20 March 2021

KHI LÁ XANH RỒI 4 – Ngọc Ánh

Xem KHI LÁ XANH RỒI 3


Chuyện của ẻm

Dân miền Tây có nhiều tiếng đệm rất  dễ thương như mình ên, ẻm(em),thẩy(thầy) cổ(cô ấy ) thẳng (thằng ấy)..một cách luyến lái trong câu nghe chơn chất đặc sệt địa phương Ẻm cũng là dân miền Tây, nhưng sau này lên Sài Gòn, rồi ra Trung sống lang thang lâu quá nên cái giọng của ẻm cứng đơ giống như đất sét nhiễm phèn, không còn “chớt”ngọt lùi đúng hiệu dân Nam Bộ nữa. Hồi đi học ẻm nhớ ông thầy gọi học chò bằng chỏ, ẻm cứ thấm ý cười hoài, cũng như mọi ẻm khác trong lớp trong trường, ẻm cũng hồn nhiên tung tăng với bạn bè đánh đôi đánh đọ ở tuổi mới lớn, học hành không xuất sắc nhưng ẻm chịu khó chăm chỉ, cái gì không biết thì hỏi tới bến, thấy điều gì không bình thường  trong lớp là ẻm hăng hái đưa tay ý kiến ý cò, nên có chuyện nhớ đời là năm lớp 7 học Việt văn Thầy Tâm , ông qui định viết chánh tả, sai một lỗi trừ 4 điểm , nhỏ bạn ngồi kế bên trật 5 lỗi , bị ăn 2 con ốc vịt oan mạng,  mắt nhỏ đỏ hoe..

m xót bạn bèn đứng bật dậy phản đối.“không được đâuThầy, em thấy  trừ vậy là quá đáng..” ổng cười cười.. “em hổng chịu vậy hả? tui chấn em con zero về cái tội binh bậy”, nhìn thấy ổng viết vô sổ  mà ẻm tức ứa máu, ẻm lại tiếp tục đứng lên cải lý và mỗi lần như thế ẻm lại bị ăn ốc vịt về tội “gây rối”, nước mắt ẻm lưng tròng,  cả lớp bắt đầu lao xao việc vô lý này trong khi ổng cứ cười cười như trêu chọc lũ học trò nhỏ ương ngạnh..Đến cuối giờ thì ổng cũng nán lại bôi hết mấy chục con zero đỏ chói sau khi lấy cả lít nước mắt của những tên khóc nhè (ai biểu!), chuyện chỉ có vậy mà mấy đứa vẫn còn nhớ tới già! Sau này có dịp gặp ổng, nhắc lại vụ án ăn hột vịt, ổng còn cười “ vậy hả? chắc là thấy mấy đứa mau nước mắt quá nên tui chọc chơi mà”

Nhưng cái vụ đó thì xưa rồi, sau này ẻm học hành coi bộ cũng kha khá, nhất là môn Việt Văn, trong lớp ẻm hay so cựa với nhỏ Hương trong mỗi lần làm bài, nhóm có 4 đứa( tự xưng là Tứ bà la sát)  chơi thân hồi nào tới giờ nên việc học hành cũng vì thế mà kèm nhau cùng tiến bộ, cuối năm trường mở cuộc thi viết bài cho bích báo, ẻm được hạng nhất với tùy bút “Cảm nghĩ Xuân 16” . Ẻm phổng mũi ôm quà thưởng là cuốn Album to đùng (bây giờ mấy chục năm rồi mà ẻm còn giữ kỷ), mấy đứa xúm lại hỏi “sao mày viết được vậy?”, ẻm cười mím chi không nói ra bí kíp, có gì đâu, gần Tết ẻm đi đâu đó lang thang gần bãi rác , thấy chim én bay lượn lao xao trên đầu, ẻm liền về nhà viết một mạch cảm nghĩ tuổi trăng gầm của ẻm, BGK chắc là buồn ng vì phải chọn lựa quá nhiều bài nên chọn ẻm hay sao(ai biết!), có điều đó là khởi đầu cho  ước mơ để trở thành văn sởi của ẻm (ước mơ thì không có tốn tiền nên tội gì mà không mơ ước phải không?) Ẻm tập làm thơ viết bài gởi mấy tờ báo học trò trên Sài Gòn, lâu lâu tờ Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc có đăng tên ẻm trong mục trả lời thư “ đã nhận được bài, cám ơn bạn”.

Rồi thôi! khiến ẻm đợi dài cả cổ..May mà ẻm lấy bút hiệu chứ mấy đứa kia biết văn chương của ẻm bị ném sọt rác ở tòa soạn là cười ẻm thúi đầu, mà có gì mặc cảm chớ, miễn có tên trên báo là tốt rồi, nghĩ vậy ẻm cứ kiên nhẫn gởi dài dài, biết đâu nhờ thế mà ẻm trao chuốt được tay nghề?! Nhưng có một người tin tay nghề của ẻm là Thầy giám thị, Thầy dạy thêm Việt văn ở trường Pothi cho người Khmer, công việc Thầy bận rộn nên thỉnh thoảng Thầy giao cho ẻm chấm bài, đọc mấy câu văn lơ lớ rất thiệt thà ngây ngô của các chò làm ẻm cười bể bụng, thí dụ như bài luận văn tả cây dừa “ cao 30thước , dùng làm gỗ cất nhà,làm gáo múc nước, lá dừa bay lắc lư trong gió”..Tả cây cầu, gợi ý cây cầu là chứng nhân và dòng đời như nước chảy với bao biến động đổi thay, vậy mà một chò đã viết như sau “ em là một cây cầu, hàng ngày kẻ qua người lại trên mình em, nhưng đêm kia có một thằng cao cao ốm ốm trắng trắng đến giật mìn làm em bị gảy đôi..Chời đất!văn chương hết hồn, ẻm lấy viết đỏ khoanh tròn “cái thằng cao cao”..và hỏi “ai vậy bòn ơi?” …

Lên lớp 10, ẻm tập tành yêu như  mấy thằng bạn ẻm tập tành hút thuốc, tập tành đứng dưới gốc cây đợi “áo tiểu thư” đi học về để làm cái đuôi câm như hến

(cái đầu mới biết nói chứ cái đuôi thì ngọng là phải rồi).Nết na thì không dịu dàng đằm thắm, ăn nói oang oang, đi đứng lại hấp tấp chỉ muốn cột vạt áo lên chạy cho lẹ, cười  hai răng cửa chìa ra như răng thỏ, lại to như bộ ván ngựa, vậy mà ẻm cũng có một mối tình học trò vắt vai như mấy con nhỏ tiểu thư trong trường mới lạ chớ, thẳng học khác lớp, nhưng nhờ mần văn nghệ  báo chí chung trường nên quen, thẳng đẹp chai, có bàn tay dài như họa sĩ, nét vẽ sắc xảo ấn tượng nên nghề của thẳng là vẽ bích báo, vẽ trong mấy tờ đặc san Xuân,vẽ theo năn nỉ của mấy đứa bạn “mỗi năm đến hè lòng man mác buồn”,

( hổng buồn sao được nếu tờ báo lớp mình không có điểm nội dung mà còn rớt luôn phần hình thức, vì trang trí xấu hoắc) . Ngoài ra thẳng cũng biết mần thơ, viết văn (giống ẻm).Mối tình của ẻm với thẳng cũng không có gì ầm ỉ, tánh ít nói nên thẳng không biết tán tỉnh theo lối cải lương, cũng không có thơ tình dấu trong túi quần, rình rình đưa như mấy thằng bạn của thẳng, chỉ sau mỗi lần tan học thẳng về nhà ăn cơm xong là rủ thêm vài tên bạn chí cốt đến nhà ẻm chơi, ngồi dựa cột lắng nghe mấy đứa nói này nói nọ, rồi cười theo. Sân vườn nhà ẻm đầy kiến, có lần thấy kiến chui vào mái tóc bồng bềnh của thẳngẻm không biết làm sao để phủi, (sợ má la!)nên cứ nhìn hoài  ái ngại để cho thẳng chịu hết xiết phải lật đật đứng dậy đi về..

Cuộc tình học trò trôi qua êm ả, không có love you , love me loạn cào cào như tụi nhỏ bây giờ, chỉ có hẹn hò trên đường Giao Hạ, để thẳng làm thơ “tôi đứng chờ em ở ngã ba/ Trường thi ngõ huyện vắng người qua”, hai đứa đi bộ lang thang nói chuyện trời trăng mây gió rồi thôi. Đùng một cái, chiến sự nổ ra, lôi kéo lớp trẻ vào cuộc, mùa hè năm 73, thẳng vừa đúng tuổi tổng động viên “xếp bút nghiên theo việc đao binh”, ngày đưa tiễn thẳng và Chung ra bến xe Cần thơ, thẳng mới thu hết can đảm nắm tay ẻm giả từ, ẻm về nhà hát bài “Ngậm Ngùi” suốt buổi..

Thời gian trong quân trường, ẻm vẫn gởi thơ thăm thẳng đều đều, nhưng không nhớ là mình đã viết gì, vậy mà có người nhớ rất r và còn nhắc tới bây giờ, thỉnh thoảng trong hơi men cuối tuần ở đâu đó trên xứ người,Chung lại gọi phone khề khà kể chuyện quá khứ “thằng Quan hay đưa thơ cho tui đọc, tui thuộc nằm lòng và ao ước có người nào đó gởi thơ cho tui giống như vậy, rời trường đi lính sớm quá, tui chưa kịp có bồ..Ẻm khựng lại bỡ ngỡVậy sao?”.

Rồi 30/ 4 /75, ẻm hốt hoảng chạy lên phi trường TSN tìm thẳng, hai đứa gặp nhau mừng mừng tủi tủi trong làn sóng người hổn loạn chen chúc di tản, thẳng cởi áo lính mặc lại bộ đồ học trò, hai đứa ra bến xe miền Tây, không chọn con đường nào khác, phải về nhà thôi! Chiếc xe tải cuối ngày chở đầy người ì ạch trên quốc lộ 1A , lần đầu tiên ẻm cảm nhận sự “hòa bình” khi không nghe tiếng súng, tiếng mìn nổ trong  đêm..Bàn tay hai đứa nắm chặt lại như nương tựa vỗ về ... Ẻm nghĩ đến ngày mai yên ấm trong thị xã nhỏ xíu đầy ắp kỹ niệm của bạn bè thời mới lớn.

Mối tình của ẻm ngon như ly chè sâm bổ lượng bên cầu Quay, nếu uống liền thì thấy đã khát, nhưng để lâu, nước đá tan , nó cũng trở nên nhạt phèo..Ẻm và thẳng cũng vậy, hai đứa hai dòng đời bận rộn, quên mất nhau, quên mất kỹ niệm.. Mấy chục năm trôi qua, có dịp gặp lại bạn cũ, nhắc tới chuyện ngày xưa, bạn bè nói thẳng bây giờ khác lắm, thẳng có một cái tên mới, một vị trí đứng cũng mới, thẳng phương phi tốt tướng hơn ngày xưa, ít đàn đúm với bạn bè cà phê cà pháo như hồi đó, ẻm lại ngỡ ngàng buột miệng “Vậy sao?!”

Trong lần nào đó đi xem triển lãm tranh ở thành phố, nhìn bức họa vẽ người con gái Khmer rất sinh động, nét vẽ thật quen, thật  gần gủi nhưng tác giả ký cái tên lạ hoắc ..Ẻm chợt ngẩn ngơ nhận ra rằng thẳng không còn là thẳng ngày xưa nữa rồi!

Có điều bí mật này của ẻm mà không ai biết, đó là cái răng thỏ ngày xưa theo thời gian rơi rụng đâu mất,  ẻm phải phục chế”lại khi biểu nha sĩ kê thêm hơi khểnh một chút cho nụ cười giống ẻm hồi đó, nhưng không chắc gì thẳng nhận ra ẻm đâu, xưa rồi nhỏ ơi ! ẻm nhớ câu thơ đọc đâu đó “một trăm lá thư gởi đi không bằng một lá thư không gởi/ một vạn nụ cười không phải nụ cười xưa” .Ừa há, ước gì cổ máy thời gian là có thiệt để ẻm và bạn bè kéo kim đồng hồ quay ngược lại thưở  hồn nhiên, nhưng mà biết đâu chừng nó không “phước bất trùng lai”, kim đồng hồ sau một màn quay mòng sẽ dừng lại đúng cái thời “họa vô đơn chí” chắc cả bọn có nước khóc tiếng Miên…Thôi thì chấp nhận hiện tại, và biết rằng bạn bè còn có nhau là mừng rồi!

Chuyện của ẻm là chuyện dài nhiều tập, từ lúc ẻm rời bỏ trường xưa phố cũ lên Sài Gòn, rồi ẻm lấy chồng, có con, rồi hằm bà lằng thứ xảy ra trong cuộc đời ba chìm bảy lênh đênh khiến ẻm hổng giống ai trong đám bạn bè thưở trước, ngày ẻm trở về xác xơ, cái răng thỏ mất tiêu, và mái tóc dài bị cắt cn cỡn, nhưng được cái ẻm cũng lì đòn, can đảm để chấp nhận sự thật, ẻm đứng thẳng lên sau mỗi lần vấp ngã đau điếng, bạn bè thương ẻm số phần lận đận nhưng ẻm là người tri thiên mệnh , ẻm biết mình biết ta nên tỉnh queo đợi ngày thới lai..Mà  thiệt lạ, hồi đi học ẻm không tin bói toán vớ vẩn, nhưng có lần theo mấy nhỏ  lên Cô bảy ở Cầu đen chuyên bói lá (ra vườn bẻ bất kỳ lá cây nào đem vô, cổ chỉ nhìn thôi là biết được tương lai quá khứ, tài thiệt ) ẻm bị Cổ phán một câu xanh dờn “ lúc trẻ thì tình duyên lận đận, danh phận long đong, nhưng về già thì an nhàn hưởng phước..”Bây giờ ngẫm nghĩ thấy đúng bon ! Ẻm  đang sống hạnh phúc êm ấm bên chồng con, lâu lâu có dịp ngồi tám với bạn bè thời đi học vui hết biết, ẻm hài lòng cái mà mình đang có, ẻm nối vòng tay thân thiết với mọi người chung quanh, nhưng thỉnh thoảng ẻm cũng mắc vài cái tật làm mích lòng hàng xóm như tánh thẳng thừng “ có sao nói vậy người ơi” khiến đụng người này, dính người kia , ẻm cũng cố gắng khắc phục khuyết điểm, hy vọng là chút tâm tình này không đụng hàng, chuyện của ẻm xưa rồi bây giờ mới kể ra, có thể ẻm cũng lẩm cẩm như bao tuổi già khác,cái đáng quên thì nhớ, cái đáng nhớ lại quên, miễn bạn bè đọc thấy vui vui thì cũng đở vài nếp nhăn trên trán, phải hôn mấy chò?

 

Có một ngày vui

Nói như Thầy hiệu trưởng Trần Cảnh Xuân thì đây là Đại hội Hoàng Diệu cấp quốc tế chứ hổng phải chỉ có gói gọn trong miền Nam Cali  đâu nhe, vì lần này có khá nhiều các anh chị bè bạn đến từ các nước khác như Pháp , Canada , Úc, VN..các tiểu bang gần xa trên toàn nước Mỹ, và các thành phố lớn nhỏ thuộc Nam Bắc CA ..Những lần họp trước đông vui hao ra sao thì tui hổng biết, chứ kỳ này thì thiệt là ..rình rang xôm tụ quá chừng chừng, đã vậy nhỏ HồngNhan mỗi ngày cứ thông tin thông báo trên mạng số người tham dự, đếm ngược thời gian..y như đang chờ đợi giờ Giao Thừa ! làm ai cũng hồi hộp trông ngóng cái ngày hội ngộ tương phùng ấy..Mọi người đều sắp xếp công việc riêng để chuẩn bị cho cả tuần  ăn chơi sắp tới (như Kiệt phải dụ khị bà xã cả tháng trời , nàng mới chịu cho Kiệt xổng chuồng mình ên xuống miền Nam CA, báo hại Lu Bu lo sốt vó chuyện dẫn bạn hiền lang thang cà phê ngắm mấy em mặc đồ nhà nghèo , nó mà Lú quên đường về thì có nước dĩa bay đầy nhà, lần sau đừng có hòng mần dế mèn phiêu lưu ký.)   

           Đầu tiên là Ngọc Thủy kinh nghiệm đầy mình của phóng viên thường tham dự nhiều nơi động dao động thớt nhất trong cộng đồng, liền đưa lên ý kiến “tiền đại hội” (có chò lầm tưởng là dự đại hội được ..có tiền!) vì biết chắc bạn bè lâu ngày gặp nhau, sẽ có rất nhiều chuyện để tâm tình, mà trong buổi lễ đông người khó nói ..cho đã. Vậy là  chương trình ngày 29 đã được khá nhiều người ghi tên hưởng ứng, tui nhìn cái danh sách dài thòn mà bụng dạ nôn nao, tui réo nhỏ Thu Hương “mày ráng chạy xuống đây họp bạn chiều thứ bảy, rồi sáng chủ nhật chạy về đi làm”, nhỏ thở dài thấy mà thương “hổng được đâu , tao cũng tiếc lắm, nhưng tao không thể xin nghĩ làm được..” vậy là nhóm 68-75 thiếu một bà tám...phen này cho nhỏ ách xì văng mắt kiếng luôn..Mặc dù làm “nháp” nhưng không khí vẫn hào hứng , đầm ấm tình bè bạn tha hương ngộ tứ xứ. Có những gương mặt rất thân quen mà phải đợi mấy chục năm mới có dịp gặp nhau, như anh Phúc gặp chị Tuyết chị Thủy, như Ngọc Ánh gặp Hồng Nhan, anh Tuấn, anh Ân gặp anh Tính anh Nghĩa , Kiệt, Kiều Công Thành gặp Thạch bắc kỳ, Hai lúa gặp chị sui… và còn rất nhiều những hội ngộ thú vị giữa bà con chòm xóm ở Sóc trăng bây giờ mới biết, câu chuyện cứ thế mà rôm rả tiếng nói cười , mọi người quên béng mấy chàng nhân viên nhà hàng đang thập thò chờ đóng cửa...

  Tàn tiệc cũng gần nữa đêm, tui đang lớ ngớ chưa biết trôi dạt về đâu, có lẽ hai đứa ra ghế đá ngoài Huntington Beach trùm mền ngũ để sáng ngắm bình minh trên biển cho có vẽ loỏng moọng, nhưng nhỏ Cẩm Nhung ra lệnh biểu về nhà nó ngũ “ lãng mạn kiểu mày chắc trúng gió ò í e sớm”, nó còn khều nhẹ “cố nhân” của nó “Hey, dzìa nhà Nhung ngũ nhe, bửa nay nhà hổng có ông xã” khiến Đức ta xanh cả mặt..Kiệt phải kéo bạn đi lẹ kẻo bị CN bắt cóc thì không biết ăn nói sao với vợ hiền. Đúng là con nhỏ quậy hết biết ! Đêm nay chắc có nhiều người thao thức trông chờ ngày mai Đại hội, gặp đông đủ từng khuôn mặt Hoàng Diệu thân thương một thời chung lớp chung trường..

  Ban Tổ chức phân công nhóm 68-75 tiếp tân, công việc bước đầu có vẽ lúng túng, người tham dự càng đông , khách mời , Thầy Cô, khoá đàn anh …toàn những người lớn tuổi nên khó mà phân biệt được ai Thầy ai trò, may nhờ tui dặn HN làm sẳn trước các bảng tên theo danh sách và gắn vào áo mọi người nên ai cũng dễ nhận ra nhau..tui gặp được mấy “ông” bạn xưa như Thiềm Bửu Cát Tâm, Lý Huê Kỳ, nội nghe tên không cũng biết là quen rồi vì nick name này có giống ai đâu, phải gọi bằng ông vì cùng thời với nhau mà phe húi cua lại bạc tóc hơn phe kẹp tóc, thậm chí đất trống đồi trọc nữa, như vậy chứng tỏ các chàng suy tư nặng gánh cuộc đời hơn các nàng hay sao? Chưa chắc à nhe.Nhưng có điều bạn bè lâu ngày gặp nhau , nói cười “gổn gảng” mày tao y chang như thời còn đi học nên thấy ai cũng tươi tắn hồn nhiên, thấy như mình trẻ lại cở mới… mười lăm . Khoái thiệt !

  Sau những lời “phi lộ”của BTC như giới thiệu quan khách, phát biểu cảm tưởng của Anh Chương (BCH hội HD/ Nam CA) với lời văn tả cảnh tả tình rất ư là thống thiết mới biết anh soạn bài công phu ra sao..., phần sơ lược tiểu sử Ông Hoàng Diệu, quá trình thành lập trường , phần báo cáo tài chánh v.v ..là chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn , mở đầu là hợp ca “Học sinh hành khúc”, Mặc dù KCThành có ý chê là “nữ sinh HD” bây giờ mặc áo dài không còn “eo” như hồi xưa” nên tui cũng hơi quê độ, nhưng muốn cho ra vẽ lịch sự khi đứng trước đám đông, tui chơi luôn cái áo dài bông hoa vàng chóe leo lên sân khấu , may quá  nhờ vậy mà chụp hình ăn ảnh hết biết. Khi cả bọn đứng xếp hàng chuẩn bị hát, tui chợt nhớ  tới hình ảnh Thầy Hoàng việt Sơn với cây thước nhạc trưởng múa may dẻo nhẹo như đang đứng trước mặt trong mỗi lần văn nghệ trường để bắt nhịp bài này, và trong đám học trò trời thần bên dưới sân khấu có đứa đã rống to.. “học sinh Hoàng diệu ốm nhách như cây tăm nhang ..”.Dĩ nhiên nói xong nó phải lủi thiệt lẹ, ổng mà bắt được chắc cú lủng sọ.. Ôi ! Hơn 40 năm trôi qua mà sao nhớ đến thế !

  Văn nghệ thì xôm tụ với ban nhạc dã chiếnTNT của mấy anh Tuấn, Nghĩa, Tính, cũng thuộc hạng tầm cở quốc tế chớ hổng phải xoàng đâu nhe( vì 3 ông ở 3 nơi khác nhau ,mới gặp lại sau mấy chục năm biền biệt ) các bạn ở xa mới nghe qua, đừng tưởng lầm thuốc nổTNT, hôm nay họ rất nổi với trang phục dân tộc , đàn guita và lời nhạc thật ấn tượng.

 Song Ca Ngọc Thủy -Hồng Nhan thì vẫn ăn khớp nhịp nhàng như đứng trước sân khấu trường ngày xưa mỗi độ Xuân về .. Hai lúa lên ngâm thơ, ca vọng cổ, nhí nhất trong đám HD khóa đàn em  là bé Thanh Nga, mặc dù “bé” đã mần bà ngoại nhưng vẫn ham vui lên hát nhạc TCS,cũng mượt mà ra phết,  nàng dâu Thanh Trúc của HD lên hát “Ngày xưa Hoàng thị” khiến nhiều chàng ngẩn ngơ khi nhớ về quá khứ..Hồi xưa tan trường lẻo đẻo theo chân ai, nhìn áo vờn bay mà hổng dám bước song hàng..Ai biểu nhát chi rồi bây giờ lại tiếc !

 Nhóm 68-75 của tui điểm danh gần như đủ mặt, thiếu vài tên bận bịu chiện này kia nên hổng về tụ họp được như chò Thu Hương, Lâm văn Chung, Trần văn Long, MThành Phúc, Lai Ánh Hồng,Liên hưng ThoạiNói tụi nó “trốn học” thì cũng oan cho nó, già ham vui là lẽ thường tình, nhất là bạn bè mấy thưở mới có dịp tương phùng như lần này, hổng đi được chắc tụi nó cũng tiếc hùi hụi…

 Có lẽ sôi động hào hứng nhất là điệu múa “lâmthol do ca sĩ Dương Minh Cảnh chánh gốc Khmer hát và sự tham gia đông đảo của Thầy trò HD, ai cũng cười vui rạng rở trong sàn nhảy mà tui tin chắc rằng mọi người đều thật sự hân hoan trong không khí thân mật đầm ấm tình đồng môn, đồng hương nơi xứ lạ quê người.

 Kỳ họp này có thêm một điều đặc biệt là phát hành tờ Đặc san HoàngDiệu, một công trình đa đoan mà anh Ân đã thực hiện dưới sự góp sức của Ban Biên Tập, lúc đầu dự kiến là “tiền vay bạc hỏi” để in ấn , ai dè được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo Mạnh thường Quân, nên bây giờ có món quà này cầm trên tay..mọi người đều thấy vui vui. Nhưng có tui là bất ngờ nhất khi thấy cái hình lớp 9A2 của mình nằm chình ình ở trang bìa, hình này do nhỏ Hương chụp cho bọn tui cách đây mấy chục năm, những gương mặt “ngây thơ, khờ khạo” là thế ! lật từng trang , từng trang mà thấy lòng bâng khuâng nhớ lại những kỹ niệm ngày xưa qua từng vần thơ , từng bài viết của bạn bè..Những hình ảnh Thầy Cô, trường lớp cũ.. “để thấy lại em thời con gái / cặp sách trên tay rất dịu hiền”. Câu này hay nhưng mà chắc hổng phải dành cho tụi tui rồi, vì hồi đó tụi bạn có đứa nào dịu hiền đâu, húi cua hay kẹp tóc gì cũng phá phách như khỉ!

   Hôm trước khi họp HD, tui có đánh cái thơ mời rất “chân chọng” tụi bạn nối khố của tui (trong đó có thêm sư tỉ Bạch Tuyết mới add tên vào nhóm lu bu) sau Đại hội xong là làm ơn kéo nhau lên nhà tui ăn dùm con heo quay mà vợ chồng tui đã dzái cúng để có được tổ chim cu này, trước mua vui, sau làm nghĩa, kẻo hai đứa tui ăn mình ên , có nước bội thực mà chết.

  Thơ gởi đi mà lòng hồi hộp sợ tụi nó ngại đường xa đêm tối, từ chối tình tui, ai dè bạn bè chí cốt hết lòng với Nứng, nên khi vừa tan sòng ở Santa Ana là cả bọn kéo nhau lên dự “hậu đại hội” rất khí thế làm tui lăng xăng uýnh đít trổ tài đảm đang với cái menu.. “hầm bà lằng”, đồ ăn không ngon đông bà con cũng hết, chắc bạn bè không nở chê nghề “chặt to kho mặn “của tui.

 Nhà chật, không đủ ghế ngồi cho gần 20 người nên con trai thì “hạ thổ” nhậu nhẹt ở phòng khách và con gái ngồi sau bếp tám đã đời, chuyện xưa hồi đi học mà sao tụi nó nhớ dai thế hổng biết, kể ra cười muốn bể bụng..Có đứa nào đó học lớp nhỏ Nhung hồi đệ lục bên Bãi Xàu, một hôm vô trường rụt rè xin phép  “Thưa Thầy, cho con nghĩ học bửa nay,  vú con đau..” ông Giám thị đỏ mặt lật đật bước ra ngoài, chắc ổng người miền Trung nên hổng biết dân miền Nam gọi Mẹ bằng Vú. Cả bọn cười bò lăn, cái vụ này chưa thấy tung lên mạng à nhe...

  Ăn chơi cười giởn gần vn tuồng thì Anh Tuấn chạy lên thăm Nứng cho biết nhà, đồng thời gởi anh Nghĩa cho ba chàng lãng tử ngày mai hộ tống về SanJose dùm, thấy anh Nghĩa hiền lành mủ m nên nhỏ Hai muốn “gạo gực” trong lòng (chữ này của Nứng Cần nói nhe, ai biết ổng cũng giởn một cây) Nửa đêm mà sân nhà tui cười ầm ầm với mấy tay tiếu lâm nấn ná chưa chịu về , ráng chọc nhau vài ba câu cho no bụng đường xa rồi mới chịu chia tay.Còn lại 4 chàng Cảnh, Kiệt, Đức, Nghĩa, và cha con Thành ngũ lại nhà tui… Hậu đại hội kéo màn , bỏ lại một bãi chiến trường trong nhà bếp, chỉ còn cái đầu heo quay đang nhe răng cười với chủ nhà..Đêm thấy như quá ngắn cho một cuộc vui. Ngày mai cả bọn trở về nhà với bộn bề áo cơm tất bật, hẹn hò cho lần họp mặt kỳ tới , năm tới hay vài chục năm nữa..làm sao biết được sức mình bền bỉ tới đâu ? Cuộc hội ngộ  này ai cũng có niềm vui khi gặp lại bạn bè, Thầy Cô.. Ai cũng có dịp gợi nhớ lại mái trường xưa một thời đi học hồn nhiên , thanh thản, hành trang cuộc đời lại có thêm một gánh k niệm mang theo, làm ấm lòng kẻ tha hương lưu lạc . Riêng tui sau 3 kỳ Đại hội (tiền –chánh -hậu) thấy vui mừng vui quá vui, thấy giống như được trở lại những năm tháng tung tăng ở sân trường Hoàng Diệu, có bạn bè vây quanh nói cười  í ới..Bổng chốc quên mất mấy sợi tóc bạc lòa xòa trên gương mặt già chát khú đế của mình!

Ngọc Ánh