Jose
Tôi đến bãi câu đã năm giờ sáng, còn phải mở cái đèn câu
trên đầu mới thấy đường móc mồi câu. Hình như mùa hè đã già và mùa thu đang tượng,
chứ tháng 5 tháng 6 sáu thì năm giờ sáng đã tỏ mặt người. Nhưng anh bạn Mễ câu
đêm lại chào tôi buổi sáng mà cũng là chào tạm biệt và chúc may mắn, chúc ngày
lành. Tôi nói vui với anh ta, “mấy con cá ở hồ này sướng thật. Anh là người cuối
cùng cho chúng ăn đêm tới mặt trời chuẩn bị mọc thì tôi là người đầu tiên đã đến
để cho chúng ăn sáng. Tôi ước được làm con cá vì lúc nào cũng có người mời ăn,
mà toàn cho ăn ngon không nữa chứ!”
Anh ta cười khùng khục nhưng không thấy miệng vì râu chưa cạo, và tạm biệt tôi lần nữa với câu đùa lại, “nhưng khi bị móc lưỡi câu và lúc bị mổ bụng thì anh có muốn làm cá không?”
…
Bóng anh khuất dần vào vạt rừng mỏng nhưng rậm lá để ra bãi
đậu xe. Tôi nhìn theo ánh đèn câu cũng là đèn soi đường đi của anh, bỗng chạnh
lòng vì sao ở nước Mỹ này có quá nhiều người đi không ai biết về không ai hay;
như tôi đêm qua khó ngủ nên cứ vật vờ chờ trời sáng để đi câu cá, để quên hết
đi những gì đã nhớ tới, quên hết đi những gì đã nghĩ tới trong đêm mịt mù. Sáng
ra chưa tỏ màu cỏ xanh ngoài ngõ thì tôi đã lên đường, đi không ai hay; rồi hôm
nay câu tới mấy giờ về, chính tôi còn không biết thì ai biết? Trong cuộc sống vội
bây giờ mà nước nước Mỹ hình như là vội nhất hành tinh, thì vẫn còn nhiều người
đi hay về vẫn cần xài một bóng đèn câu trên đầu như con đom đóm nhỏ giữa đêm
đen vì đại lộ danh vọng, đường tương lai huy hoàng không thuộc về họ.
Anh bạn Mễ của tôi rất hiền nhưng sở hữu bề ngoài như một
tên hồ tặc. Lần đầu quen biết anh rất ấn tượng nên tôi còn nhớ. Hôm đó, người bạn
câu của tôi bận việc đột xuất nên về trước. Tôi định câu tới mặt trời lặn thì về
vì ngoài hồ mênh mông có mỗi mình tôi. Tính theo giờ thì câu có bạn sẽ câu tới
12 giờ đêm, nhưng câu một mình thì mặt trời lặn tầm 9 giờ tối là về, vì ở ngoài
hồ một mình đêm khuya là không nên. Nhưng hôm đó, mặt trời vừa lặn thì cá cứ cắn
câu miết làm tôi quên giờ. Tới hết hồn khi nghe tiếng chân người tiến về phía
mình trong bóng đêm, tay hắn lại lăm lăm cây súng trường, đi cùng với con chó
to như con gấu nữa mới hết hồn tôi.
Nhìn anh ta cao lớn, tóc tai, râu ria như người rừng. Nhưng
anh ta cất lời chào hỏi, ngữ âm của anh ta làm tôi yên tâm ngay với âm điệu giọng
nói và sự nhã nhặn bẩm sinh của một người hiền…
“Chào anh. Anh khoẻ chứ?”
“Cảm ơn anh. Tôi khoẻ. Còn anh?”
“Tôi khoẻ. Tôi thường câu đêm ở cái doi đất
đằng kia. Tôi có thấy anh cũng thường đi câu với mấy người bạn của anh. Nhưng
tôi không hiểu sao mấy anh đi câu gì mà tới giờ cá ăn là nửa đêm thì thường là
mấy anh ra về?”
“Ồ. Chúng tôi đi câu là tập thể dục. Ra hồ
để được hít thở không khí trong lành, chứ đang mùa dịch, không đi đâu được mà ở
nhà thì như ở tù.”
“Trong mấy người bạn của anh, có một người
câu cá rất chuyên nghiệp. Tôi đã gặp và quen biết ông ta nhiều năm ở bãi câu
này. Tôi biết được ông ta là người miền biển bên Việt nam nên ông rất thạo việc
sông nước, nhưng ông không nói được tiếng Anh nhiều như anh…”
“Cảm ơn anh đã thông cảm cho ông bạn tôi.
Còn anh, chắc cũng đã câu ở bãi câu này lâu lắm rồi phải không? Tôi có nghe bạn
tôi nói về anh. Ông ấy có kể cho tôi nghe một đêm đông, cách nay chừng 5 năm;
anh với ông ấy đều là dân ghiền câu nên ra hồ mùa đông. Hai người bị lạnh tưởng
đông đá, nhưng anh tốt bụng và cừ khôi lắm! Anh cho ông bạn tôi vô xe anh ngồi
vì có máy sưởi. Còn anh thì gỡ câu liên miên vì cá mùa đông đói mà không ai đi
câu… Cuối cùng anh kéo hết cần câu của anh với ông bạn tôi lên bờ. Không câu nữa.
Anh đi đốt đống lửa để sưởi ấm và nướng cá cho ông bạn tôi ăn. Chuyện về anh thật
hấp dẫn tôi, nên Thiên Chúa đã cho chúng ta tuy biết nhau rồi nhưng đã được trò
chuyện với nhau hôm nay…”
“…”
Chúng tôi thành bạn từ tối hôm đó. Anh nói tôi cứ câu đi, tới
mấy giờ muốn về thì về, đừng sợ một mình ngoài hồ ban đêm vì đã có anh bảo vệ
cho tôi. Tôi nhìn anh đã thấy sợ với vẻ hoang dã của một tay hồ tặc, nhìn con
chó của anh cũng dễ sợ không kém vì nó to lớn, cái đầu của nó to lớn như cái đầu
con sư tử, lông cổ xù ra và cái lưỡi thè lè như khẳng định nó có thể nuốt chửng
tôi bất cứ lúc nào nó muốn; dễ sợ nhất là khẩu súng trường trên tay anh. Nhưng
điều tôi yên tâm nhất là giọng nói của anh, sự khoan thai của một người đầy bản
lĩnh nhưng hiền lành.
…
Từ khi đã là bạn nhau. Có những nửa đêm về sáng mà tôi vẫn
không ngủ được thì tôi gọi anh để biết chắc là anh đang ngoài hồ. Tôi làm hai
phần ăn sáng, hai ly cà phê, rồi lái xe ra hồ trò chuyện với anh tới sáng, tôi
đi làm luôn.
Anh tên là Jose. Cái tên rất thường của người Mễ, và hầu
như người Mễ nào tôi quen biết mà tên Jose cũng hiền lành, tốt bụng như thánh
Jose mà chúng ta đi thành phố nào cũng hay gặp đường San Jose. Nhưng có một đêm
ngoài hồ với anh tôi mới biết rõ hơn về anh và việc câu cá của anh. Thì ra anh ở
nhà là cái nông trại nhỏ gần hồ này nên anh đặt bẫy lồng để bắt chuột sống,
dùng chuột sống làm mồi để bắt rắn sống cũng bằng bẫy lồng lớn hơn. Cuối cùng
là dùng rắn sống để câu cá bự. Tôi hỏi anh,
“Tại sao anh lại dùng thịt rắn làm mồi câu
cá?”
Anh nói: “Cá nhỏ thấy rắn thì chạy, nhưng cá lớn thích
ăn thịt rắn nhất vì thịt rắn sống rất tanh, và với người câu cá thì thịt rắn là
mồi câu số 1 vì giữ được mùi tanh trong nước rất lâu…”
Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Anh ta bắt rắn
trong lồng như lấy đồ trong túi áo ra, chẳng sợ rắn cắn hay sao ấy! Sau đó cắt
khúc dài bằng ngón tay, móc vào những cái lưỡi câu to như câu cá biển. Bốn cây
cần câu của anh như những cây cột đèn, tôi nghĩ chỉ có sức anh mới quăng nổi cần
câu dài và nặng nề này. Anh cắm bốn cây cần vào bốn góc thùng xe truck F150
Ford của anh (vì câu đêm thì cảnh sát cũng không làm khó vì cấm lái xe vô bãi
câu). Từ đó, giao cho con chó vĩ đại của anh canh bốn cần câu, chừng cá cắn câu
thì nó sủa vang. Chúng tôi đi đốt đống lửa cho bớt thấy hoang vu trong lòng đêm
và cả lòng người.
Một chuyến câu đêm với người bạn Mễ khó quên không vì bia lạ,
mồi câu lạ, cách câu lạ… mà sự khó quên vì người bạn xa lạ, khác màu da tiếng
nói, nhưng cách sống của anh ta đã để lại trong tôi một hình ảnh lạ về cuộc đời.
Trong màn đêm mênh mông bên bờ ảo vọng vì tiếng sóng huyễn hoặc, vầng trăng
khuya không biết về đâu cho hết đêm dài nên cứ treo trên đầu hai gã cô đơn một
nỗi chênh vênh vô bờ bến, gió goá phụ tam bành giận giữ rồi lặng tờ về sáng như
một ca nương khi nhan sắc phai tàn…
Tôi còn lại lòng tin của Jose vào Đức Chúa như một thèm khát
của tôi về niềm tin khi nghe anh tâm sự với tôi lúc nửa đêm “Tôi là Mễ lậu thời
xưa, thời tôi qua Mỹ dễ hơn bây giờ cả ngàn lần. Tôi tính qua Mỹ chơi với bạn
bè một chuyến cho biết rồi về, nhưng không ngờ có việc làm nhiều tiền quá nên
tôi ham quá mà ở lại, tôi thành Mễ lậu. Tôi cũng không biết là mình ham tiền
hay mê người, là con gái của ông chủ nông trại mà tôi làm việc với các bạn tôi.
Con gái của ông chủ nông trại là người Mỹ trắng, cô ấy thương tôi cũng bằng với
tôi thương cô ấy. Cô ấy biết là gia đình cô ấy không đồng ý cho cô thành hôn với
tôi vì tôi là Mễ lậu. Nên cô quyến định có bầu, sinh con với tôi, buộc gia đình
cô ấy chấp nhận. Tôi thì đoán trước, nói trước với người yêu của tôi là khả
năng chúng ta bị đuổi khỏi nông trại cao hơn được gia đình chấp nhận, nhưng cô ấy
chấp nhận trả giá. Thế là chúng tôi bị đuổi ra khỏi nông trại. Tôi đi làm thuê
bất cứ việc gì có người mướn trừ trộm cắp và giết người. Gia đình tôi bên Mễ
mang ơn Thiên Chúa cho không nghèo, cha mẹ tôi chu cấp cho vợ tôi đi học để làm
y tá như cô ấy mong muốn trở thành. Ngày vợ tôi tốt nghiệp y tá thì con gái tôi
cũng ra đời. Tạ ơn trên cho chúng tôi đủ sống tới con gái tôi đã 5 tuổi và đứa
con trai tôi được 2 tuổi thì vợ tôi qua đời vì bệnh ung thư. Tạ ơn Chúa ban cho
con gái tôi nay đã 25 tuổi. Nó có một gia đình hạnh phúc với hai đứa cháu ngoại
của tôi. Tạ ơn trên giữ gìn con trai tôi sau 4 năm trong quân đội Hoa kỳ. Nó
thoát chết nhiều lần với một đức tin duy nhất là Thiên chúa đã giữ gìn nó để
làm người phụng sự. Nay nó quyết định giải ngũ và đi học để làm linh mục. Mẹ
tôi bên Mễ đã rất già nên vui sướng tới độ chịu không nổi, mẹ tôi theo Chúa…
Anh có thấy ai chết rồi mà miệng vẫn còn cười? Cha tôi không qua Mỹ mà giao hết
chuyện làm ăn của ông bên Mễ cho thằng cháu rể là chồng của con gái tôi, nó là
người Mỹ trắng tử tế nhất, y như cha mẹ nó. Tạ ơn Chúa ban phước, không còn khoảng
cách trong hai gia đình nội ngoại; không còn khoảng cách trong tâm tư hai đứa
con tôi càng khả kính Thiên chúa…”
Jose đi lấy thịt nai khô trong xe ra nướng cho tôi ăn, anh ấy
kể tiếp, “Từ ngày vợ tôi qua đời. Tôi ngủ ngoài hồ này bất cứ khi nào có thể vì
trước đó gia đình tôi cũng hay cắm trại đêm ngoài hồ này. Sinh nhật một tuổi của
con trai tôi ngay nơi chúng ta đang đứng. Mọi người tham dự sinh nhật ra về,
còn gia đình tôi ngủ lều đêm đó tại đây. Rất vui. Giờ thì vợ tôi đã theo Chúa,
con cái cũng ở xa, thỉnh thoảng chúng mới về thăm tôi khi chúng có thời gian…”
…
Jose khuất vào vạt rừng ra bãi đậu xe. Tôi còn nhớ hôm câu
đêm với anh tới 5 giờ sáng. Câu được ba con cá catfish bự ơi là bự với một con
crappie chừng 4 pounds. Tôi lấy con crappie về ăn vì cá đó không tanh, Jose chở
3 con catfish lớn tới nhà thờ của người Mễ cho các cụ già đi lễ sớm 5 giờ sáng,
các cụ xẻ thịt chia nhau trong niền hân hoan Tạ ơn Thiên Chúa ban cho lương thực
hằng ngày. Và chia tay hôm nay cũng không khác lắm, đêm qua anh câu được ba con
catfish nhỏ hơn lần câu chung trước đó, nhưng cũng thuộc loại cá lớn. Anh cũng
chở ra nhà thờ… bỗng tôi thấy chạnh lòng khi nghĩ tới đêm qua anh đi câu không
ai hay, sáng nay anh về nhà cũng không ai biết.
Còn hai người nữa cũng đi không ai hay về không ai biết ở
bãi câu này. Tôi sẽ cố gắng viết về họ trước mùa đông khép lại mùa câu năm nay.
Robert
Ông Robert già khằn tới nỗi con cò già nhất hồ cũng chịu
thua ông. Là một ông già người Mỹ trắng, gầy, và nhìn ông đã thấy người mới bệnh
dậy. Tôi đang câu cá với mấy người bạn vào giấc 8 giờ tối, bỗng nghe tiếng máy
xe như xe máy cày, máy ủi đất gì đó - nổ bành bành sau lưng. Nhìn lại, thấy ông
già Mỹ trắng mà tôi không đoán ra được ông bao nhiêu tuổi, ông lái chiếc xe
Kawasaki 4 bánh của người đi săn; ông không đi câu cá mà đi nhặt rác. Ở cái bãi
câu này có thể nói là bãi câu tự phát do những người thích câu cá yên lặng và vắng
vẻ nên tự băng qua vạt rừng ra bờ hồ mà câu. Thành phố không phục vụ chòi nghỉ
mát, lò nướng, nhà vệ sinh và thùng rác…
Thế là nơi đây không có Mễ vì người Mễ họ thích đưa cả gia
đình ra hồ chơi cả ngày cuối tuần, họ thường kết hợp câu cá, bơi lội, nướng thịt,
uống bia và mở nhạc lớn nên họ thường chọn khu bờ hồ được thành phố phục vụ những
cơ bản kể trên như chòi che nắng che mưa, nhà vệ sinh và thùng rác. Vậy cái bãi
câu phải băng qua vạt rừng nắng ngứa mưa sình này sẽ có những ai? Chắc chắn là
những cần thủ thứ dữ và thường là những người trầm lặng, và những người thuộc
loại này thì đi câu họ chỉ đem theo chai rượu nhỏ trong túi áo để chống lạnh,
khô bò để đưa cay và cũng đỡ lòng đêm hôm khuya khoắt. Ở đây thỉnh thoảng cũng
có người tắm nhưng thường là một đôi trai gái người Mỹ trắng, họ thích tận hưởng
không gian hoang dã và sự yên tĩnh hay họ ghét những đôi mắt không biết điều ở
chốn đông người. Thỉnh thoảng cũng có một gia đình nhỏ của người Mỹ trắng gồm
hai vợ chồng với một hay hai đứa con nhỏ, họ muốn để lại kỷ niệm gia đình cho
các con của họ về sau. Và những người này luôn có đem theo túi rác để thu dọn
rác trước khi họ ra về. Họ đem rác về nhà là giấy chứng nhận quốc tịch Mỹ đích
thực hơn cả cái Passport USA.
Vậy rác từ đâu có để ông già phải đi lượm rác? Có thể nói hầu
hết là rác của người Việt chúng ta. Ngoại trừ một nhóm Mỹ đen hư hỏng là những
cậu nhỏ cô nhí nhưng đã xì ke ma túy, rượu bia và chửi thề leo lẻo. Họ đưa nhau
ra đây để tránh tầm mắt của cảnh sát mà đàng đúm, phê chất gây nghiện, hôn hít
như chưa bao giờ. Nhưng họ chơi ác với dân câu nhất là họ uống cho đã rồi xếp
chai bia, chai rượu ra để chơi bắn súng, vì thế cái bãi câu đầy mảnh chai.
Trở lại với người Việt của chúng ta thì mấy cha con đi câu với
nhau, cả gia đình vào hai ngày cuối tuần cũng có, mấy người bạn làm chung hãng
đi câu với nhau. Họ thường gôm lại một đống rác trên cỏ khi ra về là vỏ chai bia,
những hộp xốp đựng thức ăn mang theo, nhiều túi ny-lon chợ vì họ đem ra hồ đủ
thứ, tới cả hũ mắm tôm cũng ra hồ để nhúng mồi câu cho nó thúi thiệt thúi thì
câu catfist mới phê. Thế rồi đống rác nhìn theo họ ra về như thiền sư nhìn đá
cuội cũng cần có nhau, sao người ta hờ hững với đồng loại đến thế. Nên thời
gian, mưa nắng chứng minh được ở đâu có người Việt nói riêng, thêm mấy thằng
Lào xả rác mùa dịch là bao tay cao su với khẩu trang xanh cả bãi câu nên nói
chung là người châu Á tới đâu thì ở đó nhiều rác. Hãy nhìn túi ny-lon bay và vướng
vào những bụi rậm như cờ hoa, toàn túi ny-lon của mấy cái chợ Việt nam trong
vùng. Hãy nhìn chỗ câu là biết một ông Việt nam đã ra về vì nơi ấy có cái vỏ
chai nước lọc nhưng đựng cà phê - còn một chút, bao thuốc lá là thuốc 555 hay
con mèo từ Việt nam gởi qua, bán lậu ngoài những khu thương mại của người Việt
thì chối cãi sao được là rác của người khác, dân tộc khác. Không thể nói khác
là người Việt thông minh, tính toán giỏi; nhưng chỉ giỏi tính được tới cỡ lấy
cái chai nước lọc đã uống hết, đựng cà phê đem đi câu cá. Uống xong bỏ luôn khỏi
rửa, khỏi mất công đem về; đem theo chút gì ăn bằng hộp xốp, lon nhựa togo của
tiệm phở, ăn xong cũng khỏi rửa, khỏi đem về; Còn việc rác nhựa, túi ny-lon làm
hại môi trường hay hủy hoại thủy sản thiên nhiên dưới hồ là việc của người Mỹ,
nước Mỹ, chính phủ Mỹ lo, không mắc mớ tới người Việt.
Nói chuyện dân ta gan dạ anh hùng, siêu việt trí tuệ thì đã
bốn ngàn năm nên ai cũng bỏ nước ra đi, chỉ mỗi anh tàu khựa là siêu gan dạ,
siêu anh hùng, siêu siêu trí tuệ hơn cả Việt nam nên ngày đêm rình mò từng tấc
đất trên cạn, tấc nước dưới biển để nhào vô cái giuộc môi hở răng lạnh với
nhau.
Tôi buông câu để chụp hình ông già Robert vì hình ảnh ông đi
nhặt rác ngoài hồ hoang vào một hoàng hôn đã đẹp như nước Mỹ sóng gió, nghe ông
trò chuyện với ông bạn tôi càng cảm kích tấm lòng của ông đẹp như lá cờ hoa của
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ…
Ông bạn tôi cũng ngưng quay cần câu để hỏi thăm ông già
Robert vì họ quen biết nhau chắc là đã lâu, “ Chào Robert, chào ông bạn thân nhất
của tôi. Ông khoẻ không? Lâu rồi không thấy ông ra đây câu cá?”
“Chào ông bạn già Việt nam. Tôi khỏe hơn
tôi nghĩ, còn ông?”
“Tôi rất khoẻ. Tôi và nhiều người hay câu
cá ở đây thường nhắc tới ông…”
Ông già Robert rất cảm động khi nghe ông bạn tôi nói có nhiều
người câu cá ở đây nhắc tới ông. Ông nhìn bầu trời chốc lát, thở dài rồi mới
nói với ông bạn tôi, “Tôi không câu cá được nữa rồi, từ lần tôi bệnh vào năm
ngoái. Sau đó, tôi phải vô viện dưỡng lão luôn, nên các bạn câu cá không còn thấy
tôi ra đây nữa…”
“Vậy ông ở trong viện dưỡng lão có tốt
không?”
“Mọi người rất tốt với tôi, chỉ có tôi
không tốt với tôi vì lúc nào tôi cũng muốn ra khỏi cái chỗ toàn người già. Tôi
muốn đi câu cá. Nhưng họ chỉ cho tôi ra ngoài mỗi sáng chừng một lát để tắm nắng.
Tôi biết làm sao hơn là tự nói với tôi: Hôm nay trời đẹp quá, đi câu cá. Vậy là
tôi quăng cần, tôi quay ổ quay thật nhanh cho cá lớn ăn đuổi, giật mới sướng
tay. Tôi mệt. Tôi ngủ trên ghế bố phơi nắng. Tôi thức, hoặc bị đánh thức để vô
ăn trưa. Tôi buồn. Hôm nay trời đẹp quá mà câu không được con nào. ”
Ông bạn tôi nói, “Ông có thể câu cá ngay bây giờ. Câu cá thật.
Đúng là câu cá. Ông dùng cần câu của tôi đi. Tôi với ông là bạn thân với nhau
mà. Tôi lại có sẵn tới ba cây cần câu nên nhường cho ông một cây. Mau xuống xe
đi Robert. Câu cá với tôi cho vui…”
Ông ấy xuống xe. Tiến về phía bờ hồ. Cầm cây cần câu của ông
bạn tôi lên tay ông. Ông ngắm nghía cây cần câu. Nhìn ra hồ thật lâu. Rồi lại
ngắm nghía cây cần câu như nói lời chia tay thì thầm. Bàn tay già nua run rẩy của
ông sờ lên cây cần câu, mân mê cái ổ quay như vĩnh biệt một tình yêu thầm lặng
trong ông. Ông xúc động nói với ông bạn tôi, “Trong viện dưỡng lão tôi ở có mấy
người chết và nhiều người bị dương tính với coronavirus nên tôi mới được con
gái tôi cho về nhà ở tạm vài tháng. Căn nhà của tôi ngoài đầu đường này tôi đã
cho lại con gái tôi. Nên nay nó cho tôi về nhà nó ở tạm. Giờ thì dịch bệnh cũng
bớt nhiều rồi, tôi phải trở lại viện dưỡng lão vì nó không thể chăm sóc cho tôi
ở nhà được. Tôi còn được vài hôm tự do trước khi trở vào viện dưỡng lão. Tôi
dành hết thời gian ra đây nhặt rác vì tôi muốn cái bãi câu này đẹp hoang dã và
sạch mãi mãi. Tôi càng không muốn những cháu bé tắm hồ lên, chúng hay rượt đuổi
nhau bằng chân trần trên bãi cỏ, và con gái tôi đã bị đứt chân một lần khá nguy
hiểm vì mảnh chai của những người thiếu tử tế đã chơi bắn súng, bắn vỏ chai ở
bãi câu này…
Thôi anh bạn thân ạ! Anh câu cá đi. Tôi đi nhặt rác. Anh câu
cá cho thật to, và tôi nhặt rác cũng cho thật nhiều vì chúng ta không còn thời
gian nhiều nữa. Anh hãy nhìn mặt trời lặn kìa, chỉ nửa tiếng nữa là biến mất ở
chân trời, như chúng ta vậy!”
Ông ấy làm công việc ông ấy nói với ông bạn tôi, nhưng ông bạn
tôi không làm công việc ông ấy yêu cầu là câu cá lớn. Một ông già Quảng tần ngần
nhớ biển đứng ngắm hồ xứ lạ. Nhìn mặt trời xa xứ ở xứ xa. Tôi thấy lưng ông oằn
xuống vì trái tim phía trước quá nặng. Ngày ông đi không ai biết vì có người biết
thì làm sao ông đi được bởi ông vượt tới hai lần. Lần đầu vượt trại tù cải tạo,
thoát rồi mới vượt biên. Nhưng thoát được lần sau để đến Mỹ thì đã coi như ông
về không ai biết vì sớm muộn cũng tới một ngày ông câu cá như ông Robert bây giờ…
hôm nay trời đẹp quá mà không câu được con nào hết.
Tôi chào ông Robert lần đầu cũng như lần cuối khi ông chia
tay ông bạn tôi để ra về. Ông ấy cũng rời quê nhà không ai biết mãi bên
Pennsylvania từ khi còn trẻ. Nay ông chuẩn bị về nơi gió cát cũng không ai hay
vì ông không có anh chị em, cha mẹ thì đã qua đời…
Thiện
Sao nhìn quanh nỗi cô đơn của mỗi người lại thấy nhiều người
đi không ai biết về không ai hay trong cuộc sống hối hả nhưng cũng rất thờ ơ
bây giờ. Tôi lại đi câu không ai biết lúc năm giờ sáng, ra bãi câu còn chưa tỏ
mặt người. Con cò già đứng suốt đêm thâu bên đời hiu quạnh, không biết đó là nỗi
khổ đau hay niềm hạnh phúc vì chưa từng thấy con cò mái nào bên cạnh nó. Nó hiện
thân cho nỗi niềm biết tỏ cùng ai; nó hiện thân cho thời đại đi không ai biết về
không ai hay. Tôi cũng không có gì vội nên ngồi xuống cái thùng câu kéo theo mà
nghỉ chân, ngắm mặt hồ về sáng lăn tăn sóng, cá đớp bóng đòi ăn sớm hay chết vội
cho rồi…
Bỗng tiếng chân người, tiếng đồ câu đụng chạm theo bước chân
đi của ai đó phía sau lưng. Tôi quay lại chào buổi sáng người không quen biết ấy,
nhưng không có hồi âm.
Một ngày mới bắt đầu với người thanh niên câu cá bên cạnh
không thiện cảm. Tôi đoán anh ta người Tàu vì người Việt ở đây khá khắt khe từ
ánh nhìn đến thái độ với người Tàu nên hai nhóm người này không vui vẻ khi tiếp
xúc nhau. Nơi đây còn có ông già người Đại hàn và một ông già người Đài loan
hay đi câu sáng sớm, tôi đều quen biết họ và rất vui vẻ khi gặp nhau. Không biết
hôm nay từ đâu tới một anh Tàu khựa, mặt cứ lì lì như chì gặp nước mặn.
Thế rồi mặt trời lên. Giờ cá ăn thì bận rộn vô cùng, trở tay
không kịp móc mồi, gỡ cá cắn câu vì tôi câu 5 cần, câu vậy cho toát mồ hôi dù
sáng sớm là cách tập thể dục của tôi. Nhìn sang anh bạn Tàu cũng câu 5 cần,
nhưng anh ta chỉ xuống được 2 cần còn 3 cần không có mồi. Anh đi chài loanh
quanh không có cá con… Mà ai đi câu thì sớm hay muộn cũng sẽ biết đôi điều quái
dị, quái đản của loài cá. Khi cá không ăn thì mồi ngon cách mấy cá cũng không
ăn. Thậm chí các loài cá đều không ăn như chúng đang tổ chức một cuộc biểu tình
tuyệt thực dưới hồ không bằng. Rồi khi cá ăn thì ăn đồng loạt, các loài cá
đều cắn câu. Thêm trò quái qủy của cá là khi thì chúng ăn mồi giả chứ mồi thật
lại không ăn, và khi ăn mồi thật thì lại có lúc ăn mồi tôm chứ không ăn mồi cá
con… Tóm lại là con cá khó chìu như con gái, con gái nói có là không nên con cá
nói không là có, chẳng ai biết đâu mà rờ… Nhưng điều có thật là cá chỉ ăn mỗi
chập hừng đông tới mặt trời ló dạng là thôi. Khi ánh mặt trời đã chiếu xuống nước
sáng choang là chúng vọt ra xa, nơi sâu để ẩn thân và tránh nóng. Vậy giờ
thiêng để câu mà không có mồi câu thì coi như toi một chuyến đi câu. Tôi không
có thiệm cảm với người bạn trẻ đang lúng túng với việc chài mồi không có mà cá
đang ăn mạnh. Tôi thấy mình nhỏ nhoi, tầm thường hơn cả con cò già đang nhìn
khinh bỉ hai con người mà đối xử với nhau còn tệ hơn con cò đứng suốt đêm nên sợ
đất đau nên nó đứng một chân thôi! Tôi nói với anh bạn trẻ khi trong lòng tôi
nghĩ anh ta còn nhỏ tuổi hơn cả con mình. “Bạn có thể dùng mồi câu của tôi vì
cá đang ăn mạnh, chỉ chừng nửa tiếng nữa là cá hết ăn…”
Tôi nói tiếng Anh nên anh ta cũng cảm ơn bằng tiếng Anh.
Nhưng khi sang thùng mồi câu của tôi để bắt mấy con cá mồi, anh ta hỏi tôi,
“Chú là người Việt hả?”
“Sao cháu nghĩ chú là người Việt?”
“Cháu xin lỗi. Sáng sớm chú chào cháu:
Good morning. Cháu nghĩ chú là người Tàu nên cháu không trả lời…”
“Chú gặp ai cũng chào vì người Mỹ đi bộ thể
dục ngang nhà chú, họ đều chào chú, mà có quen biết gì đâu? Chú thấy cái văn
hoá đó của người Mỹ là đáng học vì nó văn minh, rồi chú thành quen. Ban sáng,
chú lại nghĩ cháu là người Tàu, nên người ta chào mình buổi sáng mà không chào
lại…”
“Cháu ghét Tàu cộng. Cháu xin lỗi chú…”
“Thôi về câu đi, chú cháu mình nói chuyện
sau; để cá hết ăn bây giờ…”
…
Anh bạn trẻ bắt hai con mồi, nhưng con nhà Việt nam nên anh
cắt làm tư chứ không câu nguyên con. Vậy là anh ta được 4 con cá bass trộng trộng.
Rồi xin nữa thì ngại, mà không xin thêm thì tiếc cá đang ăn mạnh, quăng cần ra
chưa căng dây thì cá đã đớp mồi. Tôi quên hết bực bội ban sáng khi chào buổi
sáng anh ta, trong mắt tôi chỉ có đứa cháu trai hiền lành, thanh niên mà dậy sớm
được để đi câu thì thằng này không tệ; lại được phép bắt ít mồi về câu, nhưng
chỉ bắt hai con cá mồi trong thùng mồi có tới trăm con. Nên tôi nói với anh bạn
trẻ, “Cháu cứ qua lấy mồi của chú câu đi. Hết mồi tươi thì chú còn mồi đông lạnh
trong thùng đá. Phải nhanh tay lên chứ mặt trời ló dạng là cá chuồn ra xa bờ hết
đó!”
Thằng nhỏ như buồn ngủ gặp chiếu manh. Nhưng bây giờ nó cắt
con mồi ra làm tư…
Tôi nói, “Cháu cắt miếng mồi nhỏ như hạt bắp thì làm sao con
cá nó thấy?”
“Được mà chú. Hồi cá chịu ăn thì mồi nhỏ
cách mấy nó cũng ăn…”
…
Hai chú cháu tôi câu miệt mài tới 8 giờ sáng. Cá trộng, cá lớn
trốn ra nước sâu hết rồi, chỉ còn cá nhỏ rỉa mồi nhiều hơn ăn. Nó nói với tôi,
“Cháu dẹp bớt hai cần chú ơi! Câu 5 cần đuối thiệt. Chú câu 5 cần hay đó, cháu
tưởng chú không xuể, nhưng chú khoẻ mà nhanh nữa…”
Tôi cũng dẹp bớt ba cần nhỏ, chỉ câu hai cần lớn thôi để
theo lũ cá lớn đã ra xa bờ… Đã có thời giờ ngồi nghỉ chân chờ cá cắn câu, uống
ly nước trà xanh và ăn sáng. Có gì ăn hay uống được cũng chia đôi cho người bạn
trẻ. Thằng nhỏ mừng ra mặt, “Hôm nay con hên thiệt. Chài không có mồi mà lại
câu được quá trời cá, còn được ăn sáng ngoài hồ, uống nước trà ngon thiệt…”
“Chú câu ở đây cũng thường lắm, mà sao
chưa bao giờ gặp cháu? Cháu ở đâu?”
“Dạ, cháu ở gần hồ 30 nên câu hồ 30 cho đỡ
hao xăng chạy lên hồ này hơi xa. Nhưng bây giờ người ta không cho câu hồ 30 nữa
vì xây dựng cái gì đó. Người ta rào bãi câu lại hết rồi!”
“Ờ. Chú có nghe nói. Nhưng cũng lâu rồi,
chú không câu hồ 30. Ngoài đó nhiều Mỹ đen quá! Câu mà cứ phải coi chừng đồ nghề
làm mất hứng…”
“Tại thấy chú là người lạ nên tụi nó mới
làm vậy! Chứ con quen mặt thì không sao!”
“Con khỉ. Cần câu của mày có mấy chục
bạc thì tụi nó lấy làm gì? Bán ai mua? Thử cần mấy trăm một cây thì tụi nó tha
cho mày chắc?”
“Chú nói có lý. Con không nghĩ tới tại thấy
tụi nó không làm gì con. Đám Mễ thì có ỷ đông hiếp yếu với tức con câu có cá mà
tụi nó thì không nên kiếm chuyện… Con dựa hơi đám Mỹ đen, hôm nào được nhiều
thì cho tụi nó mấy con để nướng ăn chơi nên tụi Mễ cũng không làm gì con, Mỹ
đen thì như bạn.”
“Biết sống quá ha! Năm nay con bao nhiêu
tuổi rồi?”
“Dạ. Con hai mươi bốn, đang học năm thứ
hai.”
“Mày học kỹ quá vậy? Người ta 22 tuổi là
ra trường rồi. Mày hai mươi bốn mới năm thứ 2.”
“Con là du sinh mà chú. Có học tiếng Anh
trong nước, nhưng qua đây chịu sao nổi, phải học lại tiếng Anh thôi…”
“Ừm. Vậy tình hình mùa dịch này thì bây giờ
cháu học hành ra sao?”
“Dạ, học online hết chú ơi!”
“Nếu học online hết thì sao cháu không về
nhà, về Việt nam cho ba mẹ cháu đỡ chi phí ăn ở của cháu bên Mỹ?”
“Dạ. Con cũng nghĩ như vậy, nhưng không được
chú ơi!”
“Không có tiền để về hả?”
“Dạ đúng. Nhưng có tiền thì con cũng không
muốn về nữa…”
“Sao vậy? Sao không muốn về nhà?”
“Dạ… con đâu còn nhà để về.”
“Chú xin lỗi…”
“…”
Chúng tôi chia tay không mấy vui sau một buổi câu được cá.
Móc bóp còn được ít tiền, tôi cho thằng nhỏ ba tờ hai chục đô la, bảo nó dằn
túi, đổ xăng, chạy lên hồ này câu cá với chú cho vui… Nó nhất định không lấy. Cử
chỉ, thái độ của một đứa trẻ ngoan, con nhà có giáo dục gia đình khác hẳn trẻ
nhà giàu nhưng hư hỏng, hay trẻ bụi đời. Nó chỉ xin số điện thoại để khi nào
cháu đi câu hồ này, cháu sẽ gọi chú trước… Tên người gọi hiện lên điện thoại của
tôi. Thằng bé tên Thiện, thật đúng với con người nó.
Tuần sau lại gặp nhau và có hẹn trước nên tôi đem theo nhiều
thức ăn, thức uống, mua nhiều mồi câu vì người bạn trẻ này đi câu phải tự chài
mồi mà câu chứ không ra tiển mua mồi câu cho nhanh gọn lẹ…
Lập lại một buổi câu sớm từ chưa tỏ mặt người, nhưng thân
tình đã tỏ lòng nhau. Tôi hài lòng với thằng bé biết nghe lời, nó không phì
phèo thuốc lá nữa vì tuần trước tôi đã khuyên nó bỏ đi. Cháu còn trẻ lắm nên
không nên dính vô thuốc lá vì hai lý do: Thứ nhất là sức khoẻ về lâu về dài; thứ
hai là lý do tài chánh. Thuốc lá mắc quá trong hoàn cảnh sinh viên ít tiền thì
tiền nên dành để mua thực phẩm mới đúng.
Lại chia tay như lần trước khi mặt trời đã lên cao, khác
chăng là hôm nay không có cá vì thời tiết quá nóng nên cá không vô bờ. Thằng bé
miễn cưỡng nhận mấy chục bạc tôi cho để đổ xăng vì tôi hăm dọa, cháu không nhận
thì đừng gọi điện thoại cho chú nữa…
Đường về nhà tôi không xa hồ câu cá lắm, nhưng cả cuộc đời
dài của tôi như hiển hiện qua thằng bé đi không ai biết về không ai hay. Giọt
nước mắt người bạn trẻ long lanh tuyệt tác khi nói về hoàn cảnh vì giọt nước mắt
ấy sẽ làm cho một con người cứng cỏi lên để nó chảy vào trong chứ không loang
ra ngoài vô ích trước dòng đời. Hôm nay tin chú nó mới dám nói, “Con qua Mỹ 5
năm rồi, hồi đi con mới 19 tuổi. Ba con làm tài xế, chạy mướn xe đò cho người
ta ở Xuân Lộc, mẹ con đi dạy học cấp I. Nhưng sau khi con đi du học thì ba con
bị mất việc tài xế vì xe đò không cạnh tranh lại xe nhỏ chạy tốc hành bây giờ.
Ba mẹ con bán nhà để mua cho ba con chiếc xe van, ra làm ăn riêng. Gia đình con
dọn về ở ké nhà bà ngoại dưới Định quán. Nhưng không được lâu thì xe ba con gây
tai nạn, phải bồi thường cho người ta. Ba mẹ con trắng tay… Chuyện nhà con tiếp
theo buốn lắm chú ơi! Ba con thất chí nên cứ rượu chè, mà rượu chè thì đâu ai
có xe còn dám giao cho ba con cầm lái. Ba con bây giờ không làm được gì nữa vì
nghiện rượu và sức khoẻ suy tàn. Mẹ con lãnh lương giáo viên thì sao lo nổi cho
ba con với hai đứa em con. Bà ngoại con đã cho tới tiền để dành mua hòm chôn,
làm đám ma của ngoại cũng không giúp được sự thay đổi nào…
Mấy năm nay, con cứ nói với mẹ con là con vừa làm vừa học
bên đây. Con sống được nên gia đình không phải lo cho con. Nên 5 năm trời mà
con mới học được năm thứ 2 vì khi không có tiền để đóng tiền học, lúc thì phải
bỏ học để đi làm, con phụ mẹ con những lúc nhà ngặt nghèo quá chứ mẹ con lo
không nổi gia đình. Nhưng từ hồi dịch bệnh lan tràn tới bây giờ con cũng không
giúp được mẹ con gì nữa vì con không có việc làm; hàng quán đóng cửa hết thì
con đi làm thêm ở đâu được. Tụi con có bốn đứa, hiểu hoàn cảnh giống nhau nên kết
bạn để nương nhờ nhau. Hiện giờ tụi con mướn một căn chung cư trong khu Mỹ đen
nghèo dưới downtown, gần hồ 30 là rẻ nhất. Bốn đứa làm bất cứ việc gì có người
mướn vì tiền thuê nhà là quan trọng nhất, sau đó còn nhiêu ăn nhiêu. Nhưng hiện
tại chỉ có hai đứa có việc làm thêm ở tiệm giặt nửa buổi với tiệm ăn cũng nửa
ngày vì chỉ bán togo nên nó đi làm chủ yếu là được nhà hàng cho thức ăn đem về.
Một thằng đi dạy toán kèm trẻ cũng có bốn tiếng một tuẩn thì đâu được bao
nhiêu. Nên tụi con bán xe ăn dần: đóng tiền nhà, tiền học, mua sách vở… bốn đứa
bốn chiếc để đi học đi làm thì nay bốn đứa còn có một chiếc. Con biết câu cá
nên đi câu sớm, phải về trước 10 giờ cho thằng đi dạy học chở thằng giặt ủi ra
tiệm giặt, thằng phụ bếp ra nhà hàng. Tụi con ăn cá tới ngán nhưng cũng phải chịu
thôi. Trời cho có cá ăn là mừng rồi phải không chú?”
“…”
Tôi nghĩ mãi về người bạn trẻ trong thời đại càng văn minh
lên, những người đi không ai biết về không ai hay có độ tuổi càng trẻ hơn. Hay
nói khác đi là cuộc sống bây giờ, người ta phải chịu lẻ loi từ khi được sinh
ra. Lọt lòng mẹ đã ngủ riêng, biết lật, biết bò là đi nhà trẻ. Từ khi đi lớp 1
là đã xa gia đình vì 24 giờ chỉ về nhà, gặp người thân vài tiếng rồi đi ngủ để
mai lại lên đường. Đến đứa con đi đại học là cha mẹ đừng mong nó trở về vì có về
thì nó cũng đã không còn là nó nữa. May mắn cho nó, phước đức ông bà để lại, ơn
trên ban cho… thì nó thành người hữu dụng cho xã hội; hay ngược lại là một tay
xì ke ma túy, nát rượu từ khi chưa thành tài. Tệ hại hơn nữa còn rất nhiều
trong cuộc sống phồn hoa đô hội, văn minh ầm ầm như sóng hồ trời giông, nhưng
giông qua, sóng biến, bãi câu chỉ còn toàn là rác với cá con bị sóng đánh lên bờ
nằm chết nắng ngây thơ…
Không phải hết du sinh đều là con cán bộ, chúng sống lố bịch
với sự giàu có từ tiền cha mẹ chúng ăn hối lộ trong nước. Rất nhiều những cháu
du sinh có cha mẹ và bản thân các cháu có tầm nhìn nên mưu cầu một sự thay đổi
nếu được học hành ở nước ngoài. Và dĩ nhiên cái gì cũng có cái giá của nó, chỉ
xin ơn trên ban cho những linh hồn nhỏ nhoi đã lẻ loi sự phi thường để thành
người…
Phan