27 March 2021

KHI LÁ XANH RỒI 5 – Ngọc Ánh

Xem KHI LÁ XANH RỒI4

 

Cô bạn nhỏ

Chúng tôi chơi thân với nhau từ hồi còn nhảy cò cò ở sân trường Nữ tỉnh lỵ. Nhà nhỏ Dung trên đường xuống đầu voi, căn biệt thự xưa cất từ thời Tây với dãy lan can có mấy cây cột to đùng uy nghiêm cổ kính, bên trong bày trí tủ đứng, bàn thờ, ghế đôn..toàn bằng gổ đen mun sang trọng mà tôi đã từng được lên nhà trên , sờ tay vào mấy hoa văn chạm trổ tinh xảo để ao ước vẩn vơ..

Nhà tôi nghèo sống trong xóm lao động, ba tôi hớt tóc, má bán hàng rong, tuổi thơ tôi êm đềm không mộng mị nên chúng tôi cũng không có rào cản giàu nghèo phân cách, hai đứa cứ sáng chiều có nhau, mỗi lần tan học, chúng tôi băng qua đường quốc lộ, hướng về dinh tỉnh trưởng, ở đó có gốc cây đa sừng sửng như ông khổng lồ,với tán lá rậm rạp, vươn cánh tay kỳ quái có những rể phụ lòa xòa bí ẩn mà tụi nhỏ chúng tôi lấm lét sợ hãi chạy thụt mạng như ma đuổi mỗi lần ngang qua..Tôi đưa nhỏ Dung về, lần nào má nó cũng bắt ở lại ăn cơm, và lần nào tôi cũng ăn ngon lành không khách sáo.( cơm nhà giàu bao giờ cũng ngon!). Dung là con cưng của một gia đình chắc cũng thuộc hàng danh gia vọng tộc một thời ở quê tôi, nhà đó của bà Cố nó, Bà mất để lại Bà Nội nó ở, ngôi nhà quá rộng lớn nên có nhiều thế hệ ở chung. Dung có đôi mắt to tròn,  mái tóc bum bê ,nụ cười răng khểnh và làn da mỏng thấy cả những chỉ máu li ti trên má..Đó là tất cả những gì mà tôi nhớ về cô bạn nhỏ một thời tiểu học .

Rồi tôi chuyển nhà đi Vĩnh Long, mất một năm tiếp liên vì rớt đệ thất, khi tôi trở lại SócTrăng để chuyển vào trường Hoàng Diệu thì tôi quên béng đi cô bạn nhỏ ngày xưa khi chung quanh có nhiều bạn mới, học khác lớp còn không chơi chung , huống hồ Dung bây giờ học trên tôi một lớp, tôi học buổi sáng và Dung học buổi chiều.. Dĩ nhiên là không đứa nào thoáng gặp lại nhau ở sân trường để mà nhắc chuyện hồi đó, Dung học đến lớp 9 thì đã rời trường lên SàiGòn mất hút từ dạo ấy..

Biền biệt mấy mươi năm bóng chim tăm cá, tình cờ tôi đọc một cái mail của bạn bè trên mạng tìm thấy Châu Ngọc Dung (HD67-74)..cái họ Châu ngờ ngợ trong trí nhớ, tôi hỏi chị BạchTuyết (bạn cùng lớp với Dung) “có phải D ở đường đầu voi, có phải D trong ngôi nhà cổ, có phải D má lúm đồng tiền...” Đúng rồi, nó đó...Chị Tuyết xác nhận thông tin, tôi vội vả gởi email riêng cho cô bạn một thời nhỏ xíu, một cú phone xuyên lục địa và hai đứa nhận ra nhau vui mừng tíu tít, cái giọng “xời ơi..nói nghe nè, biết hôn..” vừa thân tình vừa đậm nét miền Tây của nhỏ Dung làm tôi cũng nôn nao muốn bay về gặp để xem má lúm đồng tiền đó bây giờ ra sao.

Ngày họp mặt Hoàng Diệu , nhỏ bận việc không tham dự, biểu thằng con đi cho biết bạn bè của mẹ nó, Quyên kéo tay nó đến chào mấy dì,  tôi nhìn nụ cười lúm đồng tiền của nó sao mà giống Dung quá, nhỏ réo trong d/t “bửa nào rảnh NA chạy ra nhà mình nhe, ra đây ngắm biển và ăn tôm cá tươi rói...nhưng nói trước là ngũ hơi bụi đó”.Dĩ nhiên là tôi không từ chối lời đề nghị này, như ngày xưa tôi đã không từ chối bửa cơm ở nhà Dung sau buổi tan trường.. Thu xếp mọi việc xong, tôi rủ Bạch Tuyết ra Long Hải thăm Dung, ai dè chị còn nôn nóng hơn tôi nữa khi vội vả ra gặp lại cô bạn thiếu thời ngay sau khi dứt cuộc họp trường “thấy thương lắm NA ơi, nó mỏng te như tờ giấy”(nguyên văn), sơ yếu lý lịch được trích ngang khi nghe nhỏ tỉ tê trong phone.  “có chồng, một con trai 26 tuổi, đã nghĩ hưu, hiện là giáo viên Anh Văn tại nhà, tài sản duy nhất : một căn nhà nhỏ sát bờ biển , hiện đang nằm trong diện qui hoạch, đền bồi rẻ mạt nên nhỏ uất ức trấn thủ lưu đồn cầm cự, không bà con không thân thế, cô giáo thương lũ học trò nghèo vừa quê, vừa dốt không nở dứt áo ra đi, áp lực tâm lý khiến nhỏ suy sụp và ..còm nhom mỏng te là vậy.

Con đường xa hơn tôi tưởng, từ Bà Rịa đi taxi (chỉ có chuyến vô mà không có chuyến ra),băng qua cánh đồng vắng, băng qua ruộng muối, băng qua những khu dân cư thưa thớt, Lộc An trước đây là vùng Kinh Tế Mới, không hiểu sao cô bạn nhỏ của tôi lại chọn nơi heo hút này để nghĩ hưu..Ngôi nhà khang trang với giàn bông giấy màu hồng tươi rực rở trong sân và hai cây sứ trổ hoa trắng muốt như là cái mốc để khách nhận diện từ xa. Hai đứa tôi ôm nhau mừng vui thân thiết như chưa hề có mấy mươi năm ngăn cách trước đó, quả đúng như chị BT nói, Dung mỏng te trong dáng cao gầy, mái tóc ngắn nhuộm màu vàng của nắng biển, vẫn còn nụ cười răng khểnh nhưng hình như mất tiêu má lúm đồng tiền trên gương mặt không còn tròn như thời thiếu nữ..

Nhìn cô bạn lăng xăng trong cái bếp nhỏ xíu, chắc lâu lắm mới có dịp trổ tài nên khá loay hoay bận rộn, khác với cuộc sống bình lặng thường ngày của chủ nhân vốn ăn uống đơn giản, bàn ăn , phòng ngủ phòng tắm , mọi bày trí trong nhà đều được sắp xếp chu đáo để đón khách bằng tấm lòng quý mến, lẳng hoa sứ trong phòng ngát hương, mấy bông giấy xếp tên vợ chồng tôi trên tấm drap trãi giường thật lãng mạn và đầy ấn tượng, tôi chợt nao lòng khi biết bạn mình đang sống rất cô đơn ở đây, thằng con đi làm xa, ông chồng thì mất biệt..Chỉ có mấy tấm hình treo trên tường là ấm cúng, hình Dung và đám học trò nhỏ, hình Dung và con lúc mặc áo tốt nghiệp, hình Dung và ngôi nhà bông giấy đỏ bây giờ, hình Dung với gương mặt hồn nhiên bên ngôi nhà cổ năm 17 tuổi.. “Ru đời chỉ còn mẹ với con (TCS)”. Nhìn bạn và nhìn mình, thấy mình may mắn biết bao nhiêu, tôi phải cám ơn Trời đã cho tôi có hạnh phúc cuối đời bên gia đình êm ấm.

Chúng tôi có một ngày dạo chơi trên biển , một đêm để nói chuyện tâm tình, thời gian không thể phủ hết những câu chuyện của chúng tôi, nhắc lại quá khứ, kể lể những buồn vui trong đoạn đời đầy nghiệt ngã..Đằng sau cái mỏng te ấy là một sức mạnh phi thường, Dung mạnh mẻ hơn tôi tưởng, bạn đã đứng lên bằng đôi chân của chính mình, hơn hai mươi năm sống một mình, đi cày nuôi con , bây giờ thằng bé trưởng thành, Dung nghĩ mình đã thong thả, nhưng..cái nhà lại làm cô nàng bận tâm lo lắng, sau khi giải tỏa mình sẽ đi đâu, sẽ làm gì với số tiền đền bù ít ỏi trong thời buổi này, bạn bộc bạch rất chân tình “ Dung thích ở lại đây với đám học trò nhỏ của mình, tụi nó nghèo mà ham học, Dung muốn cho tụi nó chút chữ để dành, Dung sống đơn giản quen rồi, Dung thích biển và tình người chơn chất nơi này

.Vậy mà .”giọng bạn buồn hiu làm tôi xót ruột, ước gì tôi có thể chia sẽ cho bạn được cái mà bạn cần, ước gì tụi mình có một bà tiên như trong truyện cổ tích để Dung ước gì...Tôi choàng qua đôi vai gầy guộc nhỏ của Dung mà thương bạn vô cùng “Đừng lo, tụi mình hết “tam tai” thì hậu vận sẽ tươi sáng, số Dung luôn may mắn vào phút 89 mà lo gì, hiền ngoan như nhỏ thì trời nào bắt khổ mãi sao, yên chí đi nhỏ ơi!”

Chỉ có chuyến xe duy nhất về thành phố lúc 5g30 sáng, chúng tôi chia tay trong bịn rịn, Dung đứng nhìn theo, chiếc bóng lẻ loi hắt dài ra đường, tôi vẫy tay Dung và muốn kêu lên, “hãy vào nhà và đóng chặt cửa nhanh đi”. Hình dung cô bạn  sẽ loay hoay với mấy cái ổ khóa  trong nhà ngoài ngỏ, cửa trước cửa sau, cửa sắt cửa gỗ, phòng thủ như một pháo đài kiên cố để ngăn kẻ xấu, kẻ gian .Hình dung căn nhà nhỏ ven biển và cô giáo ở một mình, tự dưng tôi lo sợ vu vơ giữa biển đời sóng dữ. Cầu mong cho bạn tôi có cuộc sống bình yên, có một ngày mai thanh thản. Ôi, cô bạn nhỏ thời nào.

 

Oh man! Du lịch xuyên bang,

Có những người bạn thân thiết hồi đi học, thời gian trôi chảy, tứ tán biệt tích biệt tăm, chợt nghe đâu đó cái tên, chỉ vài lần email dò hỏi, mấy cú phone chào nhau, đôi khi chít chát trên mạng..Vậy mà có nhớ mặt ngang mũi dọc của nhau ra sao đâu, kể từ lúc xa rời trường cũ mấy chục năm biền biệt, biết bao nhiêu là vật đổi sao dời.

Bây giờ ở xứ Mỹ mênh mông này, tui có dịp đi đây đó nhờ anh xã retired dẩn dắt chỗ nọ chỗ kia và mỗi khi có dịp tui lại lục tìm vài ba cái địa chỉ bạn bè để may ra mò được tên học trò Hoàng Diệu nào đó thất lạc bên trời lận đận.. Bạn bè tui thì ở khắp mọi nơi, (tha phương cầu thực mà) nhưng chắc đứa nào cũng mang tâm trạng nôn nao khi nhớ về kỹ niệm thời đi học, nghe tụi nó tám trên mạng thì biết liền, và dĩ nhiên tui không bỏ lỡ cơ hội để kết nối với bạn bè khi có thể được.

Nghe nói mùa thu ở Washington rất đẹp với rừng lá đổi màu như trong phim tình thơ mộng, sẳn có mấy ông bạn của Nứng rủ lên chơi, tui nhìn bản đồ rối nùi như mớ bòng bong và nhấc phone gọi Hai lúa cầu may  “Hey, tui lên DC mà có gần chỗ ông ở không vậy? –

-Có 4 giờ lái xe chứ mấy, cho địa chỉ đi, tui lại chở đi chơi, mấy thưở mình mới có dịp gặp nhau cho biết mặt luôn..”

Thấy tui ngập ngừng Hai lúa bồi thêm liền tù tì:

Yên tâm đi, tui chạy xuống được mà, sẳn dịp lên nhà tui chơi cho biết, tui sẽ xin nghĩ thêm một ngày nữa để đưa ông bà ra phi trường về lại Texas..” Nghe giọng nói sốt sắng của “hén” mà ..thương. Hồi đi học, nói thiệt tui với hén chẳng quen biết gì hết vì học khác lớp, chẳng qua nhận bà con đồng môn là do mấy năm sau nầy ai đó “lượm” được email bỏ vô xóm nhà lá, tám riết rồi thành thân thích hồi nào chẳng hay!

Trên vùng miền Đông lạnh lẽo, dân HD chỉ có Hai lúa và 2 tên đực rựa nữa là Tí Lai MTPhúc và Thoại, chắc có thêm mấy ông anh bà chị khóa lớn mà chưa có dịp biết.Chuyến đi nầy nếu gặp được nhau thì quá vui, nhưng đến chỗ hẹn để mà nhận dạng đương sự mới là khó, giống như chơi trò tìm bạn bốn phương “ mình mặc áo đỏ, còn cậu đội nón màu gì?” chời ơi, tình hết biết! Thế là tui Ok và chờ đợi ngày hò hẹn..Mới 7g sáng đã nghe phone reo um sùm. Té ra Hai lúa tới sớm hơn tui tưởng, anh chàng rời nhà ở New Jersey từ tinh mơ 3giờ sáng để tránh kẹt xe, buồn ngũ quá phải tạt vô đâu đó làm ly “xây chừng” cho tỉnh táo, tui biểu hắn ở yên tại chỗ  tui sẽ chạy ra cho khỏi mất công tìm nhà, khu vực này không quen với hắn cho lắm.

Khi tui còn đang lớ ngớ tìm chiếc xe màu xanh như lời đương sự mô tả thì bên kia đường đã thấy Hai lúa vẫy tay rối rít, vậy là hén nhắm mục tiêu nhanh hơn tui. Xuống xe tay bắt mặt mừng chưa xong thì hén lật đật khoác  long bào cho “sư ca” trong khi miệng tía lia “Chuẩn bị cái áo sẳn để Nứng khỏi bị lạnh..” Lạnh đâu chưa thấy chứ thấy Nứng cảm động ấm lòng với tấm chân tình của dân Hoàng Diệu nầy lắm lắm..  Về nhà sau nầy Nứng nhắc hén hoài, làm mình cũng mát ruột.

Mấy ngày trước anh bạn của Nứng cũng chở đi vòng vòng Thủ đô Hoa thịnh Đốn thăm viếng những nơi “sừng sỏ” nhất nước Mỹ như Ngũ giác Đài, Toà Bạch Ốc, Quốc hội, bức tường tưởng niệm quân nhân Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam, Tháp bút chì khổng lồ soi bóng xuống bờ hồ nhìn qua tượng đài Lincoln hoành tráng.. Coi như là đã cởi ngựa xem huê cho biết chút đỉnh xứ người, nên khi lên xe Hai lúa đề nghị đi thẳng lên NewYork để tranh thủ thời gian. Trên đường ghé thăm nhà thờ Mẹ Việt Nam, do Cha Long cất đầu tiên khi có người Việt định cư ở đây, lối kiến trúc với mái ngói cong cong giống như ..Chùa, cũng có trống, có chuông, có hòn non bộ nước chảy róc rách, hoa lá cây kiểng y chang như ở quê mình, chắc hẳn đã làm nguôi ngoai nỗi nhớ nhà của những con chiên xa xứ.    

Gọi là Hai lúahén là dân miệt vườn thứ thiệt ở Ba Rinh Cống đôi/SócTrăng, chứ ở xứ Mỹ nầy anh chàng không lúa chút nào, lái xe ào ào trên những con đường thênh thang thẳng tắp, hai bên là rừng lá vàng đỏ tím nâu, đẹp như tranh vẽ trong ánh nắng rực rở của mùa thu, tui ráng bấm máy để có mấy tấm hình đem về làm quà cho các bạn quê nhà, mặc dầu tui biết đẹp cở nào cũng không bằng con đường Giao Hạ phượng đỏ hay Hoàng thị lá vàng một thời hoa bướm của tụi tui.

Định ghé qua nhà Thoại thì nghe nói anh chàng đang lu bu việc nhà cửa con cái sao đó nên cả bọn hẹn khi khác, gọi d/t hỏi thăm thì anh chàng có v tiếc hùi hụi, quay qua trách Hai lúa sao không nói trước để thu xếp gặp nhau.. Nứng khen giọng nói Thoại nhỏ nhẻ hiền khô, tui xúi Nứng bữa nào lên chát với xóm nhà lá của tụi tui thì hiền dữ biết liền!

Bắt đầu chuyến du lịch xuyên bang khi qua Baltimore bằng đường hầm chui dưới sông dài hơn 3km ( nằm dưới Baltimore Bay) kế tiếp băng ngang Delaware trên chiếc cầu cũng đẹp nổi tiếng (Delaware Memorial Bridge) để vào New Jersey,  lại chui vào Holland Tunnel nằm dưới vịnh NewYork, đường hầm sáng trưng dài hun hút mà sao tui cũng thấy ớn ớn. Biết chắc đất nước người ta xây dựng công trình là an toàn trên hết, nhưng sao tui run quá, nó mà xì chỗ nào thì có nước ..bà hú! Qua hết đường hầm rồi tôi mới thở phào. Gà chết thiệt.

 Thành phố NewYork hiện ra bên kia sông như trong phim với những toà nhà chọc trời cao ngất, thấy xa xa tượng Nữ Thần Tự Do nằm ở giữa vịnh. Vì là cởi ngựa xem hoa nên cả bọn chỉ ngắm cảnh vật bên ngoài như xem nơi toà tháp đôi (Ground Zero) bị sập trong vụ 911. Đúng là tai họa từ trên trời rơi xuống khiến cả thế giới bàng hoàng, bây giờ người ta rào lại để xây dựng cái gì đó với ngổn ngang những xe cẩu bên trong.

Xe chạy qua khu phố Tàu tràn ngập chợ trời bán buôn ì xèo, người đi bộ nhởn nhơ giống như trong Chợlớn với những dãy nhà xây dựng theo lối kiến trúc xưa. Lại dọc theo bờ sông nơi có chiếc máy bay gần đây khi vừa cất cánh bị mấy con chim bay vướng vào cánh quạt làm máy bay rơi, ông phi công dũng cm hạ cánh an toàn trên sông, không ai bị thiệt mạng, người ta tin rằng những vong hồn của người chết trong vụ 911 đã giúp máy bay thoát nạn một cách thần kỳ. Một huyền thoại ở xứ người, ai nói dân Mỹ không tin dị đoan!

Trên đường trở về lại NJ, vượt George Washington Bridge cũng hùng vĩ không kém, ghé  Philadelphia (cố đô Mỹ) thăm ông chú cuối cùng của dòng họ Hai lúa đang bị một căn bệnh hiểm nghèo, nhưng tiếc là không vào bệnh viện được. Nghe tin bạn cùng trang lứa như vậy Nứng cũng băn khoăn cho tuổi già của mình. Trời kêu ai nấy yes mà, nên còn khỏe là còn dung dăng dung dẽ, dắt dzợ đi chơi , lo gì Nứng ơi!

Vậy là kết thúc chuyến du lịch xuyên bang, đi qua các thành phố lớn nhỏ từ Virginia đến New York suốt 12 tiếng đồng hồ. Quả là một thành tích của Hai lúa.Tui phải cám ơn anh chàng về cái nhiệt tình đối với cặp chim ..cánh cụt này. Đâu phải ai cũng có cơ hội rong chơi đây đó như vậy.

Trạm cuối cùng là đột kích cơ ngơi của Tí Lai mà không báo trước, anh chàng nầy thuộc loại siêng năng bẩm sinh, qua Mỹ chịu khó cày nên cũng khá giả với nghề sửa xe hạng nặng, một mình một cõi, lủi thủi làm ăn và ít có cơ hội gặp bạn bè. Hồi đi học cũng có máu văn nghệ văn gừng theo nhóm Du Ca trong trường, cái giọng pass rè nên tụi tui đặt chết tên là Tí Lai  (khào khào như nói tiếng nước ngoài.)

Hai lúa muốn thử bộ nhớ của Tí lai nên không thèm giới thiệu nhân vật chánh, ai dè vừa gặp mặt là hắn đã kêu lên sửng sốt “Oh man! Ngọc Ánh đây hả? Oh man, lâu quá mới gặp” bàn tay đầy dầu mỡ của hắn xiết chặt tay tui làm cảm động quá, hắn vẫn nhớ bạn bè đấy mà, cả bọn ngồi xuống giữa kho hàng ngổn ngang bù lon con tán xe cộ máy móc tùm lum trong khi hắn lăng xăng tìm mấy lon bia.. Nhìn hắn vẫn vậy sau mấy chục năm, dáng cao to nhanh nhẹn, dĩ nhiên là có bụi phong trần nhưng vẫn còn đẹp chai như thưở nào! Hắn kể huyên thuyên về SócTrăng, về kỹ niệm thời đi học, nhắc đến tên từng thằng bạn hồi xưa, về góc nhà NHVõ mà bọn hắn thường tụ tập mỗi chiều để ngó ông đi qua bà đi lại trên con đường giữa dẫn qua cầu Quây...

Hai lúa sợ Nứng mệt vì ngồi xe cả ngày nên cáo từ ra về, Tí lai tiễn khách mà lòng lưu luyến, Ừ, biết chừng nào mới có dịp gặp nữa! Tới phiên tui xiết chặt bàn tay đầy dầu mở chai sần của hắn mà thương! Về nhà Hai lúa, tắm rửa nghĩ ngơi sau một ngày dài ngồi xe mõi lưng ‘tăng-kể’, ăn bữa cơm có bát canh rau mồng tơi sao mà thấy ngon hết biết như ở quê nhà, 3 tên bạn ở đây đều lấy vợ muộn nên đứa nào con cũng còn nhỏ híu, trong khi chung lớp ở VN, bạn bè đều đã làm sui, đã thành ông nội bà ngoại hết rồi. Hai lúa có 2 đứa con gái rượu, đứa lớn nhất mới 13, ngoan ngoãn dễ thương, nói tiếng Việt rành như Daddy của nó, nghe đâu HN và Hai lúa định kết thông gia, nói giởn thôi nhe, sui gia binh con, dễ sứt mẻ tình bạn lắm đó, hổng tin làm thử coi!

Tí lai chắc cũng nôn nao khi gặp lại bạn cũ, nên hắn đóng cửa kho sớm, về nhà xách chai rượu Tây và bịch đậu phộng chạy qua nhà Hai lúa họp bạn tiếp. Những câu chuyện cũ lại nối tiếp, chén mày chén tao, tui nhớ ra là mình có đem theo cái Laptop, hình bè bạn Hoàng Diệu thì lúc nào cũng kè kè trong máy nên mở ra cho hai chàng coi để nhớ lại ngày xưa Hoàng thị. Từng khuôn mặt hiện lên trong tiếng kêu đầy hào hứng của Tí Lai và Hai lúa “ nè tui đứng kế thằng Chung mập nè, Chuôn hả, tui nhớ hay ôm mấy cuốn sổ đi ngang lớp tui hoài, Kiển Phú Tâm nè, Võ nè, Kiệt nè, Lộc cồ, Sơn cận, Lực, Minh,ThuHương, HồngNhan…hình thằng Thoại nhỏ xíu con đứng cạnh Huỳnh Thái dòm là biết liền..” hết hình xưa rồi tới hình nay, đủ mặt bá quan văn võ, sau mỗi cái click là tiếng “oh man” đầy phấn khích của Tí lai, bất chấp khuya lơ khuya lắc và cả nhà gia chủ thức ng ra sau, Nứng nằm ở góc phòng ngáy o o nhưng lâu lâu cũng giật mình vì tiếng ồn ào của đám bạn vợ chụm đầu bên bàn nhậu.

Sáng sớm lại lên xe ra phi trường bay về Texas, Hai lúa thấm mệt nhưng cũng hết lòng vì bạn, dọc đường lại kể chuyện nầy chuyện kia cho Nứng nghe quên mất đường dài... Ừ, mấy khi gặp được nhau, tâm tình cho thoả lòng, tui rủ 3 tên miền Đông năm sau bên Cali có họp mặt, ráng xin vợ con cái giấy phép qua đó gặp đủ bạn bè, tha hồ mà tâm sự…kẻo chát trên mạng hoài cũng thấy ấm ức vì không nhìn tận mặt dễ thương của nhau.

Tới phi trường DCA cũng còn kịp thở vài ba hơi, đang định bắt tay từ giã Hai lúa với lời cám ơn nồng nhiệt về chuyến đi chơi thú vị hôm qua, thì thấy ..vợ chồng Tổng thống Obama đi đâu sớm, đang đứng xớ rớ gần đó mà không thấy FBI đâu hết, tui liền nhào vô xin chụp chung tấm hình “bắt quàng làm họ”. Chời ơi ! Hổng tin hả, post lên cho coi nè, vợ chồng tui lùn tịt nên đứng trước, còn ổng bả đứng phía sau cười thân thiện.

Oh man, đã thiệt!                                 

Ngọc Ánh