Giáo sư Lê Hữu Mục
Tưởng niệm Giáo sư Lê Hữu Mục.
Riêng tặng Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, và Ngọc Ánh đã trợ
giúp tôi hoàn thiện bài viết này.
I.
Năm mươi năm, nửa thế kỷ tròn, biết bao nhiêu sự việc đã xảy
ra thăng trầm biến đổi, mà sao tôi cứ tưởng mới hôm qua !!??
…
Thời đó con gái được vào Đại học là niềm vinh dự lớn của gia
đình, nhất là ở những gia đình nghèo, như gia đình đông con của ba má tôi vùng
Quận Tư - Khánh Hội. Tôi sẽ không dông dài câu chuyện về xã hội, chính trị.. thời
đó luôn luôn xáo trộn như cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968, hay cuộc chiến Mùa Hè đỏ
lửa 1972, mà tôi chỉ muốn nhắc đến Thầy giáo của mình năm học 1969-1970 ở
Đại học Sư phạm – Saigon.
Tôi là người rất may mắn trong đường học vấn, và học rất dễ dàng. Trong khi anh em trong nhà đều theo học Ban A, B (Ban Hóa, Sinh, Ban Toán, thời bấy giờ), thì tôi lại theo học Ban C, tức Ban Văn chương Việt nam.
Những năm cuối của bậc Trung học, tôi học ở một ngôi trường
có tên là Trường Sơn, Quận Ba, Saigon do nhà văn, cũng là thầy Nguyễn Sỹ Tế làm
Hiệu trưởng. Trường Sơn là trường chuyên ban C, nên lớp tôi có nhiều học sinh
chuyển qua từ các trường Taberd, Marie Curie, tức là học sinh trường Tây. Tôi học
chung với đám “con nhà giàu” “nói tiếng Tây” nên cũng có phần “chới với” về ngoại
ngữ.
Giáo sư Trường Sơn phần nhiều là những nhà văn, nhà thơ nổi
tiếng... như Thi sĩ Nguyên Sa-Trần Bích Lan, Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, Giáo sư
Hoàng Cung… Lên Đại học chúng tôi may mắn được “tiếp cận” với những giáo sư lừng
lẫy như Linh mục Thanh Lãng, Giáo sư Lê Ngọc Trụ, Giáo sư Phạm Cao Dương, Giáo
sư Nghiêm Toản, Giáo sư Nghiêm Hồng …để có cơ hội học tập cái cao quí, tài hoa
của họ.
Và, giáo sư mà tôi có nhiều sự nể trọng, kính phục, kỷ niệm,
và cũng có nhiều tâm tình gửi gấm về ông, đó là Giáo sư Tiến sĩ, Thầy Lê Hữu Mục.
Cuối năm 1970, chúng tôi tốt nghiệp khóa học cấp tốc dành
cho giáo sư Trung học Đệ Nhất cấp, tức là giáo sư dạy từ Đệ Thất (lớp Sáu) cho
đến Đệ Tứ (lớp Chín). Có lẽ do tình hình cả nước thiếu giáo sư Trung học diện
này, nên Bộ Giáo Dục mở khóa cấp tốc mười hai tháng, thay vì đào tạo cho diện
Cao đẳng Sư phạm hai năm. Kỳ thi tuyển đó có kết quả vào ngày 17/11/1969 với bốn
mươi bảy sinh viên, mà tôi may mắn, vinh dự đạt điểm ưu hạng, và điểm số của
năm học kết thúc vào ngày 16/11/1970 vẫn với kết quả dẫn đầu.
Như vậy, đúng trong mười hai tháng ở Đại học Sư phạm với
Giáo sư hướng dẫn, chịu trách nhiệm trực tiếp lớp tôi là Thầy Lê Hữu Mục, và
tôi là sinh viên ưu tú của Thầy. Sau này, cũng mới đây thôi, khi đọc tiểu sử,
tôi mới được biết Thầy sinh năm Ất Sửu 1925, tức Thầy hơn tôi hai con giáp. Lúc
đó Thầy bốn mươi lăm, còn tôi hai mươi mốt tuổi.
Sự Vụ Lệnh bổ nhiệm đi dạy học được ký ngày 23/01/1971, và
tôi trình diện Trường Phổ thông Trung học Cần Giuộc – tỉnh Long An, cách trung
tâm Saigon hai mươi lăm cây số. Đây là nhiệm sở gần nhất cho sinh viên tốt nghiệp
đỗ đầu bảng… Vừa đi dạy, vừa tiếp tục học ở Đại học Văn Khoa, tôi hoàn thành Cử
nhân Văn chương Việt nam vào ngày 18/10/1972…
Trong mười hai tháng học liên tục không nghỉ hè của khóa học,
lớp chúng tôi gần như là một gia đình. Chúng tôi gặp nhau mỗi ngày, cũng bao
nhiêu gương mặt đó, và dĩ nhiên hiểu luôn tính nết của nhau. Thầy Mục có nhiều
giờ dạy nhất với chúng tôi, vì ngoài môn chính là Văn chương Quốc Âm, Thầy còn
dạy về Tâm lý học, và Nghệ thuật Giảng dạy. Những giờ đi thực tập với Thầy ở
các trường Phổ thông Trung học Saigon là những giờ căng thẳng nhất. Thầy luyện
tập cho chúng tôi về giọng nói, cử chỉ, bước đi, cách nhìn khi đứng trước học
sinh. Thầy rất gần gũi, yêu mến sinh viên, học trò của mình. Thầy gọi chúng tôi
bằng tên, hoặc bằng “Mi” và xưng với học trò là “Ta”.
-Ta là Hữu Mục, Hữu Mục là có mắt, có mắt là Hữu Mục !
Về sau này, khi đọc được quyển “Giáo sư Lê Hữu Mục, và
những cây bút thân hữu cùng Đồng Tâm” được Văn đàn Đồng Tâm
(Houston-Texas) in năm 2010, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều thứ, và day dứt không nguôi
về sự thiếu sót tắc trách, sự vô tình của mình đối với Thầy.
Giáo sư Lê Hữu Mục là giáo sư “Lê Có Mắt”, đồng thời là giáo
sư “Lê Có Tai”, mà tôi mạn phép tỏ bày với quí vị ở cuối bài.
Bây giờ, đã năm mươi năm qua, tôi vẫn nhớ như in hình dáng của
Thầy. Dáng người đậm, cao to, hay mỉm cười, giọng nói ồm ồm như lệnh vỡ. Lớp
tôi chỉ có bốn mươi mốt học sinh nên Thầy không cần micro khuếch âm ; chỉ khi
nào đến giờ học Y tế học đường, hay Quản trị học đường chung với học sinh các lớp
khác của khóa, các giáo sư mới dùng. Thầy Mục đi đứng, nói chuyện nhanh nhẹn
ngay cả lúc giảng bài. Thầy không có cours cho lớp, sinh viên phải tự ghi chép.
Thầy rất thích sự sáng tạo từ học trò.
Thầy Mục với văn tài nổi trội từ những năm Thầy còn trong tuổi
thanh xuân, “đã có những công trình làm ngẩn ngơ người đọc” (Giáo sư
Nguyễn Văn Sâm). Đó là bản dịch hai quyển truyện ký bằng chữ Hán là Lĩnh
Nam Chích Quái, và Việt Điện U-Linh Tập. Thầy Mục có bằng Cử nhân năm hai
mươi lăm tuổi (1950), do cơ cấu giáo dục Đại học của Việt Nam Cộng Hòa thời đó
ưu tiên cấp bằng Tiến sĩ cho những ai du học nước ngoài về. Vì thế Thầy Mục phải
chờ đến hơn hai mươi năm sau mới có dịp thi bằng Tiến sĩ Quốc gia năm 1973 tại
Đại học Văn Khoa – Saigon. Kỳ thi Tiến sĩ Quốc gia này duy nhất được tổ chức chỉ
một lần (vì hai năm sau đó, Saigon bị thay “người chủ” mới), và người đỗ Thủ
khoa chính là Thầy Mục, và Á khoa là Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, Thầy Đồ trên đất Mỹ
hôm nay ; hiện đang nghỉ hưu ở California.
Kỷ niệm sâu sắc nhất mà tôi còn nhớ mồn một sau năm mươi năm
với Thầy Mục, là lần thầy trò du ngoạn suối Lồ Ồ-Thủ Đức. Nhân cuộc du ngoạn
ngoại khóa này, Thầy chỉ dạy cho cả lớp chúng tôi kỹ năng “nói trước công
chúng”. Sáng hôm ấy, chúng tôi khệ nệ mang theo đủ thứ thức ăn, nước uống, lều
trại, tấm trãi. Thầy Mục mang theo món cơm nắm, muối vừng. Thầy nói :
-Vì muốn cơm nắm dẻo, ngon, bà xã của thầy phải dậy từ sớm nấu
cơm, nắm cơm cho tụi mi đó.
Chúng tôi cảm động cám ơn Thầy, đồng loạt sà xuống giỏ cơm nắm
còn nóng hổi. Miếng cơm trắng phau, mịn, dẻ, mềm được gói kỹ lưỡng trong lượt vải
mùng tinh tươm. Mấy đứa miền Nam –trong đó có tôi- chưa bao giờ được ăn món
này, nên hả hê, thích thú lắm. Món cơm nắm của Thầy phút chốc sạch veo, còn
bánh mì chả, gỏi cuốn, bò bía.. phải một phen..ế độ. Chúng tôi vui đùa, nhảy
nhót chung quanh Thầy như trẻ nít, Thầy cười vui, trẻ trung như tuổi thanh
xuân.
Chỉ với mười hai tháng học, nên chúng tôi chưa được hiểu biết
cặn kẽ về tài hoa của Thầy Mục. Các bạn khác học hệ ba năm, có lẽ có nhiều kỷ
niệm, và thân tình với Thầy nhiều hơn chúng tôi có. Điều đó, ắt hẵn. Vì điều
đó, đến bây giờ, sau năm mươi năm chìm, nổi, tôi đã nhiều đêm trăn trở, tự
trách mình, khi nghĩ đến Thầy Mục thương kính mà đáng lẽ tôi phải tìm thăm khi
Thầy còn với mọi người.
II.
Thầy Mục thương kính!
Khi con đặt bút viết những dòng này trân trọng gửi đến Thầy,
thì mùa Hè sắp dứt. Mùa Thu miền Đông-Bắc sắp trở về, và sẽ có những chiếc lá đủ
mầu, sẽ đan xen cho một mùa Thu với sắc mầu tươi tắn. Niềm tiếc nhớ khôn nguôi
của đứa học trò tốt nghiệp ưu hạng ngày cũ khóa 1969-1970 Đại học Sư phạm
Saigon chắc có thể Thầy không thể nhớ. Nhưng có điều, con tin rằng Thầy sẽ
không quên lần thầy trò ta gặp nhau ở bùng binh chợ Saigon. Hai thầy trò vào
quán cơm Thanh Bạch ăn trưa – thời khắc ấy chắc khoảng giữa tháng 4/1973. Vẫn nụ
cười hóm hỉnh. Trong bữa ăn, Thầy nhìn con rồi nói :
-Mi khoan lấy chồng nha, học tiếp Cao học rồi về trường dạy
học với Thầy.
Lúc đó, con choáng váng mặt mày, vì không nghĩ được Thầy có
cái nhìn sâu rộng, ưu ái đó với con.
-Thưa Thầy, con nghĩ mình không đủ sức để học tiếp. Con còn
một bầy em khốn khó.
Thầy nheo mắt nói nhanh :
-Mi quên rằng ta là Hữu Mục, Hữu Mục là có mắt sao?
Rồi Thầy nói tiếp luôn :
-Ta có mắt nhìn người, làm gì có một NTL thứ hai!!!
Con hết hồn, và tự nhủ sao Thầy lại đánh giá mình cao đến thế.
Con lắp bắp :
-Thưa Thầy, con không dám nghĩ xa như vậy đâu.
…Rồi Thầy trò chia tay…, chia tay cho đến bây giờ…
Có một điều làm con thích thú, tâm đắc, con xin thưa cùng Thầy
: Đó là con cùng cầm tinh con giáp tuổi Sửu, tuổi con Trâu như Thầy. Con đến với
cuộc đời này sau Thầy hai con giáp, tức sau hai mươi bốn năm. Giáo sư Nguyễn
Xuân Hoàng cũng tuổi Sửu, nhưng chỉ hơn con một giáp, tức Thầy Hoàng sinh năm
1937. Tới đây, con có một nụ cười ý nhị, vì nghĩ rằng những con người cầm tinh
tuổi Sửu rất đổi tài hoa, nhưng cuộc đời lắm lúc cũng trầm luân, khổ hạnh,
vì “Nhất phiến tài tình vương khổ lụy”, phải chăng, thưa Thầy!!??
Thầy là nhà giáo, nhà nghiên cứu, là dịch giả, là nhà văn mà
còn là nhạc sĩ. Thầy đã là ngọn hải đăng để chúng con bước vào con đường giáo dục
như Thầy. Như R.Tagore, Triết gia Ấn Độ đã nói : “Nhà giáo như một ngọn đuốc,
nếu không thắp sáng được mình, thì làm sao mồi được cho những ngọn đuốc
khác?”.
Điều này thật đúng, Thầy ơi! Con đã không “thắp sáng” được
mình, vì chỉ vài năm đầu ra trường đi dạy trẻ. Con cũng chỉ là cô giáo trẻ, vui
tươi, hồn nhiên, mơ mộng nhiều về một tương lai tươi đẹp. Nhưng sau 1975, con
trở thành “thợ dạy”, công việc “thắp sáng” cho thế hệ tương lai biến thành “cần
câu cơm”, từng đêm nhục nhằn thảng thốt. Tâm trạng đó đúng như ý câu lục bát của
Thầy Nguyễn Văn Sâm khi đạp xe ngang qua Đại học Văn Khoa-Saigon :
“Trường này đâu phải trường ta.
Liệu mà sửa soạn về nhà đi buôn”.
Và con cũng biết rằng Thầy cũng khổ đau lắm lắm trong hoàn cảnh
ê-chề đó.
Thầy yêu sách vở, yêu trường lớp biết bao! Và suốt đời Thầy
cặm cụi lo toan cho việc nghiên cứu văn chương Hán-Nôm. Thầy làm việc không
ngơi nghỉ ; và sách vở đối với Thầy là tài sản, là tim óc, vô giá. Điều đó con
biết được do qua ngòi bút kể chuyện của chị Lê Thị Hiền Minh, con gái lớn của
Thầy : “Tháng 12/1978, thăm nuôi ông ở trại cải tạo Bầu Lâm, tôi có báo hai tin
dữ : Bà nội mất, và “họ” đã tịch thu hết sách vở của bố rồi. Ông òa khóc như trẻ
thơ khi nghe tin thứ hai”.Thương Thầy biết bao nhiêu. Biết được việc này ruột
gan con đứt hết, Thầy ơi!
Thầy là “Lê có Mắt”, cũng là “Lê có Tai”. Điều này mãi về
sau này con mới biết. Sao mọi sự quá trễ tràng với con!!?? Biết Thầy ở Canada,
mà từ New York tới Canada có xa xôi gì cho cam, mà gần hết cuộc đời con chưa tới
được để thăm Thầy!! Điều đó là một nuối tiếc lớn cho đứa học trò này, Thầy Mục
ơi! Nhưng con lại có niềm vui nho nhỏ, vì con còn biết được “bí mật” của Thầy…
là một nhạc sĩ khi mới mười ba tuổi.. Bài nhạc của Thầy tựa là “Chèo Đi, Bơi
Đi” đã ra mắt thính giả năm 1938. Rồi sau đó lần lượt “Trở Về Mái Nhà Xưa”, “Hẹn
Một Ngày Về Vinh Quang”. Căn nhà 57 Duy Tân Saigon là một thư viện, cũng là một
nhà hát với tiếng đàn guitar, hay tiếng kèn saxo, đặc biệt là tiếng dương cầm của
Thầy phải nói chắc là tuyệt diệu lắm.
Năm 2007, lần gặp gỡ các thân hữu, và học trò ở Cali, lúc đó
Thầy hơn tám mươi tuổi. Dù nghễnh ngãng trong giao tiếp, nhưng Thầy vẫn nhận ra
từng âm sắc sai trong bất cứ câu nhạc nào. Một người già tám mươi hai tuổi vẫn
say sưa dạo những ca khúc kinh điển, bất hủ thế giới như Dạ Khúc
(Serenade-Schubert), Dòng Sông Xanh (Le Beau Danube Blue-Johann Strauss Jr.),
hay Trở Về Mái Nhà Xưa (Come Back To Sorriento-Ernesto De Curtis), thì không phải
ai cũng như thế được.
Thưa Thầy!
Con biết Thầy mới vừa từ giã thế nhân ngày 08/11/2017 ở
Montreal-Canada thọ chín mươi hai tuổi. Như vậy, Thầy cũng tròn tuổi thọ. Thân
mẫu con đi đến cõi đời này trước Thầy bốn năm, và cũng “đi về” trước Thầy bốn
năm, vẫn với tuổi thọ chín mươi hai. Qua đó, con bỗng thấy có chút ngộ nghĩnh
cho sự trùng hợp này.
Thầy đi vào cuộc đời này vào ngày chớm Đông -24/11/1925- ,
và “đi ra” cũng vào lúc chớm Đông.. Thầy ơi!
“Thầy về với Chúa yên vui.
Giữa mùa Đông giá, ngậm ngùi riêng con”.
Dù không gặp Thầy gần năm mươi năm, con vẫn nghĩ Thầy vẫn
như ngày xưa ở Đại học Sư phạm Saigon lúc Thầy bốn lăm, con hai mươi mốt. Bây
giờ con bẩy mươi mốt, Thầy chín mươi lăm. Con mong ước Thầy ở chốn “BÌNH YÊN”,
Thầy đang ở “NƯỚC TRỜI” ngàn đời yên bình.
Dù Thầy đã đi xa, nhưng con nghĩ ở nơi nào đó, Thầy đang
nghe được tiếng lòng con, vì “Thác là thể phách, còn là Tinh Anh” (Kiều-Nguyễn
Du).
Thầy ơi!
Hoàn cảnh ngửa nghiêng, vận nước nổi trôi, Thầy trò ta đã tạm
quên “nghề văn, nghiệp bút”. Con cũng đã buông trôi theo phận người mấy mươi
năm chìm nổi ở xứ người, chừng ngó lại tuổi già “chim bay mỏi cánh”. Mà có sá
gì thân con? Thầy là sa mạc mênh mông, con chỉ là hạt cát tủi hờn. Thầy là biển
lớn thênh thang, con chỉ là giọt nước long lanh, ngậm ngùi cho duyên số. Con vẫn
nghĩ Thầy vẫn ở bên bao bạn hữu, bên học trò mà hiện giờ chúng con đã “Ngất
dặm mù khơi, thấy trăng mà thẹn những lời non sông” (Kiều-Nguyễn
Du).
Thầy là “Lê có Mắt”, Thầy cũng là “Lê có Tai”, nghĩa là Thầy
là Văn nhân, nghệ sĩ. Lòng mê say văn chương Việt, văn chương Hán-Nôm, cũng như
mê say cung đàn, giọng hát, có khi nào Thầy cảm thấy mỏi mệt muốn tạm dừng
chân!?
“Khi bức màn buông, danh vọng hết
Người về lòng rũ sạch sầu thương
Người vào cởi áo, lau son phấn
Trả cả vinh hoa, lẫn đoạn trường.”
(Sân Khấu-GS Hoàng Như Mai)
Vâng, đúng thế Thầy ạ! Thầy có đủ hết mọi cung thương, nhưng
Thầy đã ra đi thanh thản “phủ định sạch trơn” những phiền lụy của cuộc đời. Như
Thầy đã trả lời Giáo sư Nguyễn Văn Sâm : “Bây giờ moa quên hết mọi chuyện
rồi toa… Moa bây giờ thấy lòng mình là MÂY”. Và Giáo sư Nguyễn Văn Sâm đã khẳng
định : “Con người đạt đến độ buông thả rốt ráo thì lòng mình là MÂY, chứ
không phải NHƯ MÂY”… Ôi! Bao người đạt đến cái tâm LÀ MÂY đó!!?
Hiện giờ, dù lòng con trĩu nặng sầu thương, giống như cô học
trò nhỏ Vũ Thị Gio Linh đã viết bài thơ “Thưa Thầy, Con Đi” trên đặc san Xuân
Gia Long năm 1973, để nói với Thầy :
“Thôi, thưa Thầy con đi
Năm cuối cùng đã hết
Những giọt buồn thế hệ
Đưa tiễn những người đi
Bây giờ là Xuân cuối
Thôi, thưa Thầy con đi”.
Con đã đi vào cuộc sống trần thế nhọc nhằn từ khi rời Đại học
Sư phạm, mới đó đã năm mươi năm. Dù chưa một lần nào gặp lại Thầy sau 1973,
nhưng con vẫn nghĩ có Thầy trong tâm tưởng. Con đã học được chữ TÂM từ nơi Thầy
giáo cũ, nên cả đời tâm niệm “Đâu dám xa rời chữ TÂM” (Kiều).
Con thường hay ngắm trăng giữa trời đất bao la vào những đêm
rằm hoa đăng mở hội trên trời. Giờ đây, con phải hướng tầm mắt mình để ngắm mây
trời nhiều hơn, vì Thầy chính là MÂY. Thầy “Lê có Mắt”, “Lê có Tai” bây giờ LÀ
MÂY, MÀ MÂY THÌ CHỈ CÓ, VÀ CHỈ Ở TRÊN TRỜI.
Song Lam
Chớm Thu 9/2020.
Cherry Hill, NJ.