Siêu thị Walmart đang biến những bãi đậu xe của 160 cửa hàng
thành rạp chiếu bóng ngoài trời. Dân làm ăn có khác. Họ nhạy bén ngay từ những
giây phút đầu. Chẳng là, với Covid-19, các rạp xi nê chịu chết, cửa đóng then
cài, dân ghiền màn ảnh bỗng bơ vơ, cái thú nghếch cổ nhìn một thế giới ảo diễn
ra trước mắt không còn nữa, coi xi-nê ngoài trời là một thứ điền vào chỗ trống
có thể chấp nhận được.
Thực ra, với việc mở cửa dần dần, các rạp chiếu bóng phần lớn đã được cởi trói. Tại Montreal chúng tôi, vài rạp đã chùi rửa sạch sẽ, tái khai trương cho dân ghiền xi-nê khỏi ngóng. Nhưng mở mà có rất nhiều hạn chế. Về phía chủ rạp, tối đa chỉ được phép có 50 khán giả cho mỗi xuất chiếu. Phải chùi rửa kỹ càng khắp nơi khắp chỗ, từ ghế ngồi tới tay vịn lan can. Khử trùng sạch sẽ sau mỗi xuất chiếu. Lời lãi chi nữa! Về phía khán giả, nhiều vị rét. Chui đầu vào một không gian kín bưng, liệu con virus nhỏ xíu có thăm hỏi chăng? Chiếc khẩu trang có vướng víu làm ngại ngùng việc chui vào rạp không?
Thực ra ngày nay coi xi nê không nhất thiết phải bước ra khỏi
nhà. Bỏ vài đô là có thể order coi bất cứ phim mới nào trên ti-vi trong
nhà. Nếu rước anh Netflix vào thì tha hồ coi, mỗi tháng chỉ chi ra có hơn chục
đô. Nhưng coi xi-nê không chỉ là coi xi-nê, còn có những thứ bên lề nữa. Coi và
ăn là hai chị em thân thiết. Mắt coi nhưng miệng phải nhai popcorn. Dân
ta còn ô mai cho đỡ buồn miệng. Những ngày Sài Gòn còn có cóc dầm, me chua, ổi
chấm muối ớt. Và đánh chết cũng phải có một thanh kem (quên tiêu mất tên!) chỉ
có tại rạp Rex cho bằng anh bằng chị. Lại còn cái không khí nữa. Ngồi nhà coi
phim chỉ mới hưởng được nửa cái thú. Nửa kia không thể có được.
Coi xi-nê bãi là lái xe hơi vào, ngồi ngay trong xe hơi coi,
chẳng phải nhọc công đi đứng. Rất riêng mà cũng đông vui. Muốn uống nước, ăn bắp
rang sẽ có người mang tới tận nơi. Màn ảnh, nói theo ngày xưa, “đại vĩ tuyến”
to bằng vài chục chiếc chiếu. Nếu là một cặp nhân tình thì nhất. Tiện lợi trăm
bề. Vậy nên tay tổ trong thương trường Walmart mới tính tới chuyện hốt bạc. Họ
hợp tác với công ty truyền thông Tribeca Enterprises để bảo đảm kỹ thuật.
Tổng Giám Đốc Jane Rosenthal của Tribeca Enterprises hân hoan: “Rạp chiếu
phim ngoài trời là một chương trình thu hút được nhiều khán giả của chúng tôi,
và được khởi xướng cách đây 19 năm sau ngày 11/9. Bây giờ các rạp chiếu phim
xem trong xe của chúng tôi không chỉ là một cách xem phim cổ điển mà còn là một
cách để các cộng đồng tụ họp an toàn. Chúng tôi rất mừng vì được hợp tác với
Walmart để giúp được nhiều khán giả thử được lối xem phim đã làm chúng tôi nổi
tiếng”. Họ dự định hoạt động từ tháng 7 đến tháng 10 và trình chiếu tổng cộng
khoảng 320 phim.
Tôi phải thú nhận là tôi rất nhà quê. Ngay từ ngày còn ở
trong nước, coi phim Mỹ đã thấy trên màn ảnh có những cảnh trai gái ngồi trong
xe vừa coi phim vừa đóng phim. Lúc đó mơ mơ mộng mộng. Mộng có ngày dẫn được một
em đầm thơm phức ngồi trong xe coi phim bãi. Phim gì cũng được vì đâu có cần
thiết! Sang bên đây, có xe có cộ đàng hoàng, nhưng kiếm đỏ mắt không ra một rạp
chiếu phim bãi, nói chi tới việc thiên nan vạn nan là kiếm được một em đầm,
thơm hay không thơm hạ hồi phân giải.
Thực ra ngày nay chuyện coi phim ngoài trời hầu như đã mai một.
Nhờ có Covid-19, nó mới sống lại. Tại khắp nơi trên thế giới. Bãi chiếu phim nằm
khắp chốn. Sân vận động, parking nơi sân bay hay chỉ là một khoảng đất
trống trên một cánh đồng đều có thể biến thành rạp hết. Sau trận đại dịch hiện
nay, lối sống trên thế giới sẽ thay đổi. Chẳng cần là nhà tương lai học, chúng
ta đều biết như thế. Ngay trong cách nói cũng có nhiều câu xem ra không đúng.
Câu thông thường nhất khi diễn tả sự gặp gỡ, “tay bắt mặt mừng”, nay quê xệ, chỉ
đúng có một nửa. “Mặt mừng” thì được nhưng “tay bắt” thì chớ. Cái tay ngày nay
dùng để rửa chứ không để bắt. Muốn chạm vào nhau, người ta chạm cùi chỏ, đầu gối
hoặc cái bàn tọa, tùy theo tình thân. Các chánh khách, uy nghi có dư, nay gặp
nhau cũng giơ khuỷu tay ra dọa nhau. May mà có nụ cười. Nếu không cứ tưởng là
chuyện so găng.
Thực ra chuyện coi xi nê ngoài trời rất thịnh hành vào khoảng
thập niên 1950-1960. Ngày đó nước Mỹ có lúc đã có tới 4 ngàn rạp bãi. Hồi đó,
hình thức coi phim này đã là biểu tượng của văn hóa Mỹ. Họ rất tự hào về sáng
kiến này. Vì vậy hồi còn ở trong nước tôi mới thấy loại rạp này trong một vài
cuốn phim ca nhạc với thần tượng Elvis Presley. Nhưng dần dần những tiện nghi tại
các rạp chiếu phim ngày càng quyến rũ, kỹ nghệ ti-vi tiến mạnh với những máy có
màn ảnh lớn đã giết chết các rạp chiếu phim ngoài trời. Người ta thống kê tại Mỹ
chỉ còn 305 rạp, phần lớn tại miền quê.
Một rạp xi nê lộ thiên.
Phục vụ nước và popcorn tại bãi xi-nê xe.
Cái thứ tưởng sẽ mai một với những tiện nghi hiện đại, nay bỗng
cùng Covid-19 tưng bừng ngóc dậy. Ông John Watzke, chủ rạp Ocala Drive-In
ở thành phố Ocala, tiểu bang Florida, cho biết doanh thu của ông đã tăng lên
khoảng từ 50% đến 60%. Thường rạp của ông chỉ có khách trong hai đêm cuối tuần,
nay đêm nào cũng đầy khách. Ông khoái chí phát ngôn: “Dịch vụ ngồi xe hơi xem
phim ngoài trời này là một biện pháp tuyệt vời trong mùa đại dịch này. Mọi người
rất an toàn trong xe của họ. Từ lúc ra khỏi nhà để tới rạp chiếu phim, họ vẫn
thi hành đúng việc giãn cách xã hội bởi chỉ ngồi trên xe. Chiếc xe hơi gần như
là một phần mở rộng của phòng khách nhà họ vậy. Đây là cách thức mà những người
đam mê điện ảnh đã từng sử dụng trong rất nhiều giai đoạn của lịch sử như trong
thời chiến, bạo động và dịch bệnh”.
Theo ông Blake Smith, chủ nhân các rạp Admiral Twin
Drive-in ở Tulsa, tiểu bang Oklahoma, và rạp Starlite Drive-in ở
Wichita, tiểu bang Kansas, thì đây là một dịp tốt nhưng chắc không lâu dài.
Covid-19 dù có ngoan cố tới đâu cũng có lúc sẽ bị đuổi chạy có cờ khi các nhà
khoa học tìm được thuốc chủng ngừa mà người ta đang hy vọng sẽ có trong một thời
gian không xa. Lúc đó, khán giả sẽ lại trở về các rạp chiếu bóng trong nhà, dù
sao cũng quen thuộc và dễ dàng vào cửa hơn.
Trong khi chờ đợi tới ngày đó, chuyện kéo nhau ra ngoài trời
coi các minh tinh tài tử mần trò ngày nay đã trở thành chuyện quốc tế. Nước nào
cũng vậy. Âu châu cũng như Á châu, Mỹ châu cũng như Phi Châu. Tại thủ đô Hán
Thành của Đại Hàn, rạp Park Dong-ju có số khán giả tăng khoảng 20% các
ngày trong tuần. Cuối tuần thì khỏi nói, khó mà chen…xe vào lọt. Nam thanh nữ
tú phải lo đặt vé online trước. Cô Choi Jin-young, 22 tuổi, đã từng phen
vất vả chờ tới hai tiếng đồng hồ mới lấy được vé. “Tôi muốn đi chơi cuối tuần với
bạn trai nhưng từ khi các rạp chiếu phim trở thành các địa điểm rất đáng lo ngại,
chúng tôi phải chọn các địa điểm khác để hẹn hò. Vậy nên chúng tôi chọn
cách này”.
Cô Choi Jin-young không sai. Tuy ngồi trong xe của mình
nhưng mỗi khi vào xem chiếu bóng ngoài bãi không đơn giản. Thú thật tôi vẫn tưởng
là muốn coi, chỉ cần lái xe qua cổng, chìa vé ra, tới một chỗ đậu, nghểnh cổ
lên màn hình. Nhưng chuyện thực tế rắc rối hơn nhiều. Khi lái xe qua cổng, xe sẽ
được phun thuốc khử trùng, người ngồi trong xe không được quá số quy định. Khi
mua vé trên mạng, khách sẽ nhận một mã số, không có vé bằng giấy như thường lệ.
Quẹt mã số tại một máy nhận diện, xe sẽ được vào rạp lộ thiên. Không có chuyện
soát vé, trao qua trao lại tấm vé như chúng ta đi coi xi nê trong rạp. Con người
bây giờ phải tránh xa nhau. Mỗi người đều được coi như có virus tiềm ẩn.
Rạp đã có những vạch vẽ để xe đậu vào đúng từng ô. Mỗi ô cách nhau cỡ 3 thước.
Muốn mua nước uống hay popcorn sẽ đặt mua qua điện thoại. Có người mang
đến tận xe. Không việc chi phải bước ra khỏi xe cho con virus có dịp tới
làm quen. Tới đây tôi phải nêu ra một thắc mắc…thầm kín. Lỡ cái bụng óc ách cần
giải tỏa thì mần răng? Quê mùa như tôi, chưa bao giờ coi xi nê ngoài trời,
không mường tượng được chuyện này sẽ được thu xếp sao cho gọn gàng. Nếu có hệ
thống nhà vệ sinh thông thường thì khách kéo xuống xe đi tìm…chân lý hà rầm,
sao mà giãn cách, sao mà tránh lây lan dịch bệnh? Nếu cứ thúc thủ ở trong xe
thì làm sao mà thải? Nghĩ tới nát óc cũng không thể…eureka! Tôi để ý thấy
trên Facebook lóng rày có nhiều cái quảng cáo lạ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Đó là quảng cáo dụng cụ…giải phóng. Thứ cho các ông thì dễ. Chỉ là một cái ống
nối vào miệng một cái hũ. Cái cho các bà rắc rối hơn một chút. Không bắt thẳng
vào miệng hũ mà phải qua một dụng cụ trông giống như chiếc phễu. Không thẳng đứng
như chiếc phễu dùng để chiết nước mắm mà nằm ngang rất dễ sử dụng. Tôi nghĩ
trên đời ít chuyện tình cờ. Sự xuất hiện những quảng cáo dụng cụ này liên tục
trên mạng chắc cũng mang ý nghĩa nào đó.
Ngồi riêng tư trong xe coi phim là một điều thú vị khi chỉ
có hai ta trong xe. Chuyện đi xi nê hai người trong các rạp không được tiện lợi
như vậy. Muốn có một không gian riêng, các cặp tình nhân phải tìm những góc vắng
vẻ, tránh xa cặp mắt của những khán giả khác. Thời khắc này là thời khắc vàng để
họ chứng tỏ tình yêu. Hai chiếc ghế có khi là thừa. Nhớ ngày đó tại Sài Gòn,
khi rạp Mini Rex có loại ghế đôi, khách son trẻ tới coi tấp nập, không cần biết
rạp chiếu phim chi. Họ cần chỗ hơn cần phim. Rạp Mini Rex chỉ…cách mạng tới thế
là hết. Tại các nước văn minh khác người ta tiến bộ hơn nhiều. Rạp Olympia ở thủ
đô Paris của Pháp đã có rạp chiếu phim giường nằm. Khán giả không mua ghế mà
mua giường. Giường cũng chăn nệm, gối ghiếc như mọi chiếc giường của chúng ta tại
nhà. Khán giả nằm phè ra coi phim. Bên giường còn có những chiếc bàn nhỏ để nước
hoặc các thứ đồ ăn vặt. Tiện lợi hết sức. Tuy rạp Olympia chỉ mở cửa loại rạp
này trong một thời gian ngắn để quảng cáo cho một tiệm bán đồ gỗ nhưng ý tưởng
đáng đồng tiền bát gạo này được nhiều rạp tại nhiều nước bắt chước để kiếm bộn
tiền.
Rạp Electric ở Notting Hill, Luân Đôn, là một rạp lâu đời ở
Anh. Không như rạp giường nằm ở Pháp, rạp ở Anh nửa nạc nửa mỡ vừa có giường nằm
vừa có ghế ngồi để thu hút được cả hai loại khách. Loại thích ngồi ghế và loại
thích nằm giường. Rạp Blitz Megaplex ở Jakarta, Indonesia, có lẽ là rạp giường
nằm đầu tiên ở Á châu. Chuyện này khiến tôi lại phải nghĩ ngợi. Nếu không có biến
cố 1975, không hiểu Sài Gòn có tiến tới rạp giường nằm không? Tôi nghĩ rằng có,
dù sao Hòn Ngọc Viễn Đông cũng không thể tụt xa hơn các nước lân cận khác. Lại
nghĩ thêm, lúc đó thế hệ chúng tôi đã vợ con đùm đề, chúng tôi có cái thú vợ chồng
con cái lê la trên giường coi phim không. Thiệt là một vấn nạn khó mường tượng
ra!
Năm 2012, phim “Life of Pi” làm mưa làm gió trên các
màn ảnh khắp thế giới, khu thể thao Espace Sportif Pailleron ở Paris đã
có sáng kiến dùng bể bơi dành cho các cuộc thi đấu thể thao làm nơi trình chiếu
bộ phim này. Phim “Life of Pi” lấy khung cảnh biển cả sóng nước dập dềnh.
Người ta làm những con thuyền giống như thuyền của Pi trong phim, thả trong bể
bơi, để khán giả ngồi trong thuyền có cảm tưởng như đang cùng bềnh bồng với
nhân vật trong phim.
Tại Luân Đôn, người ta có sáng kiến xếp những hồ bơi tròn nhỏ
bằng plastic trước màn hình đại vĩ tuyến. Khách mặc quần áo tắm, ngồi
ngâm nước cùng người yêu hay gia đình, coi phim một cách mát mẻ!
Đó là những chuyện xảy ra trước khi chị Covid-19 tới thăm
chúng ta. Trước khi chị giá lâm, chúng ta đã có một thời gian sống theo ý
thích. Chuyện chi cũng có thể làm được. Chuyện gài chút lãng mạn vào thú xem xi
nê của chúng ta chẳng hạn. Ngồi trong phòng tối, nghếch mặt lên màn hình, riết
cũng nhàm chán. Người ta mang màn ảnh ra ngoài trời, tìm một chút không khí mới
cho thú tiêu khiển đã trở thành cũ. Ngồi trên ghế nệm như trong rạp chứ không
phải trong xe hơi. Dân Ý vốn có một nền văn hóa lâu đời với những thành quách cổ
xưa. Đế quốc La Mã đã có một thời kỳ rực rỡ. Kỹ nghệ điện ảnh có nhiều phim nói
về thời kỳ này. Người ta đã có sáng kiến chiếu những phim lịch sử La Mã ngay
trong những di tích của đế quốc này. Tại đấu trường Coliseum ở La Mã, người ta
đã biến thành một rạp chiếu phim lộ thiên. Ngồi ngay tại phế tích xưa, nhìn
trên màn ảnh những nhân vật nam trong những bộ quân phục cứng như sắt thép, những
nhân vật nữ với những manh áo choàng tha thướt tưởng kín đáo nhưng lại lộ liễu
một cách cố ý, nhìn khung cảnh đền đài giát vàng lộng lẫy, đi đứng, nói năng
trong khung cảnh xưa còn sót lại, khán giả như sống thực mà giả, giả mà thực, lẫn
lộn nhau. Đó là một kinh nghiệm nhớ đời của một lần thưởng thức nghệ thuật thứ
bảy.
Tại Sydney của Úc, người ta cũng đã dựng một rạp chiếu phim
lộ thiên ngay bên bờ sông. Khách vừa coi phim vừa chìm đắm trong khung cảnh hữu
tình với sông nước trước mặt.
Tại bãi biển Amante ở Ibiza, Tây Ban Nha, rạp chiếu bóng
ngoài trời được thiết lập trên một ngọn đồi. Khách vừa xem phim vừa ngắm cảnh
thành phố rực rỡ ánh đèn ở phía dưới.
Các nhà tổ chức có nhiều sáng kiến làm cho việc coi xi nê
như một kinh nghiệm thích thú để đời. Nhưng đó là thời kỳ trước khi chị
Covid-19 giáng trần. Sự xuất hiện của chị đã làm đảo lộn cuộc sống, đẩy chúng
ta vào một thế giới đầy lo âu khắc khoải. Có cố gắng lắm thì chúng ta cũng chỉ
“vui là vui gượng kẻo là”!
07/2020
Song Thao