20 February 2021

MỸ NHÂN VÀ DANH TƯỚNG - Huy Phương

Những tấm thẻ bài tượng trưng cho các quân nhân Hoa Kỳ hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam tại cuộc triển lãm ở National Vietnam Veterans Art Museum ở Chicago, Illinois, hồi năm 2005. (Hình minh họa: Tim Boyle/Getty Images)

Người xưa có câu thơ về cái chết trẻ của những người đẹp và tướng giỏi: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu!” Dịch sát nghĩa là: “Người đẹp từ xưa như tướng giỏi. Chẳng hẹn chờ ai thấy bạc đầu!”

Chúng ta xem đây là một lời than tiếc hay chính là định mệnh của con người, tướng giỏi thường chết sớm ngoài trận địa và người đẹp ít khi sống đến già.

Những câu thơ này phát xuất từ Trung Hoa không phải là sai. Cả “tứ đại mỹ nhân” nổi tiếng nhan sắc khuynh thành của Trung Hoa đều chết yểu, không những chết sớm mà còn bị chết “bất đắc kỳ tử!”

Tây Thi sau khi nhà Ngô bị diệt, bị phu nhân Câu Tiễn cột đá dìm sông; Vương Chiêu Quân uống thuốc độc tự tử; Điêu Thuyền bị Quan Võ chém;  Dương Quý Phi được Đường Huyền Tông “ban” cho một giải lụa trắng để kết liễu cuộc đời. Đúng là “hồng nhan bạc mệnh!”

Sáu danh tướng trong Tam Quốc Chí thì chỉ có Tào Thực sống đến 40, còn thì Tôn Sách, Quách Gia, Bàng Thống, Chu Du… không ai được “hưởng thọ” mà chỉ được đến… “hưởng dương.”

Ngày trước, thuở thiếu niên, tôi mê tướng Hạng Võ thời Đông Chu, có tài “bạt sơn cử đỉnh,” một người đánh thắng vạn người,” cuối cùng tận đường, không qua Ô Giang để về Giang Đông, phải tự sát trong khi mới có 31 tuổi. Lãng mạn, bi hùng biết mấy với những màn kịch “Hạng Vũ biệt Ngu Cơ” hay “Tiếng dịch sông Ô,” “Hận Ô Giang.”  Tướng tài phải chết trẻ.

Napoleon Bonaparte sống được 51 tuổi nhưng phải chết trong cảnh tù Ðày. Alxandre Đại Đế chỉ sống được 31 năm. Quang Trung lẫy lừng chiến tích, cũng mất khi mới 39 tuổi.

Ngày nay, tướng lãnh không còn phi ngựa ra trước hàng quân, giữa trận tiền, trước lằn tên mũi đạn như trong các cuộc chiến ngày xưa, nhưng miền Nam chúng ta có những vị tướng lãnh lỗi lạc, cũng phải chết vì trận mạc, vì tai nạn trực thăng, tất cà đều còn rất trẻ, chưa qua được tuổi 50. Đó là Tướng Đỗ Cao Trí tử nạn năm 42 tuổi, Tướng Nguyễn Viết Thanh năm 39 tuổi, và Tướng Trương Quang Ân, khi còn rất trẻ, chỉ mới 36 tuổi. Phải chăng danh tướng từ xưa đến nay, không qua được định mệnh “bất hứa nhân gian kiến bạc đầu!”

Bài này lấy ý từ những cái chết gần đây của Tướng Lê Minh Đảo, Lâm Quang Thi và các ca sĩ Quỳnh Giao, Thái Thanh, Mai Hương, Lệ Thu…

Ông Lê Minh Đảo, Lâm Quang Thi không phải là những vị tướng còn trẻ, Thái Thanh, Lệ Thu…cũng đã bước đến tuổi già. Ca sĩ cũng được xem như mỹ nhân, vì trong nghiệp ca cầm, ít nhất phải có chút nhan sắc mới thành được ca sĩ.

Ca sĩ là người của công chúng, tướng lãnh là người của lịch sử. Họ được người đời hâm mộ và yêu mến, nên khi chết đi, đã để lại cho đám đông những ngậm ngùi thương tiếc.

Xót xa biết bao khi chúng ta có dịp được gặp lại những ca nghệ sĩ lừng danh một thời, hiện nay đáng sống ẩn khuất, cô đơn lặng lẽ, bị bỏ rơi, quên lãng trong một nhà già lập nên cho giới nghệ sĩ sân khấu nào đó. Nhưng hơn hết, khi các bạn có dịp đi thăm để gặp lại một vị tướng lãnh oanh liệt một thời, nay phải thúc thủ với số mệnh, trên chiếc xe lăn, sống cô quạnh ở trong một ngôi nhà dưỡng lão, ảm đạm buồn nản thiếu một không khí ấm cúng của một mái ấm gia đình.

Tướng lãnh, phải chăng nơi nằm xuống của họ là chiến trường, không phải như sự ví von “da ngựa bọc thây,” thì cũng phải với một lá cờ tổ quốc, và chung quanh là chiến hữu, đồng đội. Buồn thay là những vị tướng lãnh về già, sống trong sự quên lãng của mọi người, âm thầm chịu đựng những cơn đau của thể xác và nỗi đau cô đơn của tinh thần.

Võ Nguyên Giáp, viên tướng Cộng Sản vẫn thường được đề cao trên sách vở bên kia, “hết nửa đời sau,” đã phải sống trong sự coi thường, khinh miệt của đồng đảng, mang danh là đại tướng “cầm quần chị em” thay vì cầm quân, khi bị giao cho nhiệm vụ làm phó thủ tướng vô quyền, phụ trách Ủy Ban Dân Số Kế Hoạch Hóa Gia Đình (tức là cai đẻ). Thọ như ông Giáp (102 tuổi) là thọ nhục.

Nhìn lại cuộc chiến Quốc Cộng vừa qua, chỉ là một tên lính vô danh, trước nỗi thất trận, bất lực đành chịu nhục nhã trong cảnh đầu hàng, phải bị bắt làm tên tù binh biệt xứ, tôi đành cam chịu, nhưng khi nhìn thấy những vi tướng lãnh của mình, bị chính sách trả thù tàn độc của Cộng Sản Bắc Việt cầm tù, đưa ra Bắc, phải lao động vất vả, gánh phân, cấy lúa mổi ngày, lễ phép dở nón chào những tên lính Bắc Việt, mặt còn non choẹt ngồi trên chòi canh, lòng tôi cảm thấy bất nhẫn và thương cảm cho những người anh niên trưởng của mình.

Nói ra chỉ thêm đau đớn, nhưng thà làm một tướng chết trẻ ngoài trận mạc, hay kết thúc đời mình bằng một viên đạn trong ngày thất trận 30 Tháng Tư, để cho đời sau thương tiếc khóc than còn hơn!

Theo tôi, đoạn kết buồn của một tướng lãnh là phải sống lưu vong xứ người, chết bệnh tật, già nua trong nhà dưỡng lão, đoạn kết buồn của một mỹ nhân là sống đến tuổi già, mà không dám nhìn khuôn mặt mình trong tấm kính soi.

Nhưng nhiều người muốn sống thêm mà không được sống, nhiều người muốn chết mà số mệnh chẳng cho, đành phải trôi nổi theo số phận an bài.

Huy Phương