19 September 2020

HOA DAFFODILS VÀNG, BÁN MỘT NỬA GIÁ - Lê Hữu

Vào một buổi sáng đầu tuần, Kim, cô chủ tiệm hoa ở Paramus, New Jersey, nhận được cú điện thoại. 

“Plant and Flower Exchange phải không?” giọng một phụ nữ. “Tiệm cô có daffodils màu vàng chứ?”

“Vâng có thưa chị. Mời chị ghé lại tiệm.”

“Cám ơn, lát nữa tôi gặp cô nhé.”

Khoảng hơn một tiếng sau, một phụ nữ da màu mặc bộ áo blouse trắng của bệnh viện đẩy cửa bước vào, bước đến nơi trưng bày hoa daffodils. Cô chọn vài bó, mang đến quầy tính tiền.

“Hoa này tươi đấy,” cô ngắm nghía những bông hoa vàng rực. 

“Hoa mới cắt đấy chị, giữ được tươi lâu đến cả tuần.” Kim nói trong lúc gói giấy màu cho từng bó hoa.

“Tốt lắm. Tôi lấy thêm bó nữa.”

Kim đọc thấy tên “Teresa” và tên bệnh viện trên tấm thẻ nơi ngực áo khách. 

“Chị làm việc ở Hackensack University Medical Center? Em cũng có vài khách quen ở đấy.”

“Vậy sao? Tôi cũng sẽ là khách quen của cô.”

Ít hôm sau, Teresa trở lại lấy thêm ít bó hoa, vẫn là daffodils. Thường thì cô gọi phone trước để biết chắc tiệm vẫn còn hoa này và không mất thì giờ chờ đợi.

“Nếu không có đủ daffodils thì carnations cũng được,” Teresa nói. “Nhớ là màu vàng nhé.”

Cứ thế, cô ghé tiệm hoa này hai hoặc ba lần một tuần, và Kim biết ý người khách hàng đặc biệt này nên vẫn để dành đủ hoa cho cô.

“Tôi thích hoa ở đây,” Teresa nói, “để lâu vẫn cứ tươi.”

“Chị mua hoa cho bệnh viện?” Kim hỏi.

Teresa khẽ lắc đầu, rồi lại gật gật đầu.

“Tôi mua cho mình, nhưng cũng là cho bệnh viện.” Cô tỏ vẻ ngập ngừng, “Tôi không biết trả lời cô như thế nào…”

Kim không hỏi gì thêm khi nhận thấy khách không mấy thoải mái. Teresa cũng ít trò chuyện, thường thì trả tiền xong cô vội vã ôm mấy bó hoa ra xe.

Cho đến một hôm, Kim có cơ hội được Teresa trả lời thỏa đáng câu hỏi của cô. 

“Nếu chị không vội,” Kim nói, “em mời chị tách cà-phê.” Cô đưa tay về bộ bàn ghế thấp giữa sân vườn. “Tiệm này có lệ, những khách nào ghé tiệm vào mỗi sáng thứ Năm đều được nhân viên của tiệm mời uống cà-phê.” 

“Ok,” Teresa mỉm cười. “Hay đấy, cũng là cách tiếp thị khéo. Tình hình buôn bán lúc này thế nào?”

“Chị cũng biết đấy, mọi cửa hàng đều vắng khách trong mùa dịch bệnh này. Hoa hòe, cây cảnh lại không phải nhu cầu thiết yếu.”

“Hôm trước cô hỏi về chuyện mua hoa, tôi không tiện nói vì chuyện không mấy vui.” Teresa nói, ngước nhìn Kim sau khi nhắp một ngụm cà-phê.

“Em không định tò mò, em hỏi vì chị mua nhiều và đều đặn, trong lúc ít ai có hứng thú tặng hoa cho nhau vào lúc này.”

“Tôi không tặng hoa cho người sống.” Teresa nói sau một lúc im lặng. “Câu chuyện như thế này… Tôi làm việc ở bệnh viện ấy gần 10 năm, và không phải là bác sĩ hay y tá như cô tưởng. Cô có nghe nói đến chuyên viên giám định pháp y hoặc giảo nghiệm tử thi bao giờ?”

“Vâng em có nghe,” Kim mở to mắt, “nhưng không hình dung được công việc như thế nào và không nghĩ phụ nữ cũng làm công việc này.”

“Tôi không muốn kể dông dài, chỉ là như thế này. Từ bé tôi có cái ham muốn tìm hiểu về cơ thể con người và những bí ẩn về tâm linh. Tôi từng làm đủ mọi nghề, tiếp viên hàng không có, trang trí nội thất có, chủ tiệm hoa như cô cũng có, sau cùng tôi đi học lấy cái nghề này vì sự thôi thúc khám phá về cơ thể học, về cách con người sinh ra và rời bỏ thế giới này như thế nào. Tôi không lạ lùng gì với thi thể người chết, thế nhưng trong đời tôi chưa bao giờ tiếp cận với xác người nhiều đến như vậy, những nạn nhân của Covid-19. Mỗi ngày một nhiều hơn đến nỗi nhà xác không đủ chỗ chứa…”

“Kinh khủng quá!” Kim bật kêu lên. “Thật là đau xót. Em có xem tin tức, hình ảnh trên báo chí.”

“Báo chí chỉ nói một phần. Cô không biết đâu, bệnh viện phải thuê những xe tải lớn có hệ thống đông lạnh để lưu trữ các thi thể không kịp chôn cất hoặc hỏa táng, mỗi xe chứa được khoảng 50 xác. Mỗi ngày các nhân viên y tế sử dụng xe cáng để di chuyển những tử thi được phủ kín ra khỏi bệnh viện và đưa vào những xe tải đông lạnh, như là những nhà xác di động. Nhiều chiếc xe tải đông lạnh 18 bánh xếp hàng dài trong những parking của bệnh viện, đến rồi đi mỗi ngày. Phòng làm việc của tôi bây giờ dời chuyển vào những nhà xác dã chiến ấy.” 

“Lạnh lắm phải không chị?” Kim rụt cổ.

“Lạnh chứ, thế nhưng không phải là cái lạnh trong những nhà chứa xác mà tôi đã quen thuộc, ở đây là cái lạnh lẽo của những người đã âm thầm từ bỏ thế giới này trong cô độc, vắng ngắt, không có người thân nào bên cạnh, không có nghi thức tống táng nào cho tử tế. Tôi đã mất ngủ nhiều đêm và nếu nhắm mắt được thì chỉ mơ thấy hàng hàng những bao đựng xác người màu trắng và màu cam nằm xếp lớp, tầng trên và tầng dưới. Phải làm cái gì đó, phải có chút gì cho những kẻ bất hạnh ấy chứ. Tôi nghĩ vậy, và những gì tôi có thể làm được chỉ là đặt lên mỗi bao đựng tử thi ấy một nhánh hoa daffodil. Bây giờ thì cô đã hiểu rồi đấy.”

Kim lặng người. Nước mắt cô ứa ra. 

“Thế nhưng vì sao lại là daffodil vàng?” một lát sau cô hỏi.

“Là như thế này, cô có trông thấy ở sân trước, sân sau bệnh viện những nhánh hoa daffodil vàng 24 inches được các bác sĩ và nhân viên y tế cắm xuống để chúc mừng những bệnh nhân Covid-19 bình phục sau thời gian điều trị và được cho xuất viện? Thế thì cũng cần phải có hoa tươi cho những bệnh nhân kém may mắn hơn chứ.” Ngừng một chút Teresa nói, “Còn một lý do khác nữa, cô biết ý nghĩa của loài hoa này chứ?”

Kim nói thuở bé cô được Mẹ kể về sự tích hoa thủy tiên và đọc cho cô nghe bài thơ nổi tiếng “The daffodils” của William Wordsworth, thế nhưng loài hoa ấy ý nghĩa thế nào thì cô không rõ lắm.

“Cô cũng biết bài thơ ấy? Đúng như những câu thơ trong bài, hoa daffodils nở báo hiệu mùa xuân mới đang về và màu vàng tươi của sắc hoa mang ý nghĩa của sự tái sinh cho một đời sống khác tươi đẹp hơn. Mỗi bông hoa là một lời cầu chúc. Đừng để loài virus ấy giết chết những hy vọng. Cô tin vào kiếp sau chứ?” Teresa hỏi.

“Em không chắc, chỉ biết là thân xác rữa mục của con người sẽ được phục sinh trong ngày tận thế như câu kinh em thuộc, ‘Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại’.” Ngừng một chút, Kim hỏi, “Thế những người trong bệnh viện có biết việc chị làm?”

“Một ít người biết. Bà Trưởng phòng biết đầu tiên vì là người tôi bộc lộ về ý định của mình và xin phép để làm việc ấy. Bà nhìn tôi hồi lâu rồi nói ‘Được thôi, nếu cô thực sự muốn làm vậy’. Có lần, một ông chủ nhà quàn theo tôi bước vào lòng chiếc xe tải đông lạnh để tiếp nhận tử thi. Đi giữa hai hàng thi thể, ông sửng sốt khi nhìn thấy những bông daffodil trên mỗi bao đựng xác. ‘Ở đâu ra những bông hoa ấy? Ai đã làm việc này?’ ông hỏi. ‘Tôi đấy,’ tôi trả lời. Ông mở to mắt chăm chú nhìn tôi ra vẻ lạ lùng lắm.”

“Teresa,” Kim nói, nghẹn lời… “Em muốn được chia sẻ với chị cách nào đó. Em chỉ lấy một nửa giá thôi, những bông hoa daffodil ấy. Chị đã tốn không ít. Cứ mỗi tuần chị lại mua nhiều hơn.”

“Cô không phải làm vậy,” Teresa lắc đầu, mỉm cười. “Cô có công việc của cô, tôi có công việc của tôi. Tôi cũng đã từ chối khi bệnh viện muốn trả giúp tôi những chi phí ấy. Cô không phải lo cho tôi. Làm được việc ấy tôi cảm thấy dễ chịu hơn và tìm được chút niềm vui. Tôi phải cám ơn cô, Kim.” Teresa mỉm cười. “Nhờ cô, tôi không phải đi xa, tiệm cô gần bệnh viện và hoa lại tươi nữa.”

Kim muốn nói câu gì đó nhưng không thốt ra được.

“Con virus ấy không chừa ai cả và cũng chẳng biết phân biệt màu da,” sau cùng Teresa nói. “Mỗi người phải hết sức bảo trọng, cô cũng vậy.”

“Chị mới phải cẩn thận hơn vì thật nhiều rủi ro khi ở tuyến đầu.”

“Nếu mỗi người đều giữ vững được phòng tuyến của mình thì chẳng có tuyến đầu, tuyến sau,” Teresa lại mỉm cười. “Câu chuyện buồn phải không? Cà-phê ngon lắm Kim, cám ơn nhé, tôi sẽ nhớ ghé tiệm mỗi sáng thứ Năm.” Teresa nói, nháy mắt và đứng lên. “Bây giờ thì tôi phải đi thôi, có nhiều việc đang chờ tôi.” 

“Nhiều xác người đang chờ cô ấy, nói đúng là như vậy.” Kim nghĩ.

* * *

Teresa còn ghé tiệm thêm ít lần, rồi không thấy cô đến nữa. Kim hay nhìn ra cửa vào mỗi buổi sáng, hoặc chờ đợi cú phone nào gọi đến. Thỉnh thoảng có người đẩy cửa bước vào, có người gọi đến, nhưng không phải Teresa. Kim ngồi thừ ra cả buổi. Teresa nói sẽ ghé lại một sáng thứ Năm nào, thế nhưng cô vắng bóng.

Có hôm Kim đọc được trên tờ báo ở địa phương câu chuyện của Teresa và bức tranh nghệ thuật vẽ chân dung cô mang tên “A Yellow Daffodil”. Bài báo gọi cô là một trong những “hero” của mùa dịch bệnh này. Kim giữ kỹ tờ báo và chờ gặp Teresa để đưa cho cô xem bài báo ấy. 

Một ngày kia, Kim để ý một người đàn ông mặc áo blouse trắng bước vào tiệm, hỏi mua hoa daffodil. Ông chọn ít bó, rồi đến quầy trả tiền. Kim giật mình, như cảm thấy điều gì đó.

“Xin lỗi, ông làm việc ở Hackensack University Medical Center?” cô hỏi ông khách.

“Sao cô biết?”

“Ông biết chị Teresa chứ?” cô không trả lời ông, hỏi ngược lại.

“Tôi làm việc chung với cô ấy. Tôi tên Mark. Không ai trong bệnh viện mà không biết đến Teresa. Cô ấy nhờ tôi đến đây mua hoa này.”

“Chị ấy bận lắm, phải không?” Kim vội hỏi.

“Lúc nào mà cô ấy chẳng bận. Teresa bệnh mấy tuần nay.” Giọng Mark thấp xuống. 

“Bệnh? Chắc không phải là…?” Kim kịp ngừng lại.

“Tôi hiểu cô muốn nói gì.” Mark nói. “Cô là Kim phải không? Teresa có nhắc đến cô. Trông cô có vẻ lo lắng, chúng tôi cũng lo lắng và cầu nguyện cho cô ấy sớm bình phục.”

“Cho tôi hỏi thăm Teresa. Nói giúp là hôm nào chị ấy khỏe ghé lại đây, tôi có cái này cho chị.”

 

“Tôi sẽ nói. Chào cô Kim nhé, tôi còn trở lại.” Mark nói, ôm hoa ra xe. 

Mark nói thế nhưng không thấy ông trở lại. Teresa cũng không thấy trở lại. Tiệm vắng khách, nay càng vắng hơn. Kim thực sự không biết mình như thế nào nữa. Cô vừa muốn bán được nhiều hoa lại vừa không muốn. Cũng không hẳn như vậy, chỉ là với hoa daffodil thôi. Giá như cô không biết đến câu chuyện ấy.

Trông hoa nhớ người, hoa daffodils vẫn khoe sắc thắm nơi kệ trưng bày. Kim cho cắm ở đấy tấm biển nhỏ ghi giảm giá đến một nửa. Thảng hoặc có người tạt qua mua một vài bông. 

“Khách mua hoa này được bớt một nửa giá,” cô nói với khách hàng.

Vào một sáng thứ Năm, Kim ngồi trò chuyện với vài khách quen bên những tách cà-phê. Khách hỏi cô vì sao những loài hoa khác không giảm giá mà chỉ hoa daffodils thôi.

“Câu chuyện như thế này…,” cô lặp lại câu Teresa nói khi kể chuyện cho cô nghe hôm nào.

Có một khoảng im lặng sau khi Kim kể xong câu chuyện.

“Tôi mong cho Teresa không còn trở lại đây nữa,” một ông khách nói. “Như thế tốt cho cô ấy hơn. Có nghĩa mùa dịch sẽ đi qua.”

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho cô ấy,” một người khác nói.

Lê Hữu

(Viết phỏng theo bản tin báo The New York Times, May 5, 2020)