Tôi về tới
lều thì thằng Út kể cho tôi nghe chuyện chị bán nhang đèn bị cướp.
Chiều qua
trên đường về nhà chị bị phục kích giữa rừng.
Lúc chiếc
Honda hai bánh của chị đổ dốc thì kẻ gian đã giựt một sợi dây dù căng ngang con
đường xe be vừa hẹp vừa rậm rạp. Chiếc xe bổ nhào.
Từ bìa rừng,
hai người đàn ông bịt mặt bằng áo thun đen ào ra lôi chị và chiếc xe vào sâu
trong bụi lau. Chúng trói chị lại, nhét giẻ vào miệng chị, lột hết nhẫn, vòng,
kiềng, cà rá và cả đôi bông tai vàng của chị.
Chúng vứt chị nằm trên đám cỏ lác cho kiến tha, rồi leo lên xe Honda của chị nổ máy chạy đi mất tiêu.
Chị hì hục
suốt đêm mới tự cởi trói được. Chị lết ra tới giữa đường nằm chờ người đến cứu.
Gần sáng,
có mấy tay bảo tiêu có súng, sau khi chuyển xái về nhà thân chủ, trên đường trở
lại rừng, họ thấy chị nằm giữa đường bèn cứu chị về bãi.
Chuyện chị
nhang đèn bị cướp chắc cũng được truyền khẩu trong dân gian vùng mỏ này được
vài ngày. Ngày sau, tuần sau người ta lại quên chuyện ấy thôi.
Ở đây, mỗi
ngày xảy ra cả trăm vụ lộn xộn. Ðủ thứ chuyện tào lao.Tôi nghe tụi nhỏ kể lại,
tôi cũng chỉ ậm ừ cho qua! Chẳng hứng thú tìm hiểu thêm làm gì.
Ðụng độ
trong cái chợ trời này là chuyện thường ngày. Qua đường, vô ý chạm vai một yêng
hùng, nếu không có lời xin lỗi kịp thời có thể gây nên cảnh sứt đầu lỗ trán. Vô
tình ném cái tàn thuốc lá trước mặt một tay chơi cũng là hành động châm ngòi
cho một cuộc chiến tranh. Ngoài ra, còn cả ngàn nguyên nhân gây ra ẩu đả. Ðánh
nhau vì gái, vì cờ bạc, vì chia chác phần hùn, vì mõi xái lấn lằn ranh, và vì
vân vân…
Cái khó bó
cái khôn, cái khổ làm con người dễ dàng nổi khùng, rồi trút cái khùng ấy lên đầu
đồng loại.
Một hôm,
tôi vừa đổ gầu đất xuống bờ suối, quay lưng định trở về giếng làm chuyến kế tiếp
thì nghe có tiếng đàn ông quát tháo:
“Mày
không nộp hết túi vàng cục đó cho tao thì tao vặn họng mày!”
Tò mò, tôi
dừng lại quan sát.
Bên bờ suối,
một hảo hán to lớn đang kẹp cổ một cô gái cỡ mười bốn mười lăm tuổi. Tay anh ta
lần mò trước ngực cô giành giựt cái gì đó.
Cô gái vừa
cố ôm chặt cái túi áo vừa khóc lóc:
“Em lạy
anh, vốn liếng đào đãi cả tháng nay, em chỉ có ba chỉ. Mẹ em đang bịnh nặng chờ
ở nhà. Anh mà lấy hết thì em không còn tiền thuốc thang cho mẹ em. Mẹ em chết mất!
Em lạy anh ngàn lạy. Em làm đứt dây lều của anh, em đã thay bằng dây dù loại xịn
đền cho anh rồi. Anh tha cho em, anh ơi! Hu!..hu!…hu!…”
Người đàn
ông nắm tóc cô gái mà quay, hắn nghiến răng:
“Tổ mẹ
mày! Dây lều của tao, mày phải đền bằng thứ dây ‘gin’. Tao không chịu cái thứ
dây dù đó. Ở đây cái gì cũng tính bằng vàng. Không đền tao giết!”
Vừa nói hắn
vừa đấm đá túi bụi vào ngực, vào mình cô gái đáng thương
Cuối cùng,
hắn chộp được cái túi nylon giấu trong áo ngực của cô gái. Người thanh niên bỏ
bao vàng vào túi rồi buông cô bé ra.
Cô bé mặt
mũi đầy máu, ôm lấy chân anh thanh niên, nắm chặt vạt áo hắn, cô cố gắng giựt lại
cái túi nylon.
Người đàn
ông liên tiếp đấm đá cô gái. Hắn tìm đủ mọi cách thoát khỏi bàn tay cô gái. Cuối
cùng hắn quật cô bé lăn quay ra đất rồi nhổm mình định chạy đi.
Cô gái vội
nhào vào ôm chặt chân chàng hảo hán, miệng cô không ngớt gào la thống thiết:
“Bà con
cô bác ơi! Cứu con! Người ta ăn cướp vàng của con. Ăn cướp! bà con ơi!”
Thấy tôi đứng
nhìn, cô bé cầu cứu,
– Chú
ơi! Cứu con với! Anh này cướp vàng của con chú ơi!
Tôi chưa biết
tính sao, thì tay hảo hán đã hăm he,
– Này! Ðừng
có dính vào nghe cha! Coi chừng lỗ mũi ăn trầu đó!
Tôi xua
tay, nhẹ giọng,
–Chuyện
đâu còn đó. Anh cứ thủng thẳng mà giải quyết. Sao lại nặng tay với phụ nữ như
thế, ngó sao được.
Nghe vậy,
người thanh niên nộ khí xung thiên,
– Ð.M!
Mày có phải ông nội tao không mà lên mặt dạy khôn tao? Tao uýnh chết mẹ mày bây
giờ!
Ðúng là cái
ách giữa đàng! Tôi phân bua với những người đồng cảnh đang đãi xái dưới suối,
-Bà con
nghe có được không? Tôi thấy đàn ông ăn hiếp đàn bà thì tôi có ý kiến. Anh này
hàm hồ, hỗn hào như vậy thì bà con tính sao?
Bà con chưa
nói gì thì anh hảo hán đã dấn cho tôi một bạt tai khiến mắt tôi nổ đom đóm. Anh
co cẳng bồi thêm một cái đạp ngay hông tôi; tôi té bò càng bên bờ suối. Tôi vừa
lồm cồm bò dậy lại bị thêm một cái tát ngay má phải.
Thế là, tôi
chẳng còn nghĩ hơn thiệt, phải trái gì nữa. Tai tôi đã ù, mắt tôi đã đổ lửa.
Tôi không
kìm được tiếng rú man rợ thoát ra từ miệng mình:
“A!
…A!…A!…!!!”
Tôi hất đôi
quang gióng xuống đất. Cái đòn gánh trở thành cây côn. Cái đầu côn thốc lên một
đòn rất nhuyễn và thuần thục.
Bài côn
Bình-Ðịnh do một võ sư xuất thân từ quê quán của vua Quang-Trung truyền dạy cho
tôi ở Pleiku thời 1966-67 đã bị bỏ quên nhiều năm, nay được đem ra thi thố giữa
rừng xanh.
Mũi côn vừa
thọc trúng hàm đối phương thì tôi tự động hạ người xuống thấp, tay tôi xoay cây
côn một vòng trên đầu lấy đà…
“Vèo!”
Cây côn
chúc xuống quét sát mặt đất, cắt ngang ống quyển tên thảo khấu.
Bị liên tiếp
hai đòn chí tử, chàng hảo hán quỵ gối xuống.
Phát côn thứ
ba, bổ xuống từ trên cao trúng vai anh ta, kết thúc bài học vỡ lòng “Tam
Côn Khai Môn”
Ðó là bài đầu
trong ba mươi sáu bài “Ðoạt Mệnh Côn” Bình-Ðịnh, bài nào cũng
kết thúc bằng một thế sát thủ.
Theo đúng
bài bản, thì phát bổ xuống phải nhắm ngay đỉnh đầu địch thủ, nhưng tôi chợt hồi
tâm, nhích tay cho nó chệch sang bên, dù sao thì anh ta cũng không phải là một
tên lính Mãn-Thanh!
Lúc này vị
hung tinh rũ người xuống như cọng bún.
Tôi bước
lên một bước, tay phải vặn ngược tay trái anh ta ra đàng sau. Anh đang cố gượng
đứng lên, nhưng đành tự động quỳ xuống, khi tôi xoay tay anh một vòng chín chục
độ theo chiều kim đồng hồ.
Mặt anh
nhăn nhúm vì đau. Mồ hôi anh chảy ròng xuống má.
Tôi nghe
anh ta rên “Ư! ư! ư!…” trong họng.
Bà con tụ tập
kín xung quanh la ó như cái chợ:
“Ðánh chết
mẹ nó đi! Ðồ ăn cướp!”
Tôi móc túi
anh lấy cái túi nylon đựng mấy cục vàng ròng đưa cho cô bé.
Cô bé vội
vã bỏ vàng vào túi, miệng lúng búng,
– Cám ơn
chú!
Rồi cô ta cắm
đầu vụt chạy về hướng dốc cậu Linh khuất bóng.
Ðợi cho cô
bé chạy đã xa, tôi mới buông tay anh thanh niên ra.
Tôi đẩy nhẹ,
anh ta ngã chúi về phía trước.
Tôi chống một
đầu đòn gánh sát mũi chân phải. Bàn chân phải sẵn sàng hất cái đòn gánh lên cao
phòng hờ một đòn phản ứng cấp thời.
Nhưng anh
thanh niên không còn hung hăng nữa. Anh lết mình trên cát như con chó đánh hơi
thấy mùi cọp. Anh ta gắng lết cho xa đầu ngọn côn. Anh ngước nhìn tôi, đôi mắt
đã mất hết thần sắc. Anh quơ tay, lượm vội đôi dép râu Trường-Sơn rồi ù té chạy
về phía con dốc hướng Tây, nơi đầu nguồn con suối.
Tôi đứng
nhìn theo bóng anh ta, lòng chùng xuống, man mác buồn. Tôi tự cảm thương cho
cái thân tôi! Cạn ao, bèo xuống đất, tôi đang tranh sống trong một thế giới
không luật pháp, không cả tình người. Ðâu có ngờ, cuộc đời tôi lại có ngày bị đẩy
đưa đến cái khúc quanh thê thảm này!
Vương Mộng Long