Thi sỹ Nguyễn Lương Vỵ
Chúng tôi nhận được tin buồn thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ đã
mãn phần ngày 17/2/2021 tại California, Hoa Kỳ. Xin đăng lại một tản văn của
nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh về thơ của ông như một nén hương lòng.
Vâng. Tôi đã nhìn thấy chúng qua gương một dòng trong. Những
viên cuội lấp lánh nắng mai. Những viên cuội lung linh trăng rằm. Phản chiếu mầu
sắc tĩnh và động. Những viên cuội lắng vào thẳm sâu giấc mơ của dòng -dòng chữ
long lanh- ánh lên những gửi gắm của thời gian. Ta có thể nghe được gì từ nơi
không nguồn cội và lồng lộng hư vô huyền nhiệm?
DỐC TRĂNG CỐ XỨ
Thật là một thể thơ mới lạ. 6 chữ 8 câu dưới tên văn chương lãng
đãng: Tám Câu Lục Huyền Âm. Có thể nói cho đến nay chưa ai làm kiểu thơ này.
Sáu Chữ, mà chẳng phải là Lục Ngôn cổ điển. Tám Câu đấy, có cả những cặp đối,
nhưng lại không phải là Thất Ngôn Bát Cú của Đường Thi. Nó là Lục Ngôn Bát Cú của
NLV.
Nói về thơ Lục Ngôn, ở thế kỷ 15, có bài thơ Thủ Vỹ Ngâm, một
sáng tạo, đột phá của Nguyễn Trãi, được công nhận là thể thơ rất riêng của Việt
Nam, thể Lục Ngôn, nhưng không hoàn toàn là 6 chữ suốt 8 câu mà xen vào câu 7
chữ. Những cặp 3, 4 và 5, 6 tuân thủ về đối, vần thì độc vận, bắt với nhau ở những
chữ cuối câu 1,2,4,6,8. Và không còn lệ thuộc về Niêm (bằng trắc) nữa. Dù khởi
đi từ khí Đường mà Nguyễn Trãi đã tạo thành một thể thơ mới mẻ, nhất là nhạc
thơ, khác hẳn Đường thi, chữ dùng lại thuần Việt. Sau, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng
có làm lục ngôn, nhưng không nhiều.
Nói về Đường Thi, đỉnh cao của nền thi ca Trung Hoa, mãi cho
đến nay vẫn còn truyền tụng những tuyệt phẩm của những thi hào lỗi lạc, Lý Bạch,
Đỗ Phủ… Cá nhân tôi, tuy chỉ lõm bõm hiểu nghĩa thôi mà sao khi đọc lên bằng
phiên âm của những bài Đường Thi vẫn cảm được tức thì nỗi mênh mang cùng tận của
âm chữ. Đó là sức của nhạc thơ chở một thể thơ trôi được ngàn năm và vẫn còn tồn
tại một cách linh động đầy thuyết phục.
Tôi xin mở ngoặc một chút riêng tư, hồi tuổi trung học, tôi
đã được học về luật tắc thơ Đường từ ba tôi, ông rất khó khi chấm những bài thơ
Đường tập tành của tôi, đến nỗi sau vài ba bài, tôi trốn luôn. Ở nhà thường có
những buổi họp thơ, và tôi đã được chứng kiến tài thơ của những bậc trưởng thượng,
toàn là những thi sĩ cự phách, nghe tên đã xính vính, những là Vũ Hoàng Chương,
Đào Vân Khanh, Hà Thượng Nhân, Mộng Tuyết, Vân Nương, Cao Tiêu, Bùi Khánh Đản
và… ba mẹ tôi. Tôi đã tản thần không biết làm sao mà Họ có thể làm thơ Đường,
xướng họa một cách thần tốc như vậy, dĩ nhiên với tài năng cỡ họ thì không thể
nào có bài thơ thất niêm thất luật được, lại “đối nhau chan chát” nữa, và tôi
cũng được biết thêm, nếu có phá niêm thì đó lại là tuyệt tác của một tài thơ đã
bước qua được luật tắc. Vậy mới kinh chớ. Tôi đi ra đi vào châm nước rót trà dọn
bánh trái, tai thì lóng nghe, mắt thì nhìn, mỗi thi sĩ với mỗi phong thái
riêng, rất đẹp. Có thể nói lúc ấy tôi có duyên được hít thở không khí Đường
Thi. Và, bài thơ Đường hoàn chỉnh đầu tiên tôi viết do mẹ tôi ép, lúc Nữ Sĩ Tuệ
Mai mất, (Thi Đàn Quỳnh Dao lúc ấy qui tụ những nữ sĩ nổi tiếng chuyên trị thơ
Đường, trẻ nhất là hai nữ sĩ Tuệ Mai, Tôn Nữ Hỷ Khương) Nữ sĩ Mộng Tuyết, tác
giả bài thơ xướng tiễn đưa, hàng con cháu như tôi, dù không là thành viên của
Thi Đàn, nhưng mẹ muốn tôi có một bài hoạ, chiều mẹ và cũng vì tình riêng với
cô Tuệ Mai, tôi cố viết một bài, lại được khen, được thể, sau đó tôi cũng có
lác đác, Đường Thi. Nói vậy để tự cho phép xem như mình có chút ít kinh nghiệm
để thưa rằng, làm thơ Đường thật chua lắm, nhất là Đối ở hai cặp Thực (3,4) và
Luận (5,6), nếu phải tuân thủ niêm luật bằng trắc nữa thì chắc tôi lọ mọ đi nhặt
chữ!
Đối, là “khúc xương” khó nhất mà NLV đã gặm từ Đường Thi để
đưa vào thể thơ Lục Ngôn Bát Cú rất riêng của ông. NLV cũng đã thoát ra khỏi
nghiêm ngặt của Đường là niêm, thiển nghĩ, nếu theo niêm nữa thì Lục Ngôn Bát
Cú của NLV đọc lên sẽ na ná giai điệu Đường Thi, nên tôi tán thành cách của
ông, nó hợp thời, nhạy bén, và thông minh. Vì nếu dựa vào một cái cũ, không có
gì lạ hơn, hiện đại hơn, thì không làm. Thành ra khi đọc những bài này của ông,
tôi không ngờ là nó có những cặp đối rất hoàn chỉnh theo luật Đường, vì lời thơ
và hình ảnh quá tự nhiên, lại được chuyên chở bằng một tiết tấu rất lạ. Thổi
vào Lục Ngôn một khí mới. Như thể cùng một bài nhạc mà bây giờ được một tay nhạc
phối khác đi. Cũng bởi thế, thưởng thức những bài 6 chữ 8 câu này không dựa
trên thẩm âm của Đường Thi cũ nữa.
NLV đã tâm sự với tôi “tui ráng dùng chữ Việt hết sức có thể.”
Tôi trân trọng những cố gắng của người muốn chứng tỏ rằng chữ Việt phong phú đến
đâu, và biết rằng điều ấy thật khó vì rất rất nhiều từ Hán Việt đã được Việt
hóa từ lâu đời, khó mà tránh nổi. Khi tôi bày tỏ ý nghĩ đó, NLV nói “Tui chỉ đi
lụm những viên cuội của người xưa. Lụm lên chùi chùi phủi phủi bụi thời gian rồi
lấy xài lại.” Vấn đề là nhặt ở đâu, nhặt cái gì và nhất là phủi bụi ra làm sao
để nó khoe sắc lại dưới nắng trời Hôm Nay. Vậy mời các bạn tri âm, cùng tôi ôn
lại những điều, không hẳn là cũ để biết cái mới mẻ của thơ hôm nay của NLV. Xem
ông làm gì với những viên cuội thời gian ông lụm của tổ tiên. Để biết, người
thơ để tình tự mình neo thế nào nơi bến cũ hiên xưa, Câu hát nao lòng bến
cũ/ Nụ cười tươi máu hiên xưa…
Trong suốt 9 bài ở tập Tám Câu Lục Huyền Âm, mỗi bài 7 đoạn,
xem như 63 bài, đều tuân thủ chỉ với 6 chữ (đây là điều khác với lục ngôn cổ điển,
có khi xen 7 chữ), và bài nào cũng nghiêm ngặt cặp đối Thực và Luận (3,4 và
5,6). Thật là rất thất kinh. Có ai đã làm chưa và không biết sau này có ai, hoặc
chính ông, có tiếp tục không? Nó có phải là một quyến rũ để các nhà thơ muốn bước
vào và thử nghiệm chăng?
Trong có hạn của một bài viết, tôi chỉ xin trích dẫn những cặp
đối tiêu biểu, theo tôi, trong Lục Ngôn Bát Cú của NLV,
Bạn thử đọc và tìm thú vị riêng trong những cặp đối trên xem
sao. Hẳn bạn cũng thấy được, đối ý đối chữ và đối cảnh. Theo Đường luật nếu hai
câu thực (3,4) đưa ra những hình ảnh, sự vật, việc, dẫn đến cảm xúc đọng lại ở
hai câu luận (5,6), thì NLV gần như cũng đã bắt mạch và lấy về thơ mình cái ưu
thế ấy của Đường Thi.
Trích những cặp đối theo tôi là rất hay, dĩ nhiên chỉ để cho
bạn cùng tôi thích thú một nét lạ của thơ NLV, còn hiểu cho ra cái hay của sự
hòa hợp để thấy được ý sâu của chữ thì tất nhiên, phải đọc toàn bài thơ. Để vỡ,
à thì ra…, những viên cuội xa xưa ấy, người thơ đã phủi bụi thời gian như thế
này đây, để nó lại long lanh phút hiện tại, Hôm Nay!
Gần như ai cũng đồng ý rằng, để cảm thụ Thơ phải nhờ con mắt
trung gian là trái tim, đó là nhịp đập dẫn người ta đến cánh cửa tâm linh của Thơ.
Bằng cách đó, bạn sẽ nhìn ra cái “Tịch Mịch như Nguyên Thủy
Nguyên Sơ” (chữ của NLV) trong bước trở về cùng Thi Ca của người thơ. Điều này
tôi đã cảm thấy ở ý tứ cùng hình ảnh trong những cặp kết, hoặc chỉ một câu kết
của mỗi bài thơ, nó, hoặc đóng lại một cách rất cô đọng, bất ngờ, hoặc như dòng
sông đang miên man chẩy đẩy người đọc liên tưởng đến những bờ bến lạ. Gần như
người làm thơ nào cũng biết, phải tu luyện cho tinh, để có thể buông cái cuối
cùng đặt dấu ấn cho bài thơ. Xưa Kim Thánh Thán đã nói rằng trong bài thơ bảy
chữ tám câu, thường 4 câu cuối là phần tóm gọn “cái tình” của tác giả. Khi đọc
sáu chữ tám câu của NLV, tôi nhận ra, những nơi tôi đánh dấu ngôi sao, thường cứ
là những câu về cuối hoặc một câu kết của bài.
Tôi rất thích hình ảnh vừa gợi hình vừa tức tâm, bàn trơ cạnh
lầm lì này. Cặp tĩnh từ này thiệt đắt giá. Tác giả chắc cũng như tôi, mừng reo
khi nhặt được những cặp tĩnh từ rất lạ rất việt, như những viên cuội long lanh
này,
… Phỗng phao một cuộc rong chơi, đâu ngờ rằng: Muôn
nẻo trùng sinh náo nhiệt/ Dè đâu ta chết lâu rồi… (Gửi Một Khi Nào)
… Vậy đó chữ là tri ngộ/ Xanh ngời giọt máu đỗ quyên (Gửi
Một Người Thơ)
Những khắc khoải của tìm nhau, chờ nhau kia, cuối cùng biết
ra rằng hạt máu đỗ quyên gọi khan một điểm hẹn hò là Con Chữ. Vậy đó, nếu không
cô đơn hằng đêm Tim ta bắt nhịp môi đèn/ Bàn phím gõ ngàn ô lửa, thì sao đi
hoài được con đường gian khổ mà đầy quyến rũ ấy để Tri Ngộ Chữ -Chữ Thơ-?
Thưa Nhà thơ. Cõi Không Hư đó theo tôi, là Hiện Thực mộng ảo.
Là đưa ta lần về Nguồn Cội để rồi chạm vào -Giấc Mơ!- Thực Mơ huyền dịu quá một
âm bản thời gian*…
(*) 12 bài thơ Âm Bản Thời Gian, trong thi phẩm Tám
Câu Lục Huyền Âm.
Mời đọc các bài khác của tác giả viết về thơ Nguyễn Lương Vỵ
– Phất
phơ năm chữ năm câu (2014)
– Nguyễn Lương Vỵ, ngồi im nghe thơ lắng trong kinh (2019)