Người thầy khác biệt
Cầm cuốn
sách cũ mèm, vàng ố của nhà văn Mai Thảo, tôi lẩm nhẩm đọc cái tựa.. “Người thầy học cũ”, chữ ký uốn éo đúng
3 nét dọc nhưng không đề tên người nào, màu mực tuy phai nhưng còn đọc được hàng
chữ...tháng 4-1969.. Con số đã
gợi nhớ cho tôi những năm tháng nào xa lắc..
Lớp đệ lục, tôi học Việt Văn với thầy Nguyễn Hiền Tâm. Ông cao gầy với cặp kiếng gọng đen to đùng gắn hờ hững trên mũi. Nhiều người nói ông gàn với phong cách lè phè, bất cần đời, nói năng đôi khi châm chọc, chế giểu làm người khác khó chịu. Bạn bè đồng nghiệp thân thiết không nhiều. Sau giờ dạy, chưa ra khỏi cổng trường là áo đã buông thỏng, cuốn sách lận vào lưng và lầm lũi cuốc bộ thong dong (học trò lén gọi ông là “Tâm lũi” cũng vì vậy) . Giáo trình dạy của ông cũng không giống ai, ông dạy tiếng Hán Nôm “tam ba tứ bốn, tử mất tồn còn..” dạy thơ Nguyên Sa.. “bàn tay năm ngón, có ngón dài ngón ngắn, có ngón chỉ đường đi, có ngón tay đeo nhẫn, có ngón gài..coóc xê..” cả lớp con gái mới tuổi 12 ngơ ngác không hiểu coóc xê là gì, nhưng vẫn cười thích thú vì bài thơ lạ lạ hay hay. Tết đến, không biết ai đó in cho ông một hộp Carte visite, ông đem vô lớp phát hết cho lũ nhỏ, và dặn lật ra sau mỗi đứa ghi hàng chữ này vào..
“Lặn ngụp rã rời, trong cơn lũ thất vọng chán
nãn, nhưng vẫn ngạo nghễ ngang tàng,Thầy chúc cho những cánh bướm , tìm được mùa xuân của mình.”
Đứa nào cũng nắn nót viết và đem lên
cho ông ký tên, coi như là thiệp chúc Tết, vui ơi là vui khi được ví von là ..bướm.
Lâu lâu ông lại cao hứng treo giải thưởng tập làm văn, chò nào điểm cao nhất ông cho cuốn
sách, trong lớp thời ấy có tôi và Thu Hương ngang tài
ngang sức, nhưng nhỏ ta viết chữ đẹp, sạch sẽ hơn, ông cho
nó hạng nhất với cuốn “Văn chương Nam Bộ”dầy
cộm của Nguyễn văn Sâm và tôi hạng nhì với cuốn “Người thầy
học cũ” của Mai Thảo, tôi mê văn thơ từ dạo ấy.. Những bài luận văn có vẽ hơi ngang tàng một
chút, ông chấm khá hơn là lối viết ủy mị khuôn mẫu. Có lần tôi tập làm thơ than
mây khóc gió gởi cho ông xem thử, nếu được thì nộp bích báo trong trường, Cả tuần hồi hộp chờ
đợi, ông trả về với lời phê“..mỗi thời đại có một vài nhà thơ hay, mỗi nhà thơ có vài bài hay, mỗi
bài thơ chỉ có vài chữ hay.. làm thơ khó lắm em ơi!” Thế là chấm hết, tôi thề không bao
giờ làm thơ nữa!
Cá tính gàn
dở, nói năng thẳng thừng cộc lốc, tác phong không có vẽ gì là một nhà giáo của
ông vậy mà gây ấn tượng với đám học trò HoàngDiệu suốt mấy chục năm sau này, dù trong nước hay ở hải ngoại mỗi
khi nhắc tới tên ông, hầu
hết đứa nào cũng nhớ, cũng thương, cũng nhắc lại vài kỹ niệm cũ về ông rồi cười ha hả, kể cả những tên từng bị ông cho ăn một
lần cả chục trứng vịt đỏ chói trong tập như tôi cũng khó
mà ghét ông được, bởi vì ông là người giản dị, dễ hoà đồng thân thiện với lũ học trò nhỏ, sau giờ dạy ông khoái đi thục bi da với đám con trai mà bây giờ
nhắc lại tụi nó vẫn nhớ tay cơ tuyệt chiêu của thầy.
Hơn 40 năm trôi qua, gặp lại ông giữa
Sàigòn, cũng y chang như trước đây, tóc hơi hoa râm một chút, cặp kính gọng đen
to đùng gắn sệ trên mũi, áo bỏ ngoài, đầu đội trời chân mang dép, cũng cao gầy
và dáng đi lầm lũi, ông “bị nghĩ dạy” từ sau 75, sống lang thang
quanh quẩn đâu đó, nói theo thời buổi bây giờ, ông là người vô sản! Đôi khi tôi
tự hỏi ông đã sống như thế nào trong suốt bao nhiêu năm?
Học trò cũ
thì ở tứ tán khắp nơi, cũng có người về nước tìm thăm ông, một buổi nhậu Thầy
trò thân thiết, lâu lâu có đứa gởi Thầy ít tiền uống cà phê., nhưng ông khoái uống
rượu hơn, mà cũng lạ, ở tuổi thất thập có dư,
sức khỏe ông vẫn bình chân như vại! ông uống bia như uống nước lã, và hút thuốc
thả khói mù trời.
Có đứa nói ông chán đời, có đứa nói
ông bất mãn, mặc kệ ai bàn tán gì thì ông vẫn cứ sống thong dong ngạo nghễ trong cỏi đời này với tâm trạng bất cần “đặng chẳng mừng, mất chẳng lo”. Và đám học
trò xa xứ lâu lâu lại hỏi thăm “Thầy bây giờ sống ra sao rồi?!” Đừng lo, ông ấy
mãi mãi vẫn là “Tâm lũi” thân thương
của tụi mình mà. Riêng tôi, nhắc đến ông bởi vì lòng cảm mến đặc biệt, nếu có dịp
làm lại bài tập làm văn lớp 7 với chủ đề “Hãy
kể lại hình ảnh Thầy/Cô nào ấn tượng nhất trong cuộc đời em” có lẽ tôi sẽ
viết về ông, người Thầy khác biệt, không giống ai.
Chân dung Thầy cũ
Trường
Hoàng Diệu thời ấy vốn là trường “ngon”
nhất của tỉnh lỵ, học trò giỏi cũng nhiều mà người đẹp cũng lắm, lúc chúng tôi
còn “con nít” lớp đệ ngũ thì hoa khôi
đầy lớp đệ nhị, đệ nhất, mấy ông thầy trẻ mới đổi về trường
như Thầy Trần Kiều Sanh, Thầy Đỗ Như Thắng, Thầy Trần Phước…lần lượt xin chọn nơi này làm quê
hương. Khi tụi con nít chúng tôi thắc mắc hỏi về hiện tượng này, ông Thầy dạy Địa
lý giải thích như sau “Quả đất có sức hút
từ tâm trái đất, riêng cái chấm nhỏ xíu thuộc tỉnh Sóc trăng này thì vỏ trái đất
lại quá mỏng nên sức hút càng mãnh liệt hơn …” ông cười xoà làm cả đám vỡ lẽ
gật gù, ờ há!
Năm lớp 12 tôi học ban A, môn Vạn vật với thầy Cấn Phan Nhiếp, ông thầy Bắckỳ nho nhỏ đẹp giai mới đổi về trường làm nhiều đứa
cũng mộng ngoài cửa lớp, chút lãng mạn của tuổi mới lớn vậy mà, khi dạy đến phần
cơ thể, ông vẽ hình “cây gậy” của quý ông, ông quay lưng xuống
lớp và nói “tôi chỉ giảng về cấu tạo của
nó, còn công dụng như thế nào thì không ..biết” cả lớp cười ầm lên khi thấy
đôi vai thầy cũng run run quay mặt vào tường giấu nụ cười hóm hỉnh, mấy đứa con
gái đỏ mặt khúc khích.. Đám học trò ranh ma như quỷ sứ làm mỗi lần vào lớp Thầy
cứ lúng túng trả lời những câu hỏi chẳng đâu vào đâu của tụi nửa trẻ con nửa
người lớn như chúng tôi.
Đi song đôi với thầy Nhiếp là thầy Kiều Sanh dạy Anh Văn, có nụ cười giống y như
tài tử Khương Đại Vệ trong phim kiếm hiệp làm nhỏ Hương ghiền phim chưởng và ghiền luôn nụ cười của ổng,
vô lớp nó chọc ổng cười hoài. Hai ông đều trẻ trung vui tính nên học trò cũng dễ
thân thiện, có điều chơi thì nhiều mà học thì ít nên cuối năm môn Anh Văn lớp tôi thua kém
lớp bạn, Thầy có vẽ buồn, tự trách mình quá dễ dãi nên để học trò lười, chúng
tôi hối hận và hứa là sẽ cố gắng trong năm học tới. Sau đó thì nghe tin Thầy cưới
vợ, hoa khôi HoàngDiệu thời ấy, Hà Ái Loan đẹp như búp bê, tụi tôi còn khoái nhìn, huống hồ ông Thầy trẻ, mấy đứa bàn tán “vậy là thêm một nạn nhân bị sức hút từ tâm trái đất!”, nhỏ Hương cứ tiếc cái răng vàng “duyên” của Thầy, nó phán “phải chi trước khi cưới dzợ, ổng bẻ cái răng
vàng lại cho tao để làm kỹ niệm!”
Sau 1975 thầy trò tan tác,
mấy mươi năm không ai nghe tin của Thầy ra sao, bổng một ngày thấy trong trang web của nhóm Hoàng Diệu ở
hải ngoại có anh bạn nào đó đưa tin tìm gặp mộ hai vợ chồng Thầy
trên một hòn đảo trơ vơ bên kia bờ Thái bình Dương mà buồn ứa nước
mắt.!
Thầy Thắng dạy môn Công dân,
ông hiền lành cũng như môn học mà ông phụ trách, nhớ mỗi lần ông gọi tôi đứng
lên trả bài, đọc được vài câu là tôi hỏi ngược lại
“phải không Thầy?”, ông đang lơ đảng ngó đâu đâu bỗng giật mình
gật đầu, sau đó ông la “cái con nhỏ này khôn thật, nó hỏi đột ngột
làm mình phải ừ với nó hoài”..Sau đó vài năm
ông đổi lên SàiGòn dạy, và mất vì bệnh ở tuổi ngoài
50. Có lần đi dự họp mặt
trường, gặp lại hoa
khôi Thu Mỵ, chị vẫn còn đẹp não nùng sau đám
tang chồng.
Thầy Ngọc Hiếu
dạy Lý Hóa cao lớn đẹp trai, mỗi lần giảng bài xong ông hay hỏi cả
lớp “ các em có hiểu không? thì
y như rằng nhỏ Chuôn cao giọng “ dạ
Hiếuuuu” khiến cả bọn cười cái rần, tới bây giờ thiệt tình tôi
cũng không biết thầy Hiếu có hiểu lũ học trò quỷ quái cố tình
chọc Thầy không?
Thầy Trần Phước dạy môn Sử địa,
dáng nhỏ con, da ngăm đen và nụ cười trắng bóc giống như anh Hynos, ông cưới
người đẹp NgọcAnh được thời gian thì bị Tổng động viên đi lính, hôm chia tay học
trò, ông tâm sự “các em biết không, tối
qua Cô đã gục đầu vào ngực Thầy khóc nức nở..” nhỏ Thu Hương (cũng lại nó) buột miệng: “Sao lại
vào ngực Thầy được, phải gục đầu vào tóc Thầy mới đúng chớ, Cô ấy đứng cao hơn
Thầy mà” cả lớp cười cái rần làm ông đỏ mặt cười theo. Tôi không rõ thời
chiến tranh giặc giả tùm lum mà ông tìm ở đâu ra bài thơ “Quê hương” của Giang Nam, đem vào lớp đưa bọn tôi đọc..Bài thơ vô tư ở mấy đoạn đầu “Thuở
còn thơ ngày 2 buổi đến trường, yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ..”
nghe cũng hay hay, thú thật học trò khờ dại là vậy, ai dè sau 75 mới biết đó là
thơ cách mạng. Cũng may thời ấy cả bọn không bị
túm cổ vì tình nghi ..giao liên.
Thầy Nguyễn Tư Thiếp dạy Việt Văn lớp 10, người miền Trung nhưng tiếng
nói cũng không khó nghe lắm, ông kể hồi mới đổi về đây, ra tiệm cơm nghe cô bán
hàng giới thiệu món cơm “gang”, ông
nghĩ chắc đây là món độc đáo của xứ này, bèn kêu một dĩa, ai dè khi đem ra mới biết “cơm rang” (cơm chiên Dương Châu).
Ông giảng bài sâu sắc
nhưng cá tính hơi cao ngạo và lãng mạn, trong giờ dạy, sau khi cho học trò làm
bài là ông ra hành lang đứng ngắm..cảnh và làm thơ tình, bọn tôi chắc rằng ông
đang tiếc nuối một mối tình si nào đó. Cô giáo mới đổi về trường, dáng mảnh mai
xinh xắn trong những chiếc áo dài xanh lam vàng tím, mỗi ngày đi ngang qua lớp
khiến ông cứ ngơ ngẩn nhìn “gió bay tà áo
cổ đồng, dáng em đi vạt nắng hồng buồn theo.” Đám bạn tôi cứ len lén giờ ra
chơi, lên bàn Thầy chép thơ tình chuyền tay nhau đọc. Nhà Thầy ở trong khuôn viên bệnh viện và cạnh bên là nhà thờ nên lúc nào ông cũng than với lũ học trò “Tôi ở giữa thiên đàng và địa ngục, tiếng bệnh nhân rên la đau đớn và tiếng
chuông ngân êm ả mỗi chiều làm tôi không biết mình đang ở đâu đây”…
Hồi đi học, môn Triết thường bị xem là khô khan, buồn chán vì những lý thuyết mơ hồ trừu tượng,
chẻ sợi tóc làm tư khiến
đứa nào khoái nó đều bị xem là cụ non, nhưng đối với bọn tôi điều thú vị ở
đây chính là học Triết với Thầy Trần Phạm Hiếu, ông là dân nhà giàu, nói tiếng
Pháp lưu loát và dáng vẽ lúc nào cũng khoan thai, đi dạy luôn ăn mặc lịch sự
tươm tất như sắp đi dự tiệc, môn học tuy khó nuốt nhưng ông biết ví von khôi
hài làm cả bọn “ngộ” ra chân lý đơn
giản, khoái nhất là ông đọc mấy bài thơ tình dịch ra từ tiếng Pháp. . “hỡi rừng hỡi núi , hỡi những ghềnh đá cheo
leo, khi vắng anh rồi thì mọi vật đều trở thành sa mạc hoang vu…” làm bọn
tôi mê quá, chép vào nhật ký gởi cho người yêu cứ y như ..thật!
Năm 76 tôi và MHSơn có dịp ghé thăm Thầy, vẫn dáng người cao gầy và gương mặt đăm
chiêu mờ nhân ảnh sau khói thuốc, Thầy trò tâm tình với nhau đủ thứ
chuyện trên đời, sau
đó tôi bỏ SócTrăng ra đi biền biệt, tôi gặp thầy lần ấy cũng là cuối cùng, rồi nghe tin Thầy mất trong sự nghèo khổ, cô đơn nơi quê
nhà, tôi thấy tim mình đau nhói!
Lần về lại
ViệtNam mấy năm gần đây,
Thạch ở NJ hết lời dặn dò “nhớ hỏi thăm đám bạn mình, xem mộ Thầy Hiếu
chôn ở đâu mà đốt cây nhang tưởng niệm, tôi cũng quý ổng lắm” Rồi thời gian
gấp rút ngắn ngủi, hỏi thăm đứa nào cũng lắc đầu không biết, và tôi lại hối hả
ra đi.. Cảm giác như mình có lỗi với Thầy, có lỗi với tấm chân tình của anh bạn
xa xứ nhắn gởi.
Có một ông
Thầy không thể không nhắc đến trong ký ức một thời để nhớ của tôi và của bạn bè
trong những năm tháng ấy, đó là Thầy Lê khắc Thạnh, không biết đứa nào moi ra
được cái tên riêng âu yếm trong gia đình mà gọi Thầy là “bé Mai”(chỉ gọi lén
thôi, chứ ông mà biết được thì bị sưng lỗ tai là cái chắc), phải nói ông có bộ
nhớ cực kỳ tốt, học trò đứa nào đã từng đi qua ánh mắt Thầy thì chắc chắn dữ liệu đã được mã hóa chính xác, hàng chục năm trôi
qua , ông vẫn gọi đúng phóc họ tên từng đứa khi gặp lại, bản tính thân thiện, cởi
mở vui tính nên môn Toán của ông đã khiến nhiều đứa trôi chảy tiến bộ đến bất
ngờ, những tên lười biếng nhất cũng không thể cúp cua môn học của ông, khoảng
cách Thầy trò chẳng lớn hơn bao nhiêu tuổi nên tụi con trai chơi thân với ông
sau giờ tan trường, mặc dù đi học lè phè bị ông véo tai đau điếng, ông gọi học
trò trai gái đều bằng “ông” và kèm
theo full name đầy đủ, nên sau này lớn lên đi đâu nghe ai đó đọc tên mình dõng
dạc, đều giật mình nhớ lại Thầy xưa.
Có lần ông cho bài tập, dặn ai mà giải đáp
đúng 15 câu thì sẽ được thưởng, có tên nào đó vặn vẹo trả treo “rủi Thầy cho 14 câu rồi lấy đâu ra 15 đáp số?”
ông nhíu mày đăm chiêu giây lát và nhẹ nhàng nói với nó “Ông ơi, nên nhớ đây là trường học chứ không phải trường đời, đã là trường
học thì không có chuyện lừa đảo gian trá, nhớ chưa!” dĩ nhiên sau đó thì thằng
nhỏ bị véo đã đời cho chừa cái tật théc méc, không
hiểu sau này có bao giờ hắn nhớ lại Thầy xưa và thấm
thía mùi đời với những lọc lừa giả dối!
Sau75, hầu
hết những ông Thầy có liên quan ít nhiều đến chế độ cũ đều bị đi cải tạo và
đương nhiên là mất ..nghề dạy, Thầy Thạnh cũng không ngoại lệ trong trường hợp
này, học trò xót ruột thương Thầy và Thầy ra tù cũng
không muốn về nhà ở SG nữa, mặc dù gia đình nóng ruột nóng gan vì đứa con trai
quý tử, Thầy cất một cái chòi lá ở ven đường, kèm tụi học trò luyện thi đại học,
đứa đem rau cải, cá mắm, gạo muối tới nấu cơm thầy trò cùng ăn, mấy thằng con
trai tối ngũ với Thầy, cái tình Thầy trò thắm thiết trong đoạn đời gian khổ đó.
Hôm về SàiGòn, gặp lại Thầy
cũ bạn xưa, kể lể vui buồn đủ thứ chuyện, đang nói chợt Nguyễn Hồng Sơn kéo ghế xích lại gần Thầy Thạnh.. “Thầy
nhéo lổ tai em đi thầy, lâu quá không được Thầy nhéo, em cũng nhớ!” ông Thầy
bật cười vì ý muốn hơi bất thường này, nhưng tôi biết ông rất vui vì có đứa còn
nhớ kỹ niệm thời đi học, còn nhớ Thầy dù thời gian biền biệt mấy mươi năm…Tấm
hình nhéo tai được chụp và đưa lên mạng, Ngọc Thạch coi xong kêu lên “Chời ơi! thấy Ổng còn mạnh khỏe, phong độ là
tui mừng hết lớn”
Năm tiểu học
không nhớ gì hết vì còn quá tẻo teo, năm đại học thì cũng chẳng có kỹ niệm gì
đáng lưu lại trong bộ nhớ vì quá nhiều âu lo bận bịu trước ngưỡng cửa vào đời,
chỉ có thời gian êm đềm nhất là 6 năm trung học ăn chưa no, lo chưa tới “em còn khờ dại ngây thơ quá , chỉ biết yêu
thôi chả nghĩ gì!” Bởi vậy mới có chuyện để nhớ hoài, còn nhiều nhiều nữa những ông Thầy thân
yêu mà trong khuôn giấy hạn hẹp không thể ghi nhớ hết mọi câu chuyện
vui buồn bên trong cửa lớp, nhưng tất cả đều là kỹ niệm đẹp khó phai
Được học
nhiều Thầy Cô, có nhiều bạn bè mới cũ hàng năm, Thầy Cô ví như ông lái đò đưa biết
bao nhiêu lượt khách qua sông, ông lái đò chỉ nhớ loáng thoáng vài ba khách
(quên trả tiền đò) nào đó thôi chớ làm sao nhớ hết, học trò cũng có đứa quên đứa
nhớ hình ảnh Thầy xưa…Bài viết này như một tấm lòng tri ân tưởng nhớ đến tất cả
những Thầy Cô đã dạy ở trường Hoàng Diệu từ trước 1975, những ông lái đò ngày xưa bây giờ đều buông
tay chèo mệt mỏi, kiến thức tâm huyết Thầy đã truyền bí kíp cho lũ
học trò, có đứa thành danh có đứa thành thân, họa hoằn cũng có tên
bạc đầu còn khờ dại long đong, nhưng cả Thầy lẫn trò cái tình Hoàng
Diệu vẫn luôn giữ trong lòng dù dòng đời mãi trôi và những cơn sóng
đời biến động, gần 50 năm rồi ta vẫn nhớ bạn cũ trường xưa, nhớ
từng góc phố thân quen, từng con đường phượng đỏ, kỹ niệm học trò
thời mới lớn ngẩn ngơ mơ mộng buổi tan trường, cho dù bây giờ những cánh chim bạc đầu lạc loài, xa
xứ nhưng vẫn luôn nhớ về tổ ấm một thời, nơi bình yên chim hót ngày xưa.
Và Thầy ơi xin
mãi có mặt trong buổi điểm danh vào lớp để lũ học trò còn được
dịp gọi Thầy ơi!
Ngọc Ánh