25 February 2021

CỜ GÁNH TUỔI THƠ - Thủy Như

Tuổi thơ tôi là những chuỗi ngày với nghèo khó và tủi nhục. Ba bị giam trong tù cộng sản. Mẹ không còn được làm cô giáo mà phải bôn ba chợ búa nuôi bốn chị em chúng tôi. Bữa ăn nhiều khi không đủ no nói chi đến đồ chơi cho tuổi nhỏ. Chị em tôi cũng còn hơn mấy đứa trong xóm bởi chúng tôi có bộ đồ chơi nhà bếp mà chị tôi có được trước năm 75. Mẹ ráng mua cho cậu em út một bộ chữ cái bằng nhựa để ráp vần. Tôi và cô em kế thường chơi bán đồ hàng và nấu ăn với vài đứa nhỏ trong xóm với bộ đồ chơi nhà bếp của chị.
Theo năm tháng, bộ đồ chơi của chị bị mất mát và gãy vỡ. Thế là đám con nít tụi tôi chơi u, trốn kiếm, banh xỉu. Thời bấy giờ, đến giấy lộn cũng khan hiếm và banh là hàng xa xỉ phẩm. Tụi tôi dùng cỏ, cỏ dừa và lá chuối quấn lại làm banh lớn bằng trái banh tennis. Chúng tôi chia làm hai phe. Banh ném trúng đứa nào thì phe đó mất một quân.

Thời bấy giờ xe cộ không có nhiều. Mỗi tối chúng tôi tụ tập trên đường và chơi những trò chơi tự tạo như thế. Trò chơi vui nhộn, ồn ào cả một góc phố. Nhưng tôi nhớ là mình không thích những trò chơi mạnh bạo như vậy. Tôi bắt đầu đọc truyện, những truyện tuổi hoa in trước năm 75. Tôi thích được chơi cờ tỷ phú, cờ tướng, cờ đô-mi-nô, cờ vua như ở trong truyện. Mơ thôi! Chả bao giờ nói cho mẹ nghe bởi biết mẹ không có tiền để mua những cờ đó.

Một hôm mẹ mua về mấy chục nghêu. Mẹ luộc lên, nấu cháo rồi chúng tôi ăn với rau muống xắt nhỏ. Nước nghêu ngọt làm nồi cháo vơi đi rất nhanh. Trong khi chị em chúng tôi hít hà khen lấy khen để nồi cháo, mẹ vẽ bàn cờ và sắp những vỏ nghêu sấp ngữa. Mẹ bày chúng tôi chơi cờ gánh. Bàn cờ gánh có 16 quân chia làm hai mặt sấp ngữa hoặc hai màu cho hai người chơi. Trong bàn cờ này, một phe với 8 quân sấp và phe kia với 8 quân ngữa. Các quân cờ được sắp vòng ngoài bàn cờ để bắt đầu cuộc chơi. Mục tiêu của mỗi người chơi là đổi màu các quân cờ của đối phương thành màu của mình. Trận cờ kết thúc khi chỉ còn một màu trên bàn cờ.

Mẹ chỉ chúng tôi cách đi cờ, cách đặt bẫy để lật cờ đối phương được nhiều nhất, hoặc cách nhứ để ra khỏi thế kẹt. Chị em chúng tôi thích thú với trò chơi. Cậu em út tôi rất vui vì thắng được các chị nhiều lần. Ngày đó chúng tôi còn quá nhỏ để hiểu được những triết lý sống của cuộc đời. Nhưng chúng tôi học được qua cờ gánh rằng đừng vội vàng lật cờ đối phương mà phải ngó trước sau để không bị vô thế khó gỡ. Có những vị trí mà mình đừng vội tiến vào vì có thể bị mất mát nhiều.

Theo thời gian, tôi thấy cờ gánh có một điểm rất hay. Chẳng có quân cờ nào bị loại khỏi bàn cờ. Mỗi quân cờ đều có giá trị như nhau nhưng điều làm cho một quân cờ quan trọng là vị trí nó đang đứng. Chẳng có quân cờ nào là chết mà chỉ đổi màu và có khi quân cờ đó trở thành một nước cờ tốt cho bước tiếp theo. Người chơi không thể giết các quân cờ đối phương mà phải sắp đặt tính toán để những quân cờ của đối phương đổi sang màu của mình…

Chị em chúng tôi lập gia đình và mỗi người ở một nơi. Khi mẹ đến thăm đứa nào, mẹ cũng bày cho đám cháu hợp chủng quốc chơi cờ gánh. Mẹ cắt bìa cứng thành những quân cờ hình vuông, rồi tô màu xanh đỏ hai bên. Mẹ vẽ bàn cờ trên giấy và bà cháu đánh cờ. Có đứa nói tiếng Việt sành sỏi, có đứa giọng nghe lơ lớ, và có đứa chẳng nói được tiếng Việt, nhưng đám cháu nội ngoại của mẹ đều học và biết chơi cờ gánh.

Thời buổi dịch bệnh, tôi không thể đưa các con về thăm mẹ. Tôi bảo con, “Zoom với bà ngoại để chơi cờ gánh.” Bà cháu chơi đến khi iPad hết điện. Tôi hỏi con, “Con có thắng được bà ngoại không?” Cậu con tôi lắc đầu. “Bà ngoại chơi hay lắm. Nhưng mà cũng tại vì lâu lắm rồi con không chơi cờ này nên quên cách chơi. Bây giờ thì con nhớ rồi. Nó cũng như othello nhưng luật đổi màu thì ngược lại.” Tôi lại hỏi, “Con có thể viết cờ này để chơi online được không?” Nó trả lời, “Có thể. Con sẽ thử.”.

Tôi hy vọng một ngày kia một trong những các cháu nội ngoại của mẹ sẽ lập trình được cờ gánh online, để quảng bá cờ gánh, một môn cờ dân gian Việt nam cho thế giới.

Thủy Như
Tháng 1 năm 2021