Trong bài trước người viết có nhắc đến trường hợp anh nông
dân Sierra Leone bỏ phiếu bằng chân vì hai tay của anh bị quân phiến loạn độc
tài Sierra Leone chặt đứt. Giống như anh nông dân Sierra Leone, theo nghĩa
bóng, người dân miền Nam trước 1975 cũng bỏ phiếu bằng chân khi quân CS mở các
cuộc tấn công lớn như Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Vậy người Mỹ bỏ phiếu bằng gì?
Người Mỹ rất thực tế. Họ bỏ phiếu không phải bằng tay như người dân Nam Phi, bằng chân như người dân Sierra Leone hay miền Nam Việt Nam mà bằng bao tử. Đời sống áo cơm, điều kiện kinh tế, mức ổn định trong xã hội Mỹ quyết định cho lá phiếu.
Từ sau Thế Chiến Thứ Hai tính cả thời kỳ Harry Truman đến
nay, Mỹ có bốn tổng thống, hai ông Dân Chủ và hai ông Cộng Hòa, chỉ làm được một
nhiệm kỳ hay thậm chí ngắn hơn. Họ gồm Lyndon B. Johnson, Dân Chủ (1963-1969),
Gerald Ford, Cộng Hòa, (1974-1977), TT Jimmy Carter, Dân Chủ, (1977-1981),
George H. W. Bush, Cộng Hòa, (1989-1993).
TT Jimmy Carter được quốc tế kính trọng khi giúp mang lại
hòa bình cho Trung Đông qua thỏa ước Camp David giữa Thủ tướng Do Thái Menachem
Begin và Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat. Ai Cập là quốc gia mạnh nhất trong khối
Á Rập và TT Anwar Sadat là lãnh đạo có uy tín nhất trong các lãnh đạo Á Rập.
TT George H. W. Bush, lãnh đạo liên minh quân sự gồm 35 quốc
gia đạt đến chiến thắng lẫy lừng trong Chiến Tranh Vùng Vịnh (Gulf War)
1990-1991.
Hai tổng thống Mỹ này đều nổi tiếng khắp thế giới về các
chính sách đối ngoại nhưng cả hai đều không thắng nhiệm kỳ hai. Họ thua chỉ vì
thất bại trong các chính sách đối nội.
Trước đó, TT Lyndon B. Johnson không tìm kiếm nhiệm kỳ hai
không phải lý do trực tiếp vì chiến tranh Việt Nam mà vì sự phân hóa trong nội
bộ nước Mỹ do cách tham dự của Mỹ vào cuộc chiến.
TT Gerald Ford thất bại ngay khi ứng cử lần đầu vào tay
Jimmy Carter vì không giải quyết được gánh nặng kinh tế suy thoái trầm trọng nhất
kể từ Đại Suy Thoái 1929-1933 và lạm phát gia tăng sau chiến tranh Việt Nam.
Do đó, để tái đắc cử, một tổng thống nhiệm kỳ thứ nhất phải
duy trì cho được sức mạnh kinh tế và ổn định xã hội, và đó là hai mục tiêu hàng
đầu của một lãnh đạo nước Mỹ. Và để được lòng người trong nước, tổng thống Mỹ
thường phải tái ưu tiên hóa các chính sách đối ngoại. Nói rõ hơn, bất cứ chính
sách, đường lối nào có ảnh hưởng bất lợi cho việc tái đắc cử đều phải được điều
chỉnh, bị trì hoãn, và chỉ tiến hành nếu có lợi cho việc tái đắc cử. Số phận
Hong Kong là một bằng chứng còn nóng hổi trên mặt báo.
Chính trị là chính trị. Niccolò Machiavelli, người được xem
như là cha đẻ của khoa chính trị học và tác giả của Quân Vương (The Prince) viết
“Chính trị không có liên quan gì đến đạo đức”.
Điều đó không có nghĩa Tập Cận Bình sẽ rảnh tay thao túng
theo ý thích. Giống như Hitler phải đi từ Rhineland qua Áo tới Sudetenland nuốt
Tiệp Khắc rồi mới tấn công Ba Lan. Tập Cận Bình phải tính toán những rủi ro khi
đương đầu với Mỹ bằng quân sự trong thời điểm này.
Mỹ có thể sẽ đóng vai trò trung lập nếu chiến tranh giữa hai
đảng CSVN và CS Trung Quốc, bùng nổ lần nữa, nhưng vì các lý do kinh tế, cam kết
lịch sử và chiến lược Mỹ sẽ không đứng yên nhìn Đài Loan rơi vào tay Trung Cộng.
Hoa Kỳ là một cường quốc hàng đầu thế giới nên việc bầu cử tổng
thống Mỹ cũng như các chính sách của quốc gia này có ảnh hưởng đến khắp các quốc
gia trên thế giới, không chỉ trong giới lãnh đạo mà cả người dân.
Phản ứng của lãnh đạo các quốc gia và người dân các quốc gia
khác thường phát xuất từ những lãnh vực mà họ quan tâm nhất, có ảnh hưởng đến họ
nhất như một người nước ngoài chứ không phải với tư cách một công dân Mỹ.
Người nước ngoài không đóng thuế Mỹ, không lãnh trợ cấp xã hội,
không sinh đẻ ở Mỹ, không bị chi phối bởi các nguyên tắc chỉ đạo hay lập trường
chính trị của đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ. Lãnh vực họ quan tâm nhất là chính
sách đối ngoại của Mỹ. Nhưng như đã phân tích ở phần trên, chính sách đối ngoại
phần lớn không phải là yếu tố quyết định cho lá phiếu của một cử tri Mỹ.
Dùng Châu Âu để phân tích. Biểu đồ thiện cảm của các lãnh đạo
và người dân Châu Âu đối với các tổng thống Mỹ từ sau Thế Chiến Thứ Hai cho thấy
yếu tố chính sách đối ngoại có ảnh hưởng lớn đến cảm tình của người dân Châu Âu
đối với Mỹ.
Để tránh bị chi phối bởi thành kiến chính trị mang tính thời
sự, thay vì dùng trường hợp tổng thống hiện nay hay vừa qua, lấy TT George W.
Bush năm 2001 ra để phân tích.
Theo thăm dò của Pew Research Center năm 2001 chỉ 16% người
Pháp, 23% người Đức, 17% người Anh thích TT G.W Bush. Lý do chính là vì thời điểm
đó Mỹ rút ra khỏi Hiệp Ước Chống Hỏa Tiễn Đạn Đạo (Anti-Ballistic Missile
Treaty).
Trong diễn văn ngày 13 tháng 12, 2001, TT G.W. Bush phát biểu:
“Bảo vệ nhân dân Hoa Kỳ là ưu tiên tối thượng của một Tổng Tư Lịnh, và tôi
không thể và sẽ không cho phép Hoa Kỳ duy trì một hiệp ước ngăn cản chúng tôi
phát triển các biện pháp phòng thủ hiệu quả.”
TT G.W Bush nhấn mạnh “Bảo vệ nhân dân Hoa Kỳ là ưu tiên tối
thượng” bởi vì ngoài quyền lợi của nước Mỹ, chỉ có cử tri Mỹ mới quyết định liệu
ông có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2004 hay không.
Theo các nhà chiến lược Mỹ dưới chính quyền George W. Bush,
Chiến Tranh Lạnh đã tàn, Leonid Brezhnev, Tổng bí thư đảng CS Liên Xô và là một
trong hai người ký trong ABM Treaty lần đầu 1972, đã vào địa ngục thì không lý
do gì Mỹ phải bắt buộc tuân thủ một hiệp ước lỗi thời.
Nhiều lãnh đạo và dân chúng Châu Âu lại nghĩ khác. Họ lo lắng
và có cảm giác bị Mỹ bỏ rơi nhất là khi năm ngàn đầu đạn nguyên tử của Nga vẫn
còn đang chĩa mũi sang Châu Âu. Nhưng Châu Âu của thế kỷ 21 không phải là một
Châu Âu điêu tàn đổ nát sau Thế Chiến Thứ Hai. Đống gạch vụn Berlin đã trở
thành một trong những thành phố hiện đại nhất thế giới. Người dân Tây Berlin
không còn phải thấp thỏm chờ từng ổ bánh mì, từng lít xăng được thả xuống từ những
chiếc phi cơ vận tải trong thời gian bị phong tỏa 1948 và 1949. Kế hoạch
Marshall đã hoàn tất. CS Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ. Chiến tranh Lạnh đã chấm
dứt. Những em bé Châu Âu năm xưa như Hasso Plattner, 5 tuổi hay Dieter Schwarz,
10 tuổi khi Tây Bá Linh bị phong tỏa nay đã thành tỉ phú.
Nước Nga ngày nay không phải là Liên Xô trước đây. Tham vọng
của Putin có giới hạn và không khó để nhận ra. Mối quan tâm hàng đầu của Putin
là bảo vệ vòng đai an ninh quanh nước Nga theo truyền thống của các Nga Hoàng.
Dù có hàng ngàn đầu đạn nguyên tử trong tay, theo tạp chí Forbes, với nền kinh
tế đứng hạng thứ 11 trên thế giới sau cả Ba Tây và Canada, thứ 55 về cơ hội đầu
tư, thứ 151 về tự do tiền tệ Nga chưa phải là một đe dọa trực tiếp với nền an
ninh Châu Âu trong một tương lai gần.
Đành rằng bảo vệ an ninh Châu Âu là một cách bảo vệ an ninh
và quyền lợi của Mỹ nhưng một khi điều kiện địa lý chính trị thay đổi, chiến lược
an ninh và phòng thủ cũng phải thay đổi một cách thích nghi.
Người viết giải thích hơi dài dòng để độc giả thấy chính trị
mang đủ các đặc tính giành giật quyền lực, dùng quyền lực để gây ảnh hưởng và
tác động đến quyết định như trong định nghĩa của tự điển Oxford: “Chính trị là
các hoạt động liên quan đến việc giành và sử dụng quyền lực trong đời sống công
cộng, và có thể tác động đến các quyết định làm ảnh hưởng đến một quốc gia hay
một xã hội.”
Nhưng định nghĩa trên thiếu một đặc tính phổ biến khác là vận
dụng chính trị. Vận dụng là phương pháp để tìm ra những điểm tích cực trong mọi
hoàn cảnh ngay cả khi tuyệt vọng.
Trong Chiến tranh Lạnh chống Liên Xô, nhiều quốc gia trở nên
giàu có nhờ vận dụng các điều kiện quốc tế và tận dụng thời gian giằng co giữa
các cường quốc để xây dựng thực lực cho mình.
Trong thời gian từ 1985 đến 1990, các phong trào dân chủ
Đông Âu và Baltics đã vận dụng chính sách đối ngoại hòa hoãn với tây phương và
không can thiệp bằng quân sự vào Đông Âu của Mikhail Gorbachev để xây dựng
phong trào dân chủ. Kết quả, hầu hết các quốc gia này đã có dân chủ trước khi
Liên Xô chính thức cáo chung vào tháng 12, 1991. Họ không đợi Liên Xô sụp đổ rồi
CS chư hầu sẽ tự động sụp đổ theo như cách một số người Việt quan niệm trong
quan hệ giữa Trung Cộng và CSVN.
Có được sự yểm trợ quốc tế dĩ nhiên quá tốt nhưng nếu không,
không có nghĩa là đường cùng. Một dân tộc tồn tại và lớn lên nhờ niềm tin sức mạnh
của chính họ chứ không phải nhờ vào ngoại lực.
Thăng Long không chỉ thất thủ một lần, Lê Lợi ở núi Chí Linh
củ chuối không có mà ăn nhưng Việt Nam vẫn còn có mặt sau bao nhiêu hy sinh và
chịu đựng. Niềm tin và sức mạnh của một dân tộc là nguồn vốn thiêng liêng, có
khi mạnh khi yếu nhưng không bao giờ mất.
Trần Trung Đạo