hơi là
hiện tượng. Lam muốn tìm thăm Tứ như hồi trước mỗi lần nghỉ học ở Saigon về.
Lúc đó mang giày da, bây giờ mang săng-đan.
Lam ngập ngừng kêu cửa. Tiếng bước chân từ đâu đó trong vườn. Từng tiếng
thủng thẳng đó tới gần, gần hơn, dừng sát cổng. Im lặng.
Bà lão ngày xưa, à là u già đây, mắt trũng nhìn qua khe cửa ngang tầm ngực
Lam. Im.
– U cho con vô gặp cô Tứ.
Tiếng dép lê, bóng U lùi xa khe cửa, lắp bắp gì không nghe được. Lam giơ tay
lên quay cái khoen cài cửa, bước vô. Khép cửa, quàng cái móc trở lại, anh nói:
– U còn nhớ con không, hồi đó tới chơi với Tứ.
Bà quay lưng, dò từ bước. Lam nghe như bà lẩm bẩm “Tình, Tứ gì…chết cả rồi
…chết cả…”.
Biết là U lẩn thẩn, biết là mình nghe không chắc mà Lam bất giác lạnh người.
Lam bước theo U. Lưng bà còng muốn gập, lò dò không gậy cũng lạ. Vôi trên
tường nhiều lớp, có chỗ lớp ngoài bung lộ lớp trong, ở dưới chân phủ rêu xanh.
Về Saigon làm việc đã mấy năm, toàn tiếp xúc với hiện tại, với hiện đại, với
ngoại kiều, Việt kiều, với ‘đổi mới’; phút này Lam cảm thấy mình thật sự trở về
Việt Nam. Đứng ở đây, với chừng này, anh lại rùng mình, tính quay trở ra. Anh
nhìn thấy cuốn nhật ký mình không viết mà mình đã đốt đang tự lật trang trước
mắt.
– Lam, có phải Lam không?!
Nghe tiếng reo và bước chân, sững người Lam nhìn Tứ dừng lại cách mình một
khoảng. Trong hiên nhà bà lão mặt nhìn ra, chân dò lùi dò lùi, ghé ngồi hẵn vô
chiếc xích đu, nếp nhăn gom lại hướng hai người.
Lam chưa kịp đáp, nhìn Tứ bất động; nét mặt không còn dư âm của lời reo vừa
nghe. Mình tính gặp, mình tính lui. Lam nói:
– Cũng muốn thăm Tứ khỏe?
Đặt một tay lên cổ, Tứ bước tới một bước, buông thỏng hai tay:
– Ồ…anh Lam mời anh vào nhà…
Hai người lên tam cấp, u già đã biến mất. Lam nói:
– Trời mát, hay là ngồi đây cho thoáng.
– Vâng, anh Lam ngồi đợi tí tôi lấy nước, anh uống cà-phê hay trà.
– Tôi đã cà-phê Bốn Mùa với Hoà, Tứ cho trà đi.
Tứ vô nhà. Nhìn Tứ khỏe, có da có thịt. Đồ bộ Tứ mang cổ thuyền rộng, vải
hoa nhẹ, mỏng. Hình ảnh một phụ nữ thoải mái, an nhiên trong nhà mình.
Giàn bông giấy đủ màu bao dày mấy cột trụ và từ trên mái nhà rủ xuống quanh
hiên. Một không gian nửa ngoài trời nửa trong nhà, thân mật mà khoáng đãng. Lam
bước ra đứng tựa lan can, châm thuốc.
Tứ bưng ra một cái ghế đẩu. Lam nghĩ mình sẽ ngồi chỗ đó. Tứ đã thay quần
tây, áo sơ-mi nữ xám tro, cổ tròn. Tứ nói:
– Anh Lam cứ hút tự nhiên đừng ngại. Ông xã tôi, à nhà cách mạng Tiến ấy mà,
anh Lam còn nhớ không, ổng là ống khói tàu, dễ ngày hai gói không chừng.
Lam dụi thuốc. Nghĩ xong ly trà chào đi là phải đạo. Tứ nói:
– Ồ không anh Lam, ghế này chốc nữa đặt khay trà. Một lúc nữa là nước sôi.
Nước mới chứ trong phích cũ rồi.
– Cũng được mà. Tôi lang bạt tứ xứ nên không như các cụ đâu. Chỉ mong có dịp
này chúng ta thăm hỏi. Hơn 20 năm không gặp. Thú thật cuộc sống bận rộn nhiều
khi quên bẵng.
Tứ vổ nhẹ xích đu, nói:
– Anh ngồi đi, Tứ vào lấy nước.
– Hay để Lam phụ một tay.
– Không, không gì đâu. Lam hút thuốc đi, sẽ có cái để gạt tàn.
Tứ trở ra, bưng khay bình trà, hai tách và cái gạt tàn nhựa nâu có nhiều
thời Mỹ. Lam nhận cái gạt tàn để xuống nền gạch bông mé mình. Tứ vừa chiết trà
vừa nói:
– Đấy là anh Tình. Lúc đi học đã hút. Đi lính về phép còn hút ngay trên
giường. Đúng ra phải tống táng theo anh ấy.
Hai người cầm tách nhấp trà nóng, hương lài dịu. Lam nói:
– Anh Tình.. chị Tình… cu Tí… Lam còn nhớ…
Tứ đặt tách xuống, nói:
– Thôi quên đi. À Anh Lam về chơi bao lâu?
– Về đây là đưa vợ con nghỉ hè. Tụi này đã từ Mỹ về ở Singapore hai năm, tôi
qua Saigon làm việc cho công ty dầu lửa, vài tuần về Singapore một lần. Lần này
bà xã đem hai đứa nhỏ qua, tôi lấy ngày nghỉ thường niên đưa ra đây chơi.
Lam ngạc nhiên mình tóm gọn được như thế. Tứ nói:
– Ra vậy. Đã hai năm. Anh Lam đã quen với cuộc sống ở đây chưa. A, là chuyên
gia dầu khí cơ đấy.
– Có gì mà quen, quê mình mà, lại nữa tôi ở tới 80 mới vượt biên; lại nữa
cũng giống như mấy ngàn người từ ngoại quốc do các công ty cử về làm việc,
chúng tôi có thể sống rất biệt lập nếu muốn tránh phiền toái.
– Một loại nhà tù hạng sang tự dựng lên?
Lam nhìn Tứ, không chắc cái nhếch mép thoảng qua là dấu hỏi hay dấu than, là
thương hại hay trách móc.
Tứ nói:
– Anh Lam nói làm tôi nhớ con bé Lan, cháu mười tám đã du học bên Úc gần
năm, “mẹ ạ, đừng lo cho con, bên này có kỳ thị, có nhiều cái linh tinh thật
nhưng mình có thể sống rất biệt lập nếu mình muốn; con thì con muốn lăn vào thử
hết nếm hết như bọn nó, con muốn đi học đi làm đi ăn đi chơi với chúng. Có tất
bật phiền toái đấy nhưng tất cả là sống cho mình, cá nhân mình”. Nghe thế anh
Lam có hiểu, có làm cha mẹ yên tâm không?
Lam cười, nói:
– Thằng lớn của tôi mới tám tuổi mà đã có lúc tôi không hiểu. Tụi nhỏ bây
giờ lớn lên trong thanh bình, tự tin, tự do hơn.
– Hồi trước chúng ta cũng tự tin chứ.
– Chắc chắn rồi. Còn lý tưởng nữa. Nghĩ đến những chuyện lớn lao mà tụi nó
bây giờ không tưởng tượng hoặc không màng tới.
Tứ không dấu nụ cười, nói:
– Anh Lam muốn ‘khía cạnh’ là chưa trưởng thành mà đi làm cách mạng, định
đoạt sinh mệnh người khác!
– Không dám. Nhiều khi đám đông chịu hệ lụy không ngăn được tiếng thở hắt ra
mà Tứ. Chôn sâu mấy cũng có lúc trồi lên. Xin lỗi nhe. Mình nói chuyện thường
thường đi.
– Để tôi lấy hình Lan anh Lam xem.
Lam moi trí nhớ thử hình dung Tiến. Con gái hai người này tất phải đẹp, kết
hợp cái phúc hậu của mẹ với cái đẹp trai rắn rỏi của cha. Lại là gia đình cách
mạng thắng cuộc, kiêu sa đây.
Tứ lựa mấy cái hình 6×9 đưa cho Lam:
– Đây, mấy cái này lúc gần đi Úc.
Lam nhìn kỹ từng tấm. Cầm một cái chụp chính diện như hình căn cước, anh
ngước lên nhìn sang Tứ, so sánh, hai chục năm không thay đổi gì mấy, còn nguyên
cái phúc hậu thông minh, nhìn cặp mắt có thể bắt được cái nghịch ngầm. Tứ
nghiêng qua, để yên mặt cho Lam nhìn; như những lần họ thách đố nhau
những chuyện không đâu vào đâu; lúc này thì như khuyến khích.
– Anh trông cháu giống ai.
Lam nhìn lại hình con bé Tứ hồi đó, y chang thật! Ơ, con bé đeo kiếng cận,
vậy là có khác. Kiếng con bé là loại thô, cho học sinh, nữ sinh chưa biết làm
dáng. Nhìn nó Lam nhớ hình mình trong mấy thẻ học sinh hồi đó. Anh đưa tay gở
mắt kiếng mình xuống, quay lên nhìn lại Tứ đúng lúc Tứ quay mặt nhìn ra
cổng.
Lam nói:
– Chắc tôi phải trở ra biển. Được đến thăm Tứ sức khỏe là mãn nguyện.
Tứ không nhìn lại, như mãi xem truyền hình chiếu từ hai cánh cổng.
Lam nói:
– Cám ơn Tứ, tôi đi đây.
Tứ vẫn sững sờ, đứng lên:
– Cám ơn anh Lam bỏ thì giờ đến thăm. Hai mẹ con tôi vui khỏe là hạnh phúc
lúc này. Chúc anh Lam và gia đình luôn được vui vẻ hạnh phúc.
Cuộc viếng thăm thế này là tốt. Người lớn gặp nhau thể này là tốt. Không
thẳng chân dẩm vô quá khứ. Không lập trường chính trị màu cờ sắc áo. Không bào
chữa giải thích. Không tiểu thuyết, không cải lương.
Lam bước xuống tam cấp, nghe tiếng xích đu, biết là Tứ ngồi trở lại. Bước
chậm, Lam nhìn những chậu mai tứ thời, những chậu cây lá mít ngũ sắc; lòng trĩu
nặng ngoài ý muốn. Sẽ quay lại nhìn và chào khi đưa tay mở cổng.
– Lam, Lam! Lam!
Tiếng Tứ reo y như lúc đầu, khi tay Lam đang nâng khoá cửa. Tứ phóng từ trên
hiên xuống tam cấp, tay dang lao tới vòng ôm; lưng Lam dội vô cánh cổng. Ngoài
tiếng nước mắt tuôn xuống cổ Lam và tiếng lưng Tứ đập dồn dập dưới hai tay Lam,
Lam nghe cả người mình rối loạn; anh chỉ biết siết chặt điểm tựa, để nghe thêm
được nhịp thổn thức dội sâu vô ngực mình.
Đằng kia U già đứng xéo trong vườn nhìn ra, một lúc, lẩm bẩm gì đó, quay đi vô
phía nhà ngang.
Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi