Anh Đỗ,
Tôi đã ở Huế từ trong bụng mẹ đến cuối năm thứ hai mươi tám của cuộc đời. Huế đã mang thai tôi, đẻ ra tôi cho đến khi tôi đi lạc vào Sài-gòn. Từ hơn hai năm nay tôi ở nhà thuê, nói tiếng Bắc, ăn chả giò, ăn bún riêu, canh chua cá dấm, thịt bò vò viên, mía ghim… Hôm nào anh vào Sài-gòn tôi sẽ đãi anh ăn một bữa thịt bò bảy món (mọi lần gọi là “bò bụng” vì ăn vào đầy một bụng thì thôi). Đàn ông ở Sài-gòn ăn chua dữ lắm anh Đỗ ạ! có nhiều ông vác cả trái cốc dầm cam thảo vừa đi vừa ăn lêu nghêu dọc đường.
Tôi cam đoan không có người Huế nào yêu Huế bằng tôi mặc dầu tôi đã bỏ Huế
mà đi gần ba năm nay. Tôi là một trong những người yêu Huế nhất với cái bằng
chứng: tôi chỉ viết được lai rai vài ba tác phẩm thôi mà cuốn nào cũng nói về
Huế. Huế! Huế! hễ cứ cầm cây bút lên là Huế! (Tôi yêu Huế chứ không phải yêu
người Huế). Phải là một thứ tình đậm đặc, kéo xiết khốc ác và cưỡng bức thế nào
tôi mới viết về Huế hết mình như vậy! Mặc dầu có những người Huế không bằng
lòng tôi viết ra một cái-Huế-như-vậy! Nhưng văn chương là viết những điều mình
nghĩ và không làm dáng. Tôi chỉ đặt vấn đề là tôi thương Huế mà thôi! Bỏ Huế mà
đi lòng nhớ trời, nhớ khoảng thiên nhiên. Tôi không yêu một thứ vẻ đẹp cấm
cung, một thứ vẻ đẹp hạn hẹp, mà yêu bao la cả một khoảng thiên nhiên. Huế đẹp
từ một vũng nước đọng bên đường đến lượng cả con Hương-giang, từ cọng rau muống
bờ hồ đến cây phượng già xanh lục. Có nhiều hôm đi xe đạp lên cầu ga nhìn dãy
núi lam phía sau cầu Bạch-hổ mịt mịt mùng mùng mà tưởng cái phần hồn của từng
kiếp người cũng có thể dăng dài keo kéo dãy như vậy! Những đêm mùa đông, những
con “ệng oạng” kê mõm khoắc khoải kêu khan từ những ao rau muống… Kêu chi mà
khổ, mà trầm thống! Thêm vào đó, tiếng rao hàng dài lê lết: mua trứng lộn! mua
trứng lộn… Trời ơi! tiếng kêu của miếng ăn sao mà buồn đến thế! nhức xương buốt
tủy mất! Tưởng tượng mở cửa kêu vào chắc mình phải ôm cô hàng trứng mà khóc
ngất! Rồi cái quán cơm, quán cơm cũng mang tên Âm-phủ ăn dưới ngọn đèn tù mù…
và con đường Âm-hồn, tiếng chuông chùa Diệu-đế… Cực lòng quá Huế ơi! Tôi đi!
Tôi đi… ở với Huế buồn lắm… Vào Sài-gòn họa may có một nụ cười…
Buổi sáng tôi đi, tôi ôm gói áo quần xuống phi trường Phú-bài. Huế của tôi,
tôi biết, không bao giờ khóc người đi và cũng chẳng bao giờ mừng người trở lại.
Huế của tôi không yêu ai mà cũng chẳng phản bội ai.
Anh Đỗ, khi chân vừa chấm đất Sài-gòn, tôi nhìn lại chiếc tàu bay mà lòng co
quắp đau đớn: thôi! mất Huế hẳn rồi. Tôi thương con đường Phan Chu Trinh với
ngôi nhà thềm trắng, bồn hoa violette, hai cây dừa xiêm giắt những gói muối, và
bến sông thân yêu trước mặt. Tôi biết rằng rồi đây người Huế sẽ lần lần từng
người từng người rủ nhau bỏ đi. Vì đó là mảnh đất tán chứ không phải tụ. Trời
ơi! ra đi như vậy thì còn để ai ở lại mà ngắm, còn để ai ở lại mà làm người
mộng áo trắng qua cầu, tóc thề vương vương con đò Thừa-phủ. Ngày chưa chia ly,
ngày Huế chưa chia ly với tôi và với những người khác, dân cư cũng đã quá thưa
thớt, nhà cửa cũng ít ỏi… Năm 1963, hai chiếc taxi Sài-gòn ra Huế chạy rước
khách kiếm sống nhưng không kiếm được chút đỉnh gì đành phải quay lui lại
Sài-gòn. Anh Đỗ, Huế thừa lẽ sống nhưng lại thiếu kế sống. Thành phố rất tinh
thần, chỗ đất rất thần kinh. Những ai không chịu được nỗi buồn cưỡng bức, những
ai giá áo túi cơm đều tìm không ra lẽ để sống với Huế. Tôi đã ra đi vì sợ nỗi
buồn cưỡng bức, vì không ngửi thấy nguồn hương tinh thần dành an ủi những tâm
hồn không bao giờ chịu xa Huế. Chỉ có những người chung thủy với Huế nhất mới
ngửi thấy nguồn hương tinh thần đó. Vì rằng ngày xưa khi vua đầu triều nhà
Nguyễn đang tâm niệm tìm một chỗ đất đóng đô thì thần linh hiện lên bảo: “hãy
đứng bên trên đầu tổ quốc, hãy thắp một cây hương rồi lần theo phương Nam mà đi
xuống, đến chỗ nào cây hương tắt thì hãy đóng đô.” Vì lẽ đó Huế là đất thần
kinh. Kinh đô thần linh đối với những kẻ đeo chiếc mũi phàm tục chai sạn không
ngửi thấy nguồn hương tinh thần đầy an ủi là một giải đất buồn phải không anh
Đỗ. Buồn quá mà tôi đi phải không anh Đỗ? phải không Huế?
Anh Đỗ! chào anh.