10 September 2020

CÂU - Song Thao

Ông Ron Touaty là chủ tiệm chuyên bán đồ câu cá “Lachine Bait and Tackle” ở Montreal. Lachine là vùng có khúc sông Saint Lawrence rất đẹp chạy ngang qua. Nơi đây có một công viên rộng lớn cho dân chúng tới hóng mát, chạy bộ, đạp xe đạp và các trò thể thao khác. Câu cá cũng là một môn thể thao. Khách hàng của ông thường là những người có tuổi và các du khách. Năm nay những khách hàng này vắng bóng nhiều. Du khách không có máy bay để cưỡi, người có tuổi ngại ra ngoài. Ông chủ tiệm chuyên bán mồi và các dụng cụ của…ngư ông cho biết: “Năm nay khoảng một nửa khách hàng của tôi là những người mới tôi chưa bao giờ thấy. Điều này cũng tốt. Dĩ nhiên đây là hậu quả của Covid!”.

Một cửa hàng bán đồ câu

Lại Covid! Tôi chán mợ này quá rồi nhưng đụng đâu cũng phải nhắc tới mợ. Chẳng gì mợ cũng có quyền phép thay đổi cuộc sống của mỗi chúng ta. Ông Ron cũng thấy vậy: “Tôi nghĩ là người ta bị cấm cung trong nhà mãi cũng bực bội nên muốn thoát ra ngoài. Điều làm tôi ngạc nhiên là lại nhìn thấy những khách hàng trẻ. Tôi không thấy họ từ hai chục năm nay rồi!”. Chuyện kể cũng lạ. Trong cửa tiệm của ông Ron người ta có một chuyện giỡn rất vui. Ngày trước, muốn phạt một đứa trẻ, cha mẹ bắt ở trong nhà. Ngày nay hình phạt là ra ngoài trời! Ông Ron kể tiếp trong giọng cười vui: “Tôi hỏi đám trẻ theo cha đi câu: ‘Sao các con không đi câu thường cho vui? Chúng nó đáp: ‘Tại vì trên thuyền không có wifi!’”.

Trẻ ngày nay có thể ngồi cả ngày trong nhà, mắt dán vào màn hình tablet hoặc điện thoại thông minh. Một trong những điều tích cực của Covid là đã xua được đám trẻ ra ngoài trời, tách chúng khỏi wifi. Nhiều em đã cảm được cái thú đi câu. Thời trẻ của ông Ron khác. Ông tâm sự: “Tôi không biết có phải đã tới lúc chúng ta trở về thời xưa chưa nhưng đám trẻ đã thấy được sự thú vị khi đi câu. Một khi thấy thích, nhiều cái sẽ thay đổi theo. Sông nước đã mang lại cho tôi sự an bình, đã khiến tôi đằm tính hơn. Đi câu đã nối kết tôi với thiên nhiên, với cuộc sống an lành. Nhiều người nói tôi hay suy tưởng. Tôi nghĩ đó là vì tôi đã có cuộc sống đứng trên bờ sông. Tôi thường đi câu một mình và hay suy nghĩ. Cũng giống như những người đạp xe hay chạy bộ. Tại sao họ làm như vậy? Vì nó khiến họ thoát ra khỏi cuộc sống thường nhật. Nó cho họ cơ hội thanh lọc tâm hồn.

Ông Ron đi câu từ năm 8 tuổi. Ông Luân Hoán không biết khởi…nghiệp từ năm mấy tuổi. Ông có một bài thơ nhai lại cái thời đi câu tuổi nhí đó.

không đá kiện, đá banh
không bắn bi, u mọi
tôi ngồi câu trời xanh
rớt một vùng dưới nước

cá ăn, dọa, giật chơi
không màng chuyện có được
tôi không câu chính tôi
mặc bóng nghiêng mặt nước

Thú câu cá ao hồ

Hình như thời nhỏ của chúng tôi, đứa nào cũng thích vác cần câu. Tôi cũng câu kiếc vào khoảng 10 tuổi. Hà Nội hồi đó có những vùng ven đô có ao, có rặng tre, có những thửa vườn. Ngày nghỉ học, tôi đạp xe ra ngoại ô thả cần câu. Nói cho oai vậy thôi chứ tôi chỉ là thứ ăn theo. Cậu tôi là người thích đi câu. Cứ cuối tuần là na theo tôi và ổ bánh mì giò chả đi ngồi bờ ngồi bụi nguyên một ngày. Cành câu được cắt thành từng đoạn ngắn cột dọc theo khung xe cho tiện. Khi hành nghề, ráp chúng lại. Đầu mỗi đoạn có một ống bằng đồng, khớp với nhau. Thứ cá tôi câu hồi đó là cá giếc. Mồi là những con giun đỏ. Giun này nhỏ hơn giun đất, có mùi đặc biệt riêng, cá giếc rất thích. Chúng được cha con tôi nuôi trong những chiếc vại đất lớn. Thực phẩm của chúng là phân bò. Phân bò được lượm trên những bãi cỏ gần bờ đê, nơi người ta thường thả bò ăn cỏ. Có cần câu, mồi giun chưa đủ. Trước khi khởi hành, phải rang thính bằng gạo. Khi nào gạo vàng, có mùi thơm là được.

Cá giếc sống thành đàn khoảng vài chục con. Trước hết, tôi lựa vài chỗ ngồi, thường là nơi có bóng mát, dưới rặng tre, sạch sẽ. Lấy thính ra, vát chút nước trộn thính sền sệt, vo thành từng cục. Ném thính xuống vài chỗ định thả cần. Thấy chỗ nào có tăm cá nổi lên là đúng đàn cá giếc đang ngửi thính. Ngắt đôi mồi giun, xỏ giun vào lưỡi câu sao cho nửa con giun còn ngo ngoe cử động để cho cá dễ nhìn thấy. Đặt cần xuống, chỉnh phao bằng lông ngỗng. Khi nào chiếc phao chổng thành một đường thẳng đứng là biết mồi câu chạm đáy ao, nơi cá giếc sục sạo tìm ăn. Khi cá cắn câu, chiếc phao chập chờn. Khi phao ngả xuống nằm ngang mặt nước là cá đã nuốt mồi. Đây là lúc cần chút tài lẻ. Không được giật mạnh cành câu vì sẽ làm náo động đàn cá, chúng sẽ chạy hết. Chỉ bắt được một trự. Phải nhẹ búng đầu cần cho lưỡi câu móc vào miệng cá rồi từ từ kéo lên một cách nhẹ nhàng. Cả đàn cá không biết có biến, vẫn quay quần nơi có mùi thơm. Gỡ chú cá xấu số, bỏ vào giỏ chiến lợi phẩm, thay mồi, nhẹ đặt giây câu xuống. Chờ tới khi phao bềnh lên nằm ngang, búng và nhấc cần câu lên. Chú cá thứ hai. Cứ tuần tự như vậy, cả đàn cá sẽ bị nhốt vào giỏ của ngư ông nhí. Khi nào thấy hết tăm, có nghĩa là hết cả đàn cá, sẽ thả thính tìm đàn cá khác. Câu mả như vậy nên mỗi lần đi câu về, cá ăn không hết, chia cho họ hàng bà con lối xóm, vui vẻ cả làng!

Sự nghiệp sát cá của tôi chấm dứt với cuộc di cư năm 1954. Vào Sài Gòn, muốn câu cá phải đi xa, không còn bụi tre, không còn con ao nho nhỏ dễ thương. Câu kiểu ôm cần ngồi cầu âu chờ cá chứ không còn lối câu…nghệ thuật như ở Hà Nội. Vậy nên tôi không màng tới chuyện câu. Vả lại, với tuổi vừa lớn, đã biết chạy theo các tà áo dài, tôi còn nhiều chuyện khác thú vị hơn là câu. Mấy tên bạn di cư cùng với tôi, nghe tôi nói trong này không có cá giếc, chúng ỡm ờ chọc: “Thì mày vẫn câu cá giếc đó còn gì nữa!”.

Tôi bỏ Hà Nội thì ông nhà thơ Phùng Quán về tiếp thu. Chỉ được một thời gian. Năm 1957, ông bị nhà nước dày vò khốn khổ khi “Nhân Văn Giai Phẩm” đăng bài thơ “Lời Mẹ Dặn” của ông.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Nhà thơ Phùng Quán

Sống trong xã hội lấy gian dối làm cách trị dân thì ngang bằng sổ phẳng chỉ có đi ăn mày. Phùng Quán không đi ăn mày nhưng cũng na ná như ăn mày. Ông tóm tắt cuộc sống của ông trong sáu chữ: “cá trộm, rượu chịu, văn chui”.

“Văn chui” vì cái tên Phùng Quán bị khai tử. Nhiều khi túng quẫn, ông phải viết kiếm ăn, bạn bè nhận in dưới những cái tên giả. Theo người bạn vong niên của Phùng Quán là nhà thơ Ngô Minh kể lại thì trong thời gian viết chui, ông đã in được khoảng 40 truyện tranh, khoảng 10 tác phẩm văn xuôi khác trong đó có ba tập của bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Tuổi Thơ Dữ Dội”. Ông chắt bóp từng đồng tiền nhuận bút suốt 32 năm bị treo bút để nuôi gia đình.

Phùng Quán uống rượu để quên đi nỗi buồn bị trù dập vì…lời mẹ dặn. Tiền nuôi gia đình còn chưa đủ, lấy đâu tiền mua rượu. Ông phải uống chịu. Người cho ông uống chịu nhiều nhất là bà Hai Hanh, có quán bán rượu ở làng Nghi Tàm. Sổ nợ là cái cột nhà, mua một lít thì gạch một nét. Bốn nét thành một ô vuông, thêm một nét chéo nữa là 5 lít. Người khác mua chịu thì phải trả trong ngày hôm sau, không trả thì khỏi mua thêm, nhưng Phùng Quán được đặc cách, có khi nợ tới 4 hoặc 5 ô gạch chéo mới trả cũng được. Ông kể có một lần, một chàng thủy thủ tàu viễn dương tới nhà tán cô con gái xinh đẹp của ông, có để lại biếu ông nửa gói thuốc ba số 5. Ông không dám hút thứ…đế quốc đó, mang ra đổi rượu, uống được mấy ngày. Ông hãnh diện tuyên bố: “Rượu là cứu cánh vĩ đại của phường đạo tặc sông hồ”.

Chuyện “đạo tặc sông hồ” mới là chuyện đáng nói ở đây. Tác giả Văn Xương, một quân nhân giải ngũ, sống bằng nghề câu cá, chẳng biết thơ văn chi. Ông viết: “Cá câu được tôi đem bán cho một bà có gánh cơm đầu ghế (bây giờ gọi là cơm bụi) ở góc chợ Hàng Bè. Thỉnh thoảng tôi gặp một thanh niên trạc 27, 28 tuổi mặc quân phục bạc màu, gương mặt xanh xao, hốc hác, ánh mắt buồn rầu u ẩn. Anh ta thường mua một bát cơm cùng bát canh với vẻ lơ đãng như không biết mình đang ăn gì, rồi anh lẳng lặng bỏ đi. Tôi đoán lính phục viên như tôi, không gia đình, nhà cửa, không công ăn việc làm. Không hiểu sao dáng vẻ và gương mặt u uất, xanh xao của anh gây cho tôi một ấn tượng xót xa, thật nặng nề, và tôi tìm cách làm quen”. Khi biết được đó là nhà thơ nổi tiếng Phùng Quán, ông rủ đi câu kiếm ăn qua ngày. Họ câu ở hồ Ha-Le do quốc doanh cá Hà Nội quản lý. Vé câu một ngày là hai đồng. Ông Văn Xương mua cho Phùng Quán một cành câu. Chỉ vài ngày thực tập là Phùng Quán nhuần nhuyễn, câu được cá mang bán. Nhà thơ là người đang ở đường cùng nên tính toán hơn thiệt. Ông nói với bạn: “Mỗi ngày mất đứt 2 đồng mua vé câu thì đau hơn hoạn. Lỡ có ngày không dính được con nào thì mất cả chì lẫn chài. Tôi muốn tìm hồ câu nào không phải mua vé!”. Vậy là ông khởi ngiệp “câu trộm” tại các hồ ở vùng Nghi Tàm, Hồ Tây, Quảng Bá, chấp nhận thương đau. Nếu chủ hồ bắt được họ đánh no đòn hoặc bắt giữ luôn. Nhà thơ chấp nhận chuyện rủi ro vì tự tin tài trốn chạy của mình. Ông nói: “Hồi làm lính trinh sát, Tây càn, vây bốn mặt, tôi vẫn thoát ngon ơ”.

Những ngày sống ở nước ngoài, tôi cũng hay lảng vảng nơi những chiếc cần câu được cắm bên hồ hay biển. Khi chỗ này, khi chỗ khác, theo bước chân thích đây đó của tôi. Chẳng thấy ở đâu có cái thú như thú đi câu cá giếc ngày nhỏ của tôi. Ngày đó, tôi ngồi câu mà như nhìn thấy đáy ao, đếm được những con cá đang sục sạo tìm mồi dưới nước. Chiếc cần câu như cánh tay với của tôi tới đáy ao. Bên đây, hoặc người ta quăng dây câu rồi kéo lại gần, cầu âu có chú cá ngu dại chạy theo đớp mồi, hoặc thả dây câu xuống mặt biển dập dềnh sóng, nhìn mặt nước như nhìn vào cõi hư vô, gọi cá trong đầu. Như cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa: cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Lều câu cá mùa Đông

Chỉ có một lối câu mà tôi thấy lạ. Câu cá mùa đông dưới tuyết. Vào lúc trọng đông, mặt hồ đóng thành băng, người ta đào một chiếc lỗ nhỏ, thả dây câu xuống. Nghe tới đây tôi thấy rét. Ngồi câu trên mặt nước đóng băng là một trò teo người. Nhưng tôi có một ông bạn gan cùng mình, đã dấn thân và kể cho mọi người nghe chuyện đi câu mùa đông. Người hùng đó là ông Võ Kỳ Điền. Ông khai sáng cho tôi trong bài “Câu Cá Xứ Lạnh”. Tôi gọi ông bạn họ Võ là người hùng e không chỉnh. Bởi vì ông cũng teo khi nổi hứng nhận lời đi câu mùa đông với con. “Nhận lời con xong rồi mới thấy mình dại, ham vui một chút lại đi làm chuyện mạo hiểm, điên rồ. Câu cá suốt đêm đông trên một dòng sông lạnh lẽo, trong một làng nhỏ tên là Sainte-Anne-de-la-Perade, trên đường đi về hướng Québec. Tại sao không đi ban ngày cho đỡ, đi chi ban đêm cho khổ sở, vất vả. Thằng con nói ban đêm câu được nhiều cá hơn… Trời đất ! kể từ hôm đó, trong đầu tôi miên man tưởng tượng cảnh trên dòng sông mênh mông hiu quạnh, mặt nước đóng băng cứng ngắc, trời tối mò mò, gió lạnh thổi phần phật từng cơn, tuyết bay phơi phới, hai cha con trang bị quần áo mùa đông dầy mo, kín mít, đầu đội mũ (tuque), cổ quấn khăn choàng (foulard), tay mang bao tay (gants, mitaine), cả hai ngồi lom khom trên mặt nước đá, tay cầm cần câu quờ quạng chờ mong rình rập bắt từng con cá ngu dại đêm khuya đói bụng đi kiếm mồi. Thiệt tình, không biết vui sướng ở cái chỗ nào!”.

Nhà văn Võ Kỳ Điền câu cá mùa đông.

Những sợi dây câu cá mùa đông.

Teo đó nhưng ông bạn tôi, vốn là một ông đồ còn rơi rớt lại tới ngày nay, nên không dễ gì bội hứa. Ra đi với con, ông mới biết những suy đoán của người muôn năm trước chừ sai bét. Ông cười cho cái ngố của ông. Nơi con ông dẫn ông tới không phải là chốn đồng không mông quạnh mà đèn đóm sáng trưng như một thành phố nhỏ. Người đi qua đi lại tấp nập, tiếng cười đùa rộn rã, tiếng xe chạy. Có những chiếc xe cẩu nặng hàng chục tấn dùng để dựng những chiềc lều cho thuê. Xe nặng gấp trăm lần sức nặng của ông Võ mà mặt băng chẳng hề hấn chi. Thiệt đúng là lo con bò trắng răng. Chẳng nên cười cợt ông bạn tôi. Để ông kể cho nghe chuyện câu ít người biết này. “Tôi bước vào chiếc lều đẹp đẽ, vững chãi khá rộng, đã đặt mướn trước, chỉ có một cửa ra vô, rất kín đáo và riêng tư chỉ dành riêng cho cha con tôi. Hai ngọn đèn trăm watts chiếu sáng cả phòng. Trong phòng một chiếc ghế nệm dài dặt sát tường để khi ai mệt mỏi thì có chỗ mà nằm, một cái bàn nhỏ, hai cái ghế, một tủ cây, một lò sưởi đốt bằng củi khô đang cháy nóng hừng hực. Trên mặt lò sưởi nóng hực đó mình có thể để chiếc ấm nấu nước sôi, để một vỉ sắt nướng bánh mì hoặc các món ăn khuya. Phía duới mặt sàn được làm bằng ván ép dầy trên cái nền bằng cây chắc chắn. Nhưng cái chánh tôi muốn thấy là chỗ câu trong phòng ra làm sao. Nhìn kỹ đó là một đường rãnh sâu hình chữ nhựt, được cưa theo bề dọc của sàn trên mặt nước đá, dài ba thước, bề ngang chừng bốn mươi phân tây, nhìn kỹ phía dưới nữa, thấy nước đông đá cứng dầy chừng hai, ba mươi phân, dưới nữa là nước đóng váng mỏng lõng bõng, nhấp nhô theo từng cơn sóng. Có một thanh sắt to dài, đặt dọc ở giữa đường câu, để ngăn ngừa khi người câu mê man vô ý, tránh bị lọt xuống nước, nguy hiểm…Bên trên chiếc rãnh đó, có băng ghế dài để ngồi câu. Phía trên, trước mắt tôi có một thanh gỗ được đóng theo bề dài của lều, cao hơn đầu người một chút. Hai mươi dây câu được quấn vào những hàng đinh trên thanh gỗ ngang đó, mỗi cây đinh được đóng đều đặn cách nhau khoảng hai mươi phân…Khi cha con tháo xong hai mươi sợi dây câu và gắn mồi đủ thả hết xuống rãnh nước bên dưới thì tôi toát mồ hôi chịu hết nổi, coi ra thì củi trong lò sưởi cháy đỏ rực, nhiệt độ trong phòng lên cao quá. Lạnh đâu không thấy mà mồ hôi toát ra đầy người, tôi phải cởi áo, tháo nón, tháo khăn quàng, và mở thoáng cửa cho hơi lạnh ùa vào. Trời càng về khuya thì cá ăn câu càng nhiều, đôi khi gỡ và móc mồi lại không kịp. Cũng có nhiều lúc ngồi ngáp dài vì không có một con. Những lúc đó phải chịu khó đổi mồi câu vì gan heo đã hết mùi thơm hấp dẫn cá rồi”.

Sáng ra, khi hai cha con ông về thì giỏ cá đã có gần trăm con. Dĩ nhiên ông mang cá về chiên, hấp, nướng, nấu canh chua, kho… ăn dần chứ không thả xuống sông lại như tụi tây đầm.

Tôi cho đó là sự cọ sát của hai nền…văn minh. Một bên lụy vào cái đầu, một bên lụy vào cái bụng. Các cụ xưa đã dậy: có thực mới vực được đạo. Cá là…đạo!

08/2020
Song Thao