13 March 2021

KHI LÁ XANH RỒI 3 – Ngọc Ánh

Xem KHI LÁ XANH RỒI 1

Xem KHI LÁ XANH RỒI 2


Tháng Năm hẹn hò

Đã qua rồi cái tuổi náo nức đợi chờ ngóng trong của thời mới lớn, bây giờ tóc ai cũng pha muối pha tiêu, vậy mà mỗi lần chuẩn bị cho cái ngày họp mặt trường xưa vẫn thấy lòng nôn nao như ngày nào vào lớp khai giảng năm học mới…

Đại hội năm nay mang chủ đề “Hội ngộ Thầy trò Ba Xuyên”, mời gọi tất cả Cựu Giáo Sư và học sinh tại các trường trung học trong tỉnh SócTrăng, hiện đang sinh sống tại hải ngoại, chính xác hơn là thuộc vùng California và các tiểu bang rải rác trên nước Mỹ, nhưng đặc biệt lần này có một Cô ở Canada và một trò ở tận bên Pháp bay qua tham dự họp mặt.. Đó là niềm vui lớn và đầy ý nghĩa cho một chuyến trở về. Vâng, trở về cái nơi mà mình đã sống một thời còn trẻ. Trường xưa, thầy cũ, bạn bè thân thiết và những kỹ niệm êm đềm.

Tôi nghĩ mọi người đều chờ đợi để gặp nhau, có thể bạn chưa từng nhớ cái tên ai đó khi còn quanh quẩn trong sân trường ngày trước,  chưa từng biết ai đó học lớp nào và có quen thân không? chưa từng thấy nhau sau mấy mươi năm cách trở với biết bao biến cố đau buồn… Nhưng bây giờ thì những vòng tay đang sẳn sàng mở ra để ôm chặt bạn.Tôi nghĩ như vậy…

Trước ngày Đại hội, Ban tổ chức có mở buổi tiệc nhỏ dành cho một số bạn bè từ các nơi xa bay về như Texas, North Carolina, Vigrinia,  Indiana, Oregon, Colorado, Florida… Mọi người có dịp ngồi lại tâm tình hàn huyên thân mật. Không khí cũng xôm tụ với các em “nhỏ” khóa 74-81 trẻ trung vui nhộn đứng lên tự kể về mình..Cô Kim Liên cũng dành thời gian để tâm tình vì sao Cô chọn nghề “gõ đầu trẻ” mà  cô  từng yêu thích (bởi vì yêu thích nên Cô đâu nở lòng gõ đầu đứa nào) Một Nứng khác thì bị kêu lên để nêu lý do về trường hợp “làm Thầy mà không muốn gọi là Thầy” chỉ vì trót thương một nàng HoàngDiệu nào đó..

Anh Ân cũng bày tỏ hoàn cảnh mình, một nhiệm kỳ đầy sóng gió với búa rìu dư luận, bị bà xã hăm he vì chuyện vác ngà voi làm anh đau đầu, nhưng lòng kiên nhẫn khiến anh vượt qua.

Anh Chương (cựu hội trưởng) thì kêu gọi duy trì tình đoàn kết giữa các bạn với nhau chung một mái trường, bởi vì thời gian còn lại có bao lâu, chắc gì năm sau đủ mặt hơn năm ngoái..

Trong tình đồng môn thân thiện và ấm cúng, ai cũng vui như mở tấm lòng vì hiếm khi có cơ hội để gặp nhau cười nói thoải mái như lúc này…Tiền đại hội tạm thời chia tay ra về, nhưng có lẽ đêm nay sẽ khó mà ng thẳng giấc?! Mấy cô nàng ở xa , ngán lái xe về đường tối, bèn thuê chung một phòng trong Motel, rù rì chuyện bà tám đến khuya lắc khuya lơ. Riêng căn phòng nhỏ xíu của ai đó nghe nói chứa đâu hơn chục bạn cùng thời, tha hồ mà huyên náo..Một vài anh vội ra phi trường đón bạn trên chuyến bay đêm để kịp dự đại hội ngày mai. Thành phố rực đèn nhộn nhịp với chút se lạnh của gió biển, đêm cuối tuần ở Bolsa chợt thấy như ấm hơn.

Ban tổ chức bận rộn với công việc được giao, ai cũng ráng hoàn tất cái trách nhiệm vụ” của mình. Hội trường năm nay rộng thoáng hơn và người tham dự cũng khá đông, vượt hơn con số ghi tên trên online. Đây cũng là kinh nghiệm lạc quan của hội, vì có một số các anh chị đợi tới giờ chót, xem thông báo họp mặt trên Tivi hay báo chí mới rủ nhau đi, số bàn dự phòng cũng vừa đủ. Vui nhất là có trường hợp một anh bên Texas đặt trước 2 bàn cho nhóm của bạn. BTC in sẳn bảng tên để riêng, khi các bạn chưa đến thì đã có mấy ông bà cụ bước vào, tôi cũng hơi bất ngờ vì không thể xác định là ai, học trò thì  không phải rồi, mà Thầy Cô thì..chưa chắc đã già.

-“Thưa bác..”

Tôi lúng túng đi tìm bảng tên các vị trong khi bà cụ khoát tay “khỏi đâu, tôi là mẹ của cháu Phan

À ra thế, cả nhà từ TX sang Cali chơi, anh bạn mời gia đình vào dự cho vui…Tôi viết vô bảng tên chữ PHHS( Phụ huynh học sinh) và trịnh trọng gắn vào áo cho phái đoàn danh dự này, lòng thấy vui vui khi nhớ lại hồi xưa đi học, các PHHS thường ngồi trên dãy ghế bên dưới sân khấu để hãnh diện xem con mình lãnh thưởng cuối năm.Tôi không học xuất sắc để lãnh thưởng nhưng Má tôi thì ngồi coi tôi hát văn nghệ để vỗ tay khích lệ, bây giờ Bà đã không còn nữa, buồn ơi!…Tôi nắm tay bác PHHS dẫn vào bàn ngồi mà nghe lòng rưng rưng. Cám ơn Bác đã đến đây với chúng con.

Đúng với chữ “Hội Ngộ”, mỗi lần họp mặt là có thêm bạn mới và có người này tìm gặp được người kia sau mấy chục năm vắng tin.  Kim Yến(Las Vegas) lần đầu tiên gặp bạn sau 2 tháng “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” trên mạng, nhỏ Kim Dung (Oregon) thì bá cổ Thanh Nga hét lên mừng quýnh khi nhận ra đứa bạn chung lớp hồi nào, MT thì bắt được Cô bạn ốm yếu của mình sau thời gian di tản đến giờ, Cô Tươi được dịp gặp ông cậu họ là LS, anh bà con là Quách Hoàng Tuấn mà từ khi qua Mỹ tới nay họ không có tin tức của nhau, anh C nhờ hội họp mới biết BT, người tình xưa đang ở rất gần, nhưng chỉ ngậm ngùi hát “ ba mươi năm rồi không gặp, từ khi em lấy chồng..”.

Mỗi ngày những thông tin tìm bạn trên mạng càng nhiều, gần như đa số đều tìm được bạn cũ. Ban chấp hành Hội ái hữu Hoàng Diệu hải ngoại làm một nhịp cầu nối liền hai bờ thương mến, nói như anh Hồng bên Pháp là những cánh chim HoàngDiệu lạc loài nhờ nhóm bạn thiện chí kết nối mới tìm đến nhau, chớ dễ gì gặp  giữa mênh mông các hành tinh xa lạ này phải không?Vì là đại hội liên trường nên có một số anh chị ở các trường như Dục Anh, Trần Văn, cũng đến trong cuộc họp lần này. Tìm gặp trên mạng thì dễ  nhưng “mặt nhìn mặt rỏ ràng 2 mặt, tay cầm tay nắm chắc 4 taycòn phải đợi thời cơ, đôi khi ngày họp mặt cũng bị bận rộn chuyện riêng tư mà không đến được, lại hẹn lần sau.

Đại hội bắt đầu với các nghi thức thường lệ, những màn giới thiệu cá nhân để mọi người biết nhau hơn ngoài cái tên trên ngực áo, ai cũng cười vui rạng rở, tíu tít chuyện trò..Cô Tươi một cựu Giáo sư của trường từ Cannada lần đầu tiên về đây “Hội ngộ”, cô bày tỏ nỗi vui mừng xúc động khi có dịp gặp lại đồng nghiệp và các em học trò ngày trước. Cô Ngân thì bị vây quanh bởi một nhóm nhí 74-81 đầy thân thương, hổng biết hồi đi học mấy em này có quậy Cô không mà bây giờ tặng hoa “tạ tội”coi bộ khí thế, Thầy Phan giờ chót bị đau chân không đến dự được.Năm nay đại hội vắng cô Đính đã bỏ trường đi xa…  

Ngoài những cây văn nghệ vốn đã nổi tiếng trên sân khấu trường xưa như Ngọc Thủy, Hồng Nhan, Thanh Nga, nay biết thêm một con én BHai đi lạc tìm về chốn cũ với bản “Nửa hồn thương đau” để tặng Thầy cô và bạn bè còn ở lại Việt Nam. Giọng hát đầy cảm xúc nghẹn ngào khiến hội trường vỗ tay vang dội…Tam ca Sóng Dang của Ba chàng ngự lâm pháo thủ cũng gây hào hứng không kém với bài hát “Ly cà phê cuối cùng” mới dợt trước đó 10 phút. Ai bảo học trò già không còn tinh thần văn nghệ? Chen giữa các bài hát là một sàn nhảy mini với từng cặp đôi sinh động tươi trẻ. Dĩ nhiên dân Sóc trăng là không thể thiếu điệu múa LâmThol của Cảnh hù, nên khi nhạc trổi lên thì sàn nhảy bổng chật cứng với dòng người uốn éo vui nhộn.

Một chương trình cũng quan trọng trong lần họp mặt lần này là giới thiệu cuốn đặc san HoàngDiệu, bìa màu tím rất lãng mạn học trò, hình những khuôn mặt xưa nay đều rạng rỡ trong đó, bài viết của Thầy trò thắm đầy ý nghĩa, những kỹ niệm vui buồn đều được trang trãi trên giấy như một chút tâm tình, chia xẻ cùng người đọc.

“ Trang sách nhỏ mơ làm cơn gió

Đưa ta về thăm lại trường xưa

Có anh em bạn bè trong đó

Có sân trường kể chuyện nắng mưa”(PTA)

 Một việc làm nức lòng Ban biên tập là khi kêu gọi góp bài cho Đặc san chuẩn bị phát hành trong kỳ đại hội này, mặc dù chưa in cuốn nào mà đơn đặt hàng đã xấp xỉ 100 cuốn, có anh Tùa hia bên New Jersey không biết hay dở ra sao mà order một hơi 15 cuốn để tặng bạn bè..Khiến anh Hội trưởng chạy quýnh đít để hoàn thành cho kịp ngày họp mặt. Tấm thạnh tình của đọc giả gần xa dành cho Hội thiệt cảm kích lắm thay.

Tháng Năm, khung trời California không có hàng phượng đỏ rực như ở quê nhà, nhưng trên các con đường lớn nhỏ trong thành phố đều lác đác phượng tím, cái màu tím nhè nhẹ ngát trời trong nắng hanh vàng. Những cái hug thân thương, những bàn tay xiết chặt từ giã, hẹn hò cho lần gặp mặt kỳ sau. Cũng mong khi tiếng trống tựu trường vang lên trong năm tới, điểm danh học trò không ai bỏ cuộc chơi là mừng rồi..Hồi xưa tháng Năm là mùa hạ có 90 ngày qua chứa chan niềm thương, còn bây giờ Tháng Năm là điểm hẹn đầy ý nghĩa của những gương mặt học trò không còn trẻ nữa đang sống kiếp tha phương nơi xứ người và chắc không ai nở vô tình quên đi bạn bè ngày cũ, để lạc mất nhau một lần nữa trong cuộc đời vốn mong manh, phù phiếm…

Tháng Năm những con đường ngập đầy Phượng tím đong đưa như tiếng cười vui còn đọng lại đâu đây sau buổi tan trường.

 

Ngăn ký ức

Dù không có gì bận rộn lắm, nhưng tôi vẫn sắp xếp cho mình một năm có một lần mở toang cánh cửa tâm hồn, không biết để làm gì ngoài phủi một chút bụi thời gian những kỷ niệm buồn vui trong ngôi nhà ký ức và bâng khuâng nhìn lại mảnh rong rêu sót đọng cuối đời.

Một tối thanh thản trong đêm trừ tịch, bao giờ cũng vậy tôi gạt hết mọi việc thường ngày, để chăm chú sột soạt đống giấy tờ ố vàng với biết bao chuyện đáng nhớ của thời quá khứ .Một khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng để nghe lòng mình lắng đọng tiếng thời gian, ôn về kỷ niệm thân thương ngày ấy “chuyện mới cũ khóc vui tràn trề” (Phạm Duy). Xưa nhất là những trang nhật ký thời còn đi học, kể chuyện trường lớp bạn bè, cuốn lưu bút được chuyền tay nhau hồi đầu hè, đứa nào cũng viết bằng mực tím nắn nót đến mòn tay, những tấm hình tuy khác người khác cảnh nhưng đều luôn có một câu lục bát rất giống nhau ghi ở phía sau “dù cho ảnh có phai màu, xin đừng xé bỏ mà đau lòng này.” Trời ơi, sao hồi đó mấy nàng “cải lương” thế không biết!

Khi chúng tôi lên đệ nhị cấp thì trường Hoàng Diệu có phong trào du ca cho hợp với thời thế lúc bấy giờ, thật tình mà nói chúng tôi đâu biết gì về “phản chiến”nhưng có hát hò lửa trại vui vui là bạn bè rủ nhau dzô, lúc đầu chừng mười mấy tên choai choai, cũng họp hành phân công vai trò trách nhiệm, cũng chọn đồng phục mặc đi sinh hoạt ra cái điều nội qui nghiêm chỉnh, và dĩ nhiên nhóm cũng có cái tên kêu rất ngang tàng khí phách “Nhóm Du Ca sỏi đá trổ bông” do thầy Phái phụ trách, có trưởng nhóm là Trương Văn Sùng và thành viên là các bạn lớp 10-11 cùng thời, bạn bè trang lứa tha hồ mà tung hoành trên sân khấu trường vào những dịp văn nghệ cuối năm, phải nói đó là thời kỳ “vàng son” nhất của các ca sĩ cây nhà lá vườn như Sơn Xuân,Sơn thị Liêng,Trương Sùng, Thu Cúc, Ngọc Thủy, Hồng Nhan...Thầy Tráng làm Tổng giám thị lúc đó cũng có máu văn nghệ nên sáng nào đến trường cũng được ông mở nhạc cho nghe đã đời. Mãi hơn mấy chục năm sau này tôi vẫn nhớ đến thưở huy hoàng hồn nhiên ngày cũ. Cuộc chơi nào rồi cũng chán, tôi tìm thấy trong cuốn sổ tay chép những bài hát tập thể với lời nhạc của Nguyễn Đức Quang, Tôn Thất Lập… ,bìa sau có ghi lại buổi chia tay rã đám của nhóm Du ca vào tháng 8-1974...

Mấy tháng trước có dịp lên nhà Thu Hương, vào một buổi chiều thu nắng vàng êm ả, hai bạn già trong lúc đợi cơm canh chín, đã bày ra hát Karaoke say sưa mê mệt, hết song ca rồi tới đơn ca, giọng bass rè khào khào như bị nghẹt thở vậy mà hào hứng đến lạ lùng, tự dưng thấy nhớ mấy tên trong nhóm Du ca ngày cũ, giờ ra chơi mà tan tác hết rồi. Bớ mấy hòn sỏi nhỏ trong nhóm du ca ngày cũ bây giờ lăn lóc đâu rồi.

Giai đoạn sau 75, bạn bè trường lớp tứ tán, tôi lại có một đống thơ kể lể chuyện xóm làng, thơ của Sơn than trời than đất “ta và anh Toán vẫn mong nhỏ về lại ST để bạn bè đấu hót cho vui, này cô bé ráng thi đậu vào ĐH, nếu nhắm không xong thì xin đi KTM, may ra có chỗ vẫy vùng, ha ha”, còn nhỏ Hương thì tả cảnh buồn muốn chết khi còn quanh quẩn ở lại SócTrăng “thèm được gặp vài đứa bạn để tìm chút tin yêu của hồi đó..”Cuối thơ nó còn thoòng thêm câu “ mày phải về đăng ký học sinh nếu còn muốn tiếp tục học, qua ngày 20-7-75 mà không đăng ký là coi như tự ý nghỉ học, nghỉ thiệt đó nghe, chớ hổng phải dọa dẫm như…” .Cái giọng tưng tửng của nó làm tôi mắc cười. Ừ, nghỉ thì nghỉ. Vài tháng sau đã thấy nó lên SàiGòn rủ tôi đi ăn bò bía ở Hồ con Rùa. Vậy đó bạn bè tôi đã bỏ lớp bỏ trường từ dạo ấy, còn vài đứa gồng mình ở lại học cho hết năm hết tháng để ra trường với mảnh bằng “giáo viên cấp một” bị đổi về xã ấp vùng sâu vùng xa nào đó dạy học quên đời “khi lá xanh rồi buồn cũng nguôi ngoai”(thơ của SBTD). Nhắc chuyện này mới nhớ nhỏ bạn chung lớp tên Thắm xinh xắn mặn mà, bị đì về hóc bò tó nào đó dạy lớp ba, gặp đứa học trò quậy như quỷ, Cô đét cho một phát, nó chạy về méc má, và trời ạ, má nó là vợ chủ tịch xã, hầm hầm vác cây dao phay đang bằm rau đi xăm xăm tới lớp cắm cái phụp xuống bàn hỏi “Tại sao dám uýnh nó?”. Dĩ nhiên là cô giáo nhỏ sợ chết khiếp phải bỏ nhiệm sở mà khăn gói trở ra chợ SócTrăng chờ ngày vượt biển.

Ngày xưa đi học mộng mơ đầu đời, tôi cũng có vài mối tình bỏ túi để làm kỷ niệm một thời áo trắng, nên thư tình cũng đầy nhóc ngăn tủ, nhưng không biết sau những đợt dọn nhà năm lần bảy lượt nó rơi rớt ở đâu mà chỉ còn sót một tờ duy nhất viết năm 76 của TC“Anh đang sống long đong không cửa không nhà...nay Sài Gòn mai Đà Lạt vất vả nổi trôi, nhưng trong tận cùng đớn đau chua xót đó, em vẫn là một hình ảnh mà anh nghĩ đến với nhiều thương yêu luyến nhớ..”Nét chữ nắn nót thiết tha trên trang giấy học trò đã từng làm trái tim tôi xao xuyến .“Rồi trong ngôi nhà ký ức, em sẽ đặt anh ở vị trí nào”,( Nguyên Sa) Bây giờ có lẽ tôi đặt tình anh trên gác chuông nhà thờ để lâu lâu nghe tiếng tơ lòng ngân nga lỗi nhịp“em gầy guộc cúi đầu trong nắng sớm, đến giáo đương quỳ khóc cuộc tình phai”(thơ LýHùng Kiệt). Sau này gặp thằng em họ ở Bạc Liêu, nó khoe là đang cất giữ cả hộp thư tình của tôi ngày trước, không biết cậu ta “âm miêu” gì, chắc là nó tò mò thích đọc lén thư người khác..Thư tình thường được viết bằng cả trái tim nên dễ cảm xúc..Có lẽ hồi xưa tôi học khá môn văn(!?). Tôi còn giữ một thông báo của trường gởi phụ huynh để xin phép cho trò TNA đi Cần Thơ dự thi văn chương nhân ngày Phụ nữ Việt Nam tháng 3/1975 do thầy hiệu trưởng Lâm Cộng Hưởng ký. Tôi cũng tìm thấy ở đây vài cuốn đặc san Xuân của trường HoàngDiệu quay Roneo màu mực nhòe nhoẹt, rách bìa.., tranh vẽ do họa sĩ đương thời Lê Văn Quan phụ trách. Có thơ của SBTD Huy Giao, Ong Huệ Xuân, có tùy bút của Linh Thụy Châu, Nguyên Anh, có “phóng sanh sự” của ai đó khi bàn về tờ bích báo có cái tên “Hoàng Hoa” với lời chú thích rất hách xì xằng : Hoàng là Hoàng Diệu, còn Hoa là tinh hoa, nghĩa là bao nhiêu tài nghệ trong thiên hạ đều gom về trường này, nghe hết hồn chưa? Thiệt tình hổng hiểu sao lúc còn trẻ bọn mình ngông nghênh thế, giống như con gà trống cứ ngỡ mặt trời mọc lên là để nghe nó gáy...

Trong ngăn tủ mốc mùi thời gian này còn có cả những bức thư viết sai chánh tả của Má tôi gởi cho đứa con hoang tàng trong giai đoạn tôi còn long bong, những xấp thư chứa chan tình nghĩa của thầy cô bè bạn gần xa hết lời động viên an ủi khi tôi dừng bước giang hồ trở về quê cũ

“ Bắt đầu làm lại ở tuổi trên 30 chưa phải là quá muộn, hãy cố lên cô học trò dũng cảm, cuộc sống đang mở rộng, hành trình còn dài ở phía trước và đâu ai biết được ngày mai, cũng như ta đã không biết được ta đã là ngày hôm nay..”

“Sóc Trăng vẫn vậy nhưng ở một nhịp sống khác xa ngày xưa, khác xa những ngày HoàngDiệu rợp mát bóng cây còng và áo trắng thấp thoáng giữa các hành lang lớp học...không hiểu sao cứ nhắc đến áo dài trắng là em nhớ tới chị, rồi nhớ tới anh Sùng, anh Long và dàn trống đờn xập xình của nhóm Du ca, nhớ tới bãi cỏ sau trường mà mùa mưa lầy lội, mùa nắng lốm đốm cỏ dại...Chị đã sống sót trở về, đó là sự may mắn. Hãy đứng dậy mạnh mẽ như chưa bao giờ vấp ngã, tụi em vẫn nghĩ nhiều về chị trong mấy năm qua, vẫn quý mến chị như ngày xưa.”..

Hình ảnh thư từ hơn mấy mươi năm trước mà tôi còn cất giữ được tới bây giờ phải nói là do tấm lòng thương con của Má tôi, bà cất kỹ trong cái rương, rồi khi nghèo túng phải bán nhà về quê, bà đem gởi cái rương bên hàng xóm...Khi tôi về, nhỏ Hà đưa lại xấp hồ sơ dầy cộm, bỏ trong bao nylon cột dây chuối, nhìn mấy tờ “Thành Tích Biểu” cái bìa màu hồng bị mối gặm loang lở mà xôn xao trong lòng, mấy tấm hình đen trắng bây giờ được các bạn đưa vào trang web cũng xuất phát từ đây, công này là của tay phó nhòm Thu Hương, hồi đó học trò nghèo làm gì có máy ảnh, nó mượn của chị Ba xí xọn đem vào lớp bấm tá lả đám bạn nên bây giờ mới có hình kỷ niệm để đời, bây giờ nhìn mớ hình cũ nó chưng hửng “lo chụp cho tụi bây mà tao hổng có tấm nào”, nhưng cũng còn hên là nó ra tiệm Mỹ Dung ở đường giữa chụp chân dung, cặp kiếng cận to đùng trên gương mặt ngây thơ khờ khạo của nó lúc đó đã khiến nhiều tên húi cua bị hút hồn ngoài cửa lớp.

Như đã nói hồi đầu, ngăn ký ức chỉ mở vào đêm giao thừa hàng năm, nhưng năm nào cũng nghe thiên hạ xôn xao chuyện ngày tận thế, tôi cho phép mình mở cửa sớm hơn. Ừ, biết đâu được chuyện đất trời trăn trở, hồi năm 2000 cũng có um sùm vụ này rồi, đến nỗi người ta rống lên bài hát “Năm hai ngàn năm anh còn gì, tôi còn lại gì”. Rồi có thấy gì đâu? Chim vẫn hót, mặt trời vẫn mọc, và thiên hạ vẫn sống nhởn nhơ ra đó, để thù hằn để giết chết nhau bằng những thứ vũ khí ngày càng tối tân hơn, nhưng lần này thì chắc anh bạn khoa học gia của chúng ta đã nghe ngóng chuyện trên trời nên mới dám đưa lên Web cái tin quan trọng khẩn cấp “Xin đừng thờ ơ, cả thế giới đang lo lắng về hiểm họa hâm nóng toàn cầu, không còn bao lâu nữa đâu...băng sẽ tan chảy, mực nước biển dâng cao ..”Có nơi người ta còn chuẩn bị chu đáo để chờ đón ngày về với Chúa mà số lượng người tham gia đông đảo cả trăm ngàn, khi đang viết bài này thì anh bạn bên kia trời Tây báo tin ở cái vùng nào đó trên nước Pháp, giá nhà cửa vọt lên cao vì thiên hạ tin rằng nơi đó an toàn nhất trên trái đất khi có cơn bão từ tiêu diệt thế giới ...

Vậy đâu phải mình ên tôi tin vào chuyện bá vơ đâu?

 Và bài hát lần này chắc phải sửa lời đôi chút “ Năm hai mười lăm anh còn gì , tôi còn lại gì...”

Phải thú thiệt là tôi cũng lo lắm vì có những điều chưa làm xong, những mơ ước chưa thực hiện được, bạn bè người thân chưa nói ra hết những yêu ghét trong lòng, cứ tưởng tượng vài hôm nữa trục quay địa cầu bỗng nhiên gãy lìa, mọi người đều văng ra khỏi sức hút của trái đất để rơi vào nơi vĩnh hằng nào đó..Thử nghĩ xem chừng đó vạn vật ra sao ?!! Tôi đặt mình vô trường hợp “Sống như thể ngày mai mình chết” để viết ra những lời trăn trối này gởi đến mọi người gần xa.

Rằng thì là tôi đến với bạn bè bằng chân tình quý mến, với người thân thương luôn ơn nghĩa trong lòng, với đất nước vẫn nặng tình quê hương xứ sở, với đồng bào vẫn biết xót xa máu chảy ruột mềm...Tánh khí ương ngạnh nên dù dao kề cổ cũng không thể nói ghét thành thương, bởi vậy trong giờ phút trọng đại này, ai có giận hờn tôi mà để bụng thì cũng nên quên đi, kẻo hồn vía nặng nề khó tiêu diêu miền cực lạc lắm đấy.  

Nói như anh bạn Phú thì với chữ Nếu, anh ta có thể bỏ cả thành phố Sóc Trăng vô cái chai thì tôi lại nghĩ nếu ngày mai tôi vẫn như hôm nay, nghĩa là giờ G không hề hiện diện, thế giới này vẫn tiếp tục tồn tại, nhân loại vẫn hít vào thở ra trong cái cõi ta bà ô nhiễm này, thì chắc có lẽ tôi vẫn tánh nào tật nấy, vẫn ham rong chơi bỡn cợt mà không phải lo sốt vó cái đêm trừ tịch đất trời trăn trở..

Ngọc Ánh