Cứ bắt chước nói ngọng rồi mình cũng nói ngọng
núc lào không hay!
Bạn bè gửi cho bài viết này. Quả thật, đọc
vừa buồn cười vừa rất xấu hổ. Chưa bao giờ “L” “N” trong giới quan chức VN được
phát âm lại “nẫn nộn” như hiện nay, làm trò hài cho dân chúng cười. Nên nhớ rằng,
thế hệ nhân sự cấp cao trước đây không chỉ không nói ngọng mà nhiều người còn
thành thạo cả tiếng Pháp. Ở đất nước này, trừ đa dạng tư tưởng và đa nguyên đa
đảng, còn lại ai muốn đa gì thì đa, đa thê thậm chí được ngưỡng mộ. Song ở cương
vị chính thức thì khác. Không thể xuê xoa coi lỗi phát âm là chuyện nhỏ, bởi
tính chính danh của mỗi chức vụ trong bộ máy nhà nước trước hết được thể hiện bằng
sự tôn nghiêm. Tất nhiên công lý có phần hài hước khi thẩm phán nói ngọng. Tất
nhiên nền giáo dục có phần lố bịch khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục “nuôn nuôn” nói về
“chất nượng“. Và tất nhiên những viễn kiến của ngôi sao chính trị đang lên, Bộ
trưởng Thông tin Truyền thông, khó được coi là nghiêm túc, khi ông cứ “nời giải
Việt Nam” cho bài toán Việt Nam trong “nàn sóng internet thứ ba” mà diễn thuyết.
Từ lúc nào mà chất lượng nhân sự và ngôn ngữ của quan chức cấp cao Việt Nam cứ thích đi… cầu trượt thế nhỉ?
Nếu bạn ngọng lờ-nờ và làm nghề đầu bếp, ra
chợ hỏi mua cá nóc, cuối cùng vẫn xách cá lóc về nhà, thì không có gì thật sự
đáng báo động. Song nếu bạn kiêm cả bồi bàn tiếp khách thì câu chuyện đã khác.
Trừ khi bạn trưng biển “Ở đây có nói ngọng” mà quán vẫn đông thì xin chúc
mừng, có khi bạn còn được lên CNN và trở thành một địa chỉ du lịch như bún
mắng cháo chửi; đóng góp của Việt Nam cho thế giới là những ngóc ngách độc đáo
như vậy.
Cá Lóc.
Cá Nóc.
Còn lại, nếu khách nhất định cá lóc và bạn
khăng khăng cá nóc, rồi lời qua tiếng lại, mày định đầu độc bố mày hử, rồi
nước bọt văng tới đâu dao văng tới đấy, rồi báo chí giật tít “Án mạng vì món cá
nhầm tên” – chậm nhất đến đây, là một cái thây, bạn sẽ muốn kiếp khác đầu thai
thành loài gì cũng chấp nhận, miễn lờ-nờ không lẫn lộn.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, một
trong những thánh địa của tôn giáo nờ cao nờ thấp. Bây giờ người ta phong nó
thành sự đa dạng ngữ âm vùng miền, thành phương ngữ, thổ ngữ gì đó và sẵn sàng
tuốt dao bảo vệ nó trong những cuộc thánh chiến nho nhỏ. Cha mẹ tôi không được
cấp tiến, khoan dung như thế. Cấm tiệt con cái a dua môi trường. Không nghe thì
nọc ra giường. Roi chẳng bao giờ chạm vào mông, song sự cương quyết của phụ
huynh khiến đàn con răm rắp học giọng đài phát thanh thay vì giọng hàng xóm.
Tôi đánh mất đặc sản ngữ âm địa phương và
không thấy mình nghèo đi, cũng không thấy những người bảo tồn đặc sản ấy tự hào
về một đóng góp nào cho sự giàu có của tiếng Việt. Ngược lại, họ chỉ khổ sở bởi
cái di sản bất đắc dĩ ấy, tiếng Việt chẳng keo kiệt với những tình huống éo le.
Khi họ bảo rằng trời lồm mình làm lông lên no nắng, hay nâu nâu họ đi nạc, bạn
có đủ tế nhị để không kín đáo nhếch mép? Đủ rộng lượng để chấp nhận một
giáo viên môn toán cứ nũy thừa và nôgarit mà dạy? Một giáo viên môn sử cứ từ Nạc
Nong Quân đến Ný Trần Nê? Một giáo viên môn văn cứ “Cỏ lon xanh tận chân trời“?
Chậm nhất, đến “Lao lao dòng lước uốn quanh“, “Dùng dằng lửa ở lửa về” và “Lách
tường bông niễu bay sang náng giềng“, bạn sẽ phải lờ mờ – hay nờ mờ cũng đáng
khoan thứ? – nhận ra rằng căn cứ vào vị trí thiêng liêng – hay thiêng niêng
cũng chưa chết ai? – của tác phẩm này, “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta
còn, nước ta còn“, thì ngọng lờ-nờ là một cách vô tình làm mất nước.
Đến lượt mình, tôi còn khắc nghiệt hơn hai
đấng sinh thành. Tôi không kết bạn với người mắc cái tật khốn khổ nói trên.
Tình bạn thậm chí có thể sống sót trong đống tro tàn của các chiến tuyến tư tưởng,
song lại dễ cháy rụi bởi một chất xúc tác có vẻ hiền lành như ngọng lờ-nờ. Thuở
trẻ có lần tôi phải lòng một chàng trai. Lỗi duy nhất, như thể để nêu bật sự
hoàn hảo, là chàng lẫn đúng hai cái phụ âm chẳng họ hàng gì với nhau ấy. Không
như mọi cách phát âm lệch chuẩn khác, ngọng lờ-nờ là một đột biến ngữ âm vô lý
mà chức năng duy nhất là làm mất định hướng, làm nhiễu tư duy, làm hại ngôn ngữ,
làm khổ chính tả, làm tội cái lưỡi và làm ô nhiễm môi trường âm thanh. Tôi đã
nhặt nhạnh nhúm lý trí còn lại khi người ta yêu để bỏ chạy.
Tôi có thể sống như thế nào đó cạnh một người
biến tất cả lờ cao thành nờ thấp hoặc ngược lại, dù không chắc cái tai của mình
có còn sống không. Ít ra, đó là người nhất quán. Nhưng với một người lờ nờ bất
nhất thì chịu. Nói ngọng, viết ngọng và nghĩ ngọng là bộ ba khăng khít. Ngôn ngữ
là phương tiện và biểu hiện của tư duy. Làm sao có thể tư duy bằng một ngôn ngữ
đầy lẫn lộn, dễ dãi, buông thả, vô phương hướng, vô tổ chức, vô ý thức, vô
nguyên tắc, vô trách nhiệm như vậy?
Lẽ ra toàn bộ công chức nhà nước cũng như
khối viên chức trong các ngành giáo dục đào tạo và truyền thông phải đạt tiêu
chuẩn sạch ngữ âm ở mức không cản trở giao tiếp và không gây phản cảm, tối thiểu
là không nhầm lẫn lờ-nờ. Ở nhà họ lên giường hay nên giường, ngoài đường họ lái
xe hay nái xe Lexus hay Nexus, đi du lịch hay du nịch họ “hê-lô” hay “hê-nô”, họ
diện đồ Louis Vuitton hay Nouis Vuitton, họ khấn vái thần linh hay thần ninh,
chơi ten-nít hay ten-lít trong các câu lạc bộ hay câu nạc bộ, thích ăn lòng lợn
hay nòng nợn, sau mấy ly bia hay ny bia giao lưu hay giao nưu bạn hữu họ có thể
khen hay chửi Tổng thống Đo-nát Tờ-ram hay Đo-lát Tờ-ram, tưởng nhớ hay oán
trách một thời Liên Xô hay Niên Xô, lo ngại hay no ngại cho thềm lục địa hay thềm
nục địa của đất nước hay đất lước…, tất cả những tự do lựa chọn đó không ai can
thiệp. Đa dạng muôn năm.
Ở đất nước này, trừ đa dạng tư tưởng và đa
nguyên đa đảng, còn lại ai muốn đa gì thì đa, đa thê thậm chí được ngưỡng mộ.
Song ở cương vị chính thức thì khác. Không thể xuê xoa coi lỗi phát âm là chuyện
nhỏ, bởi tính chính danh của mỗi chức vụ trong bộ máy nhà nước trước hết được
thể hiện bằng sự tôn nghiêm. Tất nhiên công lý có phần hài hước khi thẩm phán
nói ngọng. Tất nhiên nền giáo dục có phần lố bịch khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục
“nuôn nuôn” nói về “chất nượng“. Và tất nhiên những viễn kiến của ngôi sao
chính trị đang lên, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, khó được coi là nghiêm
túc, khi ông cứ “nời giải Việt Nam” cho bài toán Việt Nam trong “nàn sóng
internet thứ ba” mà diễn thuyết.
Thử hình dung, Hồ Chủ tịch đọc “Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến” tháng 12 năm 1946 không phải bằng giọng truyền cảm và
chuẩn xác – nếu không muốn nói là lý tưởng về ngữ âm -, mà níu nô: “Chúng ta
thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất lước, nhất định không chịu nàm nô nệ… Việt
Lam độc nập và thống nhất muôn lăm! Kháng chiến thắng nợi muôn lăm!”. Tôi tin rằng
quốc dân sẽ bò ra cười, quên cả xách súng, gươm, cuốc, thuổng, gậy gộc đi cứu
nước; Điện Biên Phủ sẽ không xảy ra, lịch sử Việt Nam sẽ là một lịch sử khác. Lịch
sử thế giới cũng sẽ là một lịch sử khác, nếu Quốc vương nước Anh George VI.
không dày công tập luyện, khắc phục tật nói lắp bẩm sinh, để phát đi lời tuyên
chiến hùng hồn với Đức Quốc Xã tháng 9 năm 1939.
Còn lại câu hỏi, vì sao dàn lãnh đạo cao cấp
hiện nay ở Việt Nam ngọng lờ-nờ như chưa bao giờ được ngọng, như không có chút
sĩ diện nào để mất, như đang đặt nền móng cho ngôn ngữ hạ đẳng của giới thượng
lưu mới? Trong một môi trường bẩn toàn diện, sạch ngữ âm có lẽ là xa xỉ, thậm chí
vô nghĩa.
Phạm Thị Hoài