GIÀ, RỒI SAO NỮA?
Già rồi chết, chứ trăng với sao gì nữa!
Ừ, thì chết, nhưng chết ra làm sao, chết rồi
đi về đâu?
Cái chuyện này chưa biết à nghen, chưa chết
sao biết được, với lại ai mà không sợ chết, nói tới cái bộ xương có cánh tay cầm
lưỡi hái, sợ lắm!
Sáng trưa chiều tối, lúc này thấy nó cứ lẻo đẻo đi theo như hình với bóng, cái hơi lạnh của nó tỏa ra mù mịt còn hơn cảnh sát dã chiến thả hơi cay nữa kìa, nhưng mà trước sau gì chẳng chết, thôi thì thử nói một lần này rồi sẽ tịt luôn.
Chết là hết thở, không học trường y ai cũng
biết. Chết dễ ợt, nhắm mắt xuôi tay thế là xong.
Nhưng cũng chưa xong, còn phải dọn dẹp cái
thân tứ đại kia nữa chứ.
Nghe nói, ở vùng núi Hy mã lạp sơn, có một
sắc dân, chết không chịu chôn mà lại khiêng lên núi để nuôi lũ chim kền kền.
Cả ngàn con chim trời sinh ra chỉ để ăn xác thối làm sạch môi trường cứ bay lượn
trên cao hóng mỏ ra chờ, đợi lũ người sống kia gào khóc chán chê, bỏ ra về, chỉ
loáng một cái, chúng phủ thành một đống đen kịt, rồi chỉ trong chớp mắt là lóc
sạch cả thịt da phèo phổi, chỉ để lại bộ xương trắng hếu, thêm lưỡi hái và đôi
cánh nữa là thành thần…chết.
Một bước thành thần, cũng hay!
Nhưng một vài bộ lạc ở châu Phi còn hay
hơn. Những lão già cúp bình thiết như tui, con cháu không nuôi nổi nữa, thế là
cụ được mời leo lên cây, rồi cả bọn cùng nhảy múa loạn xạ, chọc quê hả mồm nhíu
mũi, làm đủ cách kể cả cầm gậy thọc đít, miễn sao cho cụ rơi xuống, thì lạy
chúa tôi, coi cụ như con nai con hoẵng vừa săn được, cả nhà hay cả xóm được no
nê (và ngon miệng) một bữa!
Trường hợp nhảy múa hoài mà cụ không rớt xuống
thì lại được đem về nuôi, nhưng hiếm khi lắm, gần như không có bao giờ.
Thực là nhanh gọn và tiện lợi. Người chết
không để đức mà để thịt cho con cháu, phụ tử tình thâm của xứ đói là như vậy. Đừng
chê cười họ man di mọi rợ. Cái nước Tàu có đến những 5000 năm văn minh kia,
trong thời kỳ đại nhảy vọt, nhà này đổi con cho nhà kia, để ăn cho đỡ chết đói.
Văn minh ở chỗ họ không nỡ hay không dám ăn thịt con mình mà thôi. Còn ăn kiểu
gì thì khỏi phải nói, không ai chế biến thức ăn ngon bằng người Tàu, nhất là
món thịt người rất quý hiếm.
Ở nước Nhựt, xứ sở ưa harakiri, trong những
làng quê nghèo, người già phải biết chọn cách chết sớm nhất để bớt một miệng ăn
cho con cháu. Truyện được một nhà văn Nhựt kể lại cảnh anh con trai cõng mẹ lên
núi để mẹ nằm chờ chết. Bà cụ rất can đảm, bảo anh con trai đừng quay đầu nhìn
lại để mẹ được chết trong lúc tuyết đang rơi là hạnh phúc. Trong khi một lão
cùng làng sợ quá tìm cách xuống núi trong sự khinh ghét của mọi người,
Ở nước ta, chỉ có Lục Vân Tiên cõng mẹ, hết
chạy ra đến chạy vô, chạy hoài hụt hơi cũng dám chết lắm đó, nhưng nếu thế thì
cũng đáng mặt là trai thời trung hiếu làm đầu! Ở Tàu (lại Tàu!), Quách Cự chôn
con để cha mẹ sống cũng được vinh danh trong nhị thập tứ hiếu (tội giết người
mà được khen, đúng là luật của Tàu)!.
Còn nhiều cách chết lắm! Chết trong đồn
công an bằng sợi dây thun nè, (sợi dây thun mà sao siết được cổ tới chết nhĩ,
chắc là chết vì nuốt dây thun kiểu như gà)/ Rồi chết có thưởng của Hồi giáo cực
đoan nữa nè! Quấn thuốc nổ quanh người, rồi đến chỗ có đông bọn tư bản rẫy chết
kích nổ, sau khi tan xác pháo chẳng những được lên thiên đàng mà còn được thưởng
đến những bốn mươi cô con gái Ả rập mắt đen và to, đẹp không chịu được lại còn
trinh, thế thì ai mà không ham chết kể cả Tây mùi lỏ!
Còn chết rồi đi về đâu, thì mấy ai mà biết
được. Sống gửi thác về, ông bà tôi thường nói chết là về quê kiểng, kiểu như đi
xa về thăm nhà, hay Việt kiều yêu nước về thăm quê hương. Cái khúc ruột ngàn dặm
đó (dài đến nỗi có thể quấn quanh trái đất mấy chục vòng), giờ không nên hát
bài nối vòng tay lớn nữa mà là hát bài “nối khúc ruột dài”,mới hợp lòng dân ý đảng,
lâu nay nó đóng cục đóng hòn (như táo bón) vì nhớ nhung, giờ nở bung ra sướng
khỏi chê.
Các nhà văn và thơ hậu hiện đại thì bảo là
đi về thế giới người hiền, ý chê cái thế giớt này ô trọc và hung dữ quá.
Thực ra, nói thế cũng chỉ là cách nói để bớt
sợ khi nghĩ tới cái chết mà thôi. Phật và Chúa còn khôn hơn nữa, các ngài vừa dụ
khị vừa đe nẹt. Đứa nào nghe theo lời ta làm điều thiện thì được lên Thiên
đàng, đứa nào không chịu nghe, làm điều ác thì phải xuống địa ngục. Thiên đàng,
hay cõi trời Đâu Suất, không làm cũng có ăn, còn địa ngục chẳng những phải ăn
dòi mà còn bị cưa xẻ, bị lửa thiêu cháy nhưng không chết (sao lọa vậy cà?).
Nói là vậy chứ có ai ở thiên đàng hay địa
ngục trở về đâu mà biết rằng láo hay thiệt. Thôi thì nói như Bùi Giáng. Rằng
“ngày sẽ hết, tôi sẽ đi dù chưa biết đi đâu”.
Ở cõi trần, ông đã Sài Gòn Chợ Lớn đôi
nơi/ đi lên đi xuống đã đời du côn*. Thì chết rồi ông vẫn tiếp tục đi, dù
hình hài không nhứt thiết phải là một ông già khùng vác cây đu đủ đeo đủ thứ
lon múa nhảy ở cầu chữ Y hay cầu NhịThiên đường. Có thể là một hạt bụi âm thầm
nhớ đất quê, cũng có thể là chút ánh sáng lập lòe trên lưng con đom đóm. Đi đâu
thì cũng chỉ trên trái đất này mà thôi, nơi có gái mọi, có chuồn chuồn bươm bướm
và những em dê trắng dê vàng.
Bỡi sao? Bỡi vì ông không thành thần, không
thèm gặp cụ Mác cụ Lê, không thèm 40 cô gái trinh, mà chỉ thèm đã đời du côn
thôi. Ông chắc chắn sẽ đi vào văn học và ở mãi trong đó chứ không chịu ra. Có
điều, ông luôn mang theo cây gậy (du côn mà), các “nhà phê bình” mác xít đứng
trên lạp xường giai cấp hay phê bình dóc tổ và láo xược, coi chừng ông phang cho
một gậy u đầu!
Khuất Đẩu
Viêt trong mùa ôn dịch
*chớ nhầm chữ đi này với chữ đi khách của
các em mà mang họa vào thân!
*Phụ chú chữ già
– già dê, già dịch: già mà cứ láng cháng
bên gái trẻ.
– già gân: chỉ cụ Trần văn Hương, cựu thủ
tướng VNCH, đi làm bằng xe đạp. Nổi tiếng với câu thơ: Ngồi buồn gãi háng dái
lăn tăn.
– già mồm, già họng: cải bướng, sai vẫn cứ
cãi. Gái đĩ già mồm
– già khú, già khú đế: quá già
– già si cốc đế, già cúp bình thiết, già hết
thuốc chữa, già quá cỡ thợ mộc: đồng nghĩa quá già.
-già mà ham: như già dê, già mắc dịch
-già không chịu chết: rủa sả mấy cs già
-già sao cho sướng: tên tác phẩm của Đỗ Hồng
Ngọc
-già rụng răng, già hết răng: tả chân
-già teo chim: tả thực
CHẾT LÀ HẾT, THIỆT HÔN?
Nói vậy chớ không phải vậy!
Đành rằng chết rồi, như Bác nằm trong lăng
kia, có biết gì nữa đâu, nhưng quanh Bác còn có 5 triệu đảng viên, hàng triệu
thanh niên yêu nước và cháu ngoan bác Hồ. Có nghĩa rằng, chết vẫn chưa hết và
không bao giờ hết, vì hãy còn nhiều chuyện, rất nhiều chuyện của người ở lại, tức
là người sống.
Mà những người ở lại thì có biết bao nhiêu
chuyện để nói, để hỏi, để thưa, để xin ý kiến, để đàm tiếu…
Như Bác có bao nhiêu tên thiệt và tên giả,
có bao nhiêu người yêu, bao nhiêu vợ, bao nhiêu người đêm khuya đem chất tươi vào
tẩm bổ cho Bác? Ngay cả phòng nhì của Pháp và điệp viên bí mật của Mỹ cũng
không biết chắc.
Thôi thì coi như bí mật quốc gia, nói tới lảm
gì cho giảm tuổi thọ (một ngày một giờ lúc này của tôi rất quý).
Giờ hãy nói chuyện tầm phào, kiểu nói láo
mà chơi nghe láo chơi của Bồ Tùng Linh vậy.
Đúng là chết vẫn chưa hết chuyện. Nóng hôi
hổi lúc này là con virus của Vũ Hán. Nó gây ra biết bao nhiêu cái chết, khiến
cho bánh xe tiến hóa của thế giới trật đường ray, nằm chình ình một chỗ.
Người đầu tiên nhìn thấy mặt con quỷ bảy
màu đó, là bác sĩ Lý Văn Lượng. Lúc đầu nhà nước Tàu lôi ông ra tòa đòi kêu án
vì tội phản bội tổ quốc (rất đúng người đúng tội vì tổ quốc Tàu nói láo còn ông
nói thiệt), sau đó rủa sả ông không tiếc lời. Khi ông chiến đấu một mình với nó
đến mệt phờ rồi cuối cùng thua cuộc phải vào nhà thiêu xác, thì nhà nước liền
quay ngoắc 180 độ, ca ngợi không hết lời là đại anh hùng! (tiếc gì hai tiếng
anh hùng mà không ban khen, ông mà còn sống, dám “chốn” được sang các nước tư
boản, là Tập Cận Bình và bè lũ tiêu tán đường ngay)!
Một ngàn năm sau, cái chết của ông cũng
chưa hết chuyện để nói! Riêng tôi, cái chết của ông, một lần nữa nhắc nhở cho
nhân loại tiến bộ hiểu rằng, chế độ cọng sản, là tổng hợp của đế quốc La mã, của
phong kiến Tàu, của Đức quốc xã, quân phiệt Nhật, độc tài Liên xô, tàn bạo và
ngu dốt của Mao Trạch Đông, tức là tất cả những cái ngu cái ác nhất của nhân loại
không chịu tiến bộ.
Chưa hết chuyện vì cuộc chiến giữa cái ác,
cái xấu với cái tốt cái thiện vẫn còn tiếp diễn muôn đời.
Ở nước ta, nhiều cái chết lảng xẹt nhưng
rúng động dư luận, tức là ầm ĩ, có thể kể Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang. Một
người vừa được trao phương bảo kiếm để trừ gian diệt ác, chỉ mới dọa chém tuốt
nhưng chưa kip chém đã ngỏm cù đeo, là tại sao?
Một người ngồi ghế chủ tịch nước đang béo tốt
phương phi bỗng tái xanh tái mét, yếu đến nỗi cầm dùi đánh trống khai giảng cho
học trò mà run lên run xuống, chết trong sự nghi hoặc và tức tối đến nghẹn
ngào. Cái ghế bỏ trống nhẽ ra để bà phó lên ngồi theo như thông lệ quốc tế, thì
không nói không rằng, cụ tổng nhích cái đít chai cứng vì ngồi trên ngôi cao quá
lâu, sang ngồi cho nó đủ bộ bình tích, thế nà thế lào?!
Ngược lại có những cái chết không một tiếng
vang, như chết trong đồn công an bằng sợi dây thun, chết khô chết héo bên cạnh
đống đơn cao như núi của những người bị cướp mất đất mất nhà, hay chết trên tàu
cá vì bị tàu của “nước lạ” đâm chìm!
Có những cái chết cay đắng mà cũng có những
cái chết thật buồn cười. Như chết vì già mà ham, ham đây là ham gái chứ không phải
ham ăn. Còn chết như thế nào, bộ dạng ra sao, ăn mặc chỉnh tề hay trần truồng
vì bị lột sạch cả nghĩa đen và nghĩa bóng, thì xin miễn bàn vì đó cũng là bí mật
quốc gia.
Có những cái chết để lại hậu quả nghiêm trọng.
Chị bạn tôi kể rằng, một sáng đến thăm mộ chồng vừa mới mất, thấy có bó hoa đặt
bên mộ, hỏi mấy đứa con, có đứa nào đến thăm mộ ba hay không, chúng bảo không,
thế là lòi ra ngay cái con bồ lâu nay thò thụt dấu diếm. Thôi, từ nay đã có người
thăm viếng rồi, tôi tới làm chi nữa cho nó tủi cái thân già!
Tai hại chưa, chết rồi mà vẫn chưa hết chuyện!
.
Một ông bạn khác, lúc sắp chết kêu vợ lại gần
để thành thật khai báo, rằng, anh lỡ dại đã có một đứa con riêng, khi anh chết,
em làm ơn làm phước chăm sóc giùm, thương yêu nó vì dẫu sao đó cũng là giọt máu
của anh…chị vợ tức nghẹn họng nhưng cố bấm bụng nhận lời. Thế mà trời xui đất
khiến sao đó, anh lại sống nhăn răng. Thế là mời anh go out ra khỏi nhà tôi
ngay, đi theo con đĩ nào thì đi cho khuất mắt!
Gần chết mà khủng khiếp như thế huống gì chết
thiệt.
Nhưng nói gì thì nói, chết đau đớn nhất và
buồn nhất vẫn là con chết trước mẹ (không ai cõng) và mẹ chết trước con (không
ai cho bú).
Sau cái chết, chuyện đáng nói, đáng buồn và
đáng sợ nhất, theo tôi là những cái mộ, những cái lăng. Có những ngôi mộ tốn
hàng chục tỷ đồng, lộng lẫy như một biệt điện, có cả tivi, tủ lạnh xalon cho
người chết sử dụng như lúc còn sống. Đến ngày giỗ, ngoài việc đốt cả tỷ đô la
âm phủ, còn đốt cả xe hơi, tài xế, con hầu bằng giấy.
Lăng, thì ông vua nào chẳng có lăng. Nhưng
qua bao dâu bể hưng phế, chỉ còn lại ở nước ta các lăng của triều Nguyễn. Lăng
của Tự Đức nổi tiếng không phải vì đẹp, mà vì những khổ cực dân và lính phải chịu,
đến nỗi làm loạn, còn để lại trên bia miệng với hai câu ca dao. Vạn niên
là vạn niên nào/ Thành xây xương lính hào đào máu dân!
Lăng Hồ Chí Minh vừa hện đại vừa hùng vĩ,
bao quanh bằng đá quý chọn từ mọi miền của đất nước, đẹp đến nỗi được gọi là
bài thơ bằng đá. Để giữ cho cái thân tứ đại của Bác khỏi bị thối rữa, có cả một
đoàn chuyên viên kỹ thuật của Liên xô, và cả một trung đoàn tinh nhuệ để canh
giữ giấc ngủ nghìn thu của Bác, tốn sơ sơ mỗi năm trên dưới vài trăm triệu đô
la!
Vừa rồi, quốc hội có người ăn gan hùm đề
nghị biến lăng thành bảo tàng, đưa xác đi chôn hay đốt theo như di chúc của
Bác. Nhưng, tất cả lại rơi vào sự im lặng rất đáng sợ, vì không còn ai dám nói
nữa và vị dân biểu không rõ còn sống hay đả chết một cách không bình thường như
Trần Đại Quang, Nguyễn Bá Thanh.
Với tôi, chết chắc cũng chưa hết chuyện, dù
chỉ là một công dân hạng hai chẳng đóng góp chút gì cho quôc gia dân tộc, thì
xin đừng xây mộ hoành (bánh) tráng, (nói chơi chứ tiền đâu xây), mà hãy đốt như
đốt rác cho khỏi mất vệ sinh, chút tro còn lại thì xin rải trên mồ mẹ, coi như
con của mẹ lại nằm trong lòng mẹ, là đủ rồi. Mong lắm thay!
Khuất Đẩu
Viết trong mùa ôn dịch
ÁO XƯA
Áo xưa dù nhàu
Cũng xin bạc đầu
Gọi mãi tên nhau
Trịnh Công Sơn
Áo xưa là áo cũ, chứ không phải áo của vua
quan triều Nguyễn ngày xưa, bày ra khoe cho Tây mũi lỏ lé mắt coi chơi. Cũng
không phải chiếc áo của anh dân quê hôm qua tát nước đầu đình/ bỏ quên chiếc áo
trên cành hoa sen/ em được thì cho anh xin/ hay là em để làm tin trong nhà. Lại
càng không phải chiếc áo yêu nhau cởi áo cho nhau/ về nhà mẹ hỏi qua cầu gió
bay!
Đó chỉ là những chiếc áo đơn sơ bình thường
của những người thân trong gia đình và của chinh tôi đã mặc trong những ngày
tháng cũ.
Cha tôi mất sớm, nên tôi không nhớ ông mặc
gì: áo trắng, áo nâu, áo vạt hò hay áo sơ mi, chỉ nhớ có mỗi chiếc áo dài lương
đen ông mặc một lần khi cúng khai tâm cho tôi.
Cúng khai tâm là cái lễ của những người
ngày xưa học chữ nho. Đến thời chữ quốc ngữ, vì ông và cha tôi đều biết chút ít
chữ nho nên vẫn giữ lễ để mở cái tâm đang đóng kín của tôi ra, như cách những
người làm tượng khai quang điểm nhãn hay vẽ mắt sau khi đóng xong thuyền. Cũng
nghiêm trang trịnh trọng lắm. Nghe đâu cha mẹ tôi trước đó không được “gần”
nhau, còn tôi được cúp tóc ca rê, tắm rửa sạch sẽ, thay áo mới, đứng trước bàn
thờ bày giữa sân lạy ba lạy, chẳng biết lạy thần gì chỉ thấy trước mặt một con
gà luộc tươm mỡ đang nằm bẹp trên một cái đĩa to tướng, cùng với mấy tô cháo và
đĩa xôi giữa làn khói nhang trầm đang uốn éo bay lờ đờ.
Rồi tôi được ăn nguyên một cái đầu gà nhổ
còn sót lông, nuốt luôn cả 2 con mắt đang trợn trừng đến phát sợ, để học cho được
sáng trí và mau tấn bộ. Còn cha tôi, áo dài cũng đã cởi, đang ngồi uống rượu
cùng ông tôi và bạn của ông.có chòm râu dài tới ngực. Dường như họ đang cầm cái
chân gà không phải để nhậu mà để coi xem thần phán thế nào trên mấy cái ngón
cong nhiều hay cong ít đó, mà đoán định được tương lai học vấn của tôi. Có lẽ
đó là cái chân của con gà ăn quẩn cối xay hay bị què, nên chuyện học của tôi chẳng
đi đến đầu đến đũa, cứ lẹt đẹt gần chót bảng!
Mấy tháng sau, cha tôi bệnh thương hàn mà ngày
đó chưa có thuốc chữa, ông tôi chỉ biết xì xụp lạy cầu xin tổ tiên cứu giúp,
còn bà tôi thì niệm quán thế âm bồ tát xin phù hộ, nên ông không qua khỏi! Chiếc
áo để lại cho ông tôi mặc trong những dịp tết, cúng giỗ hay cúng đình. Áo lương
đen rất mỏng và thưa, nếu chỉ mặc một mình nó thôi thì người khác thấy cà da lẫn
thịt (kiểu như quý bà quý cô sành điệu bây giờ mặc áo xuyên thấu! may mà không
có mốt quần xuyên thấu!) Chiếc áo mỏng quá, sợ rách không giặt nên bị dán nhấm
càng lúc càng nhiều, đến một lúc nào đó không thể mặc được nữa, bà tôi đem cất
kỹ trong rương, coi như kỷ vật của đứa con trai duy nhất.
Chiếc áo quen thuộc thường ngày của ông tôi
lại là một chiếc áo bành tô của hải quân Pháp, được ông anh họ có một bà vợ đầm
lai, khi tản cư về làng, cho. Áo dệt bằng len thô trộn với tóc, dày gấp chục lần
áo lương, mùa hè mặc rất xót, nhưng mùa đông lại rất ấm. Áo có cả chục hạt nút
bằng đồng đen xỉn, mỗi hạt đều có hình mỏ neo.
Ông mặc chiếc áo đó từ năm 1945 đến 1965 vẫn
chưa rách. Nó chỉ bị đốt cháy cùng với ngôi nhà. Sau đó, khi làng bị đốt trụi
biến thành vành đai trắng, ông lén trở về và bị trực thăng bắn chết bên hàng dậu.
Phải chi còn chiếc áo ấy đắp lên mình, chắc ông đỡ lạnh khi phải nằm dưới mộ
sâu!
Chiếc áo mà tôi lúc nào nhớ tới cũng muốn
khóc, là chiếc áo của mẹ tôi. Đó là chiếc áo dài mẹ mặc khi gặp thầy hiệu trưởng,
lúc mẹ từ Quy Nhơn vào Ninh Hòa, thăm con. Một chiếc áo thâm đen đơn sơ, hai tà
có may hai đường xếp nếp vì đang còn chịu tang ông.
Lúc ấy mẹ trẻ lắm vì hơn con chỉ 18 tuổi, cả
trường cứ tưởng là chị cả của con. Chiếc áo đơn sơ quá, dù lúc ấy mẹ đủ tiền để
mua một chiếc áo đẹp hơn.
Mẹ là người đàn bà khổ cực nhất trên đời mà
con được biết. Cha con chết lúc em mới 3 tháng tuổi, con nghe mẹ gào chứ không
khóc, rồi mẹ thảy em cho con bồng, tập buôn tập bán, chạy chợ trên xuống chợ dưới,
kiếm từng hạt cơm manh áo để nuôi chúng con.
Có lần mẹ đi chợ về, trông thấy con bế em vụng
về như mèo tha dưa cải, mẹ đã quăng cả gánh hàng, nhào tới bế em, mẹ thì khóc
còn em và con đều cười toe vì em có sữa và con có quà!
Một lần khác, chưa kịp vào nhà mẹ đã hối
“múc cho mẹ gáo nước, đi con”. Cầm gáo nước, mẹ uống như người sắp chết khát,
nước vừa chảy vào miệng mẹ vừa chảy trên ngực áo cũng đang ướt vì căng sữa,
trong khi lưng mẹ cũng ướt đẫm mồ hôi vì phải chạy trên đường xa dưới cái nắng
đổ lửa.
Chiếc áo bạc màu ấy, không chỉ một mà rất
nhiều vì cả đời mẹ tôi luôn mặc như thế, và lúc này đây tôi đang khóc vì đang
viết về những chiếc áo xưa cũ của mẹ.
Một chiếc áo khác, cũng rất đơn sơ, là áo của
bà tôi. Áo nhuộm màu nâu, tay áo dính vôi và nhựa cau, vì bà thường lau miệng
khi ăn trầu. Chiếc áo ấy làm tôi vui mà cũng nhiều khi làm tôi sợ, mỗi khi bà
leo cau bẻ buồng và bắt chim sáo cho tôi. Trên cao tít, cái dáng mong manh của
bà in lên nền trời xanh, là hình ảnh xúc động nhất thường hiện ra trong những
giấc mơ của tôi.
Từ khi con trai chết, bà gần như chìm khuất
dưới sắc màu toàn là nâu: áo nâu quần nâu, khăn bịt đầu cũng nâu, một màu nâu mộc
mạc thật buồn.
Tôi cũng hãy còn giữ một chiếc áo sơ mi, nút
xương bò nhưng dệt bằng tơ tằm, gọi là đũi, rất chắc. Đó là chiếc áo được may bằng
máy chứ không may bằng tay như áo mặc thường ngày. Bà đã đem bao nhiêu kén do
bà nuôi đổi cho người ươm tơ để lấy đũi về may áo cho tôi, khi tôi thi đậu vào
lớp 5 tức là lớp 6 cấp hai bây giờ. Kiệt Tấn được mẹ may cho chiếc quần có hai
túi trông cũng le lói lắm, tôi thì áo đũi nhuộm nâu, cũng rất sang chảnh đâu có
thua gì.
Đây đúng là áo xưa vì đũi lúc nào cũng nhàu
nhò, hãy còn được vợ tôi cất kỹ để khoe với mấy đứa cháu nội.
Vợ tôi cũng có một chiếc áo mà tôi rất
thích, áo lụa màu tím than, mặc trong dịp vợ chồng cùng được mời đi họ trong lễ
cưới cháu trai một người bạn. Ngày ấy, ba vòng chưa bằng nhau, nàng 50
xúng xính bên một ông chồng già 60, trông cũng nhỏ nhắn dễ thương, nhiều người
cứ tưởng lầm là gái Huế.
Không phải áo của Bác, cũng không phải áo của
hoàng hậu Nam Phương, nên chẳng chiếc áo nào được cho vào viện bảo tàng. Chỉ có
trái tim tôi coi như một bảo tàng tư nhân sống, được cho vào một cách nâng niu
đầy thương nhớ thương mà thôi.
Khuất Đẩu
Viết trong mùa ôn dịch
LẠI NÓI CHUYỆN XƯA!
Sống mãi đến cái xuân thứ tám mươi không
còn xanh nửa, tôi mới nhận ra đươc điều này. Ấy là, càng đi gần tới chỗ không
muốn tới mà vẫn cứ phải tới, là cõi tử, chân không muốn bước thêm chút nào nữa,
chỉ muốn đứng quay đầu nhìn lại. Mà quay đầu thì chẳng còn chuyện gì để nói
ngoài chuyện ngày xưa.
Không phải ngày xưa chúng mình yêu nhau, mà
là những ngày còn bé, có khi còn nhồng nhỗng cỡi truồng tắm mưa.
Như chiều nay, sau những ngày nắng như có
khói, bỗng dưng một cơn mưa không báo trước, lặng lẽ trút xuống. Mưa mà không
có một chút gió, nên hạt mưa rơi theo chiều thẳng đứng (mượn tên một cuốn
phim), hạt mưa dài có lẽ đồng đều nhau, căng từ trời cao xuống đất, lúc
nào cũng song song, như sợi vải mắc trên khung cửi, một khung cửi khổng lồ, mà
thợ dệt chính là thợ trời.
Cho nên phải nói là quá đẹp, đẹp ở ngoài trời
và đẹp ở trong lòng. Tiếc là hạt mưa rơi thẳng trên mặt đường nhựa, bắn tung
tóe, chứ không mưa như mưa trong lòng tôi ở quê nhà.
Sân nhà bằng đất, nên hạt mưa rơi xuống làm
đất mềm ra, một lúc sau nổi bong bóng. .
Trời mưa bong bóng bập bồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?!
Lúc nhỏ, chưa có nỗi sợ nào bằng sợ mẹ (lỡ
dại!) bỏ con đi lấy chồng. Những chiếc bong bóng cứ hiện ra rồi vỡ toang như giọt
nước mắt của con. Cũng có lúc, giống nước sôi vì con đang tức sôi máu khi nghĩ
tới những người đàn ông dám cướp mẹ.
Chưa bao giờ mẹ có ý định đi lấy chồng dù
khi cha mất, mẹ mới có 23 tuổi và con nhớ răng mẹ đen, tóc mẹ dài, da mẹ trắng,
phải nói là còn trẻ và đẹp. Vậy mà tôi vẫn cứ sợ và ghét những người đàn ông
không phải là cha tôi mà lại láng cháng muốn tôi kêu bằng cha. Bọn họ cứ thậm
thò thậm thụt, đứng cửa trước chờ cửa sau, hỏi mua thứ này bán thứ nọ, có kẻ
mon men cho món này tặng món kia định mua chuộc cái thằng nhỏ cứng đầu là tôi.
Cái tiếng “dượng” thật dễ ghét và càng ghét hơn khi có thêm cái tiếng “ghẻ” dơ
dáy kèm theo.
Mưa êm như thế này, mà mưa trên nhà lá mái,
người nằm trong nhà chẳng hề hay biết. Chỉ có lũ trẻ, trong đó đầu têu là tôi
cùng với bọn trẻ hàng xóm ùa ra tắm mưa.
Không gì thích bằng được tắm dưới một cơn
mưa mùa hạ, mưa như có hàng ngàn cái vòi sen cùng mở một lúc, nước ngập đầy sân
tha hồ mà lăn mà lộn. Có thêm tiếng sét càng vui hơn nữa, cả bọn đều nhảy dựng
lên la hét rồi ù té chạy vào nhà.
Bọn con gái đương nhiên không dám tắm truồng,
chỉ ngồi trên thềm thò cẳng xuống hứng nước từ giọt tranh hay hái lá thi nhau
thả thuyền.
Những chiếc thuyền màu xanh tự bơi tự lái
theo dòng nước, có lúc nhanh lúc chậm, cuối cùng ngập ngừng đôi chút rồi buông
mình xuống một chỗ thấp hơn, xoay tít trước khi cuốn theo dòng nước chảy xiết đổ
ra vườn. Lá đứa nào rơi xuống trước là thắng cuộc đua.
Mưa sẽ ngon hơn, ấm hơn nếu lúc ấy được mẹ
hay bà dúi cho một củ khoai lang lùi trong bếp tro nóng. Và béo hơn nữa, thơm
ngon hơn nữa, nếu được một cuốn bánh xèo!
Cái tiếng reo nức nở chào nhau của mỡ và bột
khi gặp nhau trên khuôn nóng nghe mới tuyệt làm sao. Xèo! Hơn cả hai,
hơn cả hế lô. Huế, đặt tên cho con gái tên người nào cũng lạ và đẹp,
nhưng đặt tên cho món bánh bằng bột trộn tôm thịt rán mỡ heo là “khoái” nghe điệu
đà mà không mấy hấp dẫn. Đọc theo giọng miền nam là “phái” nghe càng tệ hơn nữa,
sao bằng “bánh xèo”, chưa ăn đã nghe nước miếng tươm ra đầy miệng rồi.
Mưa tạnh, cả sân vườn bỗng dậy mùi thơm của
cây lá và hương nước mưa. Tôi nói hương nước mưa là nói thật chứ không phải làm
văn chương. Vì sao à? Vì mặt sân đang nóng gặp nước mưa, hơi bốc lên ngùn ngụt,
mùi của đất, của rơm rạ, có cả mùi hương của cau hương của bưởi thì gọi chung
là hương nước mưa cho nó gọn.
Report this ad
Cùng lúc, nổi lên bản hòa âm của oàng ương,
ếch nhái và dế mèn. Một bản hòa âm không có nhạc trưởng, mạnh đứa nào đứa nấy
chơi, lộn tùng phèo nhưng mà vui, ồn ào một cách rất chi là dễ chịu.
Âm thanh ở quê nhà còn có tiếng võng đưa kẽo
kẹt, tuy không ngọt ngào nhưng đong đưa nũng nịu dể làm mình, dù không được ai
đưa cũng muốn ngủ. Nghe kẽo kẹt bỡi hai đầu dây nghiến vào gỗ như hai thân tre
cọ vào nhau, chứ không phải sột soạt như những chiếc võng nilon núp dưới các
lùm cây ở các ngã ba sung sướng.
Buổi xế chiều nghe tiếng xay lúa rào rạo êm
êm cũng rất dễ muốn ngủ, thì cứ ngủ đi, một lúc sau sẽ có tiếng chày giã gạo nện
thình thịch vào cối gọi mình dậy.
Đến chiều là tiếng cơm sôi trong bếp, rồi
mùi thơm của rau lang luộc, mùi cá kho hâm đi hâm lại vẫn cứ thấy ngon, và bữa
cơm chiều của nhà nghèo được dọn ra trên chiếc nia đặt giữa sân, rồi tiếng nhai
nhót nhép, tiếng húp rột rột, giữa những tiếng heo kêu ụt ịt, tiếng nghé ngọ của
trâu bò về chuồng.
Tiếng cơm sôi quê mùa thế đấy cũng đã bước
vào văn chương mà không cần phải qua hội nhà văn.
Giang hồ? ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà!
(Phạm Hữu Quang)
Già, tai đã nghễnh ngãng nhưng sao tiếng gì
của ngày xưa nghe cũng thật hay. Phải chăng vì trong cái nghe ấy còn có chút ngậm
ngùi vì biết đâu chiều nay hay sáng mai, không bao giờ còn nghe được nữa.
Rồi mắt mờ, nhưng vẫn thấy được hàng cau đứng
trước nhà như những “liền anh” hát quan họ đội dù đứng đón “liền chị”. Những
hàng cau thẳng đuột, thanh mảnh, theo tôi là đẹp hơn cả những hàng tre hay hàng
dừa. Thôn Vỹ Dạ nếu không có những hàng cau nắng mới lên, thì đã không
có những vần thơ dễ thương của Hàn Mặc Tử. Và cau cũng đi vào văn học, rồi lau
lách đìu hiu của Phan Huy Vịnh, rồi lá ngô đồng, vàng rơi, vàng rơi thu
mênh mông của Bích Khê…
Bến cũ hay bến xưa với cô gái chèo đò, nhớ
sao là nhớ. Rồi xe thổ mộ với tiếng nhạc ngựa nhỏ thưa tràng đạc tiếng
còn vọng âm của Huy Cận, Và về mái nhà xưa trông như nấm nhà buồn, để
nghe tiếng hú hồn mê oan, của Phạm Duy…
Ôi chao, ngày xưa với nhà xưa, làng xưa, bến
xưa, người xưa, áo xưa…những âm “xưa” nghe như tiếng mưa thu thánh thót của Đặng
Thế Phong, buồn và đẹp xiết bao!
Sợ rằng, nói thêm một âm xưa nào nữa sẽ phải
khóc, nên tôi xin dừng lại.
Khuất Đẩu
Viết trong mùa ôn dịch
MÊ LÀ SAO?
MÊ CÁI GÌ?
NÓI THỬ NGHE CHƠI!
(Viết vì nhớ Kiệt Tấn)
Chữ “mê” đứng một mình ên, như cô bé bên bờ
Cửu Long giang (truyện của Lữ Kiều), cô thèm đi đôi guốc mới mua, nhưng thẹn
thùng nên lén chị ra bờ sông chỉ để…rửa chân. Rất hiền và rất dễ thương.
Vậy mà khi thêm đầu và thêm đuôi, thì chữ
“mê”lại trở nên rắc rối. Kiểu như cô nàng bỗng dưng cởi áo ra rồi mặc áo vào,
phơi cả lưng và ngực giữa đất trời bao la, chắc chắn ngòi bút của nhà văn bác
sĩ phải một phen bối rối.
Thêm đầu thì có si mê, đam mê, đê mê,
ba chữ này nghe rất đã, ai mà chẳng ham, nhưng gây mê để lên bàn mổ, thì
xin đừng.
Thêm đuôi, như mê mẩn, mê man, mê
mệt…có vẻ như dẫn ta vào đường tình, không phải tình yêu mà tình…dục.
Thời muốn đẻ bao nhiêu có sức cứ việc đẻ,
có một lão nông miền Trung đặt tên con như vầy:
Mai/Tao/Lên/Chơi/
Mê/Say/Quên/Dìa.
Cũng có “kế hoạch” đấy chứ. Tám đứa, vừa đủ
2 câu thơ bốn chữ, thì dừng!
Không như bây giờ, nhà nước vận động kế hoạch
hóa gia đình, áp phích treo đầy đường:
GIA ĐÌNH/
HAI CON VỢ/
CHỒNG HẠNH PHÚC!
Nình ông quá đã, (được những hai con vợ,
sao không đã!) nhưng nình bà thì quá thua thiệt, xuống đường biểu tình phản đối
là cái chắc.
Đem chữ “mê” đặt tên con, xem ra cũng chỉ
là chuyện nhỏ. Nhạc sĩ Nhật Ngân trong bản nhạc để đời Một mai qua cơn mê,
cứ tưởng là mê tình, không ngờ là mê muội vì hai miền nam bắc, suốt bao nhiêu
năm cứ lao đầu vào húc nhau. Đấy mới thiệt là chuyện lớn, vì cuộc chiến vừa qua
đúng là một cơn mê dài, quá ngu!
Bản nhạc được viết năm 1971, giữa lúc sắp
ký kết hòa đàm Paris, nên ông mơ ước một mai hòa bình “sẽ bay đi muôn phương, sẽ
hái trái đem cho mọi nhà”.
Tưởng là tỉnh táo, không u mê, hóa ra bé
cái nhầm. Hòa ước ký vừa ráo mực, miền bắc liền phang tới tấp cho miền nam sụm
bà chè, rồi đưa cả ngàn thi sĩ, văn sĩ và nhạc sĩ vào tù!
Tản Đà hỏi: Dân hai nhăm triệu ai người tỉnh?
Có nghĩa rằng suốt đêm dài Pháp thuộc, nhiều người cứ mãi ngủ mê không chịu thức
dậy. Giờ 5 triệu đảng viên, được bao nhiêu người tỉnh ngộ bỏ đảng CS? Lèo tèo,
chưa đếm đủ mười đầu ngón tay! Nhưng một vài người rất đáng ngưỡng mộ.
Một người là nhạc sĩ Tô Hải, còn đươc gọi
là Tô Hèn vì loạt bài ông tự thú Tôi là thằng hèn, vừa chửi mình vừa chửi
đảng rất chi là phản động.
Một người nữa, là nữ nghệ sĩ Kim Chi. Bà nổi
tiếng không phải vì đóng phim Cô gài Sài Gòn đi tải đạn mà vì từ chối cái rụp
danh hiệu “cao quý” nghệ sĩ nhân dân mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn ký tặng.
Bà bảo tôi xấu hổ mắc cỡ khi có tên ông ta treo trong nhà. Ngon hết sẩy, chịu
chơi hết sẩy. Mới đây, dù đã trên thất thập, vẫn cưới một cụ ông trên bát thập
cũng bỏ đảng là tiến sĩ Mạc vân Trang. Hai người, tuy “ đã hết gân rồi còn tái
giá”* vẫn được con cháu và cộng đồng mạng chúc mừng rối rít.
Nói vậy, chứ gọi cuộc chiến là cơn mê cũng
chưa to chuyện bằng thêm chữ “gái” sau chữ mê!
Mê gái! Không ngờ cái đuôi “gái” này lại
dài như đuôi sao chổi Halley, nó làm cho một nửa nhân loại sáng lấp lánh, còn một
nửa thì tối sầm vì tím ruột bầm gan. Bài này chỉ xin nói về nửa đám nhân loại
có thằng tôi trong đó.
Đúng là “chuyện bây giờ mới kể”!
Kể rằng, cái thằng tôi lúc học lớp ba trường
làng, một hôm trời không nắng cũng không mưa, giữa lúc gió đồng vi vu thổi vào
lớp hoc, tiếng thước kẽ thầy giáo gõ lên bàn kêu bom bóp, bỗng có một giọng con
gái thỏ thẻ (và trọ trẹ nữa), dạ, trò ni đi trễ, xin thầy tha cho!
Chẳng những ông thầy nổi tiếng hung dữ (chứ
không ác) quắc mắt ra nhìn, mà cả bốn chục thằng con trai hỉ mũi chưa sạch cũng
trố mắt mà nhìn theo! Người bị nhìn dữ dội là một thiếu nữ chừng 13, 14 tuổi,
chị của một đứa học trò tản cư chạy giặc từ Huế vào, mới học được mấy ngày.
Nghe vậy, thầy cụp mắt xuống, phẩy tay cho cậu em vào. Cả lớp cũng cụp mắt
theo, nhìn vào vở.
Vậy thôi. Thầy vô tư, cả lớp cũng vô tư,
nhưng cái thằng tôi thì không vô tư! Suốt cả buổi học tôi cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ,
đến nỗi bị thầy giáo đến bên cạnh nhéo tai mấy cái đau thấu trời, mới chịu tỉnh
ra.
Mấy ngày sau cũng vậy! Vở sách lem luốt, chữ
viết như cua bò! Suýt chút nữa bị thầy đến nhà “mắng vốn”.
Hóa ra là tại cô nàng! Không phải vì cái giọng
nói trọ trẹ, mà vì mái tóc nghiêng nghiêng và đôi mắt “buồn viễn xứ khôn
khuây”! Vậy là mê gái đứt đuôi con nòng nọc rồi, nói cho văn vẻ là tương tư!
Trời ạ, chưa đến mười tuổi mà đã biết tương
tư. Cái bệnh này còn đáng sợ hơn cả covid 19, vì theo khảo sát của các nhà khoa
học, trong số hơn 15 triệu sinh linh trên trái đất bị con covid nó hành, chưa
có sinh linh nào dưới 10 tuổi bị dương tính cả.
Nhưng mà, bệnh tương tư không do virus, nên
cách trị cũng khác hẳn và dễ ợt. Chỉ cần cha tôi bắt nằm úp mặt xuống phản gõ,
thẳng cánh đánh 5 roi quắn đít là khỏi bệnh ngay. Tiếc thay và cũng mừng thay,
ông đi làm mã tà ở cõi âm nên tôi cứ thoải mái mà mang cái bệnh ngọt ngào đó tới
lúc học cấp hai.
Cũng một mái tóc nghiêng nghiêng và giọng
nói trọ trẹ, nhưng không phải của học trò mà là của cô giáo, (thế mới bỏ mẹ!)
Cô ấy vừa mới ra trường, lại đang fall in love một thầy giáo cùng trường, nên
“mắt cô ướt và tóc cô mềm như mây mùa đông”.
Là gái Huế, vừa đoan trang (giả bộ) lại vừa
diện ngầm với áo tím than và khăn quàng trắng, trông cô thướt tha yểu điệu làm
sao, nên cái thằng oắt con là tôi, chết một cửa tứ, bị cô hớp mất hồn. Cha tôi
dẫu có sống lại cũng khó mà chữa khỏi bệnh. (vì tôi dại gì mà khai báo, trường
cũng đâu biết mà cách ly bằng cách đuổi học).
Bệnh cứ âm ỉ bên trong khiến tôi cứ mơ mơ
màng màng, ngồi trong lớp mà cứ tưởng đang bay lơ lửng giữa trời cao, rồi lại
nhẹ nhàng rơi xuống như lá mùa thu. Mới lỏm bỏm tiếng Anh, nhưng tôi bỗng hiểu
thế nào là fall in love và thầm phục người Anh đặt tên đúng chóc!
Thế rồi, một hôm bỗng dưng cô vào lớp với
mái tóc phi dê xoăn tít như râu bắp, chắc là sắp lấy chồng. Ôi chao, trời sập
cũng không làm tôi kinh hãi bằng.
Trước, cô thanh cao đài các bao nhiêu, giờ
cô nặng nề trần tục bấy nhiêu!
Trước, mắt cô ướt, tóc cô mềm, giờ mắt cô
khô tóc cô gãy!
Tôi buồn hắt buồn hiu, không phải vì cô sắp
lấy chồng, mà vì từ đây lớp học không còn ấm áp như bếp lửa chiều đông nữa!
Nhưng may quá, cũng từ đó tôi khỏi bệnh!
Thời của tôi là vậy đó, mấy anh chàng mê
gái trông là biết liền. Cứ xem cái cách anh ta đi lờ đờ, điên không ra điên
khùng không ra khùng, lục trong túi chẳng có một đồng xu teng, mà chiều nào
cũng đi bát phố (giờ là shopping), cứ đi tới đi lui, đi lên đi xuống, mỏi chưn
thì vào hàng sách, giả bộ coi quyển này lật quyển kia, chỉ để chờ một tà
áo, một mái tóc, rồi xớ rớ đứng gần người sắp gieo mầm bệnh, là đủ sướng đến tê
cả người!
Phải nói, thằng con trai nào mới lớn cũng đều
mắc bệnh mê gái cả, không mê là coi chừng pê đê, tệ hơn nữa bị gọi là cù lần. Bệnh
này không quý phái sang chảnh như bệnh tim, nhưng vẫn rất đáng được một lần
trong đời thử mang bệnh, cho ai đó nổi ghen tức chơi
Nổi danh mê gái (già), mê đến nỗi phát điên
phát khùng là thi sĩ Bùi Giáng. Nào Marilyn Monroe, nào mẫu thân Kim Cương, mẫu
thân Phùng Khánh. Gọi mẫu thân kính cẩn đề huề, vì các nàng đẹp thì có đẹp,
nhưng chắc không hiền, láng cháng coi chừng bị oánh cho bầm mặt. Nhưng khi chỉ
một mình, thì ông gọi “em ơi, em đẹp vô cùng/ vì em có cái lạ lùng
bên trong”. Cái gì lạ lùng bên trong đó chỉ có ông hiểu và Trời hiểu
mà thôi. (vậy nên nói nhỏ, ông khôn bỏ mẹ, điên gì mà điên).
Một thi sĩ mê gái rất mực thanh tao, là
Hoàng Trúc Ly, làm thơ rất ít nhưng lại được nhiều người biết tiếng. Có thể ông
mê nhiều nường, nên chẳng dại gì mà gọi tên nường nào, chỉ biết rằng nhờ mê gái
mà ông để lại cho đời những câu thơ tuyệt hay. Như:
Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng/ Trông về
con nước ngại ngùng xuôi/ Những người con gái bên kia ấy/ Ai biết chiều nay có
nhớ tôi?!
Hay là: Ô hay con gái bay nhiều quá/ Những
cánh tay mềm như cánh chim.
Tiếc rằng, anh đau gan, anh yếu phổi, đi lớ
ngớ bị xe tông, bỏ lại mẹ già không ai cõng!
Lại một chàng trẻ ranh, nhờ mê gái mà nổi
danh thi sĩ, là Nguyễn Tất Nhiên. Mới học đệ tam (lớp 10) mà đã yêu điên yêu dại
cô bạn gái cùng lớp. Thơ chàng, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, trở thành những
bài tình ca bất hủ.
Cái bệnh mê gái của chàng, mê đến chết, nên
có thể gọi chàng là Trương Chi thời hiện đại, còn Mỵ Nương là người con gái tên
Duyên.
Bệnh mê gái cũng đâu có tha những nhà sư
chưa thoát tục. Như Phạm Thiên Thư, dù khoác áo nâu sồng, vẫn cứ mê mải theo
chân Ngọ về rồi làm thơ ướt át suốt cả đêm, tu mà như thế đến Phật Thích Ca
cũng phải chịu thua.
Các nhạc sĩ thì khỏi phải nói, mê gái có từ
trong máu, không mê gái thì không cách gì làm ra nhạc được. Nhạc đây là nhạc
tình. Trịnh Công Sơn mê Diễm viết Diễm xưa, mê Thanh Thúy viết Ướt mi,…Vũ Thành
An mê đến mấy chục nường, biết gọi tên ai, thôi thì không gọi tên cho chắc ăn,
Không tên số một, Không tên số hai… đến Không tên cuối cùng! Nhờ thế, các nường
“bỏ anh em đi” đều lẩm nhẩm hát thầm, trong khi đức ông chồng nằm bên cạnh cứ
ngáy khò khò, chẳng biết trời trăng gì ráo!
Nhà văn đương nhiên lại càng mê gái hơn.
Như Đoàn Thế Nhơn mê cô vợ tên Viễn Phố, bèn lấy bút hiệu là Võ Phiến. Rồi Mai
Thảo yêu tiếng hát và người hátThái Thanh, chung tình đến nỗi đến chết vẫn chỉ
yêu một người có “tiếng hát vượt thời gian” mà thôi.
Nhưng mê gái như Kiệt Tấn thì đến cả tổ sư
G.Marquez ở Nam Mỹ cũng phải gọi bằng ngài, tức Don Kiệt! Cứ thấy gái là mê,
tôi mê gái thì học dở còn ngài càng mê càng học giỏi, thế mới lạ. Từ gái quê bồng
em, bán nước mía, đến gái phố thị đài các kiêu sa, từ gái nhà lành đến gái đĩ,
từ gái ta đến gái tây, từ gái viết sai chính tả tùm lum đến gái thuộc thơ J.
Prévert, từ gái không điên đến gái điên…, ngài mê tuốt. Không cần biết xấu đẹp
sang giàu, có gái là mê, không mê chết sướng hơn!
Còn nửa nhân loại kia thì sao? Gái có mê
trai không? Có đấy! Mà mê bạo hơn, điên dại hơn, ngu muội hơn. Mê nghiêng mê ngửa,
mê đứng mê ngồi, mê như bị bỏ bùa.
Một nàng Thôi Oanh Oanh cha chết chưa chôn
còn để nằm trong hòm, mà mê Trương Quân Thụy ở Mái Tây đến nỗi dám sai nữ tỳ
mang cả chăn chiếu sang chung chăn với chàng. Ngày xưa mà như thế, phải nói là
gan cùng mình! Mê đến thế không còn gọi là dại trai nữa, mà phải nói là
chết vì trai!
Lại thêm một gái góa tên Trác văn Quân,
chưa hết tang chồng cũng đã bỏ nhà theo trai vì mê tiếng đàn của Tư mã Tương
Như!
Nổi đình nổi đám nhất là Vương Thúy Kiều,
vừa mới gặp Kim Trọng mà “tình trong như
đã”, nên tuy kín cổng cao tường vẫn lén dòm sang bên kia nhà, rồi đó ra vườn dạo
chơi, giả bộ đánh rơi chiếc trâm cài tóc trên cây!
(sao lại rơi trên cây mà không rơi trên cỏ,
ấy là để chàng Kim dễ nhìn thấy, có cớ mà làm quen! Vẽ đường cho hươu chạy còn
oan nỗi gì!).
Mới quen buổi sáng bên hàng dậu, mà
buổi tối đã “băng lối vườn khuya một mình”, thì chỉ thua mỗi Thôi Oanh
Oanh là không dám mang chăn gối theo mà thôi!
Đó là chuyện mê trai của các người đẹp xưa,
còn chuyện mê trai của các người đẹp nay, thì dẫu có cho kẹo tôi cũng không dám
nói, vì sợ bà chủ tịch Gia hội và “nhóm lợi ích” của bà!
Chỉ có điều, trộm nghĩ (tức là nói trộm đờn
ông mí nhau ) rằng, thì là, xem ra, mê gái hay dại gái, nửa đám nhân loại “vinh
dự có tôi đi hàng đầu”kia, cũng chỉ làm đẹp cho dời, chứ có làm chết thằng tây
đen nào đâu.
Nào thơ hay như Hoàng Trúc Ly, nào nhạc mê
đắm bao thế hệ như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… nào tranh của L. Da Vinci với nụ
cười bất tuyệt của La gioconda … chứ mê trai hay dại trai thì sao nào, dù không
hại đời cũng hại nhà, như Thôi Oanh Oanh, Trác Văn Quân, bằng không thì hại
mình như Thúy Kiều! Mười lăm năm mà sao không tan tác khi phải “thanh lâu hai
lượt thanh y hai lần”, nên các cụ xưa cấm con gái xem Thúy Vân Thúy Kiều, cũng
đâu có sai!
Sau chữ “mê” còn dài đến cả cây số. Như mê
bài bạc, mê đánh số đề, mê xóc đĩa, mê xì phé, mê xì ke, mê mua sắm, mê nhà lầu
xe hơi, mê địa vị chức tước, mê quyền lực, mê võ thuật, mê bóng đá, mê chơi
games,…còn nhiều thứ mê lắm.
Thôi thì mê gì cũng được, ít nhiều trong mê
đều có ngu, có dại, nhưng mê cọng sản thì đáng đem bắn bỏ chứ không “cải tạo”
gì được, vì đó là cái mê ngu nhất, dại nhất, chẳng những hại riêng một người,
mà còn hại đến nhiều người, chẳng những không lợi nhà mà còn hại nước, phải
không phe ta, hả ngài Don Kiệt?!
Khuất Đẩu
Tháng bảy, mùa ôn dịch
*Đã hết gân rồi còn tái giá là vế một
câu đối của bà hàng phở nạ dòng. Tức là hết phở gân rồi chỉ còn phở tái và giá
sống thôi. Được một ông sồn sồn đối lại nhưng không chỉnh: thì đem xíu quách nhậu
cùng anh.