Nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 53 của ASEAN
và các hội nghị đánh dấu 25 năm hợp tác giữa CSVN và Mỹ, tòa đại sứ Mỹ đăng một
bản tin trong đó có kèm theo bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa.
Nhà cầm quyền CSVN, số đông dân chúng và không ít người Việt ở hải ngoại vui mừng và xem đó như là một cách Hoa Kỳ công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Trong khi Trung Cộng chưa kịp phản đối và CSVN chưa kịp cám
ơn, tòa đại sứ Mỹ trong cùng một bản tin, đã thay bằng một bản đồ khác không có
Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhà cầm quyền CSVN và những người đang vui mừng như chụp được
cái phao giữa biển bổng cảm thấy hụt hẫng và đâm ra trách móc, thậm chí nguyền
rủa thể hiện qua các lời bình đầy hằn học trên các báo trong nước.
Bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao CSVN lần
nữa lập lại câu thần chú “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp
lý để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật
quốc tế.”
Nhắc lại, ngày 13 tháng Bảy, 2020 Ngoại Trưởng Mỹ Michael R.
Pompeo ra một bản tuyên bố cứng rắn trong đó tập trung vào việc bác bỏ các đòi
hỏi, tuyên bố của Trung Cộng và các thất bại của Tập Cận Bình để chứng minh về
mặt công pháp quốc tế chủ quyền của Trung Cộng trên Biển Đông.
Trong lúc bác bỏ bất cứ tuyên bố nào của Trung Cộng về chủ
quyền trên Biển Đông, Mỹ vẫn còn giữ vai trò trung lập trong các tranh chấp
song phương giữa Trung Cộng và Việt Nam cũng như Trung Cộng và các nước có liên
quan trong cuộc tranh chấp.
Dù sao, đây là lần đầu tiên một ngoại trưởng Mỹ đưa ra một bản
tuyên bố chi tiết và cứng rắn như vậy.
Từ lời nói cho tới hành động có khi cách nhau tới cả chục
năm hay dài hơn nhưng bản tuyên bố đã đem lại những khích lệ tinh thần rất lớn
cho những nước nhỏ đang bị Trung Cộng ăn hiếp.
Chẳng hạn tại Philippines, bản tuyên bố của Ngoại trưởng
Pompeo đã gây một phản ứng tích cực trong các giới.
Tuần trăng mật dài bốn năm giữa Duterte và Tập Cận Bình đã kết
thúc bằng ai đi đường nấy.
Đề án đường xe lửa do Trung Cộng đầu tư ở Mindanao, quê
hương của Duterte bị hủy bỏ. Thiện cảm của người dân Philippines dành cho Mỹ
đang chuyển từ nghi ngờ sang tin tưởng lần nữa.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Philippines có hai bộ trưởng mới,
Ngoại Giao (Teodoro Locsin) và Quốc Phòng (Delfin Lorenzana). Cả hai đều có
quan điểm chống chính sách bá quyền của Trung Cộng và công khai ủng hộ chính
sách cứng rắn của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông.
Dĩ nhiên Duterte không nhắm mắt bốc xăm trúng hai người này
mà chính ông ta cũng có ý định thay đổi đường lối đối ngoại.
Trong phần cuối của bản tuyên bố, Ngoại Trưởng Pompeo nhấn mạnh
“Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ
quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và
nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế.”
Nói khác hơn, Ngoại Trưởng Pompeo tuyên bố “nếu các bạn đoàn
kết chống Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ đứng sau lưng các bạn.”
Philippines đang phản ứng tích cực, còn CSVN thì đang tiếp tục
im lặng.
Một bài học “muốn ăn lăn vào bếp” trong bang giao quốc tế.
Trong chiến tranh Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đóng
góp nhiều thứ tư trong lực lượng đồng minh dưới quyền chỉ huy của Tướng Douglas
MacArthur. Tính theo tỉ lệ, Thổ là quốc gia bị thiệt hại nặng hàng thứ ba trong
mười sáu quốc gia đồng minh tham chiến.
Cách đây bảy mươi năm, phần lớn trong số trên hai chục ngàn
thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu ở Triều Tiên có thể chưa từng nghe hay biết gì
về quốc gia này và cũng không hiểu hết lý do tại sao họ phải đổ máu ở một nước
Châu Á hoàn toàn xa lạ.
Câu trả lời, đó là giá để đổi cho vị trí của cộng hòa Thổ vừa
được đón nhận vào khối tự do, thành viên mới nhất của NATO.
Máu của hàng ngàn thanh niên Thổ đã đóng góp vào sự thành
công của mục tiêu “thoát Liên Xô” của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau Chiến Tranh Triều Tiên
hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ nổi bật trên trường chính trị quốc tế và quốc gia này được
xem như có vị trị chiến lược quan trọng nhất phải bảo vệ tại Châu Âu.
Người Việt có thể không phải chiến đấu một nơi xa xôi như Thổ
nhưng phải chuẩn bị tích cực để chiến đấu và hy sinh ngay trên đất nước mình.
Bài học của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy không ai dọn cỗ cho mình ăn.
Không ai xây nhà cho mình ở. Của cải tạo ra hay được bảo vệ bằng mồ hôi, nước mắt
và máu của mình ra mới thật sự là của mình. Người Thổ hy sinh ở xa để gia đình
họ, con cái họ được bảo vệ ở nhà.
Một trật tự mới đang hình thành tại Á Châu. Các liên minh
quân sự đang dần dần rõ nét. Với điều kiện kinh tế thế giới hiện nay, thật khó
đoán những gì sẽ xảy ra trong một hai năm. Nhưng có một điều chắc chắn tranh chấp
nóng hay lạnh trong tương lai gần hay xa sẽ là tranh chấp Á Châu. Biển Đông sẽ
là một Trung Đông trong chiến tranh lạnh lần thứ hai này.
Trở lại chuyện bản đồ. Có bao nhiêu bản đồ đăng trong bản
tin của tòa đại sứ Mỹ?
Chỉ một mà thôi.
Bản đồ có Hoàng Sa và Trường Sa là bản đồ gốc, được chuẩn bị
trước và chỉ được xóa bớt hai quần đảo khi đăng lại vì thời điểm chưa thích hợp.
Mỹ chuẩn bị rồi, còn CSVN thì tiếp tục niệm thần chú.
Trần Trung Đạo